TRẦN TUNG - KẺ TU HÀNH KHÔNG GIỚI LUẬT

1K 49 25
                                    


Cố niên hoa đã viết được hơn hai năm mà mình vẫn chưa có một bài nào giới thiệu về nhân vật lịch sử mà mình đã chọn làm nam chính – Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung. Bài này sẽ nói về những điểm nổi bật mà không nhiều người biết về cuộc đời ông, dựa trên lời tựa mà mình đã viết cho truyện.


(Link truyện: https://www.facebook.com/notes/phuong-uyen/c%E1%BB%91-ni%C3%AAn-hoa/1535041206793391/)

1. "Người về từ khói lửa binh đao, thấu suốt hợp tan dâu bể"

Trần Tung (1230 – 1291) là con thứ nhất của An Sinh Vương Trần Liễu, anh trai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Không có tài liệu nào ghi chép về thân mẫu của ông, có thể ông là con của bà Trần Thị Nguyệt (thân mẫu Trần Quốc Tuấn), cũng có thể là con của công chúa Thuận Thiên (mình chọn phương án này cho Cố niên hoa nhằm mục đích thể hiện rõ hơn cái loạn của giai đoạn chuyển giao Trần – Lý).

Năm 1236, Hiển Hoàng Trần Liễu can tội cưỡng bức cung nhân triều Lý nên bị giáng làm Hoài Vương. Năm 1237, do Thái Tông Trần Cảnh lấy hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng đã lâu mà không có con, Thái sư Trần Thủ Độ đưa công chúa Thuận Thiên đang có mang ba tháng vào làm hoàng hậu. Trần Liễu phẫn uất nổi binh gây loạn, Trần Cảnh bỏ lên Yên Tử, bị Trần Thủ Độ gây sức ép phải quay về, Trần Cảnh lấy thân che chở nên Trần Liễu thoát được tội phản, được phong làm An Sinh Vương. Năm 1251, Trần Liễu trước lúc qua đời buộc Quốc Tuấn phải cướp ngôi để trả thù.

Trần Tung đã lớn lên trong những năm tháng nhiều biến động như thế, trải qua mọi sự hợp – tan và thấu đáo mọi sự toan tính của lòng người.

2. "Người từng thanh gươm yên ngựa, cũng có khi xướng họa đề thơ"

Trần Tung là một tôn thất họ Trần nên cũng có đất phong và quân đội riêng. Ông được giao cai quản Hồng Lộ và đã đóng góp không ít công sức trong việc xây dựng vững chãi vùng phía đông Thăng Long này. Trong cuộc kháng chiến Nguyên – Mông lần 2 năm 1285, ông cùng Hưng Đạo Vương mang hơn hai vạn quân giao chiến với quân Nguyên và đuổi Thoát Hoan chạy đến sông Như Nguyệt. Trong cuộc kháng chiến lần 3, ông nhận nhiệm vụ ngoại giao, từng đến doanh trại giặc trá hàng, làm chúng mất cảnh giác để quân Trần đánh phá. Sau trận chiến, ông được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình.

Không chỉ là một vị tướng có thể xông pha trận mạc, Trần Tung còn là một nhà thơ kiệt xuất. Thơ ông thể hiện rõ tinh thần tự do, thuận theo tự nhiên, không gò bó vào bất kỳ khuôn mẫu chuẩn mực nào, tìm về với chân tính của mình, giọng thơ phóng khoáng, đôi lúc ngang tàng nhưng rất "đời", gắn triết lý Thiền vào những điều gần gũi nhất trong cuộc sống. Quyển "Tuệ Trung Thượng sĩ Ngữ lục" của ông là một tác phẩm lớn của Phật giáo Việt Nam cho đến bây giờ.

"Thân như huyễn kính nghiệp như ảnh,
Tâm nhược thanh phong tính nhược bồng.
Hưu vấn tử sinh ma dữ Phật,
Chúng tinh củng bắc thủy triều đông."
(Vạn sự quy như)

Dịch thơ:
"Thân như gương ảo, nghiệp như bóng,
Tâm tựa gió lành, tính tựa bồng.
Đừng hỏi tử sinh, ma với Phật,
Muôn sao hướng Bắc, nước về Đông."

3. "Nghe nói người tu hành, không chay tịnh, chẳng màng giới luật"

Trần Tung tu tại gia từ thời niên thiếu, sau này về Tịnh Bang lập ra Dưỡng Chân Trang để tu thiền. Ông là đệ tử của Thiền sư Tiêu Dao, được Trần Thái Tông coi trọng và sau này được Trần Thánh Tông tôn làm đạo huynh, gọi là Thượng sĩ (bồ tát). Ông cũng là nhân vật có ảnh hưởng lớn đến vua Trần Nhân Tông.

Tuy nhiên, khác với những người tu hành chay tịnh và trì giới, Trần Tung vẫn ăn thịt, uống rượu và có thê thiếp. Một lần, em gái ông là Hoàng hậu Thiên Cảm mời ông vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: "Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?" Ông cười đáp: "Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói "Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát" đó sao?". Sau này, Nhân Tông có lần hỏi: "Bạch thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?". Trần Tung trả lời: "Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy".

Trần Tung tu hành một cách rất... lý trí. Ông gần với một nhà duy vật biện chứng hơn là một người theo tâm linh. Với ông, thiền thực chất là hành động tập trung, tắt mọi suy nghĩ trong đầu, hướng về tâm của mình chứ chẳng phải một việc gì đó cao siêu.

"Giữa nhà không nói, chỉ ngồi yên,
Nhàn ngắm Côn Luân sợi khói lên.
Lúc mệt mỏi rồi tâm tự tắt,
Cần chi niệm Phật với cầu Thiền."
(Dịch thơ bài Ngẫu tác)

4. "Ngạo Phóng cuồng ngâm bước giữa đời, tay nâng niu một đóa hoa"

Phóng cuồng ngâm là bài thơ nổi tiếng nhất của Trần Tung, nhưng cái "cuồng" của ông được thể hiện rõ ở mọi sáng tác khác. Cái cuồng của Trần Tung không phải là việc bước lên mọi lề thói hay bất chấp lễ nghi, cũng không phủ nhận những triết lý của Phật giáo mà là thuận theo tự nhiên, trân trọng bản chất của mọi việc, cái đẹp phải được gửi đến đúng người biết thưởng thức, đề cao sự hòa hợp của mọi việc trên đời:

"Vào xứ mình trần bỏ áo đi,
Phải đâu quên lễ, chỉ tuỳ nghi.
Trâm vàng, mụ hói treo làm móc,
Gương sáng, anh mù lấy úp ly.
Hoa giắt minh châu, voi chẳng biết,
Đàn gieo tiếng ngọc, trâu nghe chi!
Hỡi ôi! Một khúc huyền trong diệu,
Dồn hết vàng kia đúc Tử Kỳ."
(Dịch thơ Vật bất năng dung)

5. "Giữa không và có chẳng bao xa
Xưa nay sống – chết một thôi mà
Hoa nở năm nay – hoa năm trước
Trăng sáng bây giờ - trăng tối qua"
(Dịch thơ Đốn tỉnh)

Khi ốm nặng, Trần Tung không nằm trong phòng riêng mà cho kê giường nằm ở thiền đường. Thê thiếp kêu khóc ầm ỹ. Ông mở mắt ngồi dậy, bảo lấy nước rửa tay súc miệng rồi quở nhẹ rằng: "Sống chết là lẽ thường nhiên, sao lại buồn thảm luyến tiếc để cho chân tính ta náo động?", sau đó thì mất.

6. "Đến khi biến loạn sơn hà
Tan hiềm khích
Xóa hận thù
Ngút tận trời hào khí Đông A..."

Sau việc Trần Cảnh lấy Thuận Thiên, hai chi Tức Mặc và Vạn Kiếp của họ Trần trở nên bất hòa. Bên cạnh câu chuyện Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xin tắm cho Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải để xóa hiềm khích, Trần Tung cũng là một nhân vật có đóng góp không nhỏ vào giao tình của hai chi khi giữ mối quan hệ rất tốt với các vua Trần thông qua việc trao đổi Phật giáo. Để rồi, đến khi sơn hà có loạn, ông cùng em trai Trần Quốc Tuấn lại xông pha trận mạc, góp phần tạo nên một thời đại hào hùng vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Xin mượn bài kệ mà Thiền sư Pháp Loa viết về Trần Tung để kết bài viết về một nhân vật lịch sử cực kỳ thú vị mà không được nhiều người biết đến này:

"Gang ròng nhồi lại
Sắt sống đúc thành
Thước trời, tất đất
Gió mát, trăng thanh"

ĐÔNG A BIỂN MẶNWhere stories live. Discover now