Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi (I. Takuji)

9 0 0
                                    

Một ngày chiều mưa rả rít, rất thích hợp để đọc những truyện như thế này.

Tràn ngập trong không gian là nỗi buồn, cái chết, sự đau khổ. Tôi đã khóc khi theo dõi những cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa Yoko và Satoru.

Rất nhiều người nói với tôi về "Giá như ..." khi đọc nó. Nhưng tôi lại không thuộc loại có thể nói "nếu", "giá như" là xong. 

Cái cảm giác luyến tiếc quá khứ, tôi cũng từng lặp lại. Đặc biệt khi rơi vào ngõ tối hay cuộc đời không như mong muốn, chúng ta lại thường tìm về những thời điểm huy hoàng.

Đó cũng là biểu hiện của sự nuối tiếc và có chút bất lực ở hiện tại.

Nhưng tôi thích suy ngẫm về tính triết lý của thông điệp, nhiều hơn là đi nghĩ một cái kết khác cho câu chuyện. 

Tôi đã từng dành thời gian, nghĩ rất nhiều kết thúc khác nhau mỗi khi gặp điều gì không vừa lòng hay kết thúc tôi không muốn. Đó là chuyện của vài năm trước.

Vì qua thời gian, tôi nhận ra rằng:  rốt cuộc chẳng có kết cục nào khiến tôi hài lòng một trăm phần trăm, và thường thì càng lúc tôi càng đi xa hơn bản chất câu chuyện. Nên, tôi làm việc khôn ngoan hơn, ngừng suy nghĩ về kết thúc khiến mình hài lòng, mà đi sâu vào những điều mình cảm nhận được.

- Thật nực cười. Khi tôi tìm kiếm nàng, thì bàn tay tôi lại không thể chạm đến được trái tim nàng. (61)

Đọc câu này tôi cảm thấy rất buồn mà lại thấy nó như sự thật hiển nhiên. Yoko đã khép cửa trái tim mình lại, nó không phải là chìm vào khoảng trống tối tăm gì, mà là một phần linh hồn nàng đã bị chôn vùi. Và vì thế, Satoru không thể lại nghe "tiếng thầm gọi", cho đến khi cuối câu chuyện Yoko một lần nữa thốt lên trong trái tim anh.

Trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều cảm thấy bất an, lạc lõng và cô đơn. Có người tự mình vượt qua, mở rộng cửa với thế giới; có người khép mình lại, nỗ lực trong phạm vi khiến bản thân an toàn. Đâu ai lựa chọn được rằng mình đã đúng, hoàn toàn đúng mà không có bất cứ nuối tiếc nào, bởi vậy nên cũng không ai có quyền phán xét hay hối tiếc giùm người khác.

- Có lẽ, điều tôi thực sự nên nói là, những thứ mà chúng ta có thể nắm giữ trong tay cho đến tận cuối đời, thật ra không nhiều như chúng ta tưởng. (60)

Mỗi khi nghĩ đến câu này, nó lại mang cho tôi những suy nghĩ khác nhau. Chỉ là cái gì đó mơ hồ, không xác định rõ cũng như lời nói thì thầm, len lỏi mỗi khi tôi quên đi. Cái gì quan trọng, cái gì không quan trọng, cái gì nên giữ, cái gì nên buông,... Những câu hỏi cứ trải dài theo từng lựa chọn của mỗi con người.

Tôi chợt nhớ đến khi lần đầu Satoru "tiếp xúc" với trái tim Yoko, cậu nhanh chóng nhận ra và tiếp nối lời trái tim cô rất dễ dàng. Cuộc gặp trong rừng, lời hẹn gặp lại rất "vòng vo" và ẩn ý,.... Thật vui tươi và lãng mạng, đúng kiểu mười lăm tuổi. :D

Nhưng càng về sau thì sự tiếp nối càng rời rạc và khó khăn hơn, khi nó không chỉ đơn giản là có cũng được, hay dễ mà, sửa chữa được. Nó là một chuỗi những suy nghĩ tới người khác, quan tâm đến người khác và cách thấy mình còn "xứng đáng" với họ không.

 - Chúng tôi đang tua lại thời gian theo một cách phức tạp và tinh vi. (44)

Tôi khá thích đoạn này bởi phép ẩn dụ, liên tưởng về thời gian khá đặc biệt. Những sự liên tưởng ấy chân thật, đầy ý nghĩa và không hề khó hiểu. Cảm giác như ăn một cốc kem tuyệt ngon vào mùa đông vậy. :D

- Mỗi ngày lại có một cái gì đó, từng chút từng chút một, rời khỏi cơ thể tôi, và tuyệt nhiên không bao giờ quay trở lại nữa. (47)

Một trong những câu văn tôi thích nhất trong truyện. Bỏ qua những ý nghĩa gắn liền với chuyện tình Satoru và Yoko, nó mang đến tôi sự trân trọng thời gian, cảm giác sức sống dần rời khỏi ta, nên thanh xuân, tuổi trẻ, sự trưởng thành, hãy làm những điều gì đó thật ý nghĩa.

Nếu đánh giá về mức độ "tàn nhẫn" thì tôi đặt câu này lên đầu tiên:

- Tớ muốn cô ấy đợi thêm chút nữa. (55)

Đây là đoạn mà bạn của Yoko - Kumi về thăm và muốn Satoru đi gặp Yoko. Nhưng rốt cuộc, chỉ nhận được một câu nói chờ đợi vô định, chưa có mốc thời gian.

Tôi đã có ý nghĩ này sau khi đọc đến đây "chả nhẽ cô ấy phải chờ cả đời sao". Tôi nghĩ Kumi cũng đã có suy nghĩ tương tự. 

Bắt một người chờ mình cả đời trong khi họ đang rất đau khổ và cần mình là một sự tàn nhẫn; có suy nghĩ tốt nhưng không nói ra, không hành động để họ chìm dần vào bóng tối lại là sự tàn nhẫn lớn hơn. 

Nhưng tôi đánh giá cao nhất là một lời nói nhẹ nhàng thốt ra, có để tâm và vẫn nghĩ nó là điều tốt nhất song không hành động. Đó mới là sự nhẫn tâm với cả mình và người mình quan tâm.

Điều này, trong đoạn này, và cuộc điện thoại cuối cùng giữa hai người, tác giả Takuji đã làm rất tuyệt vời.

Còn lại những điều khác, mọi người đọc sách nhé. Vì bản chất tôi không phải một người review chuyên nghiệp và không dự tính như thế :D.

BOOK REVIEW - Tác phẩm hay trong năm 2020Where stories live. Discover now