Có cụ già bán thuốc lá

332 70 32
                                    

Nếu ví von hoa mỹ cho nhẹ bớt lòng, rằng cuộc đời là một buổi dạo chơi có hạn định, thì tôi, trong buổi sớm café gặp mặt la cà cùng đám bạn thời nối khố hôm ấy, cũng tưng tửng bông đùa, ờ, công nhận, đời này tao dạo chơi thiệt, thấy chơi, chơi miết không hà, bây ơi!

Con Hằng khệ nệ tay xách nách mang, cười hằng hặc: "Chơi gì mà mệt vậy, nè, nhìn tao coi, một chồng hai con, đi chợ mệt xỉu, nấu ăn cũng mệt xỉu. Chơi vậy tao hổng có ham!".

Chực không bằng lòng với cái ý nghĩ tiêu cực đó, thằng Hùng quay sang lườm nguýt nhỏ cựu-lớp-trưởng (nó quên, nó từng bị hành đo ván dưới bàn tay sắt của nhỏ này hồi cấp Ba chớ đâu, anh hùng gì mà còn bày đặt, xời!): "Cái bà này, ăn nói linh ta linh tinh, có chồng có con là may phước, nghe chưa? Tui hóng mãi mà không có một gia đình...". Vừa nói, thằng chả vừa sụt sùi. Chắc nó nhớ tới phận "đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn" của nó!

"Mày lấy chồng hông, tao gả liền thằng em tao cho mày, nó ế lắm rồi.". Tôi cười cười, chọc. Tính ra gặp mặt mà như đi hội không bằng, mấy cái đứa lớn không chịu lớn, cứ níu hoài tuổi nhỏ, níu hoài cái tinh khôi bồng bột, cái dang dở ngây ngô. Chợt nghĩ, rồi chợt giật mình, trời ơi, mình nói nó mà mình cũng y xì, sao giống "cá mè một lứa" quá!

Mà thiệt, ba chục tuổi đầu, xem coi, có đứa nào ra dáng ông bố, bà mẹ đâu! Biết thằng nhỏ, con mén nào mà nó lấy banh đũa, lấy lego ra rủ chơi, hông chừng gật đầu cái rụp liền.

Hình như lúc nhỏ... Tôi mơ màng nghĩ và nghĩ. Lúc nhỏ, tôi từng ước ao mình được lớn nhanh, lớn khỏe, để đi làm, để kiếm tiền biết bao! Ước mơ có phần viễn vông mà thực tế lạ kì đó càng trỗi dậy mạnh mẽ như từng đợt sóng ngầm càn quét qua đại dương mênh mông sâu thẳm khi má tôi dằn con cúp bế từ hai bàn tay mũm mĩm, mặc kệ cái mặt ăn vạ tèm nhem nước mắt nước mũi của tôi, bảo: "Mua chi cái thứ này, tốn tiền, chơi mấy lần rồi vứt, đi về!", khi tía tôi vứt xoạch cuốn vở Toán với con một to tướng suốt sàn, gằn giọng: "Con kia, mày đọc sách cho lắm rồi mơ mộng, rồi đu cây theo mấy thằng hoàng tử bá láp của mày luôn đi, ăn với chả học!", khi tôi dục dặc dùng dằng một ngày tháng Bảy mưa rơi tầm tã ngoài ngõ, giọt mưa nào rơi cả vào trong mắt tôi, ướt mèm: "Tía má yêu nhau sao con không được yêu? Sao tía má đánh người ta rồi cản con? Tía má nhốt con vậy để làm gì, con sắp bỏ đi luôn rồi, con bỏ nhà luôn cho tía má coi...".

Hẳn nhiên sau đó, tôi không bỏ nhà, tôi vẫn ngồi, nơi cái bàn xập xệ chân sắp gãy, nuốt từng hạt cơm đắng vô miệng, rệu rạo nhai như bò nhai cỏ, không nói một lời. Tôi biết, từ ấy đã có một vệt nứt vô hình nghiễm nhiên di cư tới sống tại căn nhà tôi, giữa tôi và tía má tôi. Vệt nứt mãi không thể chữa lành nổi.

Rồi tôi lớn lên, dù muốn hay không, tôi cũng rời cái làng quê nghèo khốn khó. Ngày đi, má tôi không khóc, tía lại viện lí do phải ra đồng. Má chỉ mở cái hộc bao nhiêu năm sờn cũ ra, lấy từ trong đó cái bao thư ố vàng như chính tuổi đời hoen hoen màu gió sương từng trải của má, dúi vào tay tôi: "Xấp bạc này, má để dành riêng cho mày từ hồi mày mới cất tiếng khóc. Má biết, từng chút từng chút không nhiều. Nhưng mày coi, hai chục năm rồi, giờ nó cũng cồm cộm vầy, chắc cũng khá. Mày ráng ra thành phố đi học, làm ăn...".

Có cụ già bán thuốc láWhere stories live. Discover now