Mối tình hiếm có giữa nữ tướng giả trai và khai quốc công thần nhà Hậu LêHình minh họa. Nguồn: InternetNguyễn Chích là một danh tướng kiệt liệt của nghĩa quân Lam Sơn, sau thành đại công thần khai quốc của nhà Hậu Lê. Ít ai biết, ông và vợ quen nhau trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Từ người anh hùng núi Hoàng Nghiêu đến công thần khai quốc
(1382 – 1448) quê ở thôn Vạn Lộc, huyện Đông Sơn, châu Ái (nay là xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa); có tài liệu thì ghi ông người thôn Mạc, huyện Đông Sơn; tài liệu khác thì ghi quê ông ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.
Xuất thân trong gia đình nông dân, lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi chăn trâu, ở đợ kiếm sống nhưng ông bản tính thông minh, dũng lược, có ý chí.
Bởi vậy, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của triều Hồ thất bại vào tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), trong số các cuộc nghĩa nổi dậy sau đó, có cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Chích lãnh đạo.
Ông đã tập hợp lực lượng, lấy khu vực núi Hoàng và núi Nghiêu làm căn cứ (nay thuộc khu vực giáp giới giữa 3 huyện Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa). Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn chép: "Hiệu lệnh của ông được thi hành ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống và Ngọc Sơn".
Từ căn cứ của mình, Nguyễn Chích dần dần phát triển lực lượng, khống chế cả một vùng rộng lớn phía Nam Thanh Hóa và bắc Nghệ An.
Năm Mậu Tuất (1418), khi Lê Lợi xưng là Bình Định vương xướng nghĩa ở Lam Sơn, biết danh tiếng của Nguyễn Chích, Lê Lợi đã cho người đến kết giao để cùng phối hợp chống kẻ thù chung.
Nể phục uy thế, tài đức của thủ lĩnh Lam Sơn nên cuối năm Canh Tý (1420) Nguyễn Chích đã đem toàn bộ lực lượng theo về, tự đặt mình dưới sự chỉ huy của Lê Lợi và được phong là Thiết đột hữu vệ, Đồng tổng đốc chư quân; sau nhờ lập nhiều chiến công lại được thăng đến chức Nhập nội thiếu úy, thuộc hàng võ quan cao cấp nhất lúc đó.
Không chỉ anh hùng hào kiệt nể phục tài năng của Nguyễn Chích mà đến kẻ thù cũng muốn lôi kéo ông. Giặc Minh thông qua tên Việt gian Lương Nhữ Hốt nhiều lần dùng vàng bạc, chức tước để mua chuộc, dụ dỗ nhưng bị ông cự tuyệt, không những vậy ông còn đem quân tấn công, đánh bại Lương Nhữ Hốt ở Cô Vô (ven sông Chu).
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, có thể chia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn làm ba giai đoạn lớn: Giai đoạn hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa (1418-1423), giai đoạn tiến vào phía Nam (1424-1425) và giai đoạn giải phóng Đông Quan (1426-1427).
Nếu như giai đoạn đầu nghĩa quân thế lực còn mỏng, địa bàn hoạt động hẹp, gặp vô vàn khó khăn, lại liên tục bị quân Minh tấn công nhằm tiêu diệt, có lúc tưởng chừng tan rã hoàn toàn, như trong Bình Ngô đại cáo sau này có nhắc lại qua hai câu: