Đến bây giờ tôi đã chịu tang Tsurukawa được gần một năm tròn. Mỗi khi thấy mình cô độc, tôi lại nhận thấy làm quen với những nếp sống này, đối với tôi, thật là dễ dàng; và rằng, cuộc sống ít phải cố gắng nhất đối với tôi chính là cuộc sống tôi không bị bó buộc phải nói năng gì với ai hết. Tôi đã bỏ được sự bực tức đối với cuộc đời. Mỗi một ngày chết đi đều có niềm vui riêng của nó.
Thư viện đại học là nơi duy nhất tôi thích tới lui. Tôi không đọc sách nói về Thiền, nhưng ham những tiểu thuyết phiên dịch và tác phẩm triết học mà tôi tình cờ vớ được. Tôi ngại ngùng không muốn kể tên những văn gia và triết gia ấy. Tôi nhận rằng họ đã ảnh hưởng ít nhiều đến tôi và tôi cũng nhận rằng chính họ đã là nguyên nhân chính yếu của hành vi ấy; tuy thế tôi lại cho rằng hành vi ấy chính là sự độc sáng của tôi; đặc biệt, tôi không hề muốn bào chữa cho rằng đã có một triết học ký thành nào đó thúc đẩy hành vi này cả.
Như tôi đã giải thích việc những người khác không hiểu tôi đã là nguồn kiêu hãnh duy nhất đối với tôi ngay từ thời niên thiếu, và tôi chẳng hề cảm thấy có chút mảy may xung động nào cổ vũ tôi tỏ bầy sao cho người khác hiểu được mình. Khi tự mình cố gắng làm sáng tỏ tư tưởng và hành động của mình, tôi không có chút đắn đo, châm chước nào hết. Tôi không rõ có phải đó là vì tôi muốn tự hiểu chính mình hay không. Một xung động như vậy thường theo bản tính chân thực của một người đến để tạo nên nhịp cầu nối liền người đó với những người khác. Vẻ đẹp của Kim Các Tự đã làm tôi say sưa và làm cho một bộ phận trong con người của tôi trở nên mịt mờ; và vì sự say sưa này đã cướp mất của tôi những hình thức say sưa khác nên buộc lòng tôi phải đối kháng bằng cách dùng ý chí mà giữ gìn những bộ phận minh triết của riêng tôi. Tôi không biết gì về người khác, nhưng trong trường hợp của tôi, chính sự minh triết là tôi và ngược lại, tôi không phải là người chủ trì sự minh triết ấy.
Bây giờ là thời gian nghỉ đầu Xuân niên khóa (1948) Chiêu Hòa năm thứ hai mươi ba, năm thứ hai tôi lên đại học. Một tối Lão sư phụ có việc bận nên đi vắng. Vì không có một người bạn nào nên phương cách duy nhất để tôi khai thác thời gian tự do may mắn này là đi tản bộ một mình. Tôi rời chùa, đi bộ ra bên ngoài Tổng môn. Phía bên ngoài có một rãnh nước chạy ven cổng chùa; bên cạnh rãnh nước này có dựng một tấm bảng gỗ. Tôi đã nhìn quen tấm bảng cũ kỹ này từ lâu lắm rồi, nhưng bây giờ tôi đang dừng lại trước nó và vẩn vơ đọc những hàng chữ đắm mình trong ánh trăng:
CHÚ Ý
1- Cấm tất cả mọi biến cải chạm tới hiện trạng bên ngoài của nơi này, trừ trường hợp có giấy phép đặc biệt.
2- Cấm tất cả những hành vi có thể ảnh hưởng tới sự bảo tồn nơi này.
Yêu cầu dân chúng chú ý đến những điều kể trên. Bất kỳ người nào vi phạm cũng sẽ bị xử phạt theo quốc pháp.
Bộ Trưởng Nội Vụ Ngày 31 tháng 3, (1928)
Chiêu Hòa năm thứ ba
Rõ ràng là tấm bảng này nhắm vào Kim Các Tự. Tuy nhiên, thực khó mà nắm vững được ám thị trong những ngữ cú trừu tượng ấy. Tôi không sao ngăn được ý nghĩ cho rằng một tấm bảng bố cáo như thế này thực ra chỉ tồn tại ở một thế giới nào hoàn toàn khác biệt với thế giới của ngôi chùa bất biến này. Chính lời bố cáo cũng dự liệu một hành vi khó hiểu hoặc khó thực hiện nào đó. Nhà lập pháp đã soạn ra những luật lệ này và đã mô tả hành vi này một cách khái quát như thế hẳn phải là một người đã hoàn toàn mù mịt, không biết đường nào mà mò. Vì lẽ chỉ có người điên mới có thể mưu đồ những hành vi này. Mà làm sao người ta có thể làm cho một thằng điên sợ trước bằng cách đe dọa trừng phạt hành vi của nó? Điều cần thiết có nhẽ là một thứ văn tự đặc biệt mà chỉ những thằng điên mới có thể đọc nổi.