Trong một quận nhỏ phía đông Washington, các con đường chạy ngoằn nghèo một cách điên dại, cắt quãng thành những dải nhỏ gọi là "vùng". Những "vùng" này lọt thỏm trong những góc và đường cong kì lạ. Một con đường cắt ngang với chính nó một hai lần. Một họa sĩ đã có lần khám phá là con đường có thể có giá. Ví dụ như khi một nhân viên thu ngân cầm hoá đơn của màu vẽ, giấy và vải, sau khi đi dọc theo con đường này bỗng thấy mình đã đi vòng lại chỗ cũ mà không hề thu được một xu nào cả!
Thế nên đám họa sĩ chẳng bao lâu đã kéo đến phường Greenwich, săn lùng phòng thuê có cửa sổ thông ra hướng Bắc, góc mái kiểu thế kỉ XVIII, gác lửng kiểu Hà Lan, và giá thuê lại rẻ. Sau đấy họ mang vào vài lọ hợp kim thiếc, một hai cái chảo nấu ăn dã chiến, và thế là một "quần cư" hình thành?
Hai cô Sue và Johnsy cùng thuê chung một căn phòng đơn giản ở tầng trên cùng một tòa nhà ba tầng lụp xụp. "Johnsy" thực ra là một tên thân mật của California. Họ đã gặp nhau tại một hiệu ăn trên đường Số Tám, và khám phá ra là họ có những sở thích tương đồng về nghệ thuật, rau diếp xoắn trộn giấm, và thời trang với tay áo giám mục. Thế là họ cùng thuê chung một căn phòng.
Đấy là vào tháng năm. Vào tháng mười một, có một kẻ ngoại nhập mang theo giá lạnh nhưng vô hình mà các bác sĩ gọi là viêm phổi, rình rập trong quần cư, móng vuốt giá băng quệt vào đây đó. Tên giặc đã ngang nhiên hoành hành khu phía đông, hạ gục nhiều nạn nhân, nhưnh hắn mới chỉ đặt chân chầm chậm qua các lối ngõ như bàn cờ của mấy "vùng" nhỏ hẹp phủ đầy rêu.
Bạn sẽ không xem Thần Viêm Phổi như một quân tử già đầy hào hiệp. Người con gái nhỏ vốn đã mất máu vì những trận gió ở California thì lẽ ra không đáng cho một kẻ bất tài già nua bận tâm đến. Nhưng hắn đã tấn công Johnsy. Thế là cô nằm bẹp, không mấy cử động, trên chiếc giường sắt, xuyên qua khung cửa sổ kiểu Hà Lan nhìn ra bức tường trơ trụi của căn nhà gạch kế bên.
Một buổi sáng, vị bác sĩ đầy bận rộn mời Sue ra hành lang. Ông đang vẩy nhiệt kế thăm bệnh để mực thủy ngân trong đó hạ xuống.
- Cơ may khỏi bệnh của cô ấy áng chừng chỉ một phần mười. Và cơ may này là tùy vào việc cô ấy có ý chí muốn sống hay không. Với cách con bệnh chỉ ngóng chờ công ty mai táng đến thì sách thuốc nào cũng vô dụng. Cô bạn nhỏ của cô đã bị ám ảnh là cô ấy sẽ không qua khỏi. Cô ấy có ý định gì không?
- Chị ấy... chị ấy muốn có ngày nào đó vẽ tranh phong cảnh vịnh Naples.
- Vẽ tranh à? Thật điên rồ! Cô ấy có bận tâm nặng nề gì không, chẳng hạn về một người đàn ông nào đó?
Cô Sue khịt mũi:
- Một người đàn ông à? Một người đàn ông thì có thể... mà không, bác sĩ ạ, không có chuyện như thế.
- Thế thì do cô ấy quá yếu rồi. Tôi sẽ cố làm mọi cách mà khoa học cho phép. Nhưng mỗi khi con bệnh của tôi bắt đầu nhẩm tính số lượng xe trong chuyến đưa đám của họ thì xem như hiệu lực của thuốc men chỉ còn một nửa. Nếu cô có cách khiến cho cô ấy hỏi han cô về thời trang mùa đông thì tôi có thể đoán chắc cơ may là một phần năm thay vì là một phần mười - Vị bác sĩ nói.Sau khi vị bác sĩ đi khỏi, Sue đi vào phòng vẽ và khóc cho đến khi cái khăn giấy Nhật tơi tả thành bột giấy. Rồi cô đường bệ đi vào phòng của Johnsy với cái giá vẽ miệng huýt sáo một dân ca Mỹ rộn ràng.
BẠN ĐANG ĐỌC
Chiếc Lá Cuối Cùng~O.Henry
Short StoryĐây là một truyện ngắn đầy ý nghĩa đồng thời rất thực tế. Nó nói về tình cảm giữa người với người, đơn giản nhưng cảm động.Câu chuyện khiến cho người đọc phải suy nghĩ về cách con người đối xử với nhau trong xã hội.