194, 211
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢNG NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 4 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang
Tập 1
Thưa chư vị pháp sư, chư vị đại đức, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống.
Ngày hôm nay nhằm tiết Thanh Minh Âm lịch, chúng tôi chọn ngày hôm nay để bắt đầu giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa. Đối với mọi người, danh xưng này dường như rất xa lạ, nhưng các vị đồng tu đã lâu trong nhà Phật biết Tịnh Độ Đại Kinh là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ hiện thời có chín phiên bản khác nhau, bản được chúng tôi chọn lựa chính là bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Sắp theo thứ tự triều đại trước sau, bản này là bản cuối cùng, là bản thứ chín. "Giải" (解) là chú giải, do đệ tử cụ Hạ là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chú giải. Duyên khởi này cũng rất chẳng thể nghĩ bàn! Trong giáo pháp Đại Thừa, cũng như trong Phật môn, [mọi người] đều cảm thấy kinh Vô Lượng Thọ rất hy hữu. Vì sao? Vì thuở đức Thế Tôn tại thế, giảng kinh, dạy học suốt bốn mươi chín năm; trong bốn mươi chín năm, Ngài đã giảng khá nhiều kinh luận, [các kinh luận khác] lão nhân gia chỉ giảng một lần, chẳng hề giảng trùng lặp, chỉ riêng kinh Vô Lượng Thọ được giảng trùng lặp mấy lượt. Đối với sự phiên dịch tại Trung Quốc, từ Dịch Kinh Mục Lục, chúng ta thấy kinh này có mười hai bản dịch, được phiên dịch nhiều lần nhất. Từ triều Hán cho đến triều Tống, trong vòng tám trăm năm, dịch mười hai lần. Lẽ đương nhiên, nếu cùng một bản gốc, tuy có nhiều bản dịch, đương nhiên văn tự trong các bản dịch ấy khác nhau, nhưng nội dung chắc chắn là đại đồng tiểu dị. Như kinh Kim Cang có sáu bản dịch, từ Đại Tạng Kinh, chúng ta có thể thấy sáu bản dịch ấy có cùng một nguyên bản (bản gốc), cũng có nghĩa là đức Thế Tôn chỉ giảng [kinh Kim Cang] một lần. Kinh Vô Lượng Thọ rất lạ lùng, những bản dịch sai biệt rất lớn. Chỗ rõ ràng nhất, mà cũng là phần trọng yếu nhất trong kinh này, chính là bổn nguyện của A Di Đà Phật. Hiện tại, chỉ còn lại năm bản trong mười hai bản dịch, đã thất truyền bảy bản. Hiện thời, trong Đại Tạng Kinh có mục lục [ghi tựa đề của các bản dịch ấy], nhưng không có văn bản. Đây là chuyện rất đáng tiếc nuối!
Trong năm bản dịch gốc còn được lưu truyền, hai bản ghi bốn mươi tám nguyện, hai mươi bốn nguyện cũng được ghi trong hai bản, còn bản dịch đời Tống chép ba mươi sáu nguyện, sai biệt quá lớn! Nếu bảo nguyên bản chỉ có một loại, chắc chắn không thể nào có sự sai biệt này. Đó là chuyện chẳng thể xảy ra được! Do vậy, từ chỗ có ba loại bổn nguyện sai biệt, cổ đại đức phán đoán: Đối với bảy bản dịch đã thất truyền, do không biết nội dung [nên chẳng dám bàn tới], từ năm bản dịch này, khẳng định đức Thế Tôn tối thiểu giảng [kinh Vô Lượng Thọ] ba lần. Ba lượt nói bổn nguyện của A Di Đà Phật, đức Thế Tôn nói các điều nguyện không giống nhau, nên mới có sai biệt. Dự đoán này rất hợp la-tập (logic), bọn chúng ta cũng đều có thể chấp nhận. Nhiều lần tuyên giảng đâu phải dễ! Nếu không phải là hết sức trọng yếu, đức Thế Tôn chẳng thể tuyên giảng nhiều lượt. Trong Đại Tạng Kinh, gần như chẳng tìm được dấu vết [những bộ kinh khác] được tuyên giảng nhiều lần. Sở dĩ, thuở còn tại thế, đức Phật đã tuyên giảng bộ kinh này nhiều lần, vì đây là một bộ kinh vô cùng trọng yếu. Nhất là chúng ta thấy Thiện Đạo đại sư đã nói hai câu, ngài Thiện Đạo là người đời Đường, theo truyền thuyết Ngài là A Di Đà Phật tái lai, lời ngài Thiện Đạo nói chính là lời A Di Đà Phật nói! Ngài dạy: "Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải" (Sở dĩ đức Như Lai xuất hiện trong thế gian chỉ vì muốn nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà), có nghĩa là nói: Thập phương chư Phật thị hiện trong thế gian [chỉ vì nguyên nhân này]. Qua phẩm Hoa Tạng Thế Giới và phẩm Thế Giới Thành Tựu của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy vũ trụ quan của nhà Phật (Triết Học hiện đại bảo [nội dung những điều được nói trong hai phẩm kinh trên đây] là vũ trụ quan nhà Phật) quá lớn! Các nhà thiên văn học hiện thời chưa đạt tới cảnh giới này. Nói theo Phật giáo, sự quan sát và lý giải của các nhà thiên văn học vẫn chưa thể thoát khỏi thế giới Sa Bà.