TRÊN BÃI BIỂN, Ở MỘT NƠI GẦN SÁT với những con sóng vỗ bờ, có khoảng chừng hai mươi cây anh đào sum suê đứng sắp hàng, phơi ra những thân cây đên trùi trũi. Khi năm học mới bắt đầu vào tháng tư, hàng cây anh đào phô những chiếc lá sẫm màu cùng với những bông hoa rực rỡ trước mặt biển xanh. Những đám mây hoa dần rơi lả tả trong gió ngàn, những cánh hoa đính vào mặt nước, dập dềnh trôi theo những con sóng bạc đầu, rồi bị đánh dạt vào bờ cát. Bờ cát đầy hoa anh đào ấy chính là sân của một trường trung học vùng đông bắc mà tôi tuy học hành chẳng chăm chỉ gì lắm cũng được nhập học bình an. Trên chiếc huy hiệu gắn trên mũ, và trên nút áo của đồng phục học sinh đều được khắc cách điệu hình bông hoa anh đào nở.
Cha tôi chọn cho tôi ngôi trường của hoa đào và biển cả này là vì có nhà người bà con xa với gia đình tôi nằm kế bên ngôi trường trung học đó. Tôi được gửi cho gia đình này. Và vì nhà gần sát nơi trường học nên mỗi sáng chỉ sau khi nghe tiếng chuông chào cờ tôi mới ba chân bốn cẳng chạy đến trường. Tuy lười biếng như thế nhưng nhờ vào vai diễn thằng hề của tôi mà càng ngày tôi càng được bạn bè trong lớp yêu mến.
Từ lúc sinh ra đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến một nơi xa lạ nhưng tôi lại cảm thấy nơi đây còn thân thuộc, dễ chịu hơn quê tôi rất nhiều. Cũng từ dạo đó, vai hề của tôi trở nên điêu luyện hơn, việc lừa gạt người khác không còn là nỗi đau khổ dằn vặt như trước nữa. Tuy nhiên, hơn thế chẳng phải sự khác biệt về độ khó và dễ trong diễn xuất nằm trong mối quan hệ giữa gia đình và người lạ, giữa chốn khác và quê nhà đó sao? Điều này đúng cho tất cả mọi thiên tài, ngay cả đối với đấng Jesus cũng vậy. Đối với một diễn viên, nơi khó diễn xuất nhất là ở hí kịch nơi quê nhà. Trong một khán phòng tụ tập tất cả thân bằng quyến thuộc của mình, một diễn viên danh tiếng đến mấy cũng khó lòng mà diễn xuất được. Tuy nhiên tôi đã diễn và thu được những thành công nhất định. Một kẻ xảo quyệt đến độ đó thì làm gì có chuyện thất bại trong diễn xuất khi ra một xứ khác cơ chứ.
Tuy nỗi sợ hãi con người vẫn cựa quậy mãnh liệt ở một góc buồng tim, thậm chí không giảm mà còn tăng thêm so với trước kia nữa nhưng nghệ thuật trình diễn của tôi thì đã tinh tiến lên rất nhiều. Trong lớp tôi luôn chọc cười các bạn đến mức giáo viên vừa cảm thán nếu lớp không có thằng giặc này thì hay biết bao nhiêu vừa phải lấy tay che miệng cười. Tôi đã có thể làm cho huấn luyện viên quân sự có giọng cất cao như sấm bật cười một cách nhẹ nhàng.
Ngay khi tôi vừa mới an tâm rằng mình đã che giấu kỹ được bản chất con người mình thì đột nhiên lại bị đâm một nhát phía sau không ngờ tới. Mà cái thằng đâm tôi từ phía sau lại là một thằng ngơ ngơ ngác ngác, yếu đuối nhất trong lớp, mặt mũi xanh lét, mặc một cái áo khoác dài cổ lỗ sĩ như bậc cha chú, tay áo dài lụng thụng như tay áo của Thánh Đức Thái tử, không làm bài tập, giờ thể dục chỉ đứng ở ngoài mà xem. Ngay cả tôi cũng cảm thấy mình không cần phải đề phòng với cái loại người như thế.
Ngày đó, trong giờ thể dục, cái thằng đó (họ thì tôi không nhớ còn tên nó là Takeichi), cái thằng Takeichi đó, như thường lệ đang đứng ngoài xem chúng tôi luyện múa gậy sắt. Tôi cố tình làm ra vẻ mặt nghiêm chỉnh, ngắm nghía cây gậy sắt, la một tiếng rồi chạy như bay về phía trước như đang chuẩn bị nhảy xa và ngã phịch mông xuống sân cát. Tất cả đều là một sự thất bại có tính toán. Dĩ nhiên là các bạn trong lớp cười rộ, còn tôi vừa cười khổ sở vừa lồm cồm đứng dậy, phủi cát dính nơi quần, thì thằng Takeichi không biết từ lúc nào đã đến sau lưng tôi mà lẩm bẩm "mày cố tình, cố tình".
BẠN ĐANG ĐỌC
Thất lạc cõi người - Dazai Osamu
General FictionSống, dù chỉ một vai hề, cũng phải đi đến tận cùng đày ải. Sống, nhiều khi không bằng chết nhưng phải nghiến răng đi tiếp, nhiều khi chưa chắc gì vì hai chữ ngày mai. Chớ luận thành công, chớ kể thất bại, sống là phải luôn tranh đấu dằn vặt, tìm ý n...