ba người vừa đi vừa nói chuyện, lên trên con thuyền ba lá, Cố Tư Văn cuốn lá cờ Tiểu Thần Tiên lại giao cho Sái Nguyệt, còn mình thì đứng ở đuôi thuyền gỡ mái chèo ra khua xuống mặt sông. An Long Nhi giúp Sái Nguyệt gấp lá cờ lớn lại gọn gàng, thuận miệng bắt chuyện: "Vừa nãy nếu không phải vì lá cờ này, Văn thiếu gia cũng không bị đánh ra nông nỗi ấy..." Sái Nguyệt hỏi: "Liên quan gì đến lá cờ chứ?" "Lúc Văn thiếu gia bị người ta đuổi đánh, hắn cứ ôm lá cờ luồn lách trong ngõ ngách, nếu không thì đã chạy thoát từ đời nào rồi." Sái Nguyệt cười khúc khích nói: "Đáng đời, loại người nhỏ mọn này định kỳ bị người ta đánh cho một trận cũng là một sự giáo dục." Cố Tư Văn chống thuyền rời khỏi bến đỗ, nhìn ngó hai bên không thấy có thuyền bè nào khác mới lớn tiếng thanh minh: "Vậy nên ta mới nói ngươi to đầu mà không não, trong đầu chứa toàn cỏ. Ta đây phải phấn đấu gian khổ bao nhiêu mới dựng được lá cờ Tiểu Thần Tiên này lên, nếu để người ta nhặt được mạo xưng danh hiệu của ta, hoặc giả đồn đi khắp nơi rằng Tiểu Thần Tiên bị đánh đến mức lá cờ cũng mất tiêu luôn, sau này ta còn lăn lộn trên giang hồ làm sao được nữa?" Sái Nguyệt lập tức đáp trả: "Ngươi nghĩ rằng lá cờ này là do ngươi xông pha giang hồ giành về thực đấy à? Chẳng phải là do ta viết cho ngươi sao, cái loại ngươi làm sao viết được kiểu chữ to như thế chứ. Lần sau còn bị người ta choảng cho thì trước khi chết nhớ vứt cờ đi, về đây cầu xin ta, ta viết cho cái khác to hơn. Cố Tư Văn cái gì chứ, thực ra chữ còn chẳng biết viết, chỉ là một tên vô văn hóa mà thôi..." Cố Tư Văn ngẩng đầu nhìn trời nói: "Tối nay không trăng, bằng không nhãi Lông Vàng có thể xem xem đầu cô ả này tròn hay mặt trăng tròn hơn, ngươi biết cái gì gọi là mặt như trăng rầm không? Tức là cái đầu cô ả này soi xuống dòng Châu Giang, có thể xếp chồng lên trăng ngày rằm, thành một cái bánh xốp nhân đậu đấy, ha ha ha, ha ha ha!" An Long Nhi nhìn lá cờ lớn trên tay, ba chữ Tiểu Thần Tiên trên lá cờ thì ra không chỉ dùng mực đen viết lên, ở viền rìa mép chữ và bề mặt lá cờ đều có đường khâu dày đặc. Cậu thuận miệng hỏi: "Bánh xốp có nhân đậu à?" "Không phải trong bánh, mà là bên trong cái đầu của bộ mặt như trăng rầm ấy toàn là đậu, ha ha ha!" Sái Nguyệt ngồi ở đầu thuyền ba lá dùng sức lắc thuyền hết sang trái rồi sang phải, miệng làu bàu chửi: "Lắc cho ngươi ngã chết đuối, vì dân trừ hại..." Cố Tư Văn thấy Sái Nguyệt nổi giận, lại càng cợt nhả nương theo hướng lắc thuyền của Sái Nguyệt, hết bên trái lại bên phải, làm con thuyền lay động dữ dội hơn, ba người vừa đùa cợt vui vẻ trên đầm Bạch Nga vừa chèo thuyền sang phía bờ đối diện. Đầm Bạch Nga nằm ở phía Tây Nam thành Quảng Châu vốn không phải đầm, mà là một ngã ba sông rộng rãi trên dòng Châu Giang, ở đây, dòng sông chia đất liền ra làm ba mảnh Tây Đê, Hà Nam và Phương Thôn, trong đó Tây Đê là khu vực thương nghiệp quan trọng với dãy phố Thập Tam Hàng, Hà Nam bên kia sông là khu dân cư và khu mới khai phá, Phương Thôn là mảnh đất họp với hai khu kia thành thế chân vạc. Bờ đối diện mà họ đến có một cái bến nhỏ, phía sau bến nước là ruộng đồng mênh mông. Bến Phương Thôn ban ngày là nơi thuyền buôn của người Tây đậu ở đầm Bạch Nga vận chuyển hàng hóa lên xuống, ban đêm lại trở thành điểm neo đậu của các thuyền hoa, thuyền dạ yến, thuyền nhỏ bán cháo. Bọn họ chèo thuyền đến bến Phương Thôn, buộc thuyền ba lá vào một con thuyền lớn có thể bày biện bàn ăn, rồi lên thuyền kia chọn bàn ngồi. Sái Nguyệt ra mép thuyền gọi một con thuyền nhỏ bán cháo đến, mua ba bát cháo nhà thuyền2 sau đó Cố Tư Văn gọi mấy món ăn vặt, rốt cuộc ba người cũng có thể yên ổn ngồi xuống trò chuyện. An Long Nhi nói với hai người bạn rằng mình đã có tên mới, cả bọn đều rất vui vẻ, Sái Nguyệt lập tức bảo cậu: "Sau này ta có thể gọi ngươi là Long ca rồi!" "Hì hì, sư tỷ, cứ gọi ta là Long Nhi được rồi, mọi người đều gọi ta như vậy cả." "Ta cũng không lớn tuổi hơn ngươi, ngươi gọi ta là Tiểu Nguyệt, ta gọi ngươi là Long ca, chậc, cứ vậy đi nhé." Bên kia Cố Tư Văn nghe thấy Sái Nguyệt nói thế liền ôm bụng cười nghiêng ngả: "Tiểu Nguyệt? Ha ha ha... cái đầu phình ra to tướng như thế còn bảo người ta gọi cô ả là Tiểu Nguyệt cơ đấy! Long thiếu gia, sau này chúng ta cứ gọi cô ả là Mãn Nguyệt đi, Mãn Nguyệt đại tỷ..." Sái Nguyệt tựa như hổ đói vồ dê, đưa tay véo mạnh một cái lên mặt Cố Tư Văn, sau đó nói với An Long Nhi: "Long ca, ta nghe cha nói ngươi được một vị tiên nữ đưa lên núi Long Hổ tu luyện, có phải không?" "Đúng rồi, ta cũng còn nhớ, tiên nữ ấy đúng là xinh đẹp thật, thân hình cũng rất chuẩn..." Cố Tư Văn làm bộ nghiêm túc ghé mặt lại gần: "Các người thành thân chưa vậy?" Nghe Cố Tư Văn nói, mạch suy nghĩ của An Long Nhi đột nhiên bay vút đi rất xa, rất xa, ánh mắt thoáng lộ vẻ bi thương. Có điều, cậu tức khắc nhoẻn miệng cười, nói: "Phải rồi, ta vừa mới từ núi Long Hổ trở về." "Các người thành thân chưa vậy?" An Long Nhi quay đầu nhìn chằm chằm vào ánh mắt nghiêm túc của Cố Tư Văn, phì cười thành tiếng: "Sao có thể được, cô ấy là tiên nữ." "Cái này là cái gì?" Cố Tư Văn thò tay rờ lên cây Lôi thích dùng vải bố bọc kín mít trên lưng An Long Nhi. An Long Nhi gỡ cây Lôi thích trên lưng xuống, cầm bằng cả hai tay, đoạn nói: "Đây là báu vật phong thủy của Trương thiên sư trên núi Long Hổ cho ta mượn, ta có thể cho các ngươi xem, nhưng các ngươi không được cầm vào." An Long Nhi đợi hai người kia nghiêm túc gật đầu, mới mở lóp vải bọc, để lộ ra Lôi thích. Cây Lôi thích đen như mực chẳng hề có gì bắt mắt dưới bầu trời đêm, Cố Tư Văn và Sái Nguyệt đương nhiên nhìn ra được Lôi thích có khắc chi chít những bùa chú hết sức tinh xảo, nhưng không cảm thấy cây gậy gỗ này có gì đặc biệt, mà cũng chẳng có hứng thú cầm nghịch ngợm cho lắm, xem xét kỹ càng một phen coi như là mở rộng tầm mắt, rồi để An Long Nhi gói lại như cũ. Cố Tư Văn hỏi: "Cây gậy này có thể dùng để xem phong thủy à?" An Long Nhi gật đầu nói: "Phải rồi, trong phong thủy có mười hai phép đảo trượng, dùng gậy gỗ để đo lường, đồng thời cũng dùng gậy gỗ để khám đất." "Dùng gậy gỗ gì cũng được à?" "Gậy gỗ thông thường là được rồi..." An Long Nhi không muốn nói quá sâu về quá khứ của mình, lại càng không thể nói đến nguy cơ trước mắt cũng như sứ mệnh Long quyết, bèn chuyển chủ đề, hỏi về đám bạn nhỏ trong gánh mãi võ ngày xưa. Từ hai người họ, An Long Nhi biết được năm ngoái ngôi làng nơi Sái sư phụ sinh sống bị ôn dịch hoành hành, người trong làng chết mất một nửa, Sái Tiêu cũng mắc bệnh qua đời, gánh mãi võ lập tức giải tán, những đứa trẻ khác đều trở về nhà mình. Trong bọn, Cố Tư Văn là đứa lớn tuổi, biết xử lý một số công chuyện, cậu ta ở lại giúp Sái Nguyệt lo liệu tang lễ cho Sái Tiêu. Vì trong làng có ôn dịch, không thể ở được nữa, dân làng lần lượt bỏ đi tứ xứ, Cố Tư Văn và Sái Nguyệt chuyển đến khu vực thuê nhà tương đối rẻ ven sông Châu Giang bên mạn Hà Nam, thuê một căn nhà nhỏ cùng sống chung. Sái Nguyệt mua một con thuyền nhỏ, ngày ngày chở người qua sông kiếm tiền ăn qua bữa, còn Cố Tư Văn thì đi đến các cửa hàng, bến nước làm việc vặt để trả tiền thuê nhà và các thứ sinh kế khác. Sau này, Cố Tư Văn quen được một ông thầy xem tướng, thấy làm nghề này kiếm tiền nhẹ nhàng mà lại rất có tương lai, bèn một mực bám lấy ông ta xin làm đồ đệ, sau khi làm không công cho thầy xem tướng ấy một năm, Cố Tư Văn rốt cuộc cũng coi như mãn khóa. Hiện giờ Cố Tư Văn đã làm riêng được hơn nửa năm, thu nhập rất khá. Sái Nguyệt không cần phải đưa người ta qua sông nữa, chỉ những lúc Cố Tư Văn mở hàng thì đón đưa cậu ta qua lại hai bờ Châu Giang là đủ. An Long Nhi cười cười hỏi Cố Tư Văn: "Văn thiếu gia, hai người cũng sáp thành hôn rồi chứ hả?" Sái Nguyệt cướp lời ngay: "Ta còn lâu mới gả cho hắn, cái tên này không đọc sách không biết chữ, lại còn đĩ điếm cờ bạc lêu lổng hư hỏng, cũng không biết bao giờ bị quan phủ bắt đi ngồi nhà khách, đi với hắn thì đừng nói đến chuyện tương lai, chỉ sợ sau này cháo cũng chẳng có mà húp ấy chứ..." "Mãn Nguyệt sư tỷ yên tâm đi, chỉ cần thiên hạ này còn gà biết gáy thì ta đây chẳng lấy ngươi đâu." Cố Tư Văn nói: "Ngươi nên nhân lúc trẻ tuổi, hẵng còn vài phần nhan sắc nhanh chóng tìm bà mối liên hệ với lão già nào đấy gả phắt đi cho rồi, bằng không qua hai mươi phát tướng lên thì chẳng phải mặt như trăng rầm nữa đâu mà là bụng như trăng rằm đấy, lúc ấy thì cả đời này cũng đừng hy vọng gì nữa..." "Giờ ngươi vẫn đang ở trong nhà ta đấy." "Ta trả tiền thuê phòng cơ mà." "Mới trả được có vài tháng." An Long Nhi thực tình không thể chịu được nữa, bèn nói với hai người bọn họ: "Nhưng ta thấy cả hai ngươi đều đang có vận đào hoa mà?" "Thật không?" Cố Tư Văn và Sái Nguyệt đều lấy làm mừng rỡ, gí mặt lại phía An Long Nhi. Cố Tư Văn hỏi: "Xem vận đào hoa ấy thế nào hả?" An Long Nhi chau mày, dở khóc dở cười nói: "Không phải đấy chứ Văn thiếu gia, ngươi mới là Tiểu Thần Tiên cơ mà, ta còn muốn ngươi dạy ta làm sao có thể xem tướng hay như vậy cơ đấy... Làm sao ngươi biết ta bị mất đồ? Dạy ta với?" Cố Tư Văn nghe câu hỏi của An Long Nhi cũng nhíu mày lại, chỉ có Sái Nguyệt bên cạnh cười hích hích, nói với Cố Tư Văn: "Long ca muốn học tuyệt học của ngươi kìa, ngươi có dạy cho người ta không?" Cố Tư Văn thở dài một tiếng, nói: "Không phải ta không muốn dạy, nhưng đây là pháp môn để kiếm cơm, chỉ sợ truyền ra ngoài sẽ đập vỡ bát cơm của các sư huynh đệ đồng môn..." Cậu ta nói vậy chỉ càng khiến An Long Nhi thêm tò mò, cậu kéo ghế ngồi lại gần Cố Tư Văn nhỏ giọng nói: "Con người ta đây rất đáng tin cậy, ngươi dạy ta một chiêu là được rồi, chỉ cần dạy xem làm sao biết được người ta mất đồ, nể tình chúng ta mấy năm không gặp, tặng cho ta một phần quà gặp lại đi... nhé?" An Long Nhi nhìn Cố Tư Văn đầy thành khẩn và chờ đợi, họ Cố ôm đầu nghĩ ngợi giây lát, rồi nói với cậu: "Không được truyền ra ngoài đâu đấy nhé... ông chủ, cho nửa cân rượu Song Chưng!" Cố Tư Văn rót cho mỗi người một ly rượu gạo Song Chưng, tự mình nhấp một ngụm như để tăng thêm can đảm, bấy giờ mới thì thào nói: "Phái này của chúng ta không phải thực sự đoán mệnh xem tướng đâu..." "Hả?!" An Long Nhi trợn mắt há hốc miệng nhìn Cố Tư Văn. Cố Tư Văn giơ ngón tay chỉ vào miệng An Long Nhi: "Suỵt..." An Long Nhi ngậm miệng lại, Cố Tư Văn mới nói tiếp: "Phái của ta lưu truyền rất nhiều bí quyết, đều không cần tính quẻ, không cần toán mệnh cũng biết được việc nhà người ta, chỉ cần là chuyện từng xảy ra thì đều biết được hết, chuyện chưa xảy ra có thể đoán được vài phàn, tất nhiên cũng có sai sót, giống như chuyện cô ả cách cách thỏ con lúc nãy bị chết chồng đó, thì đoán không được..." An Long Nhi ngạc nhiên hỏi: "Nhưng xem bói đoán mệnh là để tính toán chuyện tương lai cơ mà?" "Sự việc chưa xảy ra thì chẳng ai chứng thực được, nhưng có thể nói ra chuyện từng xảy đến với người ta, vậy thì tức là thân tiên rồi..." Cố Tư Văn lại cầm chén lên nhấp một ngụm rượu, ra vẻ giang hồ lão luyện tiếp lời: "Chiêu mà lúc nãy ngươi thấy ở ngoài bãi, gọi là Gia Cát loạn điểm binh." An Long Nhi chăm chú lắng nghe, Sái Nguyệt thì chỉ chăm chăm dùng tăm xỉa răng khều ốc xào ăn, Cố Tư Văn nói tiếp: "Thông thường trong đời người ta, cũng chỉ có mấy chuyện tiền tài, tiền đồ, vợ con đó thôi, người già thì hỏi chuyện sống chết, phiền hơn chút nữa thì hỏi về người bệnh trong nhà, chỉ cần xung quanh ngươi có một đám đông quây lại, những chuyện ẩy về cơ bản đều ở trong đám người đó hết rồi, vấn đề là làm cách nào phân biệt được bọn họ ra thôi..." "Phân biệt thế nào?" "Không phải ngươi đã nghe thấy ta nói rồi đó sao? Ta nói chỉ cần liếc nhìn một cái, là biết trong đám người này có kẻ thế nọ có kẻ thế kia. Ngươi biết đấy, con người ta thường rất căng thẳng với những chuyện trong lòng, hễ nghe có người nói trúng là lập tức phản ứng ngay. Chẳng hạn, ta nói ở đây có người trong nhà đang có người bệnh, kẻ nào trong nhà có bệnh nhân sẽ hơi ghếch cầm lên, hoặc là gật gật đầu; khi ấy, mắt thầy xem tướng phải nhanh, nói xong một chuyện là mắt phải quét qua đám người, xem có ai phản ứng không, sau đó ghi nhớ lấy..." An Long Nhi nghe tới đây thì bật cười: "Ta hiểu rồi, vì vậy ngươi đeo kính đen, bằng không người ta sẽ thấy tròng mắt ngươi đang đảo loạn cả lên..." "Ha ha..." Cố Tư Văn cũng cười, đẩy An Long Nhi một cái rồi ngoảnh đầu lại xem có ai để ý mình nói chuyện hay không, sau đó tiếp tục nói: "Ngươi rất cao, từ đầu ta đã trông thấy ngươi đi tới rồi, thoáng nhìn là nhận ra ngay, nhưng ta đang làm ăn, không thể để ngươi phá thối được, vì vậy lúc ta đang 'điểm binh' đã quan sát ánh mắt ngươi, xem có thể thòng được chuyện gì hay không, thòng vào một đống việc mà chẳng trúng chuyện gì, ta bèn thử hỏi xem chuyện mất đồ, lúc ấy ngươi vừa nghe đã gật đầu luôn." "Ta có gật đầu đâu." "Ngươi có gật, bản thân ngươi không cảm giác được đấy thôi, bằng không ta làm sao biết được ngươi bị mất đồ chứ?" "Vậy cũng phải, sau đó thì sao?" Cố Tư Văn cười cười nói: "Hết rồi, ngươi nói chỉ cần ta dạy ngươi làm sao nhìn ra được người ta mất đồ thôi mà..." "Chậc chậc, lại trúng kế rồi..." An Long Nhi vỗ đùi nói: "Môn phái này của ngươi cũng được lắm, ta vẫn muốn học nữa, ngươi nhận ta làm đồ đệ nhé?" "Cút, ta đây hẵng còn là đồ đệ... Ngươi có một thân công phu chân truyền của núi Long Hổ mà cũng chưa thấy dạy gì ta cả, ngươi học mấy cái thứ này làm gì." An Long Nhi không hề tự đắc vì mình là danh môn chính phái, vẫn hết sức thành khấn nói: "Bảo là đồ giả, nhưng cũng có chiêu này chiêu kia, hẳn phải có lịch sử lâu đời lắm nhỉ?" Cố Tư Văn gật đầu, nét mặt cũng trầm xuống: "Phải đấy, mấy trăm năm rồi..." "Phái này tên là gì?" "Giang Tướng." "À, ta biết rồi, là giang hồ tướng thuậư' Cố Tư Văn nghiêm mặt thấp giọng nói: "Không, là tể tướng trong giang hồ." "Tể tướng? Thế là ý gì? Tể tướng có thể tự phong sao?" Nghe An Long Nhi đưa ra một câu hỏi hợp tình hợp lý, nét mặt Cố Tư Văn lộ vẻ nặng nề chưa từng thấy, tựa hồ muốn nói lại thôi. Cậu ta chỉ trả lời đơn giản một câu: "Không phải tự mình phong." Sau đó, Cố Tư Văn nói với An Long Nhi: "Đến nhà ta chơi nhé? Tiện thể xem phong thủy cho ta luôn..." "Nhà ta chứ!" Sái Nguyệt lớn tiếng đính chính: "Đồ đạc trong nhà toàn là do ta mua sắm, cái tên này chưa bao giờ mua thứ gì về đấy cả." "Đừng nói chuyện với mụ ngốc này, Long thiếu gia chỉ cần đến xem cái phòng của ta là được rồi..." Cố Tư Văn vừa cười hì hì với An Long Nhi, Sái Nguyệt đã vung đũa phi vào mặt cậu ta. An Long Nhi lặng lẽ ngồi, cùng Cố Tư Văn né tránh chiếc đũa bay đến, đoạn nói với hai người: "Văn thiếu gia, Tiểu Nguyệt, hôm nay ta không thể đến nhà các ngươi được rồi..." "Hả?" Hai người đều dừng lại, ngạc nhiên nhìn An Long Nhi. "Có cơ hội ta sẽ đến thăm các người, giờ ta phải về nhà cho chó ăn." An Long Nhi vừa dứt lời, Cố Tư Văn đã cười hì hì nói: "Thế ta đến nhà ngươi chơi nhé, ta giúp ngươi cho chó ăn, ta mời nó ăn bánh bao nhân thịt... ông chủ, thêm nửa tá bánh bao nhân thịt!" Sái Nguyệt cũng ra sức gật đầu lia lịa, nhìn An Long Nhi với ánh mắt đày mong đợi. An Long Nhi chau mày, cười khổ nói: "Các ngươi không phải muốn đi luôn bây giờ đấy chứ, ngày mai không phải mở hàng à?" Cố Tư Văn ngửa mặt cười một tràng dài, sau đó lập tức ra vẻ nghiêm túc nói với An Long Nhi: "Ngươi nhìn cái mặt ta đây này, sưng vù lên như vậy ngày mai còn có thể mở hàng được nữa không hả?" "Long ca, ngươi đừng tưởng hắn ta bị sưng mặt nên không mở hàng, kỳ thực cả tháng hắn chỉ mở hàng có hai lần, còn đâu ngày ngày đều rảnh rỗi lêu lổng khắp nơi." Nghe Sái Nguyệt giải thích như vậy, An Long Nhi lại càng thêm khó hiểu, cậu hỏi: "Làm ăn như vậy cũng được à?" Trong ẩn tượng của An Long Nhi, kiếm ăn trong phố thị thì ngày ngày đều phải mở hàng, tỷ như gánh mãi võ của bọn họ hồi nhỏ, trừ ngày mưa ra, còn lại không có hôm nào ngơi nghỉ. Cố Tư Văn quay người nhận bánh bao nhân thịt của tên phục vụ bưng tới, tiện thể trả tiền rồi nói: "Có câu nghề y phải giữ, xem tướng phải đi; làm đại phu mở y quán thì phải giữ cho dăm ba năm không xảy ra chuyện, phố phường mới chịu tin tưởng ngươi; còn xem tướng mà cứ cắm ở một chỗ thì sẽ xảy ra chuyện, vì vậy ta phải làm ở đây một ngày, làm ở kia một ngày, không thể ngày ngày ở cùng một chỗ xem tướng cho người ta được." "Ngươi sợ xem không chuẩn, người ta tìm đến tính sổ có phải không?" "Đây là một nguyên nhân, có điều chủ yếu là vì bụt chùa nhà không thiêng, nếu ngươi nói mình là người bản địa, ngày ngày ở đó bày sạp xem tướng, thì người ta sẽ cảm thấy ngươi là loại tầm thường, chẳng những không hét giá được, mà về lâu dài còn chẳng làm ăn được gì nữa. Ngươi nghĩ thử mà xem, một ông chú ở ngay đầu phố, ngày ngày ngươi đi mua rau mua thịt đều gặp ông ta; người kia lại từ núi Long Hổ ở Giang Tây, mấy tháng mới đến một lần, ngươi tin người nào hơn?" An Long Nhi nghe Cố Tư Văn nói vậy bèn gật gật đầu: "Người bình thường đều sẽ tin ông chú đến từ núi Long Hổ kia." Ngay sau đó, cậu lại hỏi: "Vậy thì ngươi có thể đến nơi khác làm ăn, tại sao mỗi tháng chỉ mở hàng có hai ngày thôi?" "Chậc... khì khì..." Cố Tư Văn thoáng nghĩ ngợi: "Ta lười, vẫn còn phải dành thời gian chơi chứ..." "Lưu manh." Sái Nguyệt nhìn cậu ta với ánh mắt khinh bỉ, máng cho một câu, Cố Tư Văn lập tức nói: "Đi, đến nhà ngươi, ta dạy ngươi cách nhận ra người ta đang có việc kiện cáo, sau đó đi Tây Đê ăn đêm." An Long Nhi nghe vậy, mắt lóe lên tia vui sướng, nhưng rồi lập tức ảm đạm ngay: "Hôm nay vẫn không được rồi, ngày mai ta sẽ qua Hà Nam mời các ngươi ăn cơm nhé." Cố Tư Văn và Sái Nguyệt phát hiện An Long Nhi sống chết cũng không chịu tiếp tục buổi hội họp ngày hôm nay, mặc dù lấy làm kỳ lạ, nhưng An Long Nhi đã nói ngày mai sẽ đến nữa nên hai người cũng đành thôi không nhì nhằng thêm. Cố Tư Văn chèo thuyền qua những con thuyền hoa ồn ào huyên náo trên đầm Bạch Nga, đưa An Long Nhi về Trần Đường trước, sau đó cùng với Sái Nguyệt trở về Hà Nam. Sái Nguyệt đứng trên con thuyền ba lá đang xa dần bến nước, ngắm nhìn An Long Nhi nay đã trưởng thành từ đằng xa. An Long Nhi giờ đã cao hơn cô nửa cái đầu, trong mắt cô, mái tóc vàng cùng vết sẹo đao không rõ nguyên nhân trên gương mặt cậu đều tràn đầy sức hấp dẫn của bậc nam tử. Cậu hoàn toàn khác với Cố Tư Văn, toàn thân từ trên xuống dưới đều toát lên một sự thành khẩn và tin cậy, lại thêm chút cảm giác thần bí khó tả khiến các cô gái mê mẩn nhất. Cố Tư Văn nghĩ mãi cũng không sao hiểu nổi, sau ba năm không gặp, An Long Nhi dường như mang theo bên mình một bí mật cực kỳ to lớn, rốt cuộc người bạn thuở nhỏ này đang tìm kiếm thứ gì vậy? Hay chỉ cố làm ra vẻ thần bí? Cậu ta cho rằng không phải, bọn lừa bịp trên giang hồ chỉ khi muốn lừa tiền gạt bạc mới cố làm ra vẻ thần bí, An Long Nhi và cậu ta là bạn tốt chơi với nhau từ nhỏ tới lớn, hoàn toàn không cần thiết phải làm vậy. Cố Tư Văn không thể biết trong lòng An Long Nhi đang có mối lo rất lớn. An Long Nhi biết bất cứ lúc nào cũng có thể có chuyện nguy hiểm xảy đến với mình, cậu vẫn còn nhớ khi phủ Quốc sư theo dõi Lục Kiều Kiều như thế nào, đã phái Đặng Nghiêu tiềm phục làm hàng xóm nhà cô, lại còn phái thêm Tôn Tồn Chân bám đuôi từ xa, ai mà biết được, hôm nay liệu cậu đã bị người khác theo dõi như thế hay chưa? Nếu cậu và bọn Cố Tư Văn, Sái Nguyệt qua lại quá thân thiết, thực ra chỉ tăng thêm nguy hiểm cho bọn họ mà thôi. Cho dù cậu có muốn cùng bạn bè tụ tập nói chuyện thâu đêm một phen đến mấy, thì cũng phải đợi khi sự việc Long quyết giải quyết xong xuôi mới yên tâm qua lại được. Trước mắt, An Long Nhi chỉ có thể gặp mặt bọn họ trên phố. Ngày hôm sau, ngủ dậy dọn dẹp nhà cửa đâu vào đấy, cậu liền dẫn Đại Hoa Bối ra ngoài, đến bến đò ngồi thuyền qua Hà Nam. An Long Nhi xuống thuyền lên bến, đi tới cửa quán trà đã hẹn trước, chợt trông thấy Sái Nguyệt nét mặt lo lắng chạy lại nói: "Long ca, mau đến đây giúp một tay, Cố Tư Văn xảy ra chuyện rồi!" Vừa dứt lời, cô liền kéo tay An Long Nhi chạy. Hai người men theo bờ sông từ bến đò chạy tới một khu đất hoang mọc đầy cỏ dại, thấy Cố Tư Văn đang đứng ưỡn ngực chống nạnh, tay cầm trường thương, đối mặt với A Đồ cách cách hôm qua vừa tẩn cho cậu chàng một trận. A Đồ cách cách mặc kỳ bào lụa trắng bó sát người, đây là loại trang phục chỉ có người Mãn mới có thể mặc, trên đầu chít khăn cũng bằng lụa trắng, tay cầm gậy gỗ như mọi lần. Sau lưng cô vẫn là bốn tên người hầu, lần lượt cầm cung tên và gậy gộc. Năm người đứng sóng đôi giữa đám cỏ mọc cao bay phất phơ trước gió, An Long Nhi nhìn Cố Tư Văn vận bộ áo chẽn gọn gàng, mắt hổ trợn trừng toát ra vẻ anh hùng khí khái, A Đồ cách cách đứng phía đối diện còn nở một nụ cười kỳ lạ, cậu quay sang hỏi Sái Nguyệt: "Tiểu Nguyệt, bọn họ đang làm gì vậy?" Sái Nguyệt nói: "Bọn ta vốn định ra bến đò đợi ngươi, cô ả này vừa đến liền muốn đánh A Văn, A Văn và cô ả cãi nhau một hồi, sau đó hẹn cô ả ra đây đơn đấu, cô ta còn cho A Văn về nhà thay y phục lấy binh khí, thế nên ta mới có thời gian ra quán trà tìm ngươi..." An Long Nhi bĩu môi quan sát tình thế song phương, tay chắp sau lưng bấm độn tính toán rồi nói với Sái Nguyệt: "Phen này Văn thiếu gia có phúc rồi, chúng ta ngồi mà xem kịch thôi." Bên kia Cố Tư Văn lại lớn tiếng bảo An Long Nhi: "Long ca, ngươi tạm thời chớ xuất thủ, mấy tên nhãi con này một mình ta giải quyết được rồi... Thỏ con kia, cô muốn đánh nhau như vậy thì lên đây đi!" Vừa dứt lời, cậu ta liền múa tít trường thương, chỉ thấy tiếng gió vù vù, ánh bạc lấp loáng, đầu mũi thương tựa như rồng bay uốn lượn quanh cơ thể, đâm chĩa loạn xạ, có điều không xông lên bước nào. A Đồ cách cách ở bên kia đã ôm bụng cười gập cả người xuống. Cô đợi Cố Tư Văn múa may một lúc, mới cắm cây gậy trên tay xuống đất, đón lấy cung tên từ tay gã người hầu đứng sau, giương cung lắp tên bán về phía Cố Tư Văn. Cố Tư Văn hét lớn "ta né", tung mình nhảy vọt sang lùm cỏ bên cạnh lăn đi, có điều người cậu ta còn chưa nhảy lên được thì trước ngực đã trúng phải một mũi tên. Cùng với tiếng "ôi chao", họ Cố ngã huỵch xuống đất. A Đồ cách cách phá lên cười vui sướng khi thấy kẻ khác gặp họa, còn Sái Nguyệt thì kinh hoảng kêu to, toan chạy đến xem tình hình, nhưng An Long Nhi đã kéo cô lại nói: "Không sao đâu, cứ xem đi đã." Cố Tư Văn nét mặt bi tráng lồm cồm bò từ dưới đất dậy, tay cầm một mũi tên gỗ không có đầu tên, ánh mắt oán độc nghiến răng nghiến lợi nói: "Hôm qua nể mặt cô là khách, bản thiếu gia không tính toán với cô, hôm nay cô lại đến thì ta đây không khách khí nữa đâu! Giờ cô lại dùng tên không mũi đùa cợt bản thiếu gia nữa, đúng như câu kẻ sĩ có thể bị giết chứ không thể để làm nhục, ân ân oán oán của chúng ta, hôm nay hãy kết thúc theo quy tác giang hồ đi!" Cậu ta vừa dứt lời, liền múa may trường thương xông về phía A Đồ cách cách. Đám người hầu sau lưng A Đồ cách cách đang định lên chán trước mặt bảo vệ chủ nhân thì hai tay cô nàng đã dang ra, ý bảo cả bọn hãy lùi lại, cô rút cây gậy cắm dưới đất lên, xuống tấn vững vàng, giơ ngang gậy chỉ về phía Cố Tư Văn, đón lấy trường thương của cậu ta, rồi lật tay đè xuống. Sau một loạt tiếng va chạm, trường thương trên tay Cố Tư Văn tuy tựa như rán bạc múa lượn, song lại không thể nào nhích lên trước nửa bước. Thì ra mỗi gậy của A Đồ cách cách đều đánh lên cán thương của Cố Tư Văn một cách chuẩn xác, thương từ trên đánh xuống thì cô hất gậy, thương từ mé bên đâm vào thì cô gạt đỡ, thương từ dưới đâm lên thì cô nhẹ nhàng đè gậy xuống, còn nhân lúc thế công của Cố Tư Văn sơ hở là lập tức phản kích. Sái Nguyệt xem mà lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi, còn An Long Nhi quan sát trận đấu với dáng vẻ say sưa. An Long Nhi nhìn thấu được chiêu thức của A Đồ cách cách, mỗi chiêu mỗi thức của cô tuy rằng không có gì đặc biệt, nhưng lại có thể dùng một chiêu ấy đối phó với thế công xảo quyệt biến hóa trăm lần ngàn làn của Cố Tư Văn; phép đánh gậy của cô xem chừng có vẻ không nhiều biến hóa, nhưng về phương hướng và lực đạo thì lại khống chế một cách tùy tâm tùy ý, hoàn toàn dựa theo trường thương của Cố Tư Văn mà vận động. Cô dồn toàn bộ chú ý vào việc phòng thủ, như vậy có thể đảm bảo cho mình ở thế bất bại, một khi chiêu thức của họ Cố xuất hiện sơ hở, cô sẽ nhắm thẳng vào chỗ yếu hại của đối phương mà đánh, tựa như một thợ săn tiềm phục chờ con mồi đã lâu. Lối đánh này là phép đánh thực chiến được huấn luyện cho binh sĩ trong quân đội khi tiến hành tác chiến trận địa, có thể biến một người không biết võ công trở thành một tay hảo thủ ứng phó với trận đại chiến cả vạn người tham gia trong thời gian rất ngắn. Kiểu tư duy tác chiến này, những cao thủ võ lâm thông thường chỉ nghiên cứu lối đánh một chọi một thuần túy khó mà lý giải được, nhưng An Long Nhi đã có kinh nghiệm nhiều lần xáp lá cà với quân Thanh thì chẳng hề xa lạ chút nào. Sau mấy chục chiêu, Cố Tư Văn mệt đến nỗi thở phì phò, hai má A Đồ cách cách cũng đỏ ửng lên, lồng ngực khe khẽ nhấp nhô, hơi thở hổn hển, nhưng trên gương mặt lại sáng bừng niềm vui thích. Cố Tư Văn "bịch bịch bịch" lùi lại ba bước, hai tay giữ trường thương, khom người thở hắt ra mấy hơi. A Đồ cách cách hếch cằm lên, giơ gậy chỉ vào Cố Tư Văn nói: "Ân oán của ngươi đã kết thúc chưa?" Cố Tư Văn tấn công hồi lâu mà không hiệu quả, thấy đối phương cũng không có ý muốn giết chết mình, lẽ ra nên đầu hàng rồi, nhưng Sái Nguyệt và An Long Nhi đang ngồi một bên xem náo nhiệt, đặc biệt là trước mặt Sái Nguyệt, cậu ta quyết không thể để mất hết mặt mũi được. Cậu ta rung trường thương, hóa ra bốn năm đóa hoa xoay tròn, đâm về phía A Đồ cách cách, lại khiến cô nàng kia cười rộ lên một trận. Hai người tiếp tục đánh, nghiễm nhiên lại diễn lại màn tấn công phòng thủ khi nãy một làn nữa. A Đồ cách cách dường như đã hoàn toàn nắm bắt được đường thương và tiết tấu tốc độ của Cố Tư Văn, lần này cô đánh còn thoải mái hơn. Sau hơn chục chiêu, cô tranh thủ sơ hở vung gậy gỗ đập xuống đỉnh đầu Cố Tư Văn, cả bọn nghe thấy một tiếng "bốp" rất vang... Lập tức Cố Tư Văn cảm thấy một cảm giác đau đớn không thể khống chế được từ đỉnh đầu truyền xuống mắt mũi, nước mắt nước mũi đều chảy giàn giụa. Cậu ta đành vứt trường thương, hai tay ôm lấy đầu ngồi thụp xuống đất, đầu vùi sâu vào giữa hai đầu gối, hai tay không ngừng xoa xoa phần đỉnh đầu phía trước đã cạo láng bóng, xuýt xoa rên rỉ không ngớt. A Đồ cách cách vui vẻ nhảy cẫng lên không trung, xoay người liên tiếp đập xuống mấy gậy, lấy làm hài lòng nói: "A ha! Không đánh với ngươi ta cũng không biết mình lại đánh nhau giỏi thế đấy, ha ha ha ha!" Dứt lời, cô quay sang nhìn An Long Nhi và Sái Nguyệt, ngạo mạn đi tới hỏi Sái Nguyệt: "Cô là vợ hắn à?" Sái Nguyệt không nói chuyện với cô nàng, vội chạy ra xem xét thương thế của Cố Tư Văn, A Đồ cách cách nhìn Sái Nguyệt chạy đi, cười khẩy một tiếng, sau đó vẫy tay dẫn theo bốn tên người hầu rời khỏi. Cố Tư Văn đột nhiên đứng bật dậy, nước mắt lưng tròng hét lớn: "Bà tám, có giỏi thì ba ngày sau đến đây tái chiến, ta không đánh tháng ngươi thì không phải người họ Cố nữa!" A Đồ cách cách nghe cậu ta nói vậy, lập tức xoay ngoắt người chạy lại, làm Cố Tư Văn hoảng sợ giật mình lùi ra sau mấy bước. A Đồ cách cách dừng phắt lại, nói: "Được thôi, ba ngày sau ta trở lại, ngươi thua rồi thì phải theo họ ta. Ta tên là Hách Xá Lý A Đồ, ngươi có thể gọi là Hách Xá Lý Tư Văn..." Nói xong, cô nàng liền bỏ đi trong tiếng cười dài, Cố Tư Văn tức tối đảo tròn hai mắt, An Long Nhi thì chỉ ngồi dưới đất cười thầm. Cố Tư Văn nhìn bóng lưng xa dần của A Đồ cách cách, phun ra một bãi nước bọt rống tướng lên: "Khắc chết nhà ngươi, thỏ con!" Sái Nguyệt vỗ vỗ lên người Cố Tư Văn một lượt từ trên xuống dưới, hỏi: "Ngoài cục u trên đầu ra, còn chỗ nào khác bị thương không?" "Chẳng phải chỉ trúng có một gậy ấy thôi sao, nếu không phải ta phân tâm lo lắng cho sự an nguy của các ngươi, làm sao mà thất thủ được chứ?" An Long Nhi nhặt cây thương dưới đất lên, khóe miệng vẫn mủm mỉm cười trộm, Cố Tư Văn phát hiện ra người bạn tốt này không ngờ vẫn còn cười được, liền bừng bừng nổi giận quát: "Lông Vàng! Giờ dân tộc đang buổi nguy nan, khí tiết người Hán chúng ta lại bị bọn đàn bà ngoại tộc khinh nhờn, ngươi không giúp đỡ thì thôi, lại còn cười nữa? Ngươi có lòng tự tôn dân tộc không vậy?" An Long Nhi đứng dậy vỗ vỗ vai cậu ta nói: "Nghiêm khắc mà nói, đấy là ngươi bị đàn bà ngoại tộc khinh nhờn, chủ yếu là lòng tự tôn của ngươi bị đả kích, chẳng liên quan gì đến người Hán chúng ta cả. Mà thực tế là vì lúc nãy ngươi nói mấy tên khố rách áo ôm ấy, một mình ngươi giải quyết được, chúng ta mới đứng bên cạnh trợ chiến, phải không Tiểu Nguyệt... Vả lại ân oán giang hồ này của ngươi có được coi là khinh nhờn hay không cũng rất khó nói, vừa nãy ta bốc được một quẻ Điệp luyến hoa, xem chừng không giống như chuyện thù hận giang hồ, mà giống như ngươi có vận đào hoa vậy..." Cố Tư Văn hằn học ngát lời An Long Nhi: "Cái gì mà vận đào hoa, làm sao tính ra được? Ngươi dạy ta, để ta tự tính xem..." "Đi thôi, ta mời uống trà, ngươi dạy ta phép xem tướng hôm qua, ta sẽ dạy ngươi một phép bói bấm đốt ngón tay học nhanh dùng luôn..." Sái Nguyệt tò mò nhìn An Long Nhi, nói: "Bấm đốt ngón tay thực sự có thể xem bói được à?" Cố Tư Văn vừa đi vừa nói: "Ai mà không biết chứ, ta mở hàng xem tướng cũng bấm đốt ngón tay vậy..." "Đấy là ngươi chỉ nghịch ngón tay thôi..." Ba người đến quán trà bên sông, ngồi xuống uống hai tuần trà, gọi một ít điểm tâm xíu mại để trên bàn, An Long Nhi hỏi: "Văn thiếu gia, hôm qua lúc ngươi mở hàng làm ăn, làm sao nhìn ra được vợ của người đàn ông đó bị bệnh, mà không phải cha mẹ anh ta thế?" Cố Tư Văn tay trái cầm thìa xúc cháo, tay phải dùng đũa gắp sườn, quay đầu lại ngó nghiêng hai bên, đợi cho người xung quanh vãn đi một chút, đám bưng bê đều đã đi xa, mới nuốt nốt miếng bánh bao trong miệng, đáp: "Ta vừa chỉ ra trong nhà hắn có người bệnh, liền biết ngay người bệnh đó là vợ hoặc con hán; ngươi nghĩ thử xem, sáng hôm qua trời đổ mưa suốt nửa ngày, nếu cha mẹ bị bệnh, có kẻ nào lại chạy ra đường lúc mưa to gió lớn như thế chứ, chỉ có vợ con đổ bệnh thì mới căng thẳng vậy, kể cả có phải cầm ô cũng chạy ra ngoài." "Chác gì đã vậy, cũng có không ít người hiếu thuận với cha mẹ, chiêu này chẳng qua là gặp may thôi, nhưng mà ngươi lại tính ra được, anh ta đi về phía Tây thì sẽ tìm được thầy thuốc trị bệnh, tại sao lại thế?" "Chuyện này lại càng đơn giản, hôm qua có gió Nam, nước mưa thổi tạt từ hướng Nam sang hướng Bác, tên đó cả nửa người bên trái đều ướt rườn rượt, vừa nhìn là biết đi từ phía Đông sang phía Tây rồi..." An Long Nhi vừa uống được nửa ngụm trà, "phì" một tiếng phun lên áo quần Cố Tư Văn, Cố Tư Văn nói: "Hì hì, lợi hại không?" An Long Nhi lau miệng, vội vàng phẩy phẩy nước trà trên người cho Cố Tư Văn: "Còn bà thím kia, ngươi làm sao biết được bà ta là cây khô nở hoa chứ?" "Nếu đã làm vợ chồng mấy chục năm, đàn bà sẽ không ăn diện trang điểm nữa, nhưng bà thím tuổi đã ngũ tuần ấy lại tô son trát phấn, cắm hoa trên đầu, không phải là mai nở lần hai thì còn là gì nữa?" "Cũng có lý... nhưng tại sao ngươi lại nói con cái bà ta đối xử với bà ta không tốt?" "Long thiếu gia à, ngươi hãy còn trẻ, nhìn đời chưa thấu... trong Huyền Môn quyết của phái ta có câu: lão phụ tái giá, át do nhà nghèo con bất hiếu. Nếu trong nhà có tiền con cái lại hiếu thuận, làm gì có người đàn bà nào muốn làm chuyện mất mặt đấy chứ, cho dù chồng chết, ở nhà chăm con trông cháu cũng là hưởng phúc thanh nhàn, chết rồi lại còn được lập biển trinh tiết, tốt biết bao nhiêu..." An Long Nhi và Sái Nguyệt đều không kìm được gật gật đầu, thấy Cố Tư Văn đang hứng chí, An Long Nhi liền vặn hỏi một mạch: "Người ở nơi khác đến kiện tụng kia đầu đội mũ che mất trán, ta còn không nhìn ra được gia thế hồi nhỏ của y thế nào, làm sao ngươi có thể khẳng định y từ bé đã sống trong cảnh giàu sang? Có phải nhìn quần áo của y hoa lệ đắt tiền không?" "Ha ha, chiêu này lại càng tuyệt hơn, ta coi ngươi như anh em ruột thịt nên mới dạy ngươi đấy nhé, nhưng bữa trà sớm này ngươi phải trả tiền mới được." Cố Tư Văn dương dương đắc ý nói: "Kẻ nghèo rớt mùng tơi cũng có lúc mặc quần áo đẹp, bọn lắm tiền cũng có tên kiệt sỉ mặc áo vải thô, càng không cần phải nói đến loại súc sinh mặt người dạ thú chuyên dát vàng lên người để lăn lộn giang hồ kiếm miếng cơm ăn, nếu ngươi chỉ nhìn y phục mà phán đoán người ta giàu hay nghèo, ta đảm bảo ngươi đến cái quàn cũng bị lừa đi mất..." An Long Nhi và Sái Nguyệt nhìn Cố Tư Văn bằng ánh mắt khâm phục, thấy cậu ta thong dong bưng chén trà lên làm một ngụm cho ngọt giọng, Sái Nguyệt bèn hỏi tiếp, giọng nịnh nọt: "Sau đó thì sao?" Cố Tư Văn bị đánh cho sưng đầu sưng mặt đến giờ cũng coi như lấy lại được chút thể diện, cậu chàng nở một nụ cười khoa trương, ghé đầu tới trước mặt hai người bạn, nói: "Chẳng phải ta có hỏi y bao nhiêu tuổi, vợ y bao nhiêu tuổi sao? Y nói mình ba mươi hai, vợ ba mươi lăm, tại sao tuổi vợ lại hơn tuổi chồng chứ? Vì người vợ này là con dâu nuôi từ nhỏ mà cha mẹ y rước về lúc y còn bé tí! Loại người này nhất định là giàu từ trong trứng rồi. Ngươi có vợ chưa? Ta có vợ chưa? Chưa đúng không. Tại sao lại chưa? Nhà nghèo chứ còn gì. Cha mẹ chúng ta mà có tiền thì mười bốn tuổi ta với ngươi đã có vợ rồi. Con dâu nuôi từ nhỏ đều phải lớn tuổi hơn chồng, vì cô gái được cưới về ấy thường bị coi như người hầu kẻ hạ, phải làm việc nhà, lại còn phải sinh con đẻ cái, bé quá thì không sinh được; con gái mười bảy mười tám vừa về nhà chồng là đẻ được ngay, tiện quá còn gì, thế nên y mới có một bà vợ lớn tuổi hơn mình như thế." Sái Nguyệt nói: "Con dâu nuôi từ nhỏ thì lớn tuổi hơn chồng thật, nhưng ngươi không cho người ta tay tráng làm nên, sau đó yêu một người con gái lớn hơn mình một hai tuổi được à..." "Vì thế ta mới nói ngươi là cái loại đầu to óc bằng quả nho, trong đầu toàn bã đậu, nếu một người đàn ông phấn đấu mười mấy năm giành được một chút thành tựu, hơn ba chục tuổi đầu mới đủ lực lấy vợ, một là vì sinh con đẻ cái, hai là để hưởng thụ, ai lại đi lấy một bà cô già chứ? Tất nhiên phải lấy một cô nương mười bảy mười tám rồi. Giống như ngươi bây giờ vậy, không đi làm con dâu nuôi từ nhỏ cho nhà giàu, lại không có tay mới phất nào cầu hôn rước về, sau này làm sao gả đi đâu được? Chi bằng để lần sau ta mở hàng giúp ngươi kiếm một gã vừa phất lên, lại chưa gặp quá nhiều mỹ nữ mà gả phắt đi cho rồi..." Cố Tư Văn còn chưa nói dứt câu, Sái Nguyệt đã lại chĩa hai ngón tay chọc vào mắt cậu ta, ngoác miệng mắng: "Đàn ông chẳng tên nào có lương tâm cả..." An Long Nhi nhìn hai người đấu khẩu mà bật cười, trêu đùa một lúc cậu lại hỏi: "Người đi kiện ấy bỏ hết bạc trên người ra rồi, xem ra cũng phải mấy chục lạng bạc trắng, đây không phải số nhỏ, nếu y thua kiện quay lại tìm ngươi tính sổ, há chẳng phải lại bị dần cho một trận nữa hay sao?" Cố Tư Văn nói: "Không phải ta đã nói rồi à, làm nghề y phải giữ, xem tướng phải đi. Mấy tháng ta mới đến đó mở sạp một lần, y là người nơi khác đến cũng khó mà tìm thấy ta; kể cả y có đến thì cũng không thể hoàn toàn trách ta được, vì cuối cùng ta đã nói với y rồi còn gì, trong bảy bảy bốn mươi chín ngày không thể hút thuốc uống rượu chơi gái, nhưng cái loại ông chủ ấy chác chán ngày ngày đều rượu chè trai gái rồi, nếu bắt y không được chạm vào những thứ ấy trong hơn một tháng, ta nghĩ y thà chịu thua kiện còn hơn, nhất định y sẽ phá giới, ha ha ha..." "Phải rồi, ngươi viết vô tự thiên thư lên giấy trắng, sau đó chữ lại hiện ra, đấy là pháp thuật gì vậy? Ta thấy ngươi còn biết niệm chú nữa." Cố Tư Văn lắc đầu nói: "Nếu cái gì cũng dạy ngươi thì bữa trà sáng này coi như ta lỗ vốn to rồi. Yếu quyết giang hồ mà bị bóc tràn thì chẳng đáng đồng xu nữa, ta mà nói hết cho ngươi, sau này sẽ có rất nhiều người chẳng kiếm được cơm ăn đâu. Thế này đi, ngươi dạy ta phép xem bói bằng cách bấm đốt ngón tay trước, ta sẽ nghĩ xem có nên truyền bí quyết viết vô tự thiên thư cho ngươi hay không." An Long Nhi rốt cuộc cũng tìm được lời giải cho một số thắc mắc của mình, nhưng điều này chỉ khiến cậu thêm tò mò về phái Giang Tướng. Cậu thoải mái ngồi thẳng người dậy, nói: "Học tập huyền học yêu cầu công phu cơ bản rất vững chắc, nguyên lý rất nhiều, nội dung phải học thuộc lòng cũng rất nhiều, vì vậy ta chỉ có thể lựa ra những thứ đơn giản nhất để dạy cho ngươi thôi." Cố Tư Văn nói: "Võ công thượng thừa gì cũng không bằng võ công nhanh chóng học thành, có phương pháp gì học được dùng ngay lại vừa ra bộ ra dáng thì ngươi cứ dạy, nào!" Nói đoạn, cậu ta rót cho An Long Nhi một chén trà. An Long Nhi nói: "Ta dạy ngươi một môn gọi là Lục Nhâm thời khóa, tương truyền do Lý Thuần Phong thời Đường sáng tạo ra." "ừm, Lý Thuần Phong thời Đường à." Cố Tư Văn nhẩm lại cái tên này một lượt, cố gắng nhớ kỹ để sau này còn biết đường khoe khoang học vấn. An Long Nhi nói: "Ngươi giơ tay trái ra..." Sái Nguyệt và Cố Tư Văn cùng giơ bàn tay trái ra. "Một ngón tay có ba đốt, đốt dưới của ngón trỏ gọi là Đại An, có nghĩa điềm cát lợi lớn nhất; đốt trên của ngón trỏ gọi là Lim Liên, có nghĩa vận khí trung bình, chuyện gì cũng lần lữa kéo dài; đốt trên ngón giữa gọi là Tốc Hỉ, có nghĩa chuyện mừng ở ngay trước mắt rồi, bói chuyện gì cũng đều là quẻ đại cát cực tốt; đốt trên cùng của ngón đeo nhẫn gọi là Xích Khẩu, nghĩa xảy ra có nhiều tranh chấp, có việc kiện cáo ở cửa quan, tình thế không ổn; đốt dưới của ngón đeo nhẫn gọi là Tiểu Cát, tức có kết quả tốt, việc đang cần bói là đáng chờ đợi và đáng để kiên trì, phải rồi, lúc nãy ta thấy ngươi và A Đồ cách cách đánh nhau, đã bấm ra được quẻ Tiểu Cát này đấy..." Cố Tư Văn vừa đảo mắt, An Long Nhi lập tức nói luôn: "Ngươi tự hiểu lấy nhé, ha ha ha..." Nhưng Cố Tư Văn lại nói: "Giờ không nói chuyện này, còn ngón nào nữa?" "ừm, đốt dưới ngón giữa gọi là Không Vong, đây là quẻ hung nhất, tính cái gì là chết cái đó. Sáu đốt ngón tay này vừa khéo tạo thành một vòng tròn trên các ngón tay, lúc xem bói, chúng ta cứ dựa theo vòng tròn này mà đếm. Ta nhắc lại lần nữa, thứ tự làn lượt là Đại An, Lưu Liên, Tốc Hỉ, Xích Khẩu, Tiểu Cát, Không Vong." Sái Nguyệt dùng ngón cái bấm bấm lên những đốt ngón tay ấy mấy lượt, rồi hỏi: "Vậy tính quẻ thế nào?" An Long Nhi giải thích: "Cách này gọi là Lục Nhâm thời khóa, đương nhiên là dùng thời gian để tính toán rồi. Tiện thể ta nói luôn, trong thiên hạ có rất nhiều phép bói bằng cách bấm đốt ngón tay, có điều, về cơ bản đều dùng thời gian để tính quẻ cả. Cách tính của Lục Nhâm thời khóa là lấy tháng cộng với ngày, ngày cộng với giờ. Chẳng hạn, hôm nay là mùng hai tháng Sáu, lần lượt là Đại An tháng Một, Lưu Liên tháng Hai, Tốc Hỉ tháng Ba, Xích Khẩu tháng Tư, Tiểu Cát tháng Năm, đến Không Vong tháng Sáu thì dừng lại, sau đó bắt đầu từ Không Vong là mùng một mà đếm tiếp; mùng một Không Vong, mùng hai Đại An; giờ thì số ngày đã đến Đại An, thì lại từ Đại An bắt đầu đếm số giờ, Đại An giờ Tý, Lưu Liên giờ Sửu... đến giờ Thìn, vừa khéo là lúc các người đang đánh nhau, thì được quẻ Tiểu Cát..." Sái Nguyệt và Cố Tư Văn đều chăm chú láng nghe, ngón cái không hẹn mà cùng điểm lên vị trí quẻ Tiểu Cát ở đốt dưới ngón đeo nhẫn. Cố Tư Văn hỏi: "Nhưng mỗi canh giờ chỉ bấm được có một quẻ thôi à, nếu ta có rất nhiều việc cần bói thì tính làm sao?" An Long Nhi giải thích: "Phương pháp có thể bói toán nhiều việc cùng lúc rất nhiều, ngươi có thể dùng Văn Vương quẻ, Mai Hoa dịch, Lục Nhâm Thái Ất và Kỳ Môn độn giáp, có điều thứ nào cũng phải học mất mấy năm, nếu muốn nhanh chóng học thành thì chỉ có chiêu này là thực dụng nhất, ta cũng rất hay dùng..." "Được rồi, học nhanh thì học nhanh, mấy năm lâu quá, nói không chừng đến khi chết ta vẫn chưa học được cũng nên..." An Long Nhi ngắt lời Cố Tư Văn nói: "Bất cứ thuật chiêm bốc bói toán nào muốn chuẩn xác đều phải thỏa mãn mấy điều kiện, một là gặp chuyện phải lập tức xổ quẻ ngay, hai là không có chuyện gì không được xổ quẻ, ba là chỉ được xổ một quẻ, nhiều hơn sẽ không linh nghiệm." Cố Tư Văn chau mày nói: "Như vậy thì rất khó dùng thứ này kiếm tiền đấy." Sái Nguyệt chen vào nói: "Giờ ngươi kiếm được ít tiền chác? Long ca cũng có bảo dạy ngươi kiếm tiền đâu, bấm đốt tính quẻ là để làm việc đường hoàng ấy chứ... Ba ngày sau ngươi còn phải quyết đấu với cách cách nhà người ta kia kìa, có cần bói một quẻ xem sống hay chết không? Nếu là chết chắc thì ta nhất định sẽ đi đặt một cỗ quan tài tiễn ngươi lên đường..." "Hừ hừ, quẻ này không cần phải bói..." Cố Tư Văn sa sàm mặt cười khẩy hai tiếng: "Ngươi đi đặt quan tài đi, để đấy ba ngày sau ta đi thu xác của con thỏ con kia, hừm hừm." Ngày hôm ấy, khi An Long Nhi dẫn Đại Hoa Bối qua sông đến bãi đất hoang bên bờ đầm Bạch Nga, Cố Tư Văn và Sái Nguyệt đã đợi sẵn ở đó rồi. Cậu thấy Cố Tư Văn tay cầm cây trường thương dùng để treo lá cờ Tiểu Thần Tiên, đầu đội một chiếc mũ sát cũ của tướng quân triều Minh chẳng biết bới đâu ra được, chóp mũ vừa cao vừa nhọn, hai bên má che bằng da thuộc tán đinh, chỉ để lộ ra khoang mát mũi hình quả hồ lô. Xem ra, cậu ta đội chiếc mũ này để đề phòng cây gậy lớn của A Đồ cách cách đập trúng đầu mình lần nữa; trên cổ và thắt lưng đều có mấy sợi dây thừng mảnh, buộc một tấm sắt nhỏ ép sát trước ngực, chắc là định dùng làm kính hộ tâm, chặn tên của A Đồ cách cách. Sái Nguyệt vừa thấy An Long Nhi và Đại Hoa Bối liền chạy tới chuyện trò ríu rít, rồi lại chơi trò rượt đuổi với con chó đang không ngừng sủa hoắng lên. Cố Tư Văn thì đứng yên tại chỗ, hệt như người lính Đại Minh năm xưa tử thủ thành Giang Nam, chỉ vẫy vẫy tay chào An Long Nhi. Lúc An Long Nhi bước đến gần, cậu ta liền vung tay chỉ huy cả bọn ngồi xuống bên cạnh. Sái Nguyệt nói với An Long Nhi: "Lúc ta với hắn đến đây thì hán đã thế rồi, bảo ta ngồi ở đây đợi. Phải rồi, trên đường ta có mua đậu nành với quẩy, còn cả xíu mại hấp nữa, có muốn uống trà không?" "Có cả trà nữa cơ à?" An Long Nhi kinh ngạc cười phá lên. Sái Nguyệt lấy trong lùm cỏ ra một chiếc giỏ tre, nhấc bình trà trong đó ra, trong giỏ còn có cả mấy món điểm tâm, An Long Nhi nói: "Ngươi cứ như là mang đồ đi xem thi thuyền rồng ấy nhỉ?" Sái Nguyệt thong dong nói: "Hiếm khi được dịp xem hai đứa ngốc đánh nhau, không chuẩn bị chút đồ ăn thì thật là đáng tiếc..." An Long Nhi bật cười, cậu cầm điểm tâm lên chia cho Đại Hoa Bối cùng ăn, ngẩng đầu nhìn Cố Tư Văn, chỉ thấy cậu ta đang đứng giữa bãi cỏ phất phơ bay loạn trước gió Nam, dáng vẻ thê lương nhìn về phía Đông, nơi A Đồ cách cách sắp xuất hiện. Đến giờ Thìn, từ bên bờ sông có hai con ngựa nhỏ chạy đến, trên lưng một con là A Đồ cách cách. Cô mặc áo giáp bó sát người của lính Bát Kỳ, vì thời tiết nóng bức nên bên trong áo giáp, cô chỉ mặc áo ngắn, để lộ ra cánh tay và cần cổ trắng nõn; trên tay cầm một thanh đao dài, bên dưới yên cương đeo cung và túi tên, con ngựa còn lại không có người cưỡi, trên lưng chỉ chở hai cái hòm. Trông thấy cảnh tượng ấy, Cố Tư Văn nuốt nước bọt, quay đầu hỏi An Long Nhi: "Ta với cô ả có thù hận gì lớn lắm à? Hình như cô ả muốn giết ta thì phải?" Sái Nguyệt và An Long Nhi cũng đứng dậy, Đại Hoa Bối hướng về phía A Đồ cách cách sủa nhặng lên một hồi, An Long Nhi vỗ vỗ đầu con chó, bảo nó giữ yên lặng. Sái Nguyệt đã bấm đốt ngón tay tính quẻ. Cô vừa tính xong lập tức nói với Cố Tư Văn: "Là quẻ Lưu Liên! Không phải quẻ Không Vong đại hung, ngươi không chết đâu!" Cố Tư Văn quay đầu lại nhìn hai người họ, nét mặt thoáng kinh hoảng, hỏi: "Lưu Liên là ý gì? Có phải ngồi tù không?" An Long Nhi bình tĩnh giải thích: "Ọuẻ từ của quẻ Lưu Liên có nói Việc quan phàm chậm trễ, người đi chưa trở về, vì vậy ngươi không phải ngồi tù đâu, có điều giờ vẫn chưa nhìn ra được 'người đi chưa trở về' là thế nào, trong hai người có ai không về nhà nhỉ?" Cố Tư Văn vừa nghe nói vậy liền nổi đóa lên: "Mấy hôm trước ngươi đâu có nói phép bấm đốt ngón tay này còn có quẻ từ nữa?!" An Long Nhi điềm đạm đáp lời: "Ngươi cũng chưa nói cho ta biết cách viết chữ trên giấy trắng..." "Đồ không có nghĩa khí!" Tiếng kêu gào thảm thiết của Cố Tư Văn còn chưa dứt hẳn, A Đồ cách cách đã thúc ngựa xông tới trước mặt cậu ta. Cố Tư Văn đang nghĩ xem liệu cô nàng có cùng mình xướng lên mấy câu thơ giang hồ sau đó máng nhau một trận lập uy hay không thì A Đồ cách cách đã chẳng nói chẳng rằng, ngồi trên ngựa vung đao chém xuống mũ giáp của cậu ta. Cố Tư Văn không ngờ đối phương vừa xuất hiện đã hạ ngay độc thủ như vậy, lùi lại thì không kịp, đành rụt cổ vào trong vai, chỉ thấy đỉnh đầu mát lạnh, mũ giáp đã bị thanh đao chém mất nửa cái chỏm nhọn. Cậu ta cả kinh thất sác "oa" lên một tiếng, quay đầu nhảy mấy bước dài về phía sau như con thỏ, rồi lăn tròn dưới đất, vứt luôn trường thương, nhặt một que diêm lên. A Đồ cách cách chém một đao không trúng, lập tức thúc ngựa đuổi theo Cố Tư Văn, không ngờ con ngựa nhỏ cô đang cưỡi phóng được vài bước thì hụt chân, hai chân trước bất thình lình thụt xuống một cái hố, làm cô nàng ngã lăn từ trên ngựa xuống đất. A Đồ cách cách biết đã trúng phải cạm bẫy, liền lăn tròn một vòng rồi đứng bật dậy, trông thấy Cố Tư Văn ngồi chồm hỗm trong lùm cỏ phía xa xa, không biết đang giở trò quỷ gì. Cô tức tối nghiến răng kèn kẹt, miệng phát ra những tiếng hừ hừ giận dữ, vung vấy hai nắm tay, rồi nhặt thanh trường đao lên bổ nhào về phía họ Cố. Thanh đao của cô còn chưa chém xuống đầu Cố Tư Văn, cả người đã giống như con ngựa nhỏ lúc nãy, đột ngột thụt xuống một cái hố lớn sâu hơn ba thước ở trước mặt, trong hố bốc lên một đám bụi trắng. A Đồ cách cách tức giận quát lên: "Cố Tư Văn, đồ tạp chủng, ngươi đào bẫy hãm hại ta!" Cố Tư Văn đợi thời khắc này đã lâu, cậu ta lập tức quẹt que diêm trên tay xuống đất, một lưỡi lửa lóe lên cháy về phía A Đồ cách cách. Cô nàng còn chưa dứt lời, thì đã bị tiếng pháo nổ liên miên át hết tiếng nói, cả A Đồ cách cách lẫn tiếng kêu ré lên của cô đều bị nhấn chìm trong tràng pháo nổ hoài không dứt. Cố Tư Văn cười như điên cầm trường thương chạy tót đi, An Long Nhi bèn kéo hai con ngựa nhỏ bị kinh hãi về, buộc vào gốc cây. Cố Tư Văn nói với An Long Nhi và Sái Nguyệt: "Đi thôi, đi thôi!" Sau đó chạy khỏi bãi đất hoang trước tiên. Sái Nguyệt xách cái giỏ tre chạy theo cậu ta, dọc đường còn nói với Cố Tư Văn: "Thì ra ba ngày nay ngươi ngày nấp đêm ra, chính là để đào mấy cái hố này đấy hả, thật đúng là chỉ có ngươi mới nghĩ ra đươc." Cố Tư Văn phá lên cười sang sảng: "Ha ha ha ha, ra ngoài hành tẩu giang hồ phải dùng đầu óc chứ, cô ả còn dám đến nữa thì sẽ chết càng thảm hơn thôi." An Long Nhi vừa đi vừa ngoái đầu lại quan sát, cậu rất lo láng không biết lượng pháo lớn như thế liệu có nổ chết một cô gái hay không. Bọn họ chạy được một quãng xa tiếng pháo mới ngừng lại. Ba người cũng dừng bước ngoảnh đầu nhìn, không thấy trong bãi cỏ dại ấy có động tĩnh gì, chỉ thấy một luồng khói pháo nồng nặc bốc lên đang thổi tạt về phía mình. An Long Nhi nói: "Kỳ lạ thật, tháng Sáu sao lại có gió Tây nhỉ?" "Các ngươi nghe đi, cô ta đang khóc kìa..." Được Sái Nguyệt nhác nhở, An Long Nhi và Cố Tư Văn liền để ý láng nghe, quả nhiên nghe thấy tiếng khóc thút thít của A Đồ cách cách. Cố Tư Văn nói: "Biết khóc là được rồi, chứng tỏ cô ả vẫn chưa chết, chúng ta chạy mau thôi." Nhưng Sái Nguyệt và An Long Nhi đều đứng lại, nét mặt Sái Nguyệt lộ vẻ khó xử, còn An Long Nhi thì nói: "Làm người ta khóc rồi cứ thế bỏ đi mất, không ổn lắm thì phải?" Sái Nguyệt cũng phụ họa theo: "Thì đó, chẳng có tí lòng thương hại nào cả, ngươi máu lạnh quá đấy." Cố Tư Văn trợn trừng mát lên: "Ta khiến cô ta khóc? Là cô ả khiến ta phải khóc trước đấy, cô ta đánh ta hai lần, cục u trên đầu vẫn còn chưa xẹp xuống đây này, giờ ta mới chỉnh cô ả có một lần..." "Quay lại xem sao đi." An Long Nhi kéo tay Cố Tư Văn, Sái Nguyệt cũng đẩy cậu ta trở lại cái hố mù mịt khói thuốc pháo kia. cả bọn trông thấy A Đồ cách cách đang ngồi thụp trong cái hố đày xác pháo đỏ tươi, trên người cũng toàn mảnh vụn giấy điều quấn pháo, hai tay ôm đầu, toàn thân run lên bần bật, cánh tay để trần bị nổ cho sưng vù tím bầm cả lên. Sái Nguyệt hỏi cô nàng: "Ngươi có sao không?" A Đồ cách cách không trả lời Sái Nguyệt, chỉ thút thít khóc một mình, Cố Tư Văn nhặt một viên đá nhỏ ném vào người cô nàng. Viên đá vừa chạm vào, A Đồ cách cách liền run bắn cả người, kinh hoảng thét lên một tiếng, co rúm vào một góc hố. An Long Nhi ngồi xổm xuống mép hố nhìn A Đồ cách cách nói: "Sợ quá đấy mà, Tiểu Nguyệt xuống đỡ cô ấy lên đi." Sái Nguyệt dịu dàng nói với A Đồ cách cách: "Cách cách, ta xuống kéo ngươi lên nhé, ngươi đừng sợ." Cô nhảy vào trong hố, vừa chạm tay vào A Đồ cách cách, đối phương đã vung tay loạn lên để tự vệ. May mà Sái Nguyệt cũng xuất thân con nhà võ, cô bắt lấy nắm đấm của A Đồ, vặn ra sau lưng, sau đó ôm chặt lấy cô nàng, giữ yên một lúc, đến khi A Đồ cách cách không vùng vẫy nữa, Sái Nguyệt mới đỡ cô nàng đứng lên. Cố Tư Văn và An Long Nhi vươn tay xuống kéo cô nàng lên mặt đất. A Đồ cách cách ngồi dưới đất, đảo mắt nhìn xung quanh, vừa trông thấy Cố Tư Văn liền ngoác miệng ra khóc rống lên, rồi lại nhặt lấy đất cát đá vụn bên cạnh ném về phía cậu ta. Cố Tư Văn trưng ra bộ mặt chán nản ngồi chồm hỗm dưới đất mặc cho A Đồ cách cách trút giận lên mình, miệng lẩm bẩm nói: "Đánh nhau với đàn bà thật chẳng sướng tay gì cả." Ba người bọn An Long Nhi đợi cho A Đồ cách cách náo loạn một lúc, từ từ bình tĩnh lại, Sái Nguyệt bấy giờ mới hỏi cô nàng: "Nhà cách cách ở đâu? Có cần chúng ta đưa về không?" A Đồ cách cách nghe cô nói thế, miệng lại méo xệch, khóc òa lên, vừa khóc cô nàng vừa thút thít: "Cha ta không cần ta nữa rồi, hu hu hu..." Sái Nguyệt nhìn bọn họ nói: "Chẳng trách Long ca nói quẻ Lưu Liên có người không về được nhà." Cố Tư Văn và An Long Nhi càng thêm ủ rũ, hai tay ôm đầu ngồi xổm dưới đất. Sau một hồi kiên nhẫn lắng nghe tìm hiểu, lại rót trà mang điểm tâm cho A Đồ cách cách ăn uống, rốt cuộc bọn họ cũng biết, thì ra nhà A Đồ cách cách này ở trong doanh trại Bát Kỳ phía Đông thành... Bấy giờ, quân Bát Kỳ và con cái đều nhận lệnh cấm của triều đình, bình thường không có việc gì thì không được phép rời doanh trại, lại càng không được qua lại thông hôn với người Hán. Nhưng núi cao hoàng đế ở xa, rất nhiều người Mãn vẫn thừa cơ lén lút vào thành chơi bời. Chỉ có điều, cha của A Đồ cách cách lại giữ chức thiên tổng quan trọng trong doanh trại, con cái của ông ta đương nhiên không thể tùy tiện làm bừa, vì vậy đối với cô con gái lớn lên trong doanh trại này, ông ta quản lý cực kỳ nghiêm khắc; khốn nỗi A Đồ cách cách tính tình lại hoạt bát hiếu động, thích theo các anh luyện binh, cưỡi ngựa bán tên, khoái nhất là tới những chỗ đông người dạo chơi, nên suốt ngày bị cha trách mắng. Cha của A Đồ muốn gia tộc mình có thể trở lại kinh thành, nên bao lâu nay vẫn luôn tìm cách điều con cái vào kinh hoặc gả cho nhà nào trong kinh thành, mượn thế đề cao địa vị của gia tộc mình. Đáng tiếc, A Đồ cách cách lại không có phúc, vị hôn phu làm quan trong kinh thành mà cô chưa từng gặp mặt kia đột nhiên lăn đùng ra chết, giấc mộng lên Bắc Kinh chơi bời một phen rồi làm mợ chủ nhỏ lập tức tan thành bọt nước. Tâm trạng vốn đã hết sức bực bội, cô nàng lại càng ngày ngày trốn khỏi doanh trại ra ngoài chơi, sau khi bị cha phát hiện chửi cho một trận thậm tệ, còn nhốt cô vào phòng cho tự kiểm điểm, A Đồ cách cách tức không chịu nổi, ngay đêm hôm đó đã leo cửa sổ trốn ra, trộm lấy một con ngựa chở hành lý, đoạn cầm binh khí bỏ nhà ra đi. Không biết cô nàng vẫn nhớ mình có một trận chiến chưa đánh hay là vừa khéo bỏ trốn đúng ngày hẹn, tóm lại cuối cùng đã kéo theo hành lý đến bên bờ đầm Bạch Nga quyết đấu với Cố Tư Văn. Nghe xong câu chuyện của A Đồ cách cách, Sái Nguyệt hỏi cô nàng: "Ngươi là thân con gái, dẫu sao cũng không thể một mình đi lang thang trên phố được, để chúng ta đưa ngươi về nhà nhé." A Đồ cách cách dấu môi lên khóc lóc: "Ta không trở về, ta về đó nhất định sẽ bị đánh cho một trận, sau này lại càng không thể ra ngoài được nữa, thà ở bên ngoài luôn còn hơn." Lúc này, mặt đất truyền tới một đợt chấn động khe khẽ, sau mấy lần như thế, cả bọn nghe thấy bên tai có tiếng gió thổi thấp tràm tựa như nghìn vạn con ngựa cùng sàm sập lao tới. Bốn người ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy sắc trời xám xịt, nhưng lại có quầng mây ngũ sắc cuồn cuộn trôi nhanh từ Tây sang Đông trên nền trời bát ngát. An Long Nhi ngấm ngầm cảm thấy một mối nguy to lớn ẩn giấu phía sau quầng mây dày đặc ấy, còn Cố Tư Văn lại kêu toáng lên: "Sáp có mưa dông rồi, mau về nhà nhặt quần áo!" Dứt lời, liền nhảy dựng lên toan guồng chân chạy. Sái Nguyệt đỡ A Đồ cách cách nói: "Đúng đấy, sắp mưa rồi, về nhà ta ngồi nghỉ đã." Cố Tư Văn vừa nghe Sái Nguyệt nói thế, hai mắt liền trợn tròn lên kinh ngạc: "Không đươc!" "Về nhà ta liên quan quái gì đến ngươi chứ, ngươi nhặt mấy thứ đồ kia lên, rồi dắt con ngựa chở hành lý kia về!" Sái Nguyệt nói dứt lời liền đỡ A Đồ cách cách đi về phía con ngựa nhỏ còn lại. An Long Nhi không để tâm tới bọn họ, chỉ chăm chú nhìn về phía trời Tây, buổi sáng mặt trời vẫn còn đang ở đằng Đông, nhưng lúc này bầu không bên đằng Tây lại như có một vầng dương khác đang ẩn náu phía sau tầng mây, thấp thoáng lộ ra ánh sáng trăng trắng. Mặt nước Châu Giang cuộn lên những gợn sóng lăn tăn, hơn nữa những gợn sóng không tự nhiên ấy lại không hề dập dềnh theo dòng nước chảy; càng lúc càng nhiều cá nhảy lên khỏi mặt sông, làm ánh lên vô số điểm sáng bạc lấp lóa trên mặt sông u ám. Gió Tây càng lúc càng mạnh, trong gió đã có thể ngửi thấy hơi mưa, cơn mưa lớn sẽ nhanh chóng kéo đến trước mặt bọn họ, trong lòng An Long Nhi đã có tính toán riêng, cậu xoay người đi theo ba người kia trở về nhà. Từ bãi đất hoang nơi xảy ra trận quyết đấu, men theo bờ sông Châu Giang, chỉ mất chừng nửa khắc là đến nhà của Cố Tư Văn và Sái Nguyệt. Trong cơn mưa như trút nước, họ chạy vào một làng chài nhỏ chỉ có vài nhà dân nằm rải rác, rẽ vào một ngôi nhà nhỏ ven sông phía sau một rừng tùng. Cố Tư Văn kéo hai con ngựa vào cổng, buộc bên dưới hàng hiên trong sân, sau đó vừa giũ nước mưa trên người, vừa hỏi An Long Nhi: "Long thiếu gia, phong thủy chỗ ta thế nào? Chỉ điểm một chút coi..." An Long Nhi đi vào phòng của Cố Tư Văn, mở cửa sổ nhìn ra ngoài quan sát một hồi: "Nhà xây bên sông, khúc sông này mặt sông rộng lòng sông sâu, nước chảy khá nhanh, ngươi nhìn xem, có thể trông thấy cả tàu lớn của người Hà Lan rồi kìa... đất thế này gọi là Cát cước thủy, hao tài nhiều hơn là phát tài, tiền tài đến nhanh nhưng mất đi còn nhanh hơn, ngươi phát tài xong thì phải nhanh chóng dọn đi, chỗ này không thể ở lâu, ngươi mà ở lâu, một khi đến vận hao tài thì phải nói là binh bại như núi đổ đấy." Cố Tư Văn liếc thấy Sái Nguyệt đang dẫn A Đồ cách cách vào phòng mình thay bộ áo giáp của quân Thanh ra, bèn nói với An Long Nhi: "Giờ tiền ta kiếm được quả không ít, chỉ là ngươi nói phải dọn đi trước khi hao tài tốn của, nghe không được rõ ràng lắm. Như thế nào mới coi là hao tài được? Mấy hôm trước ta bị con thỏ con kia cướp bốn mươi lượng bạc, thế có tính là hao tài không?" An Long Nhi nói: "Tất nhiên là có rồi, bốn mươi lượng bạc ấy đủ cho một nhà thuyền chài dùng trong hai năm đấy, nếu mất bốn mươi lượng mà ngươi không biết có nên coi là hao tài hay không, thì ngươi cũng lắm tiền quá đấy, chắc không cần phải ở chỗ thế này nữa rồi nhỉ?" "Nghề này của chúng ta phải ở chỗ hẻo lánh, bằng không ai ai cũng tìm đến tận cửa như con thỏ con kia, ta đây đã chết đến cả chục lần rồi ấy chứ... Có điều, ta cũng muốn dọn đi, mua một căn nhà nhỏ trong thành để làm ăn buôn bán nhỏ, khỏi phải tránh chỗ này trốn chỗ kia như bây giờ nữa, dẫu sao cũng không thể ăn cơm giang hồ cả đời được." Cố Tư Văn thay xong quần áo khô, cũng đưa cho An Long Nhi một bộ, nhưng cậu ta chợt nhận ra quần áo mặc trên người An Long Nhi đã gần như khô hẳn, nãy giờ cậu chỉ chăm chú lau nước bám trên bộ lông con Đại Hoa Bối. An Long Nhi hỏi: "Ngươi đã vào vận hao tài, vận khí ở đây chắc cũng bắt đầu xoay chuyển theo chiều hướng xấu, nếu tiếp tục ở đây chưa chắc sẽ có tài vận tốt như trước, ngươi dọn đi hay mua nhà trong thành để buôn bán nhỏ đều được. À phải rồi, ngươi mua nhà thì Tiểu Nguyệt tính sao?" "Tất nhiên là ta dẫn theo cô ả rồi..." "Ta thấy các ngươi ngày nào cũng cãi vã, hình như rất không hợp nhau, người ta không thích ngươi suốt ngày đánh bạc chơi gái, ngươi cũng chê người ta là cô ả đầu to..." An Long Nhi chải lông cho Đại Hoa Bối xong, bắt đầu ngó nghiêng trong phòng Cố Tư Văn xem có cái ô nào không, cậu sốt ruột muốn về nhà để làm việc riêng của mình. Cố Tư Văn nghe An Long Nhi nói thế, lộ vẻ bất đắc dĩ: "Ta có hút thuốc phiện đâu, nếu không đĩ bợm cờ bạc nữa thì đâu có giống đàn ông, sẽ bị người ta chê cười cho đấy..." An Long Nhi cũng phải bật cười nói: "Suy nghĩ kiểu gì vậy, thật kỳ quái... Ngươi cho ta mượn cái ô được không? Ta phải đi trước đây." Đúng lúc ấy, Sái Nguyệt xuất hiện ngoài cửa phòng Cố Tư Văn, nghe An Long Nhi nói thế lập tức lên tiếng: "Giờ trời đang mưa lớn thế kia, đợi tạnh mưa rồi ta tiễn ngươi qua sông nhé..." "Không cần đâu, ta có việc gấp, mà cũng chẳng biết cơn mưa này bao giờ mới tạnh, để hôm khác ta sẽ đến thăm các ngươi." "Hôm khác là hôm nào?" "Chưa nói chắc được, ta phải rời Quảng Châu đi làm chút chuyện, cũng chưa biết bao giờ thì về." Sái Nguyệt vừa nghe thế liền lấy làm cao hứng, nói: "Ta cũng muốn đi, có thể dẫn ta đi cùng được không, Long ca?" An Long Nhi nhận lấy chiếc ô đi mưa trên tay cô, nói: "Tiểu Nguyệt, ta có việc rất quan trọng, không thể dẫn ngươi đi cùng được, đợi ta trở về, chúng ta sẽ bàn xem đi đâu chơi, thế được không?" Sái Nguyệt thở dài thườn thượt, cúi đầu ủ rũ nói: "Ngươi đi rồi lại không biết bao giờ mới có thể gặp lại nữa, ta ở đây cũng buồn, ta muốn đi cùng ngươi cơ, ta có thể làm việc vặt, việc gì ta cũng biết làm hết, không ảnh hưởng ngươi làm ăn đâu... được không hả?" An Long Nhi không nhùng nhằng chuyện này với cô nữa, cậu nhoẻn miệng cười với hai người: "Ta trở về sẽ đi tìm các ngươi, nếu các ngươi chuyển nhà, để lại đây một bức thư, ta cũng sẽ tìm được các ngươi, yên tâm đi. Ta đi trước nhé, các ngươi bảo trọng." Cố Tư Văn và Sái Nguyệt ngạc nhiên nhìn An Long Nhi dẫn theo Đại Hoa Bối một mình đi ra cổng, Cố Tư Văn lấm bẩm nói: "Thật bất lịch sự..." Sái Nguyệt tiễn cậu ra ngoài, nhìn theo mãi tới khi An Long Nhi đi vào rừng tùng nhỏ trong mưa to gió lớn. Mưa to như thể trên trời mở đập nước, đi vào rừng tùng, chỉ nghe thấy tiếng sóng dữ ầm ầm kéo dài vô biên vô tận, xung quanh chỉ có vài nhà dân rải rác, An Long Nhi cầm ô rảo nhanh bước chân về phía bến đò ven sông. Đại Hoa Bối đột nhiên dừng lại, hướng về phía trước sủa nhặng lên, An Long Nhi vốn rất quen thuộc với hành vi của con chó, mỗi lần nó phát ra tiếng sủa kiểu này đều có nguy hiểm đang rình rập phía trước. Cậu dừng bước, giương ô đứng dưới gốc cây tùng, tay phải rút trong miếng bọc cổ tay ra một đồng tiền; chiếc ô hơi dịch về phía sau, để lộ một khoảng chừng mấy lóng tay trên đầu cậu, trong tiếng mưa sầm sập, đồng tiền ấy kéo theo một sợi dây đỏ lặng lẽ bắn về phía cành tùng chĩa ra buông rủ xuống đầu. Sợi dây đỏ căng ra trên tay An Long Nhi, ngẩn nước trên mép ô biến thành màu đỏ thắm. Cậu lùi lại một bước, một người đàn ông ngực đẫm máu, tay cầm đao ngã từ trên cây xuống trước mặt. An Long Nhi xoay cổ tay một cái, kéo đồng tiền vàng ghim sâu trong cổ họng đối phương bắn vọt ra như tia chóp, nhẹ nhàng xòe tay phải treo sợi dây đỏ bên ngoài tán ô, để nước mưa rửa sạch đồng tiền và dây buộc; ánh mắt cậu từ đầu chí cuối vẫn nhìn sâu vào rừng tùng, không hề cúi đầu nhìn gã sát thủ dưới đất. Chân phải An Long Nhi đột nhiên hất người nằm gục trước mặt mình lên, thân thể hắn ta nhẹ nhàng bay về phía trước như cái gối bông. An Long Nhi cũng như một cái bóng, bám vào cái xác ấy nhanh nhẹn bước lên theo. Trong rừng tùng có mấy mũi tên bắn ra cắm phập vào người gã kia, hắn đã không còn tri giác hay biết đau đớn gì nữa, lặng lẽ trúng tên, rồi mềm nhũn đổ vật ra mặt đất. An Long Nhi lách ra từ phía sau thân hình hắn, đồng tiền buộc dây đỏ vuột khỏi tay, vòng qua cây tùng ở trước mặt. Đồng tiền vàng bay qua thân cây lượn một vòng, tay phải An Long Nhi giật về phía sau, sợi dây đỏ tựa như một lưỡi đao quám sắc bén mà mềm mại cắt ngược vào mé sau thân cây tùng. Phía sau thân cây tóe lên một mảng máu tươi, đồng tiền vàng đã mượn lực bắn ngược về tay An Long Nhi. Một gã đàn ông ném bỏ cung tên, hai tay ôm vết thương vẫn đang phun máu trên cổ, loạng choạng chạy ra khỏi rừng cây, chưa chạy được bao xa đã ngã lăn ra đất. An Long Nhi thu hồi đồng tiền vàng, nhìn theo hướng Đại Hoa Bối đang nhao tới, cậu hét gọi con chó: "Đại Hoa Bối! Come!" Đại Hoa Bối lập tức quay đầu chạy lại bên cạnh chủ nhân. Bốn bề lại lắng xuống, bên tai chỉ còn nghe thấy tiếng mưa và tiếng sủa của Đại Hoa Bối. An Long Nhi biết nơi này còn chừng bảy tám người nữa, chỉ có điều, cậu không thể nhanh chóng tấn công được. Sau hai chiêu vừa nãy, cậu phát hiện đối thủ yếu hơn tưởng tượng của mình rất nhiều, nếu tiếp tục tấn công, đối phương sẽ chỉ mất mạng hoặc bỏ chạy, vậy thì trận này coi như toi công. An Long Nhi muốn biết đối phương là ai, đối phương muốn làm gì, nên chỉ còn cách đứng yên tại chỗ cho bọn chúng tấn công trước, mới có khả năng dẫn dụ bọn chúng, đợi thời cơ bắt sống lấy một tên. Cậu chàm chậm bước về phía trước, tay trái cầm ô, tay phải đung đưa sợi dây đỏ buộc đồng tiền vàng. An Long Nhi biết, phía trước chính là vòng vây của kẻ địch, Đại Hoa Bối nhe răng hướng về cả bốn phía sủa hoắng, từng bước từng bước bám sát chủ nhân chậm rãi tiến lên. Sau một tiếng huýt, năm bóng người từ bốn phía xung quanh An Long Nhi lao ra, bọn chúng không hề dừng lại nhịp nào đã vung đao chém xuống. An Long Nhi dùng mu bàn chân hất Đại Hoa Bối bay tới một khoảng trống phía trước, ở đó không có kẻ địch nào, Đại Hoa Bối rơi xuống sẽ rất an toàn. Đồng thời, bản thân cậu cũng xông về phía tên địch gần mình nhất ở trước mặt. An Long Nhi đã học được từ thầy Miyabe Ryoruka, khi bị vây công từ cả bốn phương tám hướng thì phải tấn công vào một hướng, vừa có thể đẩy nhanh thời gian tiếp chiến và lực đạo tấn công, ngoài ra còn có thể tránh được và trì hoãn những đòn đánh trộm mà ta không thể đoán biết từ phía sau. Trong màn mưa dày đặc, cậu đã nhìn rõ đối thủ, đây là một gã nam nhân tướng mạo hung ác. An Long Nhi chưa ra tay vội, cậu muốn quan sát rõ xem đao của đối phương chém vào vị trí nào trên người mình, đồng thời cũng muốn cảm nhận đao của hắn nặng chừng nào. Một đao này có thể xác định kẻ địch có muốn lấy mạng cậu hay không, và cũng quyết định bước tiếp theo cậu sẽ phản kích như thế nào. Đao chém vào cổ họng An Long Nhi, đây là vị trí chí mạng... An Long Nhi gấp chiếc ô trên tay lại, đập vào cổ tay cầm đao của đối thủ, thân ô rung lên, kình lực mạnh mẽ truyền tới tay An Long Nhi, cậu cảm nhận được toàn bộ sức lực của gã đàn ông kia. An Long Nhi đã hiểu: hắn muốn giết mình. An Long Nhi nhanh nhẹn tránh khỏi lưỡi đao, lách ra sau lưng tên sát thủ, xoay người vung sợi dây đỏ buộc đồng tiền để nó quấn vào cổ kẻ địch, kéo giật thân thể hắn về phía sau, tay trái dùng mũi nhọn của chiếc ô nhanh chóng đánh rơi thanh đao trên tay đối phương, đoạn rụt về giơ cán ô đập mạnh vào huyệt Thái Dương của hán, tên sát thủ tức thời hôn mê bất tỉnh. Sau một loạt chiêu thức đơn giản mà mạnh mẽ, An Long Nhi ngước đầu lên, đang định đối phó những tên sát thủ khác, thì chợt trông thấy một cảnh tượng hoàn toàn nằm ngoài dự liệu. Đứng trước mặt cậu là Cố Tư Văn đang cầm ngược cây trường thương nhỏ máu, Sái Nguyệt đang thu cây roi chín đốt về và A Đồ cách cách đang giương cung lắp tên. Thì ra Sái Nguyệt vẫn luôn đứng trước cổng đưa mắt nhìn theo An Long Nhi, khi nghe thấy tiếng sủa hoắng khác lạ của Đại Hoa Bối, lại nhớ đến hành vi kỳ quặc của An Long Nhi trước đó, trực giác cho cô biết có sự nguy hiểm đang xảy đến. Sái Nguyệt lập tức quay vào nhà gọi người mang theo binh khí đuổi tới rừng tùng bên bờ sông, vừa khéo kịp thời đánh lén bọn sát thủ từ phía sau. Lúc này, dưới chân mỗi người bọn họ đều có một cái xác, A Đồ cách cách giẫm lên một thi thể trúng tên, mũi tên dài nhắm về phía một tên sát thủ đang xông tới An Long Nhi. An Long Nhi lớn tiếng kêu lên: "Đừng giết!" Nhưng tên của A Đồ cách cách đã bán ra, tay phải An Long Nhi rung mạnh, đồng tiền vàng buộc dây đỏ trên tay bắn về phía mũi tên đang lao tới, đầu mũi tên và đồng tiền va chạm trên không trung tóe hoa lửa, đồng thời, đao của tên sát thủ cũng chém tới phía trên đầu An Long Nhi. Tay trái An Long Nhi cầm ô vung xuống dưới, xòe ô ra, coi mặt ô như khiên, khéo léo xoay chuyển vòng lên phía trên đỉnh đầu, vừa hay hất chệch lưỡi đao chém tới, đồng thời cũng che khuất tàm nhìn của đối phương, cùng lúc tung nhanh một cước hiểm hóc bên dưới tán ô, đá vào huyệt Trung Quản trên bụng hán ta; tên kia toàn thân chấn động, cảm giác co giật và đau đớn dữ dội khiến hán đánh rơi thanh đao, hai tay ôm bụng quỳ gục xuống trước mặt An Long Nhi, cùng lúc ấy, đồng tiền vàng đã mang theo sợi dây đỏ quấn lên cổ hắn, kéo căng như thể lôi một con chó. Cơn mưa quá lớn, kích thích dữ dội vào mỗi người đang sống, gã đàn ông mặt mũi hung ác bị cán ô đánh ngất vừa nãy đã nhanh chóng tỉnh lại, nhặt thanh đao dưới đất chém xả xuống lưng An Long Nhi. Sái Nguyệt kêu lên kinh hoảng, Đại Hoa Bối cũng sủa váng xông ngược trở lại, chiếc ô trên tay An Long Nhi trượt xuống mặt đất. Tay phải cậu vẫn kéo sợi dây đỏ, tay trái từ phía trước vươn ra phía sau vai phải, nắm lấy Lôi thích. "Hây!" An Long Nhi phát ra một tiếng gầm khiến người ta kinh tâm động phách, mặt đất cũng rung lên nhè nhẹ. Một luồng khí đen khủng khiếp từ trước mặt cậu vòng ra sau lưng, hai mắt An Long Nhi đỏ vằn máu, nhìn thẳng vào gã đàn ông mặt mày hung ác xuất đao từ phía sau mình. Hắn ta đang giơ đao quá đỉnh đầu, đứng ngây ra trước mặt cậu, trước ngực toác một vệt rạch, mấy luồng máu tươi đột nhiên bắn tóe ra từ vệt rạch ấy, nhuộm đỏ cả người An Long Nhi, rồi ngay lập tức bị nước mưa rửa trôi. A Đồ cách cách lại kéo cung lắp tên, chĩa về phía gã sát thủ đang quỳ dưới đất, cô cũng để ý thấy trong khoảnh khác xoay người lại đó, trên tay An Long Nhi đã có thêm một thanh đao lưỡi hẹp màu đen dài chừng ba thước. A Đồ cách cách từ nhỏ lớn lên trong doanh trại quân đội, không hề lạ lẫm với các loại binh khí, cô nhận ra đây là đao của ninja Đông Doanh, và An Long Nhi vừa sử dụng đao pháp Đông Doanh giết địch; nhìn quầng tối hút vào bên trong lưỡi đao ấy, cô nhận ra đây ắt phải là một thanh đao có tiếng. Gã thanh niên tóc vàng này, nhất định lai lịch không hề đơn giản chút nào. Thấy sợi dây trên tay chợt căng ra, An Long Nhi biết tên sát thủ phía trước muốn bỏ chạy, A Đồ cách cách vừa thấy sát thủ có động tĩnh lập tức buông tên; khi An Long Nhi vận sức kéo hắn tới trước mặt mình, tên này đã co quắp dưới đất, cổ họng xiên ngang một mũi tên dài. An Long Nhi vội thu đao ngồi xuống nâng đầu hắn lên, gấp gáp gặng hỏi: "Các ngươi là ai, tại sao muốn giết ta?" Lẩn với tiếng máu òng ọc trong cổ họng, An Long Nhi láng máng nghe thấy: "Nhận tiền của người... bán mạng... cho người..." "Chủ thuê là ai? Nói mau!" An Long Nhi lắc mạnh đầu hắn ta, nhưng tên sát thủ đã không thể nói năng gì được nữa. An Long Nhi chầm chậm đứng dậy, bốn người trẻ tuổi đứng giữa màn mưa như trút trầm mặc nhìn nhau. Trong một thoáng, bọn họ đều phải đưa ra lựa chọn mới cho số mệnh của mình.
Nguồn:
Vui lòng không xóa link nguồn!