Chương 31: Một kẻ tù phạm

305 8 0
                                    

Thứ hai, ngày 13

Sáng qua, tôi theo cha tôi ra ngoài châu thành, thăm một khu biệt trang cha tôi định thê để nghỉ mát trong vụ hè tới. Người giữ chìa khoá nhà này trước làm giáo dục. Ông đưa chúng tôi đi xem khắp nơi rồi mời chúng tôi vào phòng giải khát.

Trên bàn, gần cốc chúng tôi có một cái lọ mực bằng gỗ hình chóp nón, chạm trổ rất kỳ quái. Thấy cha tôi ngắm mãi lọ mực, ông giáo bảo cha tôi :

_ Đấy là một kỷ niệm rất quí báu của tôi. Nếu ngài biết rõ gốc tích ,ngài cũng phải cho là hiếm có.

Cha tôi bảo :

_ Ông làm ơn kể lại cho tôi nghe.

Ông liền thuật lại như sau :

Cách đây mấy năm, khi ông còn làm việc ở Torinô ông phải cử vào đề lao dạy tù suốt một mùa đông. Ở đấy có một phòng cao hình tròn, chung quanh tường trổ nhiều cửa sổ vuông rào sắt. Sau mỗi cửa sổ là một buồng giam. Giáo sư đi đi lại lại trong phòng để giảng bài ; các tù phạm ngồi sau cửa sổ tì vở vào song sắt biên chép, để lộ trong bóng tối những khuôn mặt gầy gò thiểu não những chòm râu phờ rối và lốm đốm hoa râm, những con mắt tráo trưng của những quân ăn cắp và giết người.

Trong bọn, có một người đeo số 78 là chăm chú hơn cả. Hắn thích học và nhìn thầy bằng đôi mắt đầy vẻ kính trọng và biết ơn. Hắn còn trẻ, tóc rậm, râu đen, trước kia làm thợ mộc, trong lúc cãi nhau đã vớ chiếc bào ném vào đầu chủ chết tươi. Vì thế hắn bị 6 năm tội đồ.

Trong vòng ba tháng, hắn đã biết đọc, biết viết. Hắn chăm đọc sách lắm, hắn càng học được bao nhiêu thì hình như hắn càng sửa mình và tỏ ý hối hận về việc đã làm.

Một hôm, lúc gần hết giờ, hắn ra hiệu mời giáo sư lại gần cửa sổ và buồn rầu báo cho giáo sư biết hôm sau hắn sẽ phải đổi đi đề lao thành Vênêzua. Sau mấy lời từ biệt cảm động, hắn xin giáo sư cho phép hắn sờ tay...Giáo sư chìa tay, hắn nâng lấy vừa hôn vừa nói "Cảm ơn thầy" rồi chạy mất. Khi giáo sư rút tay ra thì thấy bàn tay đẫm nước mắt.

Từ đó, giáo sư không nhìn thấy người học trò ấy nữa.

Giáo sư nói tiếp :

_ Sáu năm qua. Tôi mãi làm ăn và cũng không rỗi công nghĩ đến người tù khốn khổ ấy. Bỗng sáng nay, có một người lạ mặt, quần áo rách rưới, chòm râu lốm đốm, đến hỏi tôi :

_ Chính ngài là thầy giáo...

Tôi hỏi lại :

_ Bác là ai ?

Người lạ mặt đáp :

_ Tôi là tên tù số 78, người mà thấy đã dạy cách đây 6 năm và sau bài cuối cùng, thầy đã vui lòng giơ tay cho tôi... Nay hết hạn tù, tôi đến kính biếu thầy vật mọn này chính tay tôi làm trong khi ở nhà lao... Thưa thầy, gọi là một chút để tỏ lòng nhớ ơn, xin thầy nhận cho !

Tôi đứng im, người khách khốn khổ kia tưởng tôi từ chối, hắn liền nhìn tôi một cách tha thiết, như ngụ ý hỏi :

_ Sáu năm đau khổ chưa đủ chuộc được danh dự sao ?

Thương tình người "học trò lao tù" cũ, tôi nhận vật này.

Giáo sư cho chúng tôi xem lọ mực. Người tù đã dùng đầu cây đinh để trổ và đã dụng tâm lắm mới được thế ! Tôi nhìn thấy hình "cái bút nằm chèo trên quyển vở" và những chữ này :"Kính tặng giáo sư của tôi. - Kỷ niệm của tên 78 - Sáu năm."

Dưới cùng có hàng chữ nhỏ :"Học hành và hy vọng." Kể xong, giáo sư cũng không giữ chúng tôi nữa và để chúng tôi về.

Đi đường, óc tôi chỉ vẩn vơ nghĩ đến người tù nấp sau phên sắt, đến lời hắn từ biệt thầy giáo và đến cái lọ mực chạm tỉ mỉ trong đề lao, cái công trình này đã gợi ra cho tôi biết bao nhiêu là truyện... Đêm nằm tôi cứ mơ đến và sáng hôm sau tôi vẫn còn tưởng đến. Nào tôi có ngờ đâu một câu chuyện ngẫu nhiên nó đợi sẵn tôi ở ngoài trường ! Khi làm xong bài Toán pháp, tôi kể chuyện người tù và tả lại cái lọ mực gõ cùng những câu ghi khắc vào đó cho anh Đêrôtxi nghe. Anh giật nẩy mình rồi lần lượt nhìn anh Crôtxi và tôi.

Anh Crôtxi, con bà bán hoa quả rong, ngồi ghế trên, lúc ấy đang mải làm tính .

Đêrôtxi nắm chặt cánh tay tôi và bảo nhỏ :

_ Suỵt ! Sáng nay Crôtxi khoe với tôi rằng cha anh mới ở Mỹ Châu về, có cái lọ mực gỗ, hình chóp nón, ngoài khắc vở và bút... Đúng cái lọ mực anh vừa nói rồi !... Sáu năm lại hợp với thời gian mà cha anh đi vắng, đi sang Mỹ anh thường nói thế. - Thì ra ông ta đã ngồi tù! - Hồi Toà kết án, anh Crôtxi còn bé không biết, nên mẹ anh cố ý giấu chuyện ấy. Vậy ta không nên đả động việc ấy nữa và phải trọng sự không biết của anh.

Những tấm lòng cao cả - Edmondo De AmicisNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ