Hạnh phúc là gì? Câu hỏi mang tính trừu tượng mà chỉ mỗi người mới có thể đưa ra câu trả lời cho chính mình. Hạnh phúc được coi là chỉ có ở loài người, là một cảm xúc bậc cao. Và nó còn rất phức tạp, bao gồm nhiều cảm xúc khác, khó có thể định nghĩa một cách chính xác hạnh phúc là gì. Nhiều người người nói: "Hạnh phúc là yêu và được yêu". Một số tiêu cực hơn lại nghĩ khác: "Hạnh phúc chỉ là một hồi trong vở kịch về đau khổ".Tôi có xem một bộ phim đã khiến tôi phải suy nghĩ thêm: "Hạnh phúc của một con người đến cuối cùng là gì?". Bộ phim đó là La maison en petits cubes của Kunio Katō.
Mười hai phút cũng đủ làm cho chúng ta phải suy nghĩ về nhiều điều. Đối với tôi đó là sự kì diệu của phim ngắn.
Ít nhất thì những dòng dưới đây là kiến giải của bản thân tôi về bộ phim ngắn này. Bạn có thể có nhiều cách giải thích khác nhau hơn nữa về nó.
Phim kể về một người đàn ông góa vợ đã có tuổi sống trong một thị trấn ngập nước. Do ông đánh rơi chiếc tẩu yêu thích của mình xuống nước nên ông quyết định lặn xuống tìm lại. Sau khi ông nhặt được cái tẩu của mình, ông không lên luôn mà lại tiếp tục đi xuống tầng dưới của ngôi nhà. Chuyến hành trình ngắn ngủi từ tầng trên cùng của tòa nhà xuống tầng trệt đã cho ông nhìn lại được những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Dụng ý của tác giả bộ phim khi xếp những tầng nhà chồng lên nhau như giúp chúng ta ngầm hiểu mỗi một phòng của ngôi nhà chứa đựng những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời một con người. Trong trường hợp người đàn ông này: Ngôi nhà mang theo kỉ niệm của ông và vợ của mình từ những ngày đầu tiên lấy nhau. Họ đã chung tay đặt nền móng đầu tiên cho gia đình họ, cho hạnh phúc của họ. Từng tầng nhà ghi lại hình ảnh của gia đình họ, từ lúc mới cưới, khi người vợ mang thai, đến lúc đứa con gái đầu tiên của họ trào đời, những khoảnh khắc cô bé con tập đi, rồi lớn lên thì đi học. Cho đến một ngày nọ cô mang về ra mắt bố mẹ người yêu của mình, sau đó hai người họ lấy nhau, rồi ông có cháu bế. Cả nhà họ chụp ảnh gia đình. Sau cô con gái và gia đình của mình chuyển đi nơi khác sống, còn lại hai ông bà ở với nhau. Thời gian trôi mau, vợ ông ốm rồi mất. Giờ đây chỉ còn ông sống một mình trên căn nhà đã rất cao này. Trong quá trình ông tìm kiếm lại hồi ức của chính mình, những nốt nhạc của cây đàn guitars vang lên như những giọt lắng đọng của thời gian, nó gợi cho ta cảm giác thời gian như thực sự quay ngược trở lại, chậm rãi, dẫn dắt ông đi tiếp tìm đến cội nguồn hạnh phúc. Kết phim, ông nhặt chiếc ly mà ông đã dùng với vợ mình trong bữa ăn đầu tiên của họ trong ngôi nhà này và mang nó lên tằng cao nhất. Bữa ăn tối hôm đó, ông đã rót thêm một ly rượu vang nữa cho người vợ đã quá cố của mình.
Khi tôi xem lần đầu đã không kìm nén được cảm xúc. Khóc vì thương ông cô đơn một mình lủi thủi, vì cảm động tấm lòng thủy chung thương yêu với vợ con của ông. Nhưng phần nhiều tôi cảm nhận được tác giả cố ý chỉ cho chúng ta xem những khoảnh khắc vui vẻ nhất trong cuộc đời ông. Nó chứng tỏ điều gì? Rằng cuộc đời con người là một chuỗi những sự kiện, nhưng sau cùng khiến ta khắc ghi sâu nhất là những kỉ niệm hạnh phúc bên bạn bè, người thân, vợ chồng, con cái. Đối với người đàn ông kia, hạnh phúc là quãng thời gian bên người vợ yêu quý từ thủa tấm bé, bên đứa con gái đầu lòng, bên gia đình của con. Mặc dù chỉ là hồi tưởng, nhưng tôi nghĩ ông cũng rất hạnh phúc khi nhìn lại cuộc đời của mình, ít ra thì ông cũng thương yêu vợ con hết mực, và cũng không có gì để hối tiếc.
Dù sao một tác phẩm được coi là thành công thì ít nhất cũng phải truyền tải lại cho người xem một thông điệp nào đó. Đối với tôi, nó khiến tôi suy nghĩ về hai chữ hạnh phúc.
Đối với những người lạc quan, yêu đời, hạnh phúc là thứ gì đó luôn hiện hữu xung quanh mình, tùy thời cũng có thể cảm thấy chỉ là bạn có nhận ra hay không thôi. Những người lạc quan hay có xu hướng cho đi, họ giúp đỡ người khác với tư tưởng "Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt, hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa". Họ cho đi mà không cảm thấy tiếc nuối, không hối hận, thế nên mọi việc đối với họ rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên trong thực tế, số người như thế đang càng ngày càng hiếm.
Trong con mắt những người lạc quan, họ nhìn thấy rất rõ hiện tại. Tôi có đọc được một câu "Kẻ dại tìm hạnh phúc nơi xa, người khôn vun trồng nó ngay dưới chân mình". Thế mới thấy người đàn ông kia biết quý trọng hiện tại, lúc nào ông cũng nghĩ đến vợ con. Hạnh phúc gia đình là cái ông cố gắng lưu giữ trong suốt bao năm qua. Đã bao lần ông phải chuyển phòng lên cao, ông luôn luôn giữ nguyên vị trí treo mấy chiếc khung ảnh. Những tấm ảnh lưu giữ hạnh phúc nhỏ nhoi của ông. Những căn phòng cũng là những mảnh ghép hạnh phúc của gia đình ông. Chúng như những chiếc hộp cất giữ kỉ niệm một đời của ông. Thời gian bao năm đã tôi qua, nhưng ông thủy chung không hề quên đi nó. Cũng giống như chiếc tẩu kia, vì nó gắn bó với ông trong một thời gian dài, trong khoảng thời gian hai vợ chồng ông ở chung một chỗ, nên khi ông làm rơi nó, thay vì đi mua cái mới, ông lại quyết định lặn xuống tìm lại nó. Hạnh phúc nào ở đâu xa, ta nên với tay nắm chắc lấy hạnh phúc của chính mình, đem nó đi nuôi dưỡng, để lúc nào ta cũng cảm thấy vui sướng. Người đàn ông này đã làm được điều đó, nên tuy nhìn thoáng qua ông có vẻ cô đơn nhưng nếu trong tim mình thủy chung có hình bóng một người thì đi đâu, lúc nào ta cũng không cảm thấy mình lẻ loi.
Nhưng với những người bi quan hơn, họ không chỉ nhìn vào hạnh phúc "đơn thuần". Họ thường không hài lòng với mọi thứ xung quanh mình. Khi con người không hài lòng với hạnh phúc của mình, trong lòng họ sẽ nảy sinh ra sự tham lam. Với ham muốn mãnh liệt sở hữu những gì mình không có, họ sẽ không thể nào tìm thấy hạnh phúc tồn tại xung quanh. Hạnh phúc đối với những con người này chỉ như một vài vệt sáng trong khoảng chứa đầy bóng tối. Họ luôn nghĩ cuộc đời của họ chứa đầy đau khổ, họ bỏ mặc những niềm vui nho nhỏ xung quanh mình mà chỉ chăm chăm với tới những thứ quá tầm tay. Như con cáo trong chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, không ăn được nho thì bảo nho chua. Nó cũng ham muốn một thứ không thuộc về nó. Sau vì không có được mà chê bai. Nhưng ít nhất nó còn biết bỏ qua, còn với một số người, cứ khăng khăng muốn có bằng được. Sự cố chấp đó sẽ gây ra cho họ nhiều sự đau khổ sau này. Buồn bực, đau khổ, thù hận, ghen tị... là những cảm xúc họ luôn mang bên mình, chúng sẽ dần điều khiển họ làm mọi cách để đạt được thứ họ hằng mong ước. Nhưng đến cuối cùng, khi nhìn lại cả một cuộc đời mà người ta chỉ để dành cho sự mưu cầu, luôn tranh dành, để ý đến được mất thì có phải quá đáng thương hay không.
Tuy vậy tôi cũng không hoàn toàn ghét sự cạnh tranh. Cũng có thể nói là nếu con người không có tý chí tiến thủ nào thì cũng không tốt. Tuy nhiên cuộc đời là của mỗi người, họ có quyền chọn lựa nên sống thế nào và người khác cũng khó mà can thiệp vào. Có thể họ thấy hạnh phúc khi cố mà dành lấy một cái gì đó, còn một số khác thì hài lòng với hiện thực của bản thân mà không mưu cầu gì thêm.
Hãy xem bộ phim ngắn này để tự tìm thấy cảm xúc của chính mình.
BẠN ĐANG ĐỌC
Hạnh Phúc của Con Người
Non-FictionMột vài suy nghĩ của chính bản thân tôi về Hạnh Phúc sau khi xem một bộ phim hoạt hình ngắn "La maison en petits cubes" của Kunio Katō. (2016-2018) PHAM