Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc, biết đâu là nhà?
Lần lần tháng trọn ngày qua
1790. Nỗi gần nào biết đường xa thế này.
Lâm Chuy từ thuở uyên bay,
Buồng không, thương kẻ tháng ngày chiếc thân
Mây xanh, trăng mới in ngần
Phấn thừa, hương cũ, bội phần xót xa
1795. Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân
Tìm đâu cho thấy cố nhân?
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương
Trạnh niềm nhớ cảnh gia hương
1800. Nhớ quê, chàng lại tìm đường thăm quê
Tiểu thư đón cửa dã dề
Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa
Nhà hương cao cuốn bức là
Buồng trong, truyền gọi nàng ra lạy mầng
1805. Bước ra một bước một ngừng
Trông xa, nàng đã tỏ chừng nẻo xa:
Phải rằng nắng quáng, đèn loà
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?
Bấy giờ, tình mới tỏ tình
1810. Thôi thôi đã mắc vào vành, chẳng sai!
Chước đâu, có chước lạ đời!
Người đâu mà lại có người tinh ma!
Rõ ràng thật lứa đôi ta
Làm cho con ở, chúa nhà đôi nơi!
1815. Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm, giết người không dao
Bây giờ đất thấp trời cao
Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?
Càng trông mặt, càng ngẩn ngơ
1820. Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời
Sợ uy dám chẳng vâng lời
Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều
Sinh đà phách lạc hồn xiêu:
Thương ôi! Chẳng phải nàng Kiều ở đây?
1825. Nhân làm sao đến thế này?
Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi!
Sợ quen dám hở ra lời
Khôn ngăn giọt ngọc, sụt sùi nhỏ sa
Tiểu thư trông mặt hỏi tra:
1830. Mới về có việc chi mà động dong?
Sinh rằng: Hiếu phục vừa xong
Suy lòng trắc dĩ, đau lòng chung thiên!
Khen rằng: Hiếu tử đã nên!
Tẩy trần, mượn chén giải phiền đêm thu.
1835. Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi
Bắt khoan, bắt nhặt, đến lời
Bắt quì tận mặt, bắt mời tận tay
Sinh càng như dại như ngây
1840. Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi
Ngảnh đi, chợt nói, chợt cười
Cáo say, chàng đã giạm bài lảng ra
Tiểu thư vội thét: Con Hoa!
Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn!
1845. Sinh càng nát ruột tan hồn
Chén mời, phải ngậm bồ hòn, ráo ngay!
Tiểu thư cười nói tỉnh say
Chửa xong cuộc rượu, lại bày trò chơi
Rằng: Hoa nô đủ mọi tài
1850. Bản đàn thử giạo một bài chàng nghe!
Nàng đà tán hoán, tê mê
Vâng lời, ra trước bình the vặn đàn
Bốn dây như khóc, như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!
1855. Cũng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Giọt châu lã chã khôn cầm
Cúi đầu, chàng những gạt thầm giọt sương
Tiểu thư lại thét lấy nàng:
1860. Cuộc vui gẩy khúc đoạn tràng ấy chi?
Sao chẳng biết ý tứ gì?
Cho chàng buồn bã, tội thì tại ngươi!
Sinh càng thảm thiết bồi hồi
Vội vàng gượng nói, gượng cười cho qua
1865. Giọt rồng canh đã điểm ba
Tiểu thư nhìn mặt, dường đà cam tâm
Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm:
Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay!
Sinh thì gan héo, ruột đầy
1870. Nỗi lòng, càng nghĩ càng cay đắng lòng
Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn giong canh dài
Bây giờ mới rõ tăm hơi
Máu ghen, đâu có lạ đời nhà ghen!
1875. Chước đau rẽ thuý chia uyên!
Ai ra đường nấy, ai nhìn được ai
Bây giờ một vực một trời
Hết điều khinh trọng, hết lời thị phi
Nhẹ như bấc, nặng như chì
1880. Gỡ cho ra nữa, còn gì là duyên!
Lỡ làng chút phận thuyền quyên
Bể sâu, sóng cả, có tuyền được vay?
Một mình âm ỷ đêm chầy
Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh
1885. Sớm khuya hầu hạ đài dinh
Tiểu thư chạm mặt, dè tình hỏi tra
Lựa lời, nàng mới thưa qua:
Phải khi mình lại xót xa nỗi mình.
Tiểu thư hỏi lại Thúc Sinh:
1890. Cậy chàng tra lấy thực tình cho nao!
Sinh đà rát ruột như bào
Nói ra chẳng tiện, trông vào chẳng đang!
Những e lại luỵ đến nàng
Đánh liều mới sẽ lựa đường hỏi tra
1895. Cúi đầu quì trước sân hoa
Thân cung nàng mới dâng qua một tờ
Diện tiền trình với tiểu thư
Thoắt xem dường có ngẩn ngơ chút tình
Liền tay trao lại Thúc Sinh
1900. Rằng: Tài nên trọng, mà tình nên thương!
Ví chăng có số giàu sang
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên!
Bể trần, chìm nỗi thuyền quyên
Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời!
1905. Sinh rằng: Thật có như lời
Hồng nhan bạc mệnh, một người nào vay
Nghìn xưa âu cũng thế này
Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa.
Tiểu thư rằng: Ý trong tờ
1910. Rắp đen mệnh bạc, xin nhờ cửa Không
Thôi thì thôi, cũng chiều lòng
Cũng cho nghỉ nghị trong vòng bước ra
Sẵn Quan Âm các vườn ta
Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa.
YOU ARE READING
Ngôn từ trong Thi ca
PoetryChỉ là một số bài thơ hay tôi viết lại vào đây. Có dịp lại giở ra xem. Dân Văn nên phải đọc nhiều thơ, nhiều văn mới viết có cảm xúc được...