Tôi đang là SV năm hai của một trường ĐH công lập tại TP.HCM. Ngành học của tôi đòi hỏi sự năng động, sáng tạo và táo bạo rất lớn. Ấy thế mà chuyện phát biểu trong lớp tôi cũng thật nhiêu khê, tưởng chừng như vô cùng phức tạp.
Đó là việc các thầy cô đứng trên bục giảng và yêu cầu nhiều lần các SV trả lời câu hỏi. Đó không phải là những câu hỏi khó. Thông thường nó đều nằm trong phạm vi hiểu biết và có thể trả lời của SV. Thế nhưng rất ít có cánh tay nào giơ lên. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến không khí học tập trong lớp. Nó gây ra một cảm giác rất áp lực mỗi khi thầy cô đặt câu hỏi. SV thì cảm thấy áp lực, còn giáo viên cũng cảm thấy chán nản vì chỉ có sự làm việc một chiều.
Vậy thì nguyên nhân do đâu SV "không thèm" phát biểu ý kiến trong giờ học? Sau đây là 6 nguyên nhân mà tôi đúc kết, rút ra được từ bản thân tôi và các bạn của tôi: Chuyện phát biểu là chuyện của ai đó chứ không phải của mình. Mình không phát biểu thì sẽ có người khác phát biểu, thế thôi (1). Không muốn là người đầu tiên. Đây là một tâm lý khá phổ biến bởi tôi thấy rằng khi một người nào đó đã giơ tay phát biểu và khi thầy cô tiếp tục hỏi về vấn đề đó thì có khá nhiều người xung phong nhưng lại không giơ tay ngay từ đầu (2). Không phát biểu không sao, vì thầy cô gọi mãi không ai xung phong thì sẽ "chọn mặt gửi vàng" trong danh sách lớp và sẵn làm luôn công việc điểm danh. Xong, thế là qua chuyện, họa hoằn lắm thầy cô mới gọi trúng mình (3). Đa phần những người hay phát biểu không phải là những "sao" trong lớp. Không hiểu rằng các "sao" này sợ phát biểu nếu sai sẽ bị mất hình tượng hay sao mà không bao giờ giơ tay phát biểu nhưng lại thích ngồi ở dưới trả lời nho nhỏ (4). Trong lớp học Anh văn, điều này lại càng khó chịu hơn. Lớp học thật sự căng thẳng mỗi khi thầy cô có câu hỏi và yêu cầu xung phong. Lớp học thì ít người, thầy cô cứ đứng trên mà kêu gọi, ở dưới SV cứ cúi mặt xuống bàn, chán ơi là chán (5). Và cuối cùng có lẽ chính là do sự thụ động, nhút nhát trong một bộ phận lớn SV hiện nay (6).
Tuy nhiên, "chuyện phát biểu trong SV" không phải chỉ xuất hiện ở giảng đường đại học. Ngay từ ngôi trường cấp II, cấp III điều này cũng đã khá quen thuộc. Thế nhưng quy mô những lớp học ngày xưa còn nhỏ, thầy cô đã khá quen mặt nên nếu không xung phong, thầy cô sẵn sàng gọi lên bảng. Ở cấp I lại khác, các em phát biểu khá hồn nhiên và luôn làm theo lời cô dạy "hăng hái phát biểu ý kiến".
Vậy thì tại sao lại xảy ra một hiện tượng theo tôi là kỳ quặc đến như vậy?! Phải nhìn nhận rằng sự vô trách nhiệm, thụ động, ỷ lại đang thật sự tồn tại trong một bộ phận lớn những người chủ tương lai của đất nước. Và cũng phải thừa nhận rằng những suy nghĩ đó cũng tồn tại phần nào trong con người của tôi - người viết bài này. Nhưng tôi thật sự quan tâm đến vấn đề này. Tôi cho rằng nó là điều vô cùng quan trọng trong việc học tập cũng như trong cuộc sống. Từ việc ngại phát biểu trong giờ học sẽ dẫn đến ngại phát biểu trong cơ quan làm việc sau này. Ngại phát biểu cũng đồng nghĩa với việc không dám nói lên sự thật, không dám nhìn nhận cái sai. Như thế, cái sai không được đưa ra ánh sáng, không được làm rõ nên sẽ không thể tìm ra được cách giải quyết, không thể tiến bộ. Một đất nước mà có thế hệ trẻ như thế thì lạc hậu là chuyện không thể tránh khỏi.
YOU ARE READING
Tổng hợp Nghị luận xã hội
RandomCách làm NLXH và các bài mẫu Bản quyền các bài viết thuộc về http://vanhay.edu.vn.