Chương 1. Học tiếng Anh để rửa mối hận "bác cả năm"

697 1 0
                                    

  Thời cấp I (Từ tháng Chín năm 1991 đến tháng Bảy năm 1996)"Water Spirit - Tinh thần của nước1

Rất tiếc! Hình ảnh này không tuân theo hướng dẫn nội dung. Để tiếp tục đăng tải, vui lòng xóa hoặc tải lên một hình ảnh khác.

  Thời cấp I
(Từ tháng Chín năm 1991 đến tháng Bảy năm 1996)
"Water Spirit - Tinh thần của nước
1. Lúc nào cũng có thể tìm được đường ra.
2. Khi gặp trở ngại, sẽ tập trung mọi sức lực để vượt qua.
3. Kiên trì bền bỉ chảy mãi cho tới đích."
Bố mẹ đặt cho tôi tên mụ là Diễm Diễm, chữ diễm có nghĩa là sắc thái tươi tắn hay xinh đẹp. Có lẽ, bố mẹ đặt cho tôi tên này với hy vọng tôi sẽ là một cô gái ngoan ngoãn, dịu dàng và xinh đẹp từ tấm bé. Ước muốn của bố mẹ thật đẹp, tiếc rằng tôi lại khác xa với những gì họ mong đợi. Thuở nhỏ, tôi để lông mày ngang, tóc ngắn, người gầy nhom như con khỉ, trước năm mười tám tuổi, tôi chưa từng mặc váy. Phạm vi hoạt động của tôi chỉ gói gọn trong phòng, trên cây và khu vực xung quanh cánh cửa sắt ngoài cổng nhà mà thôi. Nếu bạn quay ngược thời gian trở về những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, và tình cờ bắt gặp tôi, chắc hẳn trong đầu bạn sẽ hiện ra ba từ khóa: "Con bé điên", "Tomboy", "Chuyên gia gây rối". Hồi đó, tôi có rất nhiều ước mơ ngớ ngẩn như, tôi ước sau này mình sẽ trở thành một nữ trinh sát chuyên điều tra các vụ án ly kỳ, một nữ phi hành gia có thể bay vào vũ trụ, cũng có khi tôi ước mình là một nữ hiệp khách, hành hiệp trượng nghĩa, cướp của người giàu chia cho người nghèo. Có điều, tôi chưa bao giờ ước mình "trở thành một cao thủ học tiếng Anh".
Thật lòng mà nói, hồi còn bé tí ti, tôi căn bản chẳng biết gì về sự tồn tại của những áp lực đến từ tiếng Anh. Hồi tôi học tiểu học, cuộc sống của mọi người vẫn còn nhiều bế tắc, chưa có máy tính, chưa có mạng internet, ngay đến những thứ tương tự như điện thoại di động cũng không có. Vả lại, lúc đó, tư tưởng của tôi cũng rất ấu trĩ, tôi luôn cho rằng tiếng Hán là ngôn ngữ duy nhất, cho rằng Trung Quốc là cả thế giới này. Tôi nhớ một hôm nào đó vào năm lớp Một, tan học trở về nhà, tôi chăm chú xem tivi chiếu một đoạn quảng cáo xà bông, trong đoạn quảng cáo đó có một cô gái phương Tây xinh đẹp, tóc vàng, mắt xanh, dáng cao. Vừa nhìn thấy cô ấy, tôi bỗng cảm thấy ngạc nhiên, khó hiểu: "Ơ, trông cô này chẳng giống người bình thường!" Cô gái nằm trong bồn tắm, lấy tay hớt nhẹ những cụm xà bông trắng muốt mê hoặc, cuối chương trình, cô nhìn vào đám xà bông mềm mại, buông một câu "I love you". Tôi quay ngay sang hỏi mẹ: "Cô ấy vừa nói gì vậy mẹ?" Mẹ đáp: "Cô ấy nói tiếng Anh con ạ." Tôi rối rít hỏi tiếp: "Tiếng Anh là tiếng gì hả mẹ?" Mẹ bảo tôi, tiếng Anh là ngôn ngữ chính của các nước phương Tây. Nghe đến đây, tôi bị chấn động ngay tức khắc: "Ồ, thì ra trên thế giới còn có một loại ngôn ngữ khác, gọi là tiếng Anh cơ đấy..."
Nếu đổi lại là những đứa trẻ có chí tiến thủ cao – khi bắt gặp tình huống này, chắc chắn chúng sẽ cảm thấy vô cùng hiếu kỳ, các tế bào não bị kích thích khao khát đi tìm hiểu tri thức, rất có thể còn châm lên nhiệt tình học tiếng Anh trong con người chúng. Song, thuở nhỏ tôi không những nghịch ngợm mà học hành cũng chẳng đến nơi đến chốn, lúc nào cũng chỉ mong giảm thiểu tối đa việc học. Hễ nghe đến những chủ đề uyên bác như "một ngôn ngữ khác" là tôi lại tảng lờ như không biết. Thế nên, sau khi nghe mẹ phổ cập kiến thức liên quan đến ngoại ngữ, tôi lập tức chạy biến ra khỏi nhà, cùng mấy người bạn nhỏ của mình ở trong sân chơi trò "thám hiểm".
Trường tiểu học thực nghiệm của chúng tôi hồi đó chủ yếu thực hiện hai chế độ giảng dạy: Một là chia chế độ giáo dục nghĩa vụ chín năm thành năm năm tiểu học và bốn năm trung học, phân biệt với chế độ giáo dục phổ thông bao gồm sáu năm tiểu học và ba năm trung học; hai là bắt đầu triển khai giảng dạy môn tiếng Anh trong nhà trường từ năm lớp Ba tiểu học. Lúc đó, địa phương tôi còn đi đầu trong việc áp dụng chế độ giáo dục này, mọi người đều cho rằng đây là một việc hết sức mới mẻ. Còn tôi mơ mơ hồ hồ chẳng hiểu thế nào là thực nghiệm, thế nào là giáo dục, hoàn toàn không có chút hứng thú. Tôi chỉ biết, bắt đầu từ năm lớp Ba có một môn học thường xuyên xuất hiện trên lịch học của tôi, là: Tiếng Anh. Quá trình học tiếng Anh kéo dài suốt mười lăm năm của tôi cũng bắt đầu từ đây.
Lúc mới bắt đầu học tiếng Anh, tôi chẳng nhớ gì đến đoạn quảng cáo xà bông năm nào. Tôi nhìn chòng chọc cuốn sách tiếng Anh, bên trong chi chít những chữ như con sâu róm, hoàn toàn lạ lẫm. Mỗi buổi lên lớp, thầy giáo nghiêm túc dạy chúng tôi cách sử dụng tiếng Anh, đọc các chữ số Ả Rập, chào hỏi và hỏi đường như thế nào, vậy mà tôi chẳng tập trung nghe giảng, có điều sự mất tập trung ấy cũng đều liên quan đến tiếng Anh. Tôi tốn rất nhiều thời gian suy nghĩ hai vấn đề: Một là, tôi là người Trung Quốc sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tôi không tới nước Anh, cũng không nói chuyện với người Anh (lúc đó tôi cứ nghĩ, chỉ có người Anh mới nói tiếng Anh), tại sao tôi nhất định phải học tiếng Anh; hai là, vào cái thời xa lắc xa lơ của nhân loại, dịch giả Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử làm sao biết apple trong tiếng Anh tương đương với quả táo trong tiếng Hán?
Nhưng, bất luận là tôi phân tâm, phá rối, nằm ngủ hay chuyền giấy trong giờ học, thì môn tiếng Anh vẫn cứ tồn tại. Cho nên, tôi cũng xác định sẵn là mình sẽ phải chịu sự "hành hạ" của các loại bài tập và thi cử môn tiếng Anh. Tôi nhớ trong một lần thi cuối kỳ môn tiếng Anh, thầy giáo đọc số điện thoại bằng tiếng Anh, yêu cầu chúng tôi nghe xong rồi viết lại. Tôi đoán mò ra mấy dãy số đầu, hí hoáy viết, cũng chẳng biết là đúng hay sai. Đến dãy số cuối, thầy giáo nâng cao độ khó của "trò chơi". Thầy không đọc từng chữ số như trước nữa, mà đọc double five. Tôi nhẩm tính trong đầu: "Five là năm, chắc chắn không sai. Nhưng từ đứng trước nó là từ gì nhỉ? Nghe có vẻ giống 'dabo', chẳng nhẽ là... 'bác cả năm'?"
Không cần nghĩ cũng biết, điểm thi lần đó rất tệ, việc này tạo thành vết thương nặng nề trong tâm hồn còn non nớt của tôi. Thuở nhỏ, tôi rất thiếu bình tĩnh, tôi không kiềm chế được cảm xúc của mình mỗi khi được biểu dương, càng không kiềm chế được cảm xúc của mình mỗi khi bị đả kích, tôi thuộc tuýp người có được một chút thành công thì không còn biết trời cao đất dày là gì, còn chịu một chút thất bại thì chán nản ê chề. Sau vết thương "bác cả năm", tôi ngầm thề: Từ nay về sau mình không bao giờ thèm động vào tiếng Anh nữa!
Mấy lần thi cử sau đó, thành tích của tôi ngày một xuống dốc. Mẹ thấy điểm số môn tiếng Anh của tôi không những không tiến bộ, ngược lại còn thụt lùi, bèn kiên quyết đăng ký cho tôi một lớp học thêm tiếng Anh vào kỳ nghỉ đông năm lớp Bốn. Lúc đó, trong lòng tôi vẫn có một "chân lý" vĩnh viễn không thay đổi: Chỉ có đứa dốt mới đi học thêm. Nên khi mẹ bắt tôi đi học thêm, tôi cảm thấy trời sắp sập đến nơi rồi. Nhưng dù tôi chống đối thế nào, thì cũng chỉ là châu chấu đá xe, cho nên cuối cùng tôi đành phải miễn cưỡng nhận lời mẹ, đi vào con đường học thêm tiếng Anh.
Cô giáo lớp học thêm lúc đó thuê một phòng học nhỏ trong trường đại học để làm lớp học. Mùa đông, bên ngoài gió thổi từng cơn, trời lạnh cắt da cắt thịt, ngay cả ở trong phòng cũng không thấy ấm, cô giáo bắc một cái bếp lò sưởi ấm cho tụi học trò chúng tôi. Bước vào lớp, tôi chui tọt xuống góc cuối, kéo khăn quàng cổ che kín mặt chỉ để hở mỗi hai con mắt, vì không muốn mọi người nhận ra một học sinh ghép lớp học kém là tôi đây. Lúc đó, cả lớp đang học bài, tôi phải suy nghĩ mất một lúc lâu mới hiểu ra, chủ đề ngày hôm ấy là học cách biểu đạt màu sắc bằng tiếng Anh. Đến giờ luyện tập, cô giáo cho chúng tôi luân phiên nói chiếc áo khoác mình đang mặc trên người có màu gì. Tôi nghĩ bụng: "Thôi, chết mình rồi, lượng từ vựng của mình, ngay đến 'dabo' cũng chẳng biết là gì, vậy thì làm sao biết được màu gì với màu gì!" Tuy không biết từ biểu thị màu sắc, nhưng được cái tôi lại giỏi bắt chước. Vì vậy, mỗi lần đến phiên tôi, nghe bạn đằng trước nói thế nào, tôi liền bắt chước nói thế ấy. Mặc dù phát âm không chuẩn, phản ứng chậm, nhưng ít ra tôi cũng qua được mấy vòng. Đến lượt cuối cùng, bạn đằng trước nói black, tôi cũng nói theo "bờ-lai-cờ". Tôi vừa mới dứt lời, cả lớp đã im phăng phắc, cô giáo lộc cộc đi đến chỗ tôi, dịu dàng nhìn cô học trò nhỏ rồi đưa ánh mắt lướt qua chiếc áo khoác của tôi, hỏi: "Em xác định chiếc áo đang mặc trên người em có phải màu đen không?" Tôi cúi đầu nhìn, tất nhiên là không phải màu đen rồi, quá đau khổ. Kết thúc tiết học đầu tiên, tôi buồn rười rượi, thầm nghĩ: "Thế là mình vừa để lại một ấn tượng đầu tiên 'tốt đẹp' ở trong lòng mọi người rồi, thể nào các bạn cũng nghĩ – con chim ngu ngốc vừa mới tới đó, chẳng những phản ứng chậm chạp, lại còn mù màu nữa chứ."
Cô giáo lớp học thêm của chúng tôi họ Trương, cô là một người dịu dàng, đoan trang, lại nhiệt tình, rộng rãi. Mẹ bảo tôi, cô Trương lúc đó mới ngoài ba mươi tuổi nhưng đã từng đi du học bên Anh, chuyên ngành phương pháp giảng dạy Anh văn theo ngữ cảnh. Sau khi học xong, cô về nước, một mình đứng ra mở lớp học thêm này. Phương pháp dạy học của cô Trương quả là có chỗ độc đáo, trước sau cô không bao giờ ép chúng tôi học từ vựng, đọc bài khóa. Ngược lại, cô luôn mượn rất nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống để chúng tôi tự vận dụng các câu thoại tiếng Anh, học từ vựng và cấu trúc câu qua hình thức đóng vai cho các bạn xem. Mặc dù hồi nhỏ, tôi bướng bỉnh nghịch ngợm, nhưng trí nhớ của tôi rất tốt, học cái gì cũng rất nhanh, phương pháp học tập thú vị này ngay lập tức tạo cho tôi sự hứng thú, tự nhiên tôi nhớ toàn bộ những gì được học trong quá trình tham gia trò chơi đóng vai. Trong một thời gian ngắn, thành tích của tôi nhanh chóng vượt qua các bạn cùng lớp học thêm. Cô Trương còn khen ngợi làm tôi cảm thấy có động lực vô hạn.
Cũng nhờ những kiến thức học được từ lớp học thêm, thành tích môn tiếng Anh của tôi ở trường học cũng được nâng cao chút ít. Không biết từ lúc nào, tôi lại thích tiếng Anh mất rồi. Giờ nghĩ lại, cảm giác lúc đó cũng không hẳn là "thích", mà đúng hơn là "bản thân mình cảm thấy tốt" thôi, bởi lúc đó mục tiêu duy nhất để tôi cố gắng học tập chính là muốn rửa "mối hận dabo" trong kỳ thi cuối kỳ năm ấy. Ba năm tiểu học từ lớp Ba cho đến lớp Năm là thời gian mở mang con đường học tiếng Anh của tôi, còn cô giáo Trương của lớp học thêm trở thành người thầy đầu tiên làm tôi thay đổi trên con đường này.
Tốt nghiệp tiểu học, tôi lơ ngơ bước vào cấp II, mang theo hành trang là điểm lên lớp không mấy xuất sắc, tính cách bướng bỉnh tinh quái và cái tên tiếng Anh là Joy, do cô giáo Trương đặt cho tôi. Chào đón tôi là người thầy thứ hai làm tôi thay đổi, cùng với cuộc sống bốn năm trung học cơ sở – ngây thơ, dại dột.   

Săn học bổng - ( Vương Quyền)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ