Phần I: Bắc nhịp cầu yêu thương - Hiền như lúa và lành như đất

59 2 0
                                    

HIỀN NHƯ LÚA VÀ LÀNH NHƯ ĐẤT

  Từ khi mình u oa biết cầm cái thìa tự xúc miếng cơm, bố đã dạy phải biết nâng niu hạt gạo bằng việc xúc ăn cho gọn gàng. Bởi vậy hễ cứ có hạt cơm nào vương ra ngoài là mình biết lấy tay nhặt rồi chậm rãi đưa lên miệng nhấm nháp. Đến khi biết cầm đũa thì ăn xong cái bát phải sạch queo. Lớn lên một tí, đến tuổi vào bếp nấu cơm thì phải biết đong gạo mỗi bữa theo định mức, phải biết vần nồi cơm sao cho không bị cháy.

  Thế đó, cùng với sự lớn lên của mỗi đứa trẻ quê là biết bao nhiêu bài học về hạt gạo và miếng cơm.Hồi ấy, trẻ con ở quê đứa nào cũng biết ra đồng làm đất, ủ giống, bón phân, nhổ mạ, cấy lúa, gặt hái, xay lúa, giã gạo… Biết về cuộc đời cây lúa từ lúc là nhánh mạ đến khi làm đòng, ra hạt, thành rạ, thành rơm. Biết lúa nghẹn khi ngập úng. Biết lúa cười khi mưa hiền hòa. Biết lúa hát khi trăng thanh. Và biết lúa đau khi mùa hạn đồng khô cỏ cháy. Chén cơm vì vậy mà đằm hơn, nặng hơn.

  Không gì thân thiết và thiêng liêng hơn cây lúa... Và thật kì lạ là mỗi khi nghĩ về cây lúa, mình lại cồn cào nhớ đến anh Ba.

  Chắc bởi cả cuộc đời ngắn ngủi của anh đều gắn với đồng với ruộng, thân thiết như là máu thịt, đẹp và trong trẻo hơn một bài thơ.

  Gọi là anh Ba vì anh đứng… thứ ba trong nhà. Anh đẹp trai nhất trong số bốn anh em trai. Dáng người cao to, trắng trẻo, khuôn mặt hiền thật là hiền. Anh hiền như lúa và lành như đất. Cả tuổi thơ của mình, lúc nào cũng thấy anh Ba cặm cụi khi thì vác đất, khi thì làm cỏ lúa, lúc rảnh lại may vá thêu thùa. Con trai gì mà hiền ơi là hiền, chăm ơi là chăm và khéo ơi là khéo… Người làng thường thốt lên như thế mỗi khi nói về anh.

  Hàng ngày, cứ tang tảng sáng là anh đã trở dậy, cặm cụi vào bếp đun nồi nước pha cho bố ấm chè xanh, rồi luộc khoai, vùi sắn… Mình khi ấy vẫn nằm co ro như một con mèo gầy nhách, cuộn mình trong ổ rơm. Thi thoảng hé mắt nhìn, thấy anh chập chờn bên bếp lửa, chẳng khác gì bóng bố. Thoắt thấy làn sương bay lên mỏng mảnh, một cảm giác chỉ có thể gọi là yên ả, thanh bình.

  Mỗi buổi chiều, khi trời đã nhập nhoạng, anh mới từ ngoài đồng hay trên núi về. Thẩn tha, chậm rãi, hiền hòa. Mình cứ nhớ mãi cái màu khói tím thẫm hoàng hôn lẫn vào màu áo anh, hòa lẫn cả vào màu trời bàng bạc, lành như đám mây thơ thẩn cuối đường chiều. Hồi đó mình còn bé xíu nhưng những cảm nhận về anh luôn là sự ấm áp, gửi trao tin cậy. Mình gắn bó với anh hệt như người nông dân gắn với những vạt lúa của một thời thương khó mà rất đỗi an yên.

  Nhưng hình như chính vì thế, ở cạnh anh, mình càng thêm nghịch ngợm, thêm bướng bỉnh, đành hanh. Có cái gì đó cứ ấm a ấm ức. Sao anh hiền thế. Sao anh chăm thế. Sao anh hay được bu chiều chuộng thế. Mình thì ngược lại, toàn bị mắng vì mải chơi, ham nghịch. Rõ là “con yêu, con ghét” chả hiểu ra làm sao… Vậy nên, mình luôn nghĩ ra nhiều trò để chọc phá anh. Anh đi làm thủy lợi được mấy hào để trong túi quần chẳng khi nào dùng đến. Mình ngủ cùng anh, “ủ mưu” đợi lúc anh ngủ say rồi móc hết. Lấy xong thì nằm thao thức, mấy đồng tiền nóng rẫy trong lòng tay. Rồi lo lắng toát mồ hôi nghĩ đến cảnh sáng mai thức dậy, phát hiện ra tiền bị mất anh sẽ nói với bu. Bu sẽ biết ngay là mình lấy. Và thế là sẽ ăn đòn. Nhưng sáng hôm sau, anh tỉnh dậy, sờ sờ nắn nắn vào cái túi rỗng không, ngẫm nghĩ một lát rồi lại vác cuốc đi làm. Khuôn mặt vẫn hiền khô, nhẹ nhõm. Như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Mình cứ ngơ ngác.Thật chẳng hiểu ra sao.

[Edit] Giữa Đôi Bờ Thuơng NhớNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ