"Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Chị em cho mượn cái gàu sòng
Đi đến chỗ lội múc chồng tôi lên."
-- Ca dao --
***
Khi Ngọc Dung thoát khỏi lệnh phạt cấm túc thì đã sang tới tháng tư. Trời vừa mới chớm hè, ông giời cuối cũng chịu hé ra chút nắng để tâm hồn ủ ê sau mấy tháng chép nữ tắc của Ngọc Dung được chiếu sáng một chút. Trong mấy tháng đóng cửa suy ngẫm, ngoài việc chữ viết và nữ công của nàng tiến bộ một cách thần tốc, Ngọc Dung đã rút ra được một vài điều quan trọng sau đây. Thứ nhất từ khi bước chân vào cấm thành, phủ Thái Sư không còn là nhà của nàng nữa nhà của nàng giờ là hoàng cung, là cung Phượng Ninh này, nàng cũng không thể tùy ý về nhà gặp cha mẹ, được làm nũng với các anh. Nhận ra sự thật này Ngọc Dung đã khóc lóc mất cả một đêm, cho đến tận khi nàng khóc khản cả cổ mà Nhược Liễu- cung nữ thân cận của nàng- cũng không chịu dắt nàng về, nàng đành gạt nước mắt chấp nhận sự thật đắng cay này. Thứ hai nàng không còn là tiểu thư Ngọc Dung của phủ Thái Sư không được tùy ý làm bậy, giờ nàng đã là "Quốc mẫu" được trăm con mắt soi vào, vì vậy mọi việc ăn nói, đi đứng phải nhẹ nhàng ý tứ có chừng mực. Mọi hành động như véo tai, túm tóc, cào cấu làm mất mặt tiểu hoàng đế nếu còn lặp lại thì sẽ không còn đơn giản là đóng cửa chép phạt nữ tắc ba tháng, đừng nói là Thái Hậu không bỏ qua cho nàng, đến Thái Sư đại nhân cũng không chấp nhận. Mà thật ra có cho nàng cũng chẳng dám làm vậy nữa, bởi vì sự thật thứ ba rất rõ ràng và minh bạch, cuộc sống sau này của nàng tươi đẹp hay tối tăm tất cả đều dựa vào tâm trạng tiểu hoàng đế. Nhược Liễu nói với nàng rằng Thái Sư có tài ba chăng nữa, cũng không thể quản quá nhiều việc hậu cung. Hiện nay Ngọc Dung vẫn còn nhỏ, phượng ấn đương nhiên do Thái Hậu giữ, việc lớn nhỏ, tiền tiêu vặt của các cung phi đều do Thái Hậu quản. Nếu nàng bắt nạt tiểu hoàng đế đương nhiên sẽ khiến "mẹ chồng" không vui. Mà mẹ chồng không vui thì chỉ cần một câu "hậu cung cần tích kiệm, cắt giảm chi tiêu" thì không phải tiền tiêu vặt của nàng sẽ quang minh chính đại bị cắt giảm xoèn xoẹt. Càng đừng nói sau này, gì thì gì Hoàng đế vẫn to nhất, muốn sống vui vẻ vẫn nên biết điều nịnh nọt người. Sống dưới mái hiên nhà người ta thì phải biết cúi đầu, đạo lý này Ngọc Dung cũng hiểu được. Xét về việc công hay tư, thì việc đi quyến rũ tiểu hoàng đế vẫn là việc cần phải làm. Vì đã có một mục tiêu to lớn như thế, nên dù có bị bắt phải đến thư phòng học cùng tiểu hoàng đế Ngọc Dung cũng vui vẻ chấp nhận, mặc dù thú thật nàng ghét phải đi học.
Lại nói đến tiểu hoàng đế, thật ra ngoài việc y vẫn còn quá nhỏ và ngày đầu tiên dám ăn ngay nói thật chê nàng xấu ra, thì cũng rất có phong phạm của một vị quốc chủ. Tuy hiện tại việc Lê Tuấn có mặt trong Càn Chánh điện hay không cũng không quá quan trọng nhưng ngày ngày dù nắng hay mưa, nóng hay lạnh y vẫn chăm chỉ cần mẫn cứ tới giữa giờ Mão là yên vị ở đại điện, thẳng lưng nghe các vị đại thần dâng tấu và cãi cọ. Hết giờ hắn trở về thỉnh an nghe Thái Hậu dạy dỗ một vòng, sau đó về nghe cha nàng giảng giải cách xử lý tấu sớ. Chiều đến sau khi học văn xong, Lê Tuấn lại theo một sư phụ học võ. Phải nói là lịch của y kín không một chỗ hở, nhưng thân là một đứa trẻ bốn tuổi y lại chưa từng nhăn mày, rất nghiêm túc mà làm theo, có thể thấy ít nhất phẩm cách của y cũng không đến nỗi tồi. Phải đi ôm chân một người như vậy Ngọc Dung thấy cũng chẳng đến nỗi mất mặt.
Lý tưởng rất rõ ràng, nhưng hiện thực lại phũ phàng, dù nàng có muốn đi ôm chân nịnh hót Lê Tuấn, y cũng chẳng cho nàng cơ hội. Có lẽ hình tượng "uy vũ" của nàng trong ngày đại hôn vẫn còn rất sâu đậm trong lòng y, nên cứ nhác thấy bóng dáng nàng ở đâu y liền quay đầu đi thẳng, tốc độ đi bộ cũng rất nhanh làm Ngọc Dung vì gắng giữ hình tượng một Hoàng Hậu mẫu mực có cố gắng cũng không đuổi kịp nổi. Nếu cả hai có gặp ở cung của Thái Hậu, thì Lê Tuấn vẫn cứ kiên quyết duy trì thái độ mắt nhìn mũi, mũi nhìn tim, nếu không cần nói thêm một câu thì nhất quyết không mở miệng nói câu thứ hai. Khi đi học thì càng không cần phải nói, y phát huy tinh thần con ngoan trò giỏi một cách xuất sắc, ngoài nhìn phu tử, nhìn sách, nhìn vở, phu tử hỏi gì đáp nấy tuyệt không lao xao thêm một tiếng động, hại nàng bao phen bị đứng góc vì tội làm ồn trong lớp. Đôi khi nàng và y "vô tình" gặp gỡ tại vườn thượng uyển, nàng còn chưa dịu dàng cười được một cái, Lê Tuấn đã dứt khoát trốn sau lưng Như Hoa không dám lộ mặt, càng đừng nói chè bánh nàng làm tặng y, đến ngó cũng chẳng thèm ngó nữa là động đũa. Thái độ y như tránh tà, làm nàng tức đến mức muốn nghiến răng kèn kẹt.
Khi Ngọc Dung nghĩ đời này kiếp này nàng và Lê Tuấn mãi chỉ có thể duy trì tình trạng kính nhi viễn chi này, thì rốt cuộc ông trời cũng nể mặt mà rớt xuống cho nàng một cơ hội để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống mai sau.
Nàng vẫn nhớ đó là buổi chiều của ngày Trung Thu, Ngọc Dung bị nhiễm không khí vui vẻ của ngày lễ, nổi hứng dẫn theo một đám cung nữ lượn lờ khắp nơi xem cung nhân trang hoàng. Khi đến gần cửa Tường Phù, nàng nhác trông thấy một bóng áo vàng nho nhỏ quen thuộc. Sau khi nheo mắt xác định, nàng liền ra hiệu cho mấy cung nữ yên lặng đứng yên tại chỗ, còn bản thân thì nhẹ nhàng bước đến chỗ người kia. Lê Tuấn vẫn đang đứng kiễng chân trên mấy tảng đá, tay bám chặt ô cửa sổ tròn trông ra khu chợ Đông, mắt chăm chú dõi theo thứ gì đó, hoàn toàn không hay biết Ngọc Dung đang tiến đến. Ngọc Dung cũng có chút tò mò, không hiểu có thứ gì ở ngoài đó lại có thể khiến vị tiểu hoàng đế cụ non kia xem đến chăm chú vậy. Vừa đến gần đã thấy tiếng ồn ào vang lên bên tai, là tiếng của khu chợ ban chiều lại còn là một chiều ngày hội, ồn ào và nao nức làm sao. Xuyên qua ô cửa sổ nhỏ, nàng trông thấy con phố đông đúc đầy người qua lại, ánh đèn lồng hắt đủ màu sắc, trong không khí vương thứ mùi thơm của thức ăn, mùi của khói bếp. Rõ ràng chỉ cách một bức tường, nhưng tưởng như đã phân ra làm hai thế giới. Thế giới ở trong cấm thành này, tuy cũng có đèn hoa rực rỡ, có mĩ vị không nơi nào sánh bằng, cũng có người qua kẻ lại, nhưng lại có cảm giác yên lặng quạnh quẽ, không giống ngoài kia ồn ã, náo nhiệt khiến người ta vui vẻ. Lại nhìn theo ánh mắt của tiểu hoàng đế, hóa ra y đang nhìn theo mấy đứa trẻ đang nô đùa gần đó. Đám ấy cũng toàn một đám từ ba đến mười tuổi, túm tụm lại với nhau bày trò chờ đến giờ trông trăng. Mà nào phải chúng chơi mấy trò quý giá gì, chỉ là mấy trò của trẻ nhà nông. Chúng cũng bày đặt hò nhau thử rước đèn. Thay vì những chiếc đèn lồng tinh xảo, chúng chỉ có mấy cái vỏ bưởi được cắt thành hình hoa sen, bên trong có một cây nến bé xíu, nhưng trời chưa tối hẳn chẳng đứa nào dám đốt, nhưng đứa nào đứa nấy vẫn nâng niu như thể trong tay chúng là cái đèn lưu ly quý giá sáng lấp lánh. Mấy đứa lớn hơn một chút thì chặt ống tre hì hục đục lỗ, hẳn cũng đang làm đèn, nàng nhận ra vì Vũ Phi cũng từng cho nàng một cái đèn lồng hệt như thế, bỏ nến vào cái đèn đơn giản ấy sẽ hắt ra những đốm sáng nhỏ trông cũng khá vui mắt. Chúng khoe nhau chán, từng đứa liền lôi ra trong ngực một xâu hạt bưởi, chụm đầu vào đốt. Hạt bưởi bắt lửa nổ lè xè, vì trời còn chưa tối nên không thể nhìn rõ, nhưng Ngọc Dung biết khi trời tối, xâu pháo tự làm kia sẽ cháy sáng lắm... "Đốt vừa thôi để tối còn đốt nữa chứ!" đứa nào đó hét lên. Rồi trong tiếng cười giòn tan cùng tiếng trống bỏi nhịp nhàng, chúng hát vang một bài đồng dao:
"Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có tệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có chiếu bám dù
Thằng cu xí xoài
Bắt trai bỏ giỏ
Cái đỏ ẵm em
Đi xem đánh cá
Có rá vo gạo
Có gáo múc nước
Có lược chải đầu
Có trâu cầy ruộng
Có muống thả ao
Ông sao trên trời..."
Lũ trẻ nghèo, chắc chắn thế, nhưng dù thế nào cũng không thể cản nổi chúng đón trung thu theo cách của riêng mình, vẫn đầy háo hức và niềm vui, nhiều đến mức khiến hoàng đế nhỏ vốn sống trong nhung lụa ước ao. Lê Tuấn không nói, nhưng Ngọc Dung lại hiểu rõ. Nàng lại nhớ về bộ áo bào nặng nề y khoác, nhớ đến ánh mắt nghiêm túc chăm chú khi y học bài, nhớ đến cuộc sống quy củ trong hoàng cung, lòng nàng chợt chùng xuống. Y mới chỉ có bốn tuổi, nhưng lại đang sống một cuộc đời của người bốn mươi tuổi. Nghĩ đến mình Ngọc Dung thấy mình may mắn hơn Lê Tuấn rất nhiều. Dù rằng nàng là con gái lại là thiên kim của phủ thái sư, nhưng trên nàng có ba người anh trai che chở, nàng lại là cô con gái duy nhất, nên cả nhà vẫn thường hay dung túng cho nàng. Nàng vẫn được hưởng niềm vui trẻ thơ bình dị, nàng bỗng thấy xót cho y. Có lẽ nàng có tiềm năng của một "thánh mẫu", trong lúc ma xui quỷ khiến nàng đã thấy mình thốt ra một câu.
- Nếu người muốn ra ngoài, thần thiếp có thể giúp người.
Lê Tuấn đột nhiên nghe thấy tiếng nói ở bên cạnh, giật mình, tảng đá dưới chân cũng lảo đảo suýt nữa thì ngã chổng võ. Nhưng y rất nhanh lấy lại bình tĩnh, phủi phủi vạt áo nói:
- Hoàng hậu tỷ tỷ nói gì? Ai nói ta muốn ra cung chứ.
- Hóa ra là không muốn, vậy là thần thiếp hiểu nhầm hoàng thượng rồi. Tiếc thật đấy, tối nay bên ngoài chắc sẽ vui lắm, có lễ rước đèn, có hội thả đèn, rồi múa lân. À nhưng mấy thứ tầm thường ấy làm sao có thể so với trong hoàng cung chứ. Là thần thiếp nhiều chuyện. Sắc trời cũng không còn sớm, vậy thần thiếp xin cáo lui.
Ngọc Dung cười cười, rồi quay đầu đi thẳng. Trong bụng đếm đến tiếng thứ năm, quả nhiên có tiếng bước chân đuổi theo đằng sau. Lê Tuấn kéo tay áo nàng, trong mắt như có đốm lửa sáng lấp lánh. Y ra hiệu cho nàng ngồi xuống ngang tầm mắt y, thì thào hỏi nhỏ.
- Hoàng hậu tỷ tỷ thực sự có thể mang ta ra ngoài chứ?
- Thần thiếp nói được làm được!
Lê Tuấn cắn môi, chần chừ một lúc, nhưng cuối cùng mong muốn vẫn chiến thắng. Y nắm tay nàng, kiên định nói.
- Vậy thì dẫn ta ra ngoài đi.
Ngọc Dung cười toét miệng trả lời:
- Được, chân trời góc biển thần thiếp đều đưa ngài đi.
Vừa vặn thay nàng cũng muốn đi chơi. Vậy là lần đầu tiên bỏ trốn của đôi trẻ bắt đầu như thế đấy.
***
Đưa Lê Tuấn về đến Phượng Ninh cung, Ngọc Dung cũng không vội vã. Đầu tiên nàng sai Nhược Liễu đưa bánh về Trần Phủ, dặn dò nàng hỏi thăm Thái sư và phu nhân. Sau đó bảo nàng ấy cũng nhân cơ hội này thì về thăm nhà một chút, dù sao hôm nay cũng là lễ đoàn viên. Chẳng còn cách nào khác, nếu Nhược Liễu biết nàng định dắt tiểu hoàng đế ra ngoài chơi thì nhất định sẽ không cho nàng đi. Khi Nhược Liễu vừa đi khuất bóng, nàng đã vội vã sai Trúc Mai, nô tỳ thân cận số 2, tìm hai bộ thường phục. Mặc đồ xong nàng giấu vào tay áo vài món đồ phòng thân cùng một túi bạc vụn, sau đó trong ánh mắt hoảng sợ của tiểu hoàng đế, nhét vào trong ngực y một quả pháo sáng và một cái mồi lửa, dùng nụ cười dịu dàng nói với Lê Tuấn.
- Thần thiếp sẽ nắm chặt tay hoàng thượng, nhưng dù sao đề phòng vẫn hơn. Nếu có lạc, người đem đốt cái này lên, sau đó ở yên tại chỗ, thần thiếp nhất định sẽ tìm thấy người. Nhớ kĩ, không được làm rơi nghe không.
Sau khi nhận được cái gật đầu đầy trịnh trọng của Lê Tuấn, Ngọc Dung mới hài lòng nắm lấy bàn tay nho nhỏ của hắn, khẽ hô một tiếng xuất phát.
Vì phải tránh né mấy đội tuần tra, cung nữ, nên phải đến tận giờ tuất ba người mới đến được cung Nguyệt Minh. Ngọc Dung lúi húi tìm kiếm một hồi, rồi ngồi xổm xuống đẩy một chậu cây ra, để lộ ra một cái lỗ ước chừng chỉ đủ một người nhỏ nhắn mới có thể chui lọt. Ngọc Dung hớn hở giới thiệu:
- Bò qua chỗ này, đi thêm một đoạn nữa chúng ta có thể tới khu chợ ở Giang Khẩu. Chỗ này ta mới phát hiện thôi, đảm bảo không ai biết.
Nàng vui vẻ khoe khoang, đến mức quên phắt luôn cả xưng hô "thần thiếp". Lê Tuấn nhòm cái lỗ chằm chằm, rồi quay qua hỏi.
- Cái này là cái gì?
- Bẩm hoàng thượng, cái này dân gian gọi là lỗ chó.
Ngọc Dung ném cho Lê Tuấn một ánh mắt xem thường.
- Lỗ chó? Chó thường bò qua cái lỗ này sao? Chúng ta phải bò qua cái cửa của chó này mới ra được ngoài hay sao? Tại sao không đi cửa lớn, nếu có thị vệ hỏi chúng ta có thể nói hôm nay Trung thu Hoàng Hậu tỷ tỷ đặc cách cho chúng ta ra cung. Sao lại phải đi lối này?
Lê Tuấn nhíu mày tuôn một tràng khiến Ngọc Dung cũng không khỏi liếc mắt nhìn lại. "Không hổ là con nhà đế vương, cũng có mắt nhìn vấn đề lắm" nàng thầm nghĩ, nhưng mà đến giờ phút này nàng cũng không thể nhận là mình vì quá hứng trí cũng quên luôn việc ấy, bèn trợn mắt không đỏ mặt nói dối:
- Hoàng thượng chúng ta là trốn ra ngoài đó. Nếu có thể đi dễ như thế thần thiếp việc gì phải khổ công tốn sức thế này. Hơn nữa mấy đứa nhỏ ra cung cũng rất khiến người chú ý. Người không muốn đã ra đến tận đây rồi còn được "mời" trở lại Càn Nguyên cung chứ.
Thấy y vẫn lặng yên không nói, nàng bèn bồi tiếp một câu:
- Thôi thôi, quả thực với thân phận tôn quý của hoàng thượng, thì việc phải bò ra ngoài bằng cửa của chó thật làm khó người quá. Người vẫn nên trở về đi. Chỉ xin người nếu có ai hỏi thì cứ nói không biết thần thiếp ở đâu. Thần thiếp xin phép đi trước.
Dứt lời bèn không thèm để ý đến tiểu hoàng đế dứt khoát bò qua lỗ chó mất hút, Trúc Mai cũng không nói hai lời, ngay lập tức theo đuôi, bỏ lại Lê Tuấn vẫn đang đứng lưỡng lự. Cuối cùng bản tính trẻ con ham chơi vẫn lớn hơn, y cắn môi rốt cuộc chọn bò qua cái lỗ nhỏ. Vừa ngẩng đầu lên đã thấy Ngọc Dung đứng cách một khoảng không xa híp mắt nhìn hắn cười.
- Ấy, ai thế này? Hoàng thượng không phải người quay trở về hay sao?
- Hoàng hậu tỷ tỷ đi một mình, ta không yên tâm nên đi theo.
Lê Tuấn ngượng ngùng tìm cớ.
- Được hoàng thượng quan tâm thần thiếp cảm động quá đỗi.
- Hoàng hậu tỷ tỷ không cần khách sáo chúng ta là người một nhà cả mà.
"Người một nhà? Vậy mấy tháng qua ngài đối xử với "người một nhà" giống y như thể nhìn thấy yêu quái vậy à?". Thôi, nàng rộng lượng bỏ qua, cũng không thèm chấp với một đứa trẻ. Nghĩ vậy nàng cũng chẳng muốn vạch trần y nữa, rất tự nhiên cầm lấy tay y kéo đi.
- Vậy thì để cảm tạ hoàng thượng, thần thiếp sẽ mời ngài rất nhiều món ngon nhé. Mà ngài nhớ ra ngoài rồi, đừng gọi thiếp là hoàng hậu tỷ tỷ, chỉ cần gọi là "chị Dung" là được. Bên ngoài mọi người xưng hô như thế đấy, nói khác người ta lại ngờ.
Lê Tuấn cái hiểu cái không gật đầu. Đi được một đoạn, đột nhiên Ngọc Dung bật cười khúc khích, Lê Tuấn khó hiểu ngước đôi mắt tròn vo lên nhìn. Nàng xoa đầu y, rất không sợ chết nói.
- Hoàng thượng thần thiếp vừa nghĩ ra một chuyện. Vừa nãy người dùng cửa của chó để đi ra, làm thiếp không khỏi liên tưởng tới một câu.
- Câu gì?
- Cẩu hoàng đế. (Chó hoàng đế, hoàng đế chó =]])
Lê Tuấn ngây người, y bực lắm, từ trước đến giờ nào có ai dám mắng ngài như thế. Miệng lưỡi và đầu óc non nớt của ngài không ghê gớm, nhưng để người ta mắng mà không làm gì được ngài cũng chẳng dễ chịu gì, đành vặn vẹo lấy một câu:
- Không phải hoàng hậu tỷ tỷ cũng đã bò qua sao? Vậy tỷ cũng là cẩu hoàng hậu!
- Sao cũng được, dù sao từ xưa tới giờ thiếp mới chỉ nghe thấy "cẩu hoàng đế", chứ chưa nghe ai nói "cẩu hoàng hậu".
Ngọc Dung nhún vai, tỏ vẻ không để ý. Lê Tuấn tức điên, ồn ào một trận.
- Ta sẽ mách mẫu hậu. Mẫu hậu sẽ phạt tỷ đó!
- Rồi! Rồi! thần thiếp biết tội, thánh thượng anh minh rộng lòng tha thứ. Bù lại thiếp sẽ mua quà cho người để đền tội nhé!
Cuối cùng Lê Tuấn cũng cười một cái, đẹp hệt như vầng trăng non cong cong...
***
Ba người vừa đi vừa chạy, không bao lâu đã tới chợ Giang Khẩu, hòa nhịp với sự ồn ã náo nhiệt nơi đây. So với việc chỉ được đứng ở ô cửa nhỏ trông ra thì việc đi trên con đường rực rỡ đèn lồng, vừa đi vừa thong thả ăn kẹo mạch nha, tay cầm chiếc đèn cù khiến người ta vui vẻ thích thú hơn nhiều.
Lê Tuấn cũng rất vui, y cười suốt, cứ nhìn thấy thứ gì mới lạ là lại chạy đến xem xét, rồi đòi mua cho bằng được. Y hỏi luôn miệng, nếu không phải vì quần áo trên người trông có vẻ sang quý nhiều người đã tưởng y từ trên rừng xuống. Ngọc Dung chạy theo y đến hụt cả hơi, cũng may ngoại trừ việc hơi ồn ào và làm hao hụt tiền tích cóp của nàng kha khá thì y cũng không làm việc gì khiến nàng xấu hổ, giống như là lấy đồ quỵt tiền còn đứng giữa chợ tuyên bố "giang sơn này là của ta, các ngươi là con dân của ta, ta lấy đồ của ngươi là diễm phúc tám đời cho ngươi, ngươi còn dám đòi tiền của ta". Nếu thế thật chắc nàng sẵn sàng chép nữ tắc thêm ba tháng.
Đi thêm một vòng, cũng vừa gần đến giờ tổ chức lễ rước đèn, hay còn gọi là lễ "Tịch Nguyệt" (5). Lễ này thường bắt đầu sau khi các vị chức sắc trong làng dâng hương tạ ơn Nguyệt thần, tiếp đến sau ba hồi trống lệnh đội múa lân sẽ diễn ở sân đình, sau đó lũ trẻ sẽ cầm đèn theo sau đội lân đi tới sông Nhị Hà, ở đó chúng sẽ theo chân cha mẹ viết điều ước lên chiếc đèn khổng minh, rồi đốt đèn thả lên trời, cầu cho năm tới mùa màng bội thu, gia đình có đủ cái ăn cái mặc.
Ngọc Dung cậy nhỏ người, dắt tay Lê Tuấn chen lên hàng đầu xem cho rõ.
Tiếng trống gọi trăng vang lên rộn ràng, hòa cùng thanh âm của đôi chũm chọe và chiếc thanh la đồng. Cả đám trẻ dán mắt vào từng bước chân của đoàn lân, reo hò khi con lân "phun lửa", cười ầm ĩ khi ông địa làm trò. Đột nhiên, một con lân lao đến trước mặt bọn trẻ, đám trẻ nhít giật mình sợ hãi lùi lại. Có đứa nào còn chơi ác, nhằm đúng lúc này ném một quả pháo vào giữa đám đông. Đám trẻ con bị dọa, hoảng loạn hét ầm khiến người lớn cũng luống cuống. Vừa nãy đứa nào cũng cố gắng nghểnh cổ chen lại gần, giờ chỉ hận sao mình không thể chạy xa một chút. Trong lúc đám trẻ nhao nhao chạy trốn, có đứa nào đó vung tay vô tình xô vào Ngọc Dung khiến nàng ngã nhào. Đến khi nàng cùng Trúc Mai có thể ngẩng đầu đứng dậy nàng liền cảm thấy muốn tìm ra rồi đập cho tên nhóc đã đẩy nàng một trận, bởi vì trong chớp mắt nàng để lạc mất tiểu hoàng đế nhà nàng rồi!!!
Khi nàng và Trúc Mai đang lo lắng đến quay vòng vòng, đột nhiên nàng nghe thấy một tiếng rít vang, ngẩng đầu quả nhiên nàng thấy một vệt sáng màu vàng bay vụt lên bầu trời đêm, là pháo sáng nàng dắt vào dặn Lê Tuấn đốt khi lạc. Ngọc Dung mừng muốn khóc, vội vội vàng vàng dắt theo Trúc Mai đến nơi quả pháo được phóng lên. Chạy qua mấy dãy nhà, tới một con ngõ nhỏ, quả nhiên nàng nghe thấy giọng nói non nớt của Lê Tuấn.
- Mau trả lại túi tiền các ngươi đã lấy trộm.
- Sao tao phải trả, túi tiền đó là của mày chắc?
Giọng của một đứa trẻ độ mười hai, mười ba tuổi đáp trả. Nghe giọng điệu lấc cấc, bất cần của nó trong lòng Ngọc Dung âm thầm kêu xui xẻo. Vũ Phi nói cấm có sai, phàm là những nhân vật đặc biệt thì càng dễ thu hút rắc rối. Nàng trốn nhà đi chơi không ít lần, nhưng chưa lần nào gặp phải mấy kẻ cướp giật côn đồ, vậy mà ngài ngự nhà nàng vừa ra đường lần đầu đã gặp ngay, quả thực là không phải đen đủi bình thường đâu nhé.
- Chính mắt ta đã nhìn thấy ngươi ném quả pháo vào mọi người, còn ngươi đẩy...chị của ta ngã- Lê Tuấn chỉ vào một tên bé loắt choắt nom có vẻ rất gian xảo, rồi tiếp tục chỉ vào tên lớn hơn bắt đầu vạch tội- còn ngươi lấy túi tiền của chị ấy.
Ngọc Dung sờ bên hông, quả thật là cái túi gấm nàng vẫn đeo đã biến mất. Ra là Lê Tuấn muốn đòi lại túi tiền cho nàng chứ không phải dở chứng tiên phong đi làm việc nghĩa cho kẻ ất ơ nào đó, thế này thì có phải thu thập hậu quả cho y Ngọc Dung cũng thấy thoải mái hơn một chút. À định hỏi cái phận gái mới có mươi cái tuổi như nàng thì làm được cái trò trống gì hả. Ấy đừng có khinh nàng nhá, nàng đã liệu cả rồi, đừng nghĩ nàng trốn ra ngoài mà không có ai theo. Gì gì thì gì nàng cũng hiểu bản thân hiện giờ không còn chỉ là con gái của Thái Sư đương triều, lại còn dắt thêm cả đương kim hoàng thượng, ra đường mà không chịu gọi thêm hộ vệ thì thật sự là ngu quá. Nghe Vũ Phi kể năm ngoái có một tiểu thư tri phủ, chẳng biết ốm dậy xong mắc phải cái chứng gì, thường mặc quần áo nam nhân trèo tường ra ngoài làm đủ trò kì quặc, hoang dã như một con ngựa đứt cương, đến phụ mẫu cũng chẳng quản được. Nàng ta còn đặc biệt thích làm việc nghĩa (ấy là nàng ta nói thế), mà chẳng biết việc nghĩa đã làm được chưa mà có lần bị người ta đánh, may có người quen nhận ra nói giúp nên mới tránh được trận đòn đau. Thật sự là dại quá, nàng ta mà khôn khéo biết dẫn vài thị vệ, hoặc tốt xấu dẫn theo thị nữ bên mình thì cũng chẳng đến nỗi thảm thế. Vì có một tấm gương sáng chói như thế, nên Ngọc Dung rất nghiêm túc thực hiện việc "ra ngoài làm loạn nhất định phải có hộ vệ đi cùng". Thế nên dù Lê Tuấn có đang nằm giữa vòng vây của lũ trẻ côn đồ nàng cũng không quá lo lắng. Nàng không làm gì được thì người khác làm hộ nàng. Nhưng ông trời lại không chịu chiều lòng người, mà ông trời ở đây không còn ai khác ngoài đức lang quân bé nhỏ của nàng. Chẳng hiểu ngài ngự đã nói điều gì mà khiến bọn trẻ con hung hãn bắt đầu tức tối chửi rủa, có đứa còn gào lên đòi đánh Lê Tuấn một trận nên thân. Ngọc Dung cuống cả lên, Tùng Quân- hộ vệ của nàng- vẫn còn chưa tới.
- Mẹ mày! Một thằng trẻ ranh sinh ra đã sống trong nhung lụa, chưa từng phải chịu đói ngày nào thì đừng có mở mồm ra mà dạy đời chúng tao. Mẹ, tao mà được ăn ngon mặc đẹp như mày, cái mẹ gì tao cũng làm được, không đến lượt mày nói tao.
- Anh Dần nói nhiều với nó làm cái chó gì, cứ để bọn em đập cho nó một trận, xem nó có còn to mồm nữa không.
Nàng thấy đứa trẻ toan lao vào Lê Tuấn, tim giật thót một cái, mấy cái tính toán nho nhỏ cũng bay đi đâu hết cả. Trong chớp mắt khi đứa trẻ kia toan hạ tay xuống cái má hồng phinh phính của ngài ngự, nàng đã vớ ngay cái đòn gánh ngay bên cạnh, nhảy phắt ra gào lên "Đứa nào dám động vào chồng tao, tao đánh chết chúng mày cho mà xem" (6), một đòn hạ xuống, đến khi nàng nhận ra mình đang làm gì thì đã thấy đứa nhỏ kia đang nằm ôm bụng rên ư ử trong ánh mắt ngỡ ngàng của chúng bạn. Một liều ba bảy cũng liều, Ngọc Dung cũng nhanh nhảu nhận ra mấy đứa nhỏ vẫn còn đương choáng váng với sự xuất hiện của nàng, nàng bèn quơ cái đòn gánh đập lung tung. Trúc Mai thấy nàng xông ra, cũng nhanh chóng vớ lấy cái đòn gánh còn lại tham gia cuộc chiến. Nô tỳ xuất thân từ phủ tướng gia có khác, chiêu nào chiêu nấy nhẹ nhàng dứt khoát, uy mãnh có lực. Tuy không xuất sắc đến mức một chiêu hạ địch, nhưng đem so với vị hoàng hậu đang đập lung tung thì cách nhau không phải chỉ một khoảng.
Hỗn chiến lên cao, nàng nghe thấy Trúc Mai hô nhỏ một tiếng "chạy". Ăn ý mười phần, không cần nói hai lời, Ngọc Dung chụp lấy tay nhỏ của Lê Tuấn, sau đó chạy như bay, vừa chạy vừa nghĩ tháng này nhất định phải bảo cha cắt bớt tiền của Tùng Quân, đánh đến lúc này còn chưa thấy người tới thì còn cần làm cái gì. Chạy một quãng xa chợt nàng thấy phía sau như hẫng một cái, theo đà nàng cũng lao theo ngã xuống. Một buổi tối bị kéo ngã những hai lần Ngọc Dung cũng có chút tức giận, quay ngoắt toan mắng tiểu hoàng đế cho bõ tức, nhưng khi thấy dáng vẻ chật vật của ngài nàng lại thấy mềm nhũn.
- Có đau không?
Phủi bàn tay bé nhỏ đỏ ửng của ngài ngự nàng khe khẽ hỏi. Lê Tuấn lắc đầu, tỏ ý không sao, nhưng vết nước nơi khóe mắt lại bán đứng ngài mất rồi.
- Cũng muộn rồi, ngài lên lưng ta cõng về, sáng mai ngài có buổi chầu sớm về muộn quá cũng không hay.
- Ta vẫn đi được... Hơn nữa hoàng hậu tỷ tỷ còn đang bị thương kia kìa.
Lúc bấy giờ Ngọc Dung mới phát hiện quả thật chỗ khủy tay có vết máu thấm qua. Nàng nhìn vết máu, sau đó khẽ cười.
- Chỉ là một vết thương nhỏ, ngài đừng lo. Chân ngài ngắn không đi nhanh bằng ta, còn bướng bỉnh thì mới chính là làm phiền ta đấy.
Chần chừ một lát, cuối cùng Lê Tuấn cũng yên vị trên lưng của nàng.
- Hoàng hậu tỷ tỷ... xin lỗi.
- Không cần xin lỗi, dù sao cũng là ta muốn dẫn ngài đi mà. Hơn nữa ngài nhìn thử bên dưới xem.
Nàng nhẹ nhàng xốc Lê Tuấn lên, để y có thể nhìn rõ dòng Nhị Hà nơi phía xa. Dưới ánh trăng bàng bạc, dòng nhị hà được điểm thêm trăm chiếc đèn hoa đăng nom như một dải sông ngân nơi trần thế.
- Có phải là rất đẹp hay không? Cảnh đẹp như thế này mỗi năm chỉ có một lần thôi, bỏ lỡ thì rất phí đấy.
Lê Tuấn gật đầu, sau đó không biết nghĩ gì quyết định buông ra một câu.
- Hoàng Hậu tỷ tỷ, lần sau... lần sau chúng ta lại ra ngoài cùng nhau nhé.
- Được, lần sau chúng ta lại cùng nhau đi.
"Đã tiếp cận thành công", trong lòng Ngọc Dung thầm hò hét, trong phút chốc nàng cảm giác cuộc sống của nàng từ nay trở đi sẽ tươi đẹp lắm đây...
***
Cảm giác về cuộc sống hạnh phúc sau này, làm Ngọc Dung lâng lâng, cho dù phải cõng tiểu hoàng đế cũng không khiến nàng chậm lại. Nhưng niềm hạnh phúc nho nhỏ của nàng cũng biến mất ngay sau khi nàng bò qua cái lỗ chó quen thuộc. Ô tự dưng lỗ chó nhỏ của nàng lại có đèn đuốc sáng chưng, và ô kia chẳng phải là thái hậu, mẹ chồng của nàng sao lại đứng đây. Nàng cảm thấy như mình đang quay ngược thời gian, trở lại thủa khi còn ở nhà, chỉ khác là người nghiêm nghị nhìn nàng đã được đổi qua một người khác. Phịch một tiếng chân nhỏ của nàng tự động quỳ xuống. Tự do mới dành lại được của nàng, tất cả theo gió lạnh nơi cấm cung bay xa mất rồi....
****
Có thể các thím không tin, nhưng phần này đã xong 2/3 vào trung thu của... 2 năm trước. Chỉ là khi ấy mình cảm thấy không còn đủ sức để vẽ hạnh phúc cho bất kì nhân vật nào, mình quá bế tắc rồi. Nhưng mình không từ bỏ, mình vẫn quay trở lại đây :)). Mình sẽ sớm viết xong hết tr này thôi, hãy tin ở mình :)))
Vy lam.
BẠN ĐANG ĐỌC
Hoàng Cung Cố Sự
General FictionĐây chỉ là một câu chuyện nhạt toẹt về vài con người ở nơi hậu cung. Nói đơn giản là chuyện cũ của một hoàng hậu bị ép phải gặm hoàng đế cỏ non và quá trình trưởng thành của đôi trẻ. Diễn viên khách mời là một trạng nguyên trẻ tuổi đẹp t...