Phía sau những ngày đẹp trời. trang hạ

235 2 0
                                    

Tôi có thói quen giữ lấy những tin tức báo chí, những hình ảnh sự kiện xảy ra vào đúng ngày các con tôi chào đời, tôi nghĩ khi các con tôi lớn lên, chúng sẽ hình dung được cuộc sống này ra sao ngày chúng được sinh ra. Tôi không dạy các con tôi ngoái lại quá khứ, tôi chỉ tặng chúng một món quà với hy vọng chúng không thờ ơ với cuộc đời này. Chúng sẽ nhìn cuộc sống như một dòng chảy không ngừng nghỉ mà có hôm qua mới có ngày hôm nay, xâu chuỗi những sự kiện và những con người để hiểu vì sao con người gắn bó với cộng đồng đến thế, bởi bao mối dây liên kết.

Thật buồn, hai đứa con trai của tôi khi nào biết đọc, sẽ chỉ đọc được những tin buồn thảm về xã hội. Một đứa chào đời ngay giữa cơn lụt lịch sử của Hà Nội năm 2008, phố biến thành sông, vó câu giăng dọc vỉa hè, người ngồi chậu nhựa để bơi đi chợ bằng đôi dép tổ ong. File mang tên con trong máy tính chứa đựng vô số câu hỏi về một thành phố người sống ở đây đã ngót nghìn năm mà vẫn còn long đong. Một đứa được sinh ra với những tin lũ lụt miền Trung 2010, và bức ảnh lưu niệm là hai cánh tay trẻ em đội ngói giơ lên cầu cứu đăng trên báo Tuổi Trẻ. File mang tên con chắc cũng gần giống một phóng sự thiên tai, và ngay cả những bức ảnh Đại lễ nghìn năm còn giữ, đông thì đông thật đấy, nhưng nhìn nét mặt người dân vẫn chỉ thấy vẻ nhớn nhác, thấp thỏm.

Hẳn chúng sẽ hỏi tôi, mẹ ơi sao mẹ toàn sinh chúng con vào giữa những đận thiên tai?

Tôi đã nghĩ câu trả lời từ bây giờ, tôi sẽ nói, không phải, chỉ là vào sau những ngày đẹp trời mà thôi. Có những cái giá phải trả cho ngày đẹp trời chứ, cuộc đời này điều gì mà không phải trả giá?

Nhưng tôi muốn nói để các con trai của tôi hiểu rằng, trong những bản tin thiên tai, người dân chết không phải là do ông trời giết, ông trời không phải là kẻ sát nhân hàng loạt như trong mọi báo cáo thiệt hại các ban ngành thường kết tội trời.

Em bé đâu phải đói và sợ dưới mái ngói nếu lũ không lên quá nhanh tới mức kinh hoàng, chỉ bởi công trình thủy điện nào đó chậm xả lũ tràn, chỉ bởi những kẻ nào đó vác cưa máy sang tận Lào để tận diệt rừng đầu nguồn chở về bán gỗ lậu? Người đàn ông đâu phải chết đuối giữa đường nhựa cho dù trời mưa to nước tràn kín mặt đường, nếu nắp cống ga không mất? Người mẹ đèo con gái đâu phải chết cho dù đi giữa cơn bão, nếu nắp cống hộp không cao so với mặt đường trơn đã lật bánh xe? Hay cô nữ sinh đâu phải mất xác nếu Bộ giáo dục có thông báo kịp thời cho các trường nghỉ học bởi thiên tai? Và bao giờ mới có bản tin thiên tai cập nhật rằng, mưa bao nhiêu mm thì công chức không nên tới công sở để đảm bảo an toàn, ngập bao nhiêu cm thì radio và tivi thông báo hướng dẫn người đi đường tránh hướng đi nguy hiểm, như ở các nước khác đang làm?

Rõ ràng ông trời không giết họ, nắp cống, nước ngập, dây điện đứt cũng không thể giết họ, nếu...

Trong một xã hội rộng lớn, không có điều gì là ngẫu nhiên, kể cả trúng độc đắc. Bởi nếu không mua vé số thì có may mắn đến mấy cũng chẳng có sự ngẫu nhiên tiền tỉ rơi xuống đầu theo cách trúng độc đắc. Một thời lẽ Nhân - Quả chỉ được nói đến như một niềm mê tín tâm linh, chứ chưa bao giờ nó hiển hiện sững sờ như thời thiên tai được mùa. Thậm chí, nó sòng phẳng một cách tàn nhẫn. Anh không đốn rừng, nhưng vì anh không trồng cây, anh vẫn phải gặt lũ lụt. Anh không ác, nhưng bởi anh không bảo vệ những điều thiện, anh sẽ vẫn phải trả giá.

Hẳn cách một người mẹ như tôi nghĩ về thiên tai sẽ có đôi phần lo xa, sống bây giờ sao cho sau con mình khỏi bão.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Feb 28, 2014 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Phía sau những ngày đẹp trời. trang hạNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ