Chương 14: Bàn luận sách

858 34 0
                                    

Mấy ngày hôm nay không thấy Quang Khải qua chơi, ở phủ một mình cũng buồn nên tôi đi dạo loanh quanh. Chả hiểu thế nào lại đi ra chỗ vườn hoa dành dành. Tôi chợt có chút nhớ chàng.

Nhớ chàng thực ra cũng đã trở thành một thói quen của tôi. Sáng thức dậy, người đầu tiên tôi nghĩ đến là chàng. Tối trước khi đi ngủ, người cuối cùng tôi nghĩ đến cũng là chàng. Lúc nào nhàn rỗi thì nỗi nhớ chàng lại da diết hơn. May mà có Quang Khải hay qua chơi nên nỗi nhớ cũng vơi đi một ít. Có lần, Quang Khải qua liên tục, tôi còn tưởng rằng đã hoàn toàn quên được chàng rồi. Không ngờ, hôm nay lại phát hiện ra mình vẫn không thể quên chàng.

Bóng người trước mặt khiến tôi khựng lại. Chàng đang ngồi đó nghiêng đầu đọc sách, ngón tay thon dài lật nhẹ từng trang sách mang vẻ dịu dàng. Chàng đột nhiên nhìn lên, đôi mắt như còn trong mộng nhìn tôi một hồi rồi lại cúi xuống đọc tiếp. Tôi trong lòng chán nản, thầm nghĩ mình có khác gì người vô hình đâu.

Đang định quay về thì chàng lại ngửng mặt lên, nhìn tôi chăm chú một lúc rồi gấp sách lại và cười. Tôi trông thấy nụ cười chàng rạng rỡ, lại ngỡ mình nhìn nhầm, ngó nghiêng một hồi không thấy ai mới khẳng định rằng chàng đang cười với mình nên đành cười yếu ớt lại gần ngồi.

– Sao đã đến rồi lại không vào?

– Dạ, thấy quan gia đang ngồi đọc sách nên không dám làm phiền ạ

Chàng hơi ngẩn ra rồi nói, mang theo vẻ trách móc:

– Sao còn gọi là quan gia nữa?

Thực ra, tôi đã nhiều lần can đảm cố bước lại gần chàng hơn. Nhưng lần nào cũng thế, cứ một bước tiến lên thì lại bị chàng đẩy lùi hai bước. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải tự phân đinh ranh giới, tránh mình mộng nhiều mà sau này không thoát ra được.

Thấy tôi không trả lời, chàng lại tiếp tục đọc sách. Tôi buồn chán nhìn sang, thấy tựa đề sách là Tận Tâm – Quyển Thượng, đang nghĩ nghĩ xem nên phải làm gì thì chàng nói:

– Trong sách, Mạnh Tử nói người quân tử có ba cái vui nhất: Cha mẹ đều còn, anh em không bị gì, ấy là vui thứ nhất. Ngửa mặt lên trời mà không hổ, cúi đầu đối với người mà không thẹn, ấy là vui thứ nhì. Được và dạy anh tài trong thiên hạ, ấy là vui thứ ba (1). Với nàng cái gì là niềm vui nhất?

Tôi không hiểu biết nhiều về Mạnh Tử, cũng chẳng phải là người quân tử nhưng lúc nhỏ có học qua một chút về đạo Phật. Bấy giờ sư thầy có kể một câu chuyện về ba người cãi nhau về sự khoái lạc. Người thứ nhất nói: Thân thuộc quyền quý, ca ẩm là khoái lạc. Người thứ hai nói: Tiền của giàu nhiều, vinh quang là khoái lạc. Người thứ ba nói: Thê thiếp đẹp đẽ, đắm mê là khoái lạc. Đức Phật đi qua, nghe thế liền bảo:

“Tất cả các pháp trên đời này đều vô thường. Hằng năm đều có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng Xuân, Hạ, Thu, Đông đều thay đổi liên tục. Ví dụ: Mùa Xuân đến rồi lại đi sẽ để lại sự điêu tàn nóng bức của mùa Hạ. Vậy những người thân thuộc sẽ ly biệt và biệt ly mãi không bao giờ trở về. Đó sự sầu khổ chứ vui chỗ nào đâu?

Tiền của nhiều là nhân lo sợ, lo sợ trộm cắp, cướp của giết người. Đó sự sầu khổ chứ vui chỗ nào đâu?

Thê thiếp nhiều sinh ra ghen tuông trong cuộc sống bất an thường nay cãi cọ chuyện này mai cãi cọ chuyện khác. Đó là thảm họa sầu bi, chứ vui chỗ nào đâu? Và tất cả xoay quanh mình mà xâm phạm, làm đau khổ. Người chí nhân chỉ có một khoái lạc, đó là: Chỉ có sống đạo mới vui đời, tức là biết thương tất cả mọi sự sống trên hành tinh này”(2)

Tôi kể lại câu chuyện đó cho chàng nghe, chàng nghe xong ngẫm nghĩ một lúc rồi lại hỏi:

– Đấy là suy nghĩ của Đức Phật. Cái ta muốn hỏi là suy nghĩ của nàng

Thực ra, tôi không phải là Đức Phật, cũng không phải người đặc biệt tín ngưỡng, nên niềm vui của tôi và của Đức Phật là hoàn toàn khác nhau. Đối với tôi lúc này, được chàng yêu lại có lẽ là niềm vui lớn nhất nhưng tôi chẳng thể nào đem điều ấy nói với chàng. Chợt nghĩ đến trước kia, Quang Khải có hỏi sau này muốn làm gì bèn đáp lại chàng:

– Lấy chồng, sinh con, rồi sống vui vẻ

Chàng cười cười hỏi lại:

– Vậy nàng không sợ cảnh ghen tuông, rồi nay cãi cọ chuyện này, mai cãi cọ chuyện khác ư?

– Thực ra, Đức Phật có nỗi khổ của Đức Phật. Người thường có nỗi khổ của người thường. Đức Phật từ bi, vậy chắc chắn khi nhìn cảnh chúng sinh lầm than thì sẽ thấy không vui rồi, mà chúng sinh thì có bao giờ hết lầm than. Chỉ cần mình tâm niệm đó là niềm vui, thì khi trải qua khó khăn cũng sẽ không cảm thấy khổ cực.

Tôi nói đến đây lại thầm nghĩ “chỉ cần trong lòng chàng có tôi thì dù có chịu cảnh đó tôi cũng không sợ.” Chỉ là tôi đã không biết rằng, niềm vui vủa Đức Phật là bất biến, còn niềm vui của tôi thì chỉ có một thời.

Chúng tôi sau đó còn nói rất nhiều về những điều trong sách. Chàng giảng cho tôi về thuyết “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (3) của Mạnh Tử. Chàng bảo:

– Muốn có được thiên hạ thì phải được lòng dân

Tôi liền hỏi lại:

– Vậy làm sao để được lòng dân?

– Khổng Tử có dạy phải yêu dân, dùng sức dân cho đúng, đề bạt người tốt, giáo dục kẻ sai lầm (4)

– Em cũng là dân chúng của quan gia, quan gia định dùng cách nào để lấy lòng em?

Chàng hơi khựng lại, nhìn tôi chăm chú một hồi sau cười nói rằng:

– Tư tưởng của nàng không trong sáng, cần phải được giáo dục lại

Nói xong lại ngó lơ tôi, tiếp tục đọc sách. Tôi mặt buồn thiu ngồi bên cạnh, nhìn chàng rồi lại nhìn quyển sách, trong chốc lát đã muốn mình biến thành quyển sách ấy.

________________

(1) Sách học thời Trần là Tứ Thư và Ngũ Kình. Đây là một câu dạy trong sách Tận Tâm – Thượng của Mạnh Tử, thuộc bộ Tứ Thư: “Phụ mẫu câu tồn, huynh đệ vô cố, nhất lạc dã. Ngưỡng bất quý ư thiên, phủ bất tạc ư nhân, nhị lạc dã. Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi, tam lạc dã” (Quân tử tam lạc)

(2) http://chanhkien-pa.blogspot.com/2012/05/chi-co-song-ao-moi-vui-oi.html

(3) nghĩa là lấy dân làm gốc, dân là quý nhất, xã tắc là quý thứ nhì, vua là ít quý nhất

(4) Tư tưởng huệ dân của Khổng Tử

{Full-tiểu thuyết lịch sử} Ngày xuânNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ