Johnsy vẫn nằm bẹp, xem chừng không động đậy chút nào dưới tấm vải giường, mặt hướng về cái cửa sổ. Sue ngưng huýt sáo, nghĩ là bạn đang ngủ. Cô sắp xếp giá vẽ và bắt đầu dùng viết và mực để vẽ hình minh hoạ cho một truyện để đăng trong một tạp chí. Trong khi các họa sĩ trẻ tuổi phải dọn đường cho hội họa bằng cách vẽ tranh cho truyện ấy để dọn đường cho văn chương. Khi Sue đang phác họa cái quần bảnh bao và gọng kính một tròng của một anh hùng - một tay cao bồi bang Idaho, cô nghe một tiếng nho nhỏ, lặp lại vài lần.
Cô vội đi đến bên mép giường. Johnsy đang mở mắt, nhìn ra cửa sổ, và đang đếm, đếm ngược: "mười hai " và ít lâu sau : " mười một ", và sau đấy " mười ", rồi " chín " rồi " tám " và " bảy " gần như liền nhau. Sue nhìn chăm chú bên ngoài cửa sổ. Có gì ngoài đấy đâu mà đếm? Chỉ có một khoảng sân trống buồn nản, và bức tường trơ trụi của một căn nhà gạch xa hơn chừng mười thước. Một dây thường xuân thật già cỗi, gốc vặn vẹo mục nát, leo đến giữa bức tường gạch. Ngọn gió thu lạnh đã làm rơi rụng đám lá, phơi đầy các nhánh gần như trơ trụi bám vào mấy mảng gạch vụn vỡ. Sue hỏi:
- Cái gì vậy hở bồ?
Johnsy nói gần như thì thầm:
- Sáu. Bây giờ rơi nhanh quá. Ba ngày trước còn gần cả trăm, đếm muốn nhức đầu. Nhưng giờ thì dễ rồi. Thêm chiếc nữa. Giờ chỉ còn lại năm.
- Năm cái gì, nói cho Sue của bồ nghe nào?
- Năm chiếc lá. Trên cây thường xuân. Khi chiếc lá cuối cùng rụng thì mình cũng sẽ ra đi. Mình đã biết như thế ba ngày nay rồi. Bác sĩ không nói cho bạn biết à?
Sue càu nhàu, với giọng khinh miệt cao quý:
- Ô hay! Mình chưa bao giờ nghe có chuyện điên khùng như vậy. Mấy cái lá thường xuân thì có liên hệ gì đến việc bồ khỏi bệnh đâu nào? Và bồ vẫn thích cái cây này, cô nàng hư đốn ơi! Đừng có ngốc nghếch. Sáng nay ông bác sĩ nói với mình là cơ may của bồ khỏi bệnh hẳn...xem ông ấy nói gì nào...ông ấy nói cơ may chính xác là mười trong một! Đấy cũng bằng với cơ may chúng mình có cơ hội đi New York để đáp tàu điện hay đi qua một tòa nhà mới. Bây giờ ăn một tí cháo, rồi mus ít rượu vang Poóc- tô cho cô bé đang bệnh, và thịt lợn do chính tác giả ăn.
Johnsy vẫn dán mắt ra ngoài cửa sổ:
- Không cần phải mua rượu vang. Thêm một chiếc nữa. Không, mình không muốn ăn cháo. Thế là còn bốn lá. Mình muốn xem chiếc lá cuối cùng trước khi trời tối. Khi ấy mình cũng sẽ ra đi.
Sue nghiêng mình trên cô:
- Johnsy ơi, bồ có thể hứa nhắm mắt lại và không nhìn ra ngoài cửa sổ khi mình làm việc được không? Ngày mai mình phải đi giao mấy bức vẽ. Mình cần ánh sáng, nếu không mình phải kéo rèm xuống.
Johnsy hỏi, giọng lạnh tanh:
- Bạn có thể vẽ trong phòng kia được không?
- Mình muốn ở kề bên bồ. Hơn nữa mình không muốn bồ cứ nhìn mãi mấy chiếc lá thường xuân vô duyên đó.
- Cho mình biết khi nào bạn làm xong, vì mình muốn xem chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Mình chán chờ đợi rồi. Mình chán suy nghĩ. Mình muốn buông xuôi tất cả, và thả người trôi xuống, xuống nữa, như là một trong mấy chiếc lá mệt mỏi kia.
Johnsy nhắm mắt lại, mặt tái nhợt, nằm yên như là một cái tượng bị sụp đổ.
- Ráng ngủ đi. Mình muốn kêu ông Behrman lên để ngồi mẫu cho mình vẽ một ông thợ mỏ già cô độc. Mình chỉ đi một phút. Đừng cựa quậy cho đến khi mình trở lại.
BẠN ĐANG ĐỌC
Chiếc Lá Cuối Cùng~O.Henry
Cerita PendekĐây là một truyện ngắn đầy ý nghĩa đồng thời rất thực tế. Nó nói về tình cảm giữa người với người, đơn giản nhưng cảm động.Câu chuyện khiến cho người đọc phải suy nghĩ về cách con người đối xử với nhau trong xã hội.