Năm sáu tuổi tôi ở lại với ông bà ngoại, nhìn ba mẹ lên thành phô vì kế mưu sinh. Với mội đứa trẻ con, cái nghèo chỉ nằm im trong những câu nói hằng ngày mà con chữ là một thế giới lạ lẫm. Khi đó cái nghèo chưa thể chạm vào những giấc mơ xinh xẻo, chưa lấy đi dáng hình ngu ngơ và những ý nghĩ ngây thơ. Cho đến khi tôi lớn, tôi mới nhận ra cái nghèo đeo bám nơi đây từ lâu lắm rồi, nó núp dưới những mái nhà thiếu ánh đèn, chơi đùa trên lưng những người nông dân. Rồi thì cái nghèo trở nên quen thuộc mà mọi người chẳng buồn xua đuổi, nó trở thành người bạn xấu tính, trong cuộc sống đầy khó khăn ấy.Ở đối diện nhà tôi là căn nhà của một gia đình nhỏ, cặp vợ chồng trẻ và một cô bé gái. Họ gọi em là Bông. Chuyến đi của ba tôi lần ấy có cả người chồng đi cùng,nhưng tôi không bao giờ thấy chú ấy trở về nữa. "Ba hứa sẽ về với em sẽ về trong ngày mai thôi"- Bông kể, nhưng "ngày hôm nay" của chú dường như là một ngày dài, rất dài, và chưa có vẻ gì là muốn kết thúc; khi ấy, Bông mới lên năm. Những ngày sau, người vợ phải ra đồng làm việc vì mùa đã tới, Bông không thể ở nhà 1 mình nên bà ngoại tôi nhận giữ hộ. Từ lúc đấy, mặc nhiên tôi có một đứa em.
Kỷ niệm về em trải rộng hết quãng thời gian trẻ thơ, tôi luôn nhớ 2 đứa đã lớn lên cùng nhau như thế nào. Lần đầu tôi viết chữ là lần đầu em có thể hát vài câu đơn giản, rồi ghép vần, rồi làm văn, rồi nhẩm phép tính. Nhưng nói gì thì nói, trẻ con vẫn ham chơi hơn học, sau giờ ở trường là giờ ngoài đường. Có khi ngồi trên con đê, nghệt mặt ngắm sao, bắt những con đom đóm trên những bụi cây, mà hai đứa gọi là những ngôi sao tí hon. Có khi ngồi cạnh nhau, kể nhau nghe hết những ước mơ mà 2 đứa muốn thực hiện, đôi khi là cùng nhau. Chúng tôi đã lớn lên bên nhau, và đã có lúc tôi nghĩ chúng tôi sẽ mãi mãi như vậy.
Bây giờ khắp nơi đã có điện và nước sạch, một số gia đình khá giả đã xây nhà kiên cố có rào xung quanh. Tôi đang gần kết thúc năm học cuối cùng của cấp 3, làng không có trường, tôi phải vào thị trấn để học. Tôi không còn thời gian chơi với Bông nhiều nữa, cũng là khi em kết thúc giấc mơ chữ nghĩa của mình ở lớp Năm vì đôi vai của mẹ em đã quá nặng khi thêm vào những cơn bạo bệnh. Em hằng ngày phải ra đồng và lùi lũi bên bên đám bò cứ gặm cỏ vô tư. Bận rộn bài vở và những điều mới mẻ làm tôi quên mất cô bé của mình, tôi nhận ra điều đó trong một buổi chiều rời thị trấn về nhà. Một cảm giác khó chịu xộc thẳng lên ngực tôi cồn cào, vừa đi vừa trách mình vô tâm, chợt tôi nhận ra bóng dáng em xa xa phía trướcEm đứng sát góc chân cầu, một tay đặt lên thanh vịn làm điểm tựa, tay còn lại giơ về phía trước vẫy rối rít như sợ tôi không nhìn thấy và nhoẻn nụ cười. Tôi bỗng thấy em thật đẹp, nét đẹp tỏa ra từ gương mặt lấm lem bùn đất, đôi mắt đen láy như ngưng đọng những tia sáng nới đáy mắt. Nó ánh lên ý chí kì lạ, tự bao giờ khuyên mặt trong khuôn mặt trẻ thơ của em, đã có những nét cứng cổi, đầy nghị lực. Có lẽ cuộc sống đang dần nung nấu thành hình một thiếu nữ từ trong lớp vỏ gầy gò của một cô bé. Em gần như muốn chạy lại phía tôi vì không thể chờ lâu hơn, nét háo hức nổi rõ trong tiếng gọi gấp gáp khiến tôi nghĩ ngợi, nở nụ cười rồi sải từng bước dài về phía em.
- Em muốn cho anh xem cái này. - Em nắm vạt áo tôi kéo nhẹ như cách em vẫn làm mỗi khi có gì muốn chia sẻ
Dưới chân cầu là con dốc đổ dài ra tận mí sông, em và tôi lần theo con đường mòn dẫn ra bãi cát ven bờ. Bên trái là cánh rừng tràm ken dày đặc đến sát chân cầu, các ngọn cây đâm thẳng đứng lên vòm trời đang dần chuyển tối. Mép vạt rừng có khoảng đất trống bằng phẳng bất thường, là tàn tích của đám cháy, những thân cây xung quanh bị cháy xém ám lớp muội đen nhánh. Bông bước hẳn vào giữa vùng tro đen trắng lẫn lộn, em cúi người như tìm kiếm vật gì rồi ngồi xuống hẳn, quay lại nhìn tôi như báo hiệu tôi đến xem. Giữa mảng đất đã phủ dày một lớp tro xám là một cây tràm non nhỏ bé, những chiếc lá non chui ra từ kẽ nách, phiến lá dày với những gân xanh tựa tơ nhện.