Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim, thơ diễn tả rất thành công mọi cung bậc cảm xúc của con người: niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, tuyệt vọng… Có những tâm trạng của con người chỉ có thể diễn tả bằng thơ vì vậy thơ không chỉ nói hộ lòng mình mà thơ còn là tiếng hát của những tâm hồn tri âm, tri kỉ. Với sự quyến luyến nuối tiếc của người cán bộ khi phải chia tay nhân dân miền ngược để trở về xuôi, Tố Hữu đã viết nên bài thơ Việt Bắc. Nhận xét về bài thơ có ý kiến cho rằng tác phẩm mang tính dân tộc đậm đà, thấm nhuần trong từng câu, từng chữ. Và điều đó được thể hiện rõ nét qua đoạn thơ:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.
Quả không sai khi nói rằng với người làm thơ, bài thơ là một phương tiện quan trọng biểu đạt tư tưởng, tình cảm. Chỉ có những cảm xúc mãnh liệt, chân thật mới là cơ sở để xây dựng nên một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Cảm xúc càng mãnh liệt, thăng hoa, bài thơ càng có sức ám ảnh trái tim bạn đọc. Mang trong mình sứ mệnh cao cả của một nhà thơ trữ tình chính trị, Tố Hữu đã không ngừng tìm tòi sáng tạo để tìm ra hướng đi cho riêng mình và ông đã khẳng định được vị trí của mình trong dòng chảy lịch sử của văn học. Các tác phẩm của ông luôn phản ảnh chân thực các chặng đường cách mạng gian khổ nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc. Có lẽ đây chính là lí do vì sao các tác phẩm của ông luôn có tính dân tộc đậm đà- một trong những nét nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu. Tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu có thể kể đến bài thơ Việt Bắc. Vào tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết. Tháng 10/1954, Trung ương Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc về thủ đô Hà Nội, những người kháng chiến từ miền ngược, trở về miền xuôi. Trong giờ phút lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác nên bài thơ này.
Tính dân tộc trong tác phẩm “Việt Bắc” nói chung và đoạn trích Việt Bắc nói riêng, không chỉ được thể hiện ở thể thơ lục bát mang tính thuần việt, kết cấu đối đáp quen thuộc minh- ta trong ca dao mà nó còn được thể hiện qua những hình ảnh quen thuộc mái đình, cây đa, qua những tâm tình thủ thỉ, nhẹ nhàng của Tố Hữu. Nếu ở đoạn thơ trước, nhà thơ tái hiện lại khung cảnh chia tay bịn rịn, cả kẻ ở, người đi đều “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” với hình ảnh của thiên nhiên cà con người Việt Bắc hiện lên trong tâm tưởng với cảnh “mưa nguồn suối lũ”, “trăng lên đầu núi”, “nắng chiều lưng nương” thì đến với mười câu thơ viết về “hoa” và “người”, trong cái nhìn của Tố Hữu, con người đã trở nên đẹp hơn bao giờ hết khi hòa mình vào với thiên nhiên.
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”
Vẫn là kết cấu đối đáp “ta- mình” quen thuộc, câu hỏi tu từ “Ta về, mình có nhớ ta”, hỏi như chỉ vẻ để hỏi, hỏi như là duyên cớ đề nhà thơ nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Nỗi nhớ càng được tô đậm hơn qua động từ “nhớ” được điệp lại hai lần. “Hoa” là biểu tượng cho thiên nhiên Việt Bắc, người là con người Việt Bắc. hoa và người càng trở nên gắn bó với nhau hơn qua động từ cùng.