Về "Người truyền kí ức" (Lois Lowry)

0 0 0
                                    

Tôi đã đọc quyển này hai lần. Không thể nói hết sự ngạc nhiên và yêu thích về tác giả và nội dung.
Khi tôi tưởng tượng mình sống ở một nơi không có sự khác biệt, đồng nhất về mọi thứ tôi nghĩa nó khá hợp với mình. Song khi tôi đọc về từng lời của nhân vật Jonas: chúng ta sẽ sống một cuộc đời không biết đến hạnh phúc, cảm xúc, nỗi đau ... Liệu chúng ta có còn gọi là thực sự được sống.
Khi một tổ chức, hệ thống nào đó tước đi quyền được sống một cách "trọn vẹn", ngay cả khi đó là một cuộc sống đầy nguy hiểm thì không bất cứ ai, ngoài chúng ta được phép làm vậy.
Con người đã từng - trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai - đã nỗ lực để vượt qua tất cả. Nhờ đó mà con người phát triển, tạo ra những điều không thể.
Chúng ta giống nhau nhưng chúng ta cũng khác biệt. Khác biệt tạo nên sự đa dạng của các chủng loài, nhờ thế tri thức, kiến thức được hình thành, chia sẻ, truyền thụ lại qua nhiều thế hệ.
Chúng ta là con người vì chúng ta có thứ gọi là cảm xúc. Thử tưởng tượng một ngày kia, con người chỉ còn lại là những tổ hợp code, số liệu, người ta dễ dàng suy ra con người nghĩ gì, hiểu gì, làm được gì, từ đó thay thế người khác ra các quyết định, lựa chọn. Vậy người "được chọn" họ đang sống cuộc sống của ai?
Câu nói tôi rất nhớ của Người truyền thụ nói với Jonas: "Bản thân việc lựa chọn mới là quan trọng" hay theo cách tôi giải nghĩa: bản thân việc "được" tự mình lựa chọn mới là quan trọng, chứ phải bạn lựa chọn điều gì.
Khi bị tước bỏ đi điều đó thì trong bản thân, bạn sẽ thấy thiếu hụt đi một phần bản tâm của mình.
Những người trong thời kỳ "Đồng nhất" lựa chọn từ bỏ: cảm xúc, đau đớn để đổi lấy sự an toàn. Ngay khi gặp nguy hiểm với những cảm xúc chưa từng có, họ sẽ trở nên dễ xáo trộn, hoảng loạn và có nhu hướng hủy diệt. Đó là điều Người truyền thụ dự đoán và ông tin rằng cách thay đổi là chia sẻ ký ức, cảm xúc và giúp họ vượt qua.
Những đứa trẻ của thế hệ sau không được lựa chọn điều chúng muốn, thậm chí suy nghĩ cũng đã được rèn luyện với nhiều phương thức thực hiện rất chặt chẽ, tinh tế - gần như chúng không cần phải nghĩ ngợi gì quá nhiều vì tất cả đã được cộng đồng giúp đỡ, lựa chọn.
Cái giá của việc "bị tước đoạt" cũng mang lại những lợi ích lớn chứ không phải chỉ là tiêu cực và chỉ khi chúng có "ý niệm" về việc chúng đang sống "không trọn vẹn" như Jonas thì chúng mới có thể thay đổi.
Người ta chỉ đấu tranh khi người ta biết rằng có điều bất công, người ta chỉ thay đổi khi người ta nhận thức về điều đó. Có rất ít người có bản năng tự mình cảm nhận được điều gì đó là sai trái trong khi họ không được dạy hay lĩnh hội về điều đúng. Vậy nên, Jonas - may mắn và bất hạnh hơn bạn bè, cha mẹ mình - cậu có được trải nghiệm từ kí ức và may mắn sống sót được đến khi lớn (đừng quên Gabriel "suýt" bị phóng thích vì "khác người").
Và cậu đã nhanh chóng quyết định đứng lên đấu tranh cho điều đó.
Chúng ta phải thực sự khâm phục cậu, Jonas trong truyện khi ấy chỉ là cậu bé Mười ba tuổi. Người tiền nhiệm của cậu đã chọn cách "phóng thích" vì những gánh nặng họ phải mang. Đó có lẽ cũng là một loại dũng cảm, dù nó theo nghĩa tiêu cực.
Rosemary hiểu rằng, là một con người, cô ấy không chấp nhận sống một cuộc đời như cha mình - Người truyền thụ. Cô ấy "chống lại" hội đồng Bô lão, chống lại hệ thống cộng đồng theo một cách tiêu cực hơn.
Song một đứa trẻ mới bước sang tuổi Mười hai có thể nhẹ nhàng tự mình "phóng thích" đã là một điều dũng cảm rồi. Tôi cho rằng: ít ra với Rosemary, cô ấy được quyền được lựa chọn cuộc đời của mình, dù đó có thể là lựa chọn duy nhất và cuối cùng trong cuộc đời của cô ấy.
Tôi thực sự khâm phục điều đó.
Có những lúc, chúng ta biết đấu tranh là vô vọng nhưng chính việc là một con người, chúng ta không thể làm ngơ trước điều đó được.
Về Jonas thì cậu quá tuyệt vời, tôi thích thú nhất là quá trình lo âu, những băn khoăn của cậu trước buổi lễ Mười hai và đoạn đường cậu cùng Gabriel vượt qua lúc chạy trốn. Làm tất cả những gì có thể để bảo vệ Gabriel - làm điều mà một con người có cảm xúc nên làm.
Giả sử cậu bỏ qua Gabriel, thì dù cậu có trốn thoát thành công tôi nghĩ bản thân cậu cũng sẽ không còn "toàn vẹn" ở Nơi khác. Thậm chí, nỗi ân hận và đau đớn có thể ăn mòn dũng khí của cậu.
Tôi không phải nhà Tâm lý nên không rành về thiếu niên, nếu như phải giải thích, tôi nghĩ Jonas sẽ không cân nhắc quá nhiều mặt lợi và hại như người trưởng thành.
Còn nhỏ cũng là một ưu điểm, chúng chỉ đơn giản suy nghĩ là điều nên làm thì phải làm và làm nó mà thôi. Có lẽ chính vì gặp được Jonas, Người truyền thụ đã sống dậy sự dũng cảm của mình và nhận ra cách thay đổi những "sự thật" đáng lẽ nên được thay đổi từ rất lâu.
Tôi còn nhớ câu nói của Jonas về sự nói dối: nếu như những Đứa trẻ Mười hai khác trong danh sách chỉ dẫn của chúng cũng được dạy: Có thể nói dối, cậu đã bàng hoàng đến thế nào khi nghĩ về điều này: Nếu người lớn được quyền nói dối thì "cậu sẽ không có cách nào biết được câu trả lời mình nhận được là thật hay không". Trong cộng đồng, trong suy nghĩ của một đứa trẻ Mười hai luôn tuân thủ luật không nói dối thì đó quả thật là một cú sốc khi biết rằng: bố mẹ chúng cũng có lúc dối trá.
Chi tiết tôi thích nữa là cảm xúc bàng hoàng của cậu khi chứng kiến bố mình phóng thích một đứa trẻ. Sự hời hợt như thể một chuyện thường ngày khi "giết" một đứa trẻ khiến cậu cảm thấy phẫn nộ, tức giận. Với những kí ức, cảm xúc cậu đã có trong quá trình trở thành Người tiếp nhận thì điều đó là một sự kinh khủng không tài nào con người làm được. Nhất là khi chứng kiến một hình mẫu chăm sóc dịu dàng, chu đáo từ bố cậu lại càng đẩy cảm giác kinh khủng lên tới tận cùng.
Tôi nghĩ rằng, nếu cậu có mặt lúc đó, đứng trong căn phòng đó, cậu sẽ không ngần ngại tấn công thậm chí làm bị thương bố mình để cứu đứa trẻ. Đó là điều một con người nên làm. Sự vô cảm, hời hợt, không nhận thức được tội ác càng kinh khủng hơn là những kẻ thích thú với điều đó. Ít ra chúng ta có thể hận, trừng phạt "những kẻ thích thú với tội ác" một cách không nương tay, còn với những người kia thì chúng ta chỉ có thể chọn cách thức tỉnh họ, trước khi trừng phạt họ.
Không gì đáng sợ bằng cách hợp thức hóa điều ác vì hợp thức hóa nghĩa là số lượng "chết" sẽ không chỉ dừng lại ở vài người mà nó sẽ là thói quen ăn sâu vào cách hành xử, suy nghĩ của những người còn lại.
Chi tiết tôi thích nữa đó là chi tiết về những viên thuốc. Rõ ràng hệ thống cộng đồng Đồng nhất sẽ thiếu hụt nếu không có chúng, nhờ chúng mà những thứ khác trở nên hợp lý và logic không khẽ hở.
Triệt tiêu sự khác biệt không chỉ ở lối sống, thói quen, suy nghĩ mà ở cả khía cạnh cảm xúc, trong truyện gọi là những "rung động". Không thể phủ nhận một phần lớn tội ác xuất phát từ việc bốc đồng trong cảm xúc.
Theo tôi, khống chế một cộng đồng bằng thuốc rõ ràng dễ dàng hơn khống chế họ bằng luật lệ hay suy nghĩ.
Điểm sơ qua vài chi tiết khiến tôi cảm thấy đắt giá làm tôi càng yêu thích nó nhiều hơn.
Hãy thử đọc và cảm nhận. Đừng chỉ nên nghe người khác nói. Nên mua sách để ủng hộ tác giả, lật vài trang sách thay về ebook sẽ dễ dàng cảm thụ tốt hơn, đặc biệt là khi dành thời gian đọc một lèo hết quyển mà không bị phân tâm bởi tin nhắn, mạng xã hội hay vô vàn thứ khác trên chiếc điện thoại.
Minh Hiep - 20.06.2020

You've reached the end of published parts.

⏰ Last updated: Jun 20, 2020 ⏰

Add this story to your Library to get notified about new parts!

BOOK REVIEW - Tác phẩm hay trong năm 2020Where stories live. Discover now