Bài làm
Sống giữa buổi giao thời của hai thời đại, con người ta như có một sự chuyển biến khác lạ. Con người bị giằng xé giữa hai xã hội Tây – Tàu nhố nhăng, họ cảm thấy phẫn uất với xã hội đương thời. Là một con người khác với mọi người, Nguyễn Tuân có phong cách nghệ thuật thật nổi bật, là người say mê cái đẹp, suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật. Trước cách mạng tháng Tam, Nguyễn Tuân thành công với tác phẩm “ Vang bóng một thời”. Truyện viết về những con người đẹp tài danh trong quá khứ mà nay ra chỉ còn “vang bóng”. Họ tự đặt cho mình lên trên cái xã hội phàm tục ấy bằng thái độ ngông nghênh, khinh bạc, bằng thú chơi tao nhã, đầy tính nghệ thuật, thiên lương, trong sang hơn người. Một trong những con người tài hoa ấy là Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Huấn Cao không chỉ là người nghệ sĩ tài hoa mà còn là một anh hung tuấn kiệt, có tâm hồn cao đẹp. Huấn Cao là mẫu người lí tưởng được tác giả xây dựng với cảm hứng ca ngợi theo bút pháp lãng mạn.
Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”. Mỗi trang viết của ông đều muốn thể hiện sự tài hoa uyên bác. Mọi sự vật, hiện tượng được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hóa, mĩ thuật. Ông thường đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời. Văn Nguyễn Tuân vừa đĩnh đạc cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại. Nguyễn Tuân học theo “chủ nghĩa xê dịch”. Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tìm cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thẳm, thác ghềnh dữ dội… Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tùy bút như một điều tất yếu. Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả quần chúng nhân dân. Chất giọng khinh bạc vẫn được duy trì và chủ yếu để dành cho kẻ thù của dân tộc hay những khía cạnh tiêu cực của xã hội.
Trước hết, Huấn Cao hiện lên với tư cách của một người nghệ sĩ tài hoa, tài tử. Đây cũng là vẻ đẹp chung của các nhân vật trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời. Nếu như ở Hương cuội, Những chiếc ấm đất, Thả thơ, Đánh thơm,…, nhà văn họ Nguyễn say mê đi vào phân tích gợi lên hứng thú thẩm mĩ cho độc giả từ những thú chơi tao nhã như thú thưởng trà, uống rượu “thạch lan hương”, “thả thơ”… thì ở Chữ người tử tù, ta lại có cơ hội được hiểu và yêu thêm một nghệ thuật cổ truyền của người phương Đông nói chung, của dân tộc nói riêng, qua tài năng của Huấn Cao: nghệ thuật thư pháp. Đây là một môn nghệ thuật rất độc đáo. Nó đòi hỏi ở người tham gia những phẩm chất đặc biệt, một tay bút tài hoa, điêu luyện, một trình độ uyên bác, một học vấn uyên thâm. Đối với các nhà thư pháp, mỗi lần đặt bút là một lần sáng tạo. Hơn thế nữa, thư pháp còn là ngành nghệ thuật của nhân cách, của tinh thần. Người viết thư pháp đòi hỏi phải có một cái tâm trong sáng, vững bền, một cốt cách thanh cao, đáng kính trọng. Với Huấn Cao, mỗi nét chữ “vuông tươi tắn” trên khuôn lụa trắng, với mùi mực thơm, nó “nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời người”. Nói cách khác, ở đây, chữ cũng là người; chữ phập phồng hơi thở, linh hồn con người trong đó.