"Tại sao tôi không giống người khác?..."

5 0 0
                                    

Tại sao bạn lại phải giống người khác khi bạn là một cá thể riêng biệt? Bạn có tài năng của riêng bạn, có cách nhìn lạ lẫm, có những cảm xúc chân thật nhất. Thì việc gì phải che giấu nó? việc gì phải khoác lên người bộ dạng ủ rũ chán chường khi phải cố bắt bản thân nhìn giống những người xung quanh bạn?. Đã đến lúc tự đặt ra câu hỏi: Đã bao giờ bạn sống thật với chính mình chưa?

Có một câu nói đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng: "Tôi là chính bản thân tôi. Tôi thích điều tôi thích. Tôi yêu điều tôi yêu. Tôi làm điều mình muốn làm. Tránh ra và chấp nhận đi. Đây là cuộc đời tôi, không phải của ai khác". Tuy nhiên, trong vô số những người tôi từng gặp, lại không có mấy ai có thể làm được điều ấy, vì họ sợ, sợ phải "sống" một cách đúng nghĩa, sống cho bản thân họ, sống cuộc đời của chính họ, thay vào đó họ lo lắng về cách nghĩ của người khác, về cảm xúc của người khác, về ánh nhìn của người khác. Để rồi họ tồn tại theo cách mà người ta muốn họ như vậy.

"Là chính mình trong cái thế giới luôn cố biến mình giống như những người khác là thành tựu tuyệt vời nhất" câu danh ngôn của nhà thơ, triết gia, nhà tiểu luận nổi tiếng Ralp Waldo Emerson đã cho thấy một sự thật hiển nhiên rằng để được làm chính mình chưa bao giờ là việc làm đơn giản. Nghe thì thấy bất hợp lí, nhưng ngẫm nghĩ lại thì đúng thật. Chiếc áo đắt tiền đầy phá cách đã treo trong tủ lâu lắm rồi nhưng không dám mặc ra ngoài, lỡ người ta thấy mình ăn mặc không giống ai mà nói ra nói vào thì "ôi thôi ngại chết". Cô học trò không đủ dũng cảm tỏ tình với anh bạn ngồi cùng bàn sau ba năm học chung, sợ bị từ chối, sợ người ta nói con gái chủ động mất giá, phải cố tỏ ra kiêu kì như mấy đứa con gái trong lớp thì mới được. Cậu trai với niềm đam mê nhiếp ảnh cháy bỏng đang là một nhân viên văn phòng, vì "nghe lời ba mẹ, họ hàng, chòm xóm làm nhân viên lương tháng cho ổn định", đổi lại là những tháng ngày trống rỗng, sáng xách cặp đi tối xách cặp về, không vui không buồn chỉ thấy chán chường. Ngại bộc lộ cảm xúc thật, ngại làm những điều mình thích, thực hiện điều mình muốn hay thậm chí, biết rõ về bản thân mà vẫn cự tuyệt đi nó. Để có thể nhìn giống những người khác, làm vui lòng người khác, chúng ta đã ruồng rẫy bản ngã độc đáo và duy nhất của mình.

Vậy điều gì khiến mọi chuyện trở nên khó khăn như vậy? Có phải là do bẩm sinh, tôi nghĩ là không, vậy là do trong quá trình chúng ta lớn lên có nhiều tác động chăng? Cũng có thể. Lấy một ví dụ đơn giản là ở trường học, nơi luôn muốn gò mấy trăm hoặc mấy ngàn học sinh, tức nghĩa là mấy trăm hoặc mấy ngàn cá tính khác nhau, vào một cái quy định bắt buộc mà xã hội cho là thích hợp với tất cả mọi người. Đứa nào thuận não trái thì may mắn hơn mấy đứa thuận não phải. Con cá, con rùa hay con hưu,.. đều thi chung bài thi chạy nếu muốn qua môn, tốt nghiệp, để ba mẹ nở mặt nở mày. Tôi chẳng có ý bổ bán ai đâu, ý tôi chỉ là trường học chỉ thích hợp với một số, mà một số không có nghĩa là tất cả, nên khi bạn thất bại ở trường học, không đồng nghĩa nó là kẻ thất bại trong cuộc sống. Đa số những đứa trẻ, đặc biệt là ở các nước chịu ảnh hưởng phong kiến từ xưa, ít khi được nêu lên ý kiến của mình, nếu nó có đủ dũng cảm để nói thì, dĩ nhiên, "con nít biết gì mà xen vào" hoặc khi đứa trẻ bộc lộ một cách nhìn riêng biệt cá nhân, theo tự nhiên sẽ có vài tiếng trách mắng "nói năng xằng bậy, chuyện đó chẳng xảy ra đâu, đừng có mà mơ tưởng" hay "thôi ngay cái ý định không giống ai đó đi". Cứ thế, lối suy nghĩ độc đáo riêng biệt của chúng ta bị bào mòn khi lớn lên, chẳng dám nói lên ý kiến vì sợ bị cho là khác người, sợ bị la mắng, sợ dèm pha, sợ đủ mọi thứ. Nhưng lại không sợ, từ sâu bên trong, tâm hồn của mình bị tổn thương.

Sophia Amoruso – CEO của doanh nghiệp thời trang vintage Nasty Gal trị giá hàng trăm triệu đô – từng viết rằng "Nếu như tôi cố gắng để hòa mình vào với họ, Nasty Gal đã phá sản và sụp đổ từ lâu rồi" khi cô nhắc về tuần lễ thời trang New York. Sophia rất nổi loạn và cá biệt, điều đó thể hiện rõ ràng từ khi còn bé, nếu cô bị giao động và cố gắng "hòa nhập tuyệt đối" vào xã hội đa số nhàm chán như nhau thì có lẽ #GILRBOSS sẽ không xuất bản, Nasty Gal sẽ không thành lập và cô cũng không là một CEO truyền cảm hứng như hôm nay. Hay ví như kết cục của bộ phim The Devil Wears Prada. Phân cảnh nhân vật Andy quay đầu bỏ đi khỏi ánh đèn flash đang bao bọc lấy tổng biên tập thời trang Miranda là một chi tiết đắt giá đối với tôi. Điều đó đồng nghĩa rằng cô đã quyết định từ bỏ công việc mà hàng ngàn cô gái mơ ước, bỏ đi những món đồ hiệu đắt tiền, bỏ đi khỏi thế giới thời trang hoa lệ nơi có thể khiến cô có sự nghiệp lẫy lừng một cách dứt khoát. Sự xa hoa mà cô trợ lý tổng biên tập đang có chẳng vui vẻ gì khi cô không còn là chính cô. Nụ cười hạnh phúc của một Andrea làm ở một tòa soạn nhỏ trong bộ quần áo bình thường đã chứng minh điều cô lựa chọn là đúng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch từng viết trong "Lưng chừng cô đơn" như thế này: "Nghịch lý thường nằm ở chỗ, chúng ta thường phán xét cuộc sống của người khác dựa trên quan điểm cá nhân, rồi loay hoay tìm cách sống sao cho hợp với đánh giá theo quan điểm của người khác". Bạn sống theo quan niệm người khác sau đó tiếp tục muốn người khác sống theo quan điểm của mình. Cứ thế mọi chuyện trở thành một vòng lặp. Dừng lại, dừng việc so sánh bản thân với người khác và ép người khác nhìn giống mình. Cuộc sống này chẳng có chuyện gì là tuyệt đối cả, mọi thứ trên đời này đều chỉ là cách nhìn phiến diện. Vậy tại sao không từ bây giờ, không từ giây phút này, phá bỏ cái vòng mà bạn cho là an toàn đi, ra ngoài để sống hết mình, yêu thương bản thân nhiều hơn, bộc lộ mọi thứ một cách tự nhiên nhất. Bạn là chính bạn, có một không hai, chẳng ai có thể điều khiển cuộc đời bạn nếu bạn không trao quyền cho họ. Hãy nghe lời trái tim bạn đang nói, hãy sống thật hạnh phúc để đến thời khắc sắp gặp mặt lại những người đã khuất, ta cũng chẳng phải hối hận khi đã sống trọn cuộc đời của chính ta.

"Tại sao tôi không giống người khác?..."Where stories live. Discover now