Hôm nay, tôi có dịp trở lại trường. Khuôn viên trường, hàng cây, ghế đá, không gian thân thuộc ngày nào giờ đây được bao phủ bởi những diện mạo khác biệt, có chút xa lạ. Nhưng những cảm giác ngập tràn trong lòng tôi thì dường như theo năm tháng chưa bao giờ thay đổi. Tôi ra trường được hai năm và cũng đã hơn sáu năm qua đi kể từ cái ngày tôi bắt đầu bước chân vào mái trường này, mọi thứ như mới ngày hôm qua mà ngỡ như đã xa rất lâu rồi.
***
Buổi chiều của những ngày đầu đông, bên cạnh ánh nắng vàng ươm dịu dàng, từng cơn gió lạnh vẫn lảng vảng thi thoảng len lỏi qua tán lá, đâm xuyên qua lòng người chất đầy tâm sự, tê tê và nhoi nhói một nỗi nhớ khó tả thành lời, như tô đậm lại những kỷ niệm, làm dày thêm một khoảng lặng trầm buồn. Tôi vô thức đưa mắt bao quát nhìn khung cảnh trước mặt, nén một hơi thở dài, chính nơi đây đã ghi dấu tuổi thanh xuân của chúng tôi! Những lối mòn quanh vườn trường, vườn cỏ xanh đã không còn nữa, thay vào đó là những viên gạch lát đường màu hồng đất được ghép nối thẳng hàng và vuông vức. Từng đường vân không cầu kỳ kiểu cách, cũng chẳng vẽ vời uốn lượn nhiều. Chúng cứ như những móc xích nối với nhau chạy dài bất tận. Chỉ nhìn thoáng qua một góc cạnh rất nhỏ thế thôi, cảm nhận về ngôi trường ấy trong lòng tôi vẫn rất chân phương và giản dị như thế.
***
Dạo một vòng qua khu giảng đường, từ dãy nhà T1 tôi đi dọc theo hành lang qua T5, T4. Có phòng đang học, có phòng đang thi, phòng thí nghiệm, hệ đo, bảng phấn, máy chiếu, bàn ghế, cửa sổ, tiếng giảng bài vang vọng và những âm thanh loạt soạt nhỏ xíu của giấy vở. Tất cả như một thước phim quay chậm, từng cảnh một cứ nối tiếp nhau hiện về. Cảm giác bâng khuâng không rõ rệt cứ chợt đến rồi lại đi. Khi những gương mặt tươi trẻ ở trước mắt tôi không còn là hình ảnh của chúng tôi thuở ấy, tôi bị kéo về với hiện thực, giảng đường thân thương giờ đây ở ngay trước mắt mà như xa xôi không thể với tới được. Tôi tha thẩn để mặc đôi chân tự dẫn lối đưa đường, chậm rãi lên cầu thang bộ, từng bậc, từng bậc, tôi cứ đi theo quán tính, thả hồn mình trôi theo dòng hồi tưởng. Ngày ấy, lớp quốc tế vật lý chúng tôi thường học ở tầng năm của dãy nhà T3. Bốn mùa lưu lại đầy ắp những kỷ niệm, tôi vẫn nhớ những ngày mưa lai rai, gió nồm ẩm ướt, trần nhà dột nước lõm bõm từng giọt chảy xuống tong tong như giọt gianh. Những buổi thi mùa hạ, mồ hôi nhễ nhãi ướt nhẹp cả đề bài. Những ngày thu se se lạnh, lá bằng lăng nhuộm màu cam đỏ đổ ào ào từng đợt lá rơi ngoài cửa lớp. Những ngày đại hàn rét buốt, chúng tôi ngồi co ro nghe giảng đến hết tiết mười, bước ra khỏi phòng học, trời tối om, mưa phùn lất phất, cả lũ chúng tôi lẽo đẽo kéo nhau đi bộ về ký túc xá vì xe buýt bỏ bến giờ cao điểm... Tất cả những gì đã qua đi, tôi đều vẫn nhớ, chúng tôi đã trải qua những tháng ngày gian nan nhất bên ghế giảng đường cùng nhau, cùng thầy cô, cùng những cuốn giáo trình dày cộp và cũ kỹ.
***
Khi tôi chợt giật mình như bừng tỉnh mộng thì nhận ra bản thân đang đứng trước cửa một phòng học. Thầy đang giảng bài, tôi luống cuống cúi đầu chào thầy rồi tiếp tục đi dọc hành lang. Là thầy, một người thầy như bao người thầy trong trường, trong khoa mà tôi vẫn nhớ. Những năm về trước, tôi không nhớ chính xác đó là buổi hôm nào, có lẽ là học kỳ hai của năm thứ ba. Cùng không gian, khác thời điểm, khi ấy, ngồi bên dưới bục giảng kia đã từng là chúng tôi. Thầy say sưa với bài giảng, viết hết lượt bảng này lại xóa, rồi lại viết tiếp, rồi lại xóa, rồi lại viết, dòng chữ, con số, ký hiệu, phương trình phủ kín mặt bảng, và cũng dày đặc trong từng trang vở ghi chép của chúng tôi. Những hạt bụi phấn lấm tấm trắng nhè nhẹ rơi, đậu trên mái đầu thầy tóc bạc phơ, hình ảnh ấy khắc sâu trong tâm trí tôi. Thầy của chúng tôi, đã bao năm qua đi, chúng tôi cứ lần lượt nối tiếp mỗi lứa học trò, đến rồi đi, nhập học rồi tốt nghiệp, chỉ có thầy vẫn thế, lặng lẽ, bền bỉ, và yêu nghề. Tôi thấy sống mũi mình cay cay, cảm giác xúc động đan xen cùng sự nuối tiếc và một chút mất mát như một tảng đá chìm sâu đè nặng ở trong lòng. Thời gian trôi sao nhanh quá! Bài giảng ấy từng thuộc về chúng tôi, phòng học ấy từng ngập tràn những tiếng nói cười và hơi thở đầy nhiệt huyết của chúng tôi trong những tháng ngày rực rỡ nhất thời sinh viên. Giờ đây không còn nữa, bạn bè giờ đang ở nơi đâu? Thầy liệu còn nhớ đã từng dạy tôi không? Tôi lặng lẽ nuốt xuống một tiếng thở dài.
***
Giờ đây, tôi được thấy từng tốp sinh viên đang tập nhảy hiện đại, nhảy flash mob khỏe khoắn và sôi động ở sảnh T1; từng nhóm ngồi quây quanh ghế đá dưới tán cọ trao đổi bài rì rầm trong vườn trường; mấy em sinh viên đi giữa nhà xe; những em đang ngồi học trên giảng đường chăm chú nghe giảng mái đầu nghiêng nghiêng bên trang sách; các em sinh viên cần mẫn siêng năng như chú ong thợ đang thực hành trong những phòng thí nghiệm; hay đâu đây là những cô cậu đang thơ thẩn một mình lang thang giữa khoảng sân chung và trên con đường nối liền giữa hai trường đại học Tự Nhiên và Nhân Văn. Tôi thích hưởng thụ cái cảm giác này, chỉ cần nhìn ngắm thôi tôi cũng thấy rất mãn nguyện.
***
Mỗi chúng tôi, người đã tốt nghiệp, người đi du học, hay những con người ngày ngày tất bật bơn chải với cuộc sống mưu sinh, bị dòng đời cuốn trôi ra mãi xa, không có lấy một giây ngưng nghỉ, không có lấy một khắc thảnh thơi. Mỗi cuộc đời mỗi khác, mỗi cựu sinh viên mang một nỗi niềm riêng biệt. Nhưng tôi tin họ cũng sẽ giống như tôi, sẽ cảm thấy ngọt ngào và hạnh phúc khi đứng giữa nơi đây ngắm nhìn những đổi thay của ngôi trường, lặng lẽ thì thầm hai tiếng: "trường tôi" và tìm thấy được hình ảnh xưa cũ của mình trong những em sinh viên kia. Để một lần nữa như được sống lại cái tuổi hai mươi trẻ trung, vui tươi, vô tư, cũng đầy niềm tin và hoài bão.
***
Hồi ức như dựng lên một giá vẽ vô hình, tôi dùng cảm xúc của trái tim để từng nét, từng nét phác họa bức tranh tuổi thanh xuân đã qua của chính mình.Ý Tuyết
YOU ARE READING
Kỷ niệm trường tôi
Short StoryMùa đông năm ngoái, mình đã viết truyện ngắn này như vài dòng tâm sự để tham gia hưởng ứng chương trình của hội cựu sinh viên tri ân các thầy cô, hướng về mái trường ĐH, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và ngày truyền thống của khoa.