Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân là một trong những di sản lý luận quan trọng nhất mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đó là một hệ thống lý luận, nguyên tắc với những nội dung phong phú, từ việc xác định vai trò lãnh đạo của Đảng đến quy luật ra đời; từ tư cách đảng viên cho đến những yêu cầu xây dựng đảng ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế chậm phát triển nhưng có nền văn hiến và truyền thống văn hóa đặc sắc.
Một trong những nguyên tắc hàng đầu mà Người đề cập đến đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng Cộng sản, nhằm làm cho Đảng Cộng sản trở thành Đảng có sức mạnh chiến đấu to lớn trong một tổ chức chặt chẽ. Theo Người, tập trung và dân chủ là “hai vế của một nguyên tắc” có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tập trung trên nền tảng dân chủ; dân chủ phải dưới sự chỉ đạo tập trung.
Tập trung trong Đảng là: thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, bộ phận phải phục tùng toàn thể, tất cả các đảng viên phải chấp hành vô điều kiện nghị quyết của Đảng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”1. Tức là đề cao vai trò của tập trung, thực hiện tập trung trong Đảng để tạo sự thống nhất ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh lãnh đạo to lớn trong tiến trình cách mạng. Đây là biểu hiện cụ thể tính tiên phong, tính chiến đấu của giai cấp công nhân. Cùng với tập trung phải chú ý thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Dân chủ là làm cho mọi người mạnh dạn có ý kiến, làm cho Đảng tập trung được trí tuệ, tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do, bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lí. Đó là một quyền lợi, cũng là một nghĩa vụ của mỗi người”2…
Nguyên tắc thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phải luôn đi đôi với nhau. Chỉ có tập thể lãnh đạo mới phát huy được toàn bộ trí tuệ đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người lý giải một cách vắn tắt: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy được một hoặc nhiều mặt của vấn đề, không thể thấy hết tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người, nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt thì vấn đề ấy được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm.
Theo Hồ Chí Minh, cá nhân phụ trách là nhằm tạo ra tính chuyên trách, gắn trách nhiệm để giải quyết công việc một cách tốt nhất. Người giải thích: “Việc gì đã được đông người bàn bạc kĩ rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới chuyên trách, công việc mới chạy… Nếu không có cá nhân phụ trách, thì sẽ sinh ra cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong”3. Người còn lưu ý, trong thực hiện nguyên tắc này phải chống lại bệnh độc đoán, chuyên quyền, vi phạm dân chủ trong Đảng; đồng thời chống lại tệ dựa dẫm tập thể, không dám chịu trách nhiệm. Đây là hiện tượng thường thấy hàng ngày, khi có thành tích thì nhận về mình, còn khuyết điểm sai lầm thì đổ lỗi cho tập thể. Không chú ý đến lãnh đạo tập thể thì sẽ bao biện, độc đoán, chủ quan; đồng thời không chú ý đến cá nhân phụ trách thì sẽ dẫn đến bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ.
Nguyên tắc thứ ba được Hồ Chí Minh đề cập trong xây dựng Đảng là nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Có lúc, Hồ Chí Minh coi nguyên tắc tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển Đảng. Cũng có khi Người coi đó là nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, là vũ khí sắc bén để làm cho Đảng ta trong sạch vững mạnh. Hồ Chí Minh nói: “Mỗi người đều có thiện, có ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”; vì vậy, “thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”4.
Nguyên tắc thứ tư được Người nhắc đến trong xây dựng Đảng kiểu mới là kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng là đòi hỏi tất cả mọi tổ chức đảng, mọi đảng viên đều phải bình đẳng trước Điều lệ Đảng, trước pháp luật Nhà nước, Nghị quyết của Đảng. Đảng ta là một tổ chức gồm những người tự nguyện phấn đấu cho lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, cho nên tự giác là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức đảng và đảng viên. Theo đó, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi đảng viên dù ở cương vị nào, làm bất cứ việc gì cũng phải chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Việc coi thường kỷ luật Đảng, không tự giác chấp hành kỷ luật Đảng sẽ làm suy yếu và tan rã Đảng.
Trong hệ thống các nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới, Hồ Chí Minh không quên đề cao nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đoàn kết, thống nhất là một thuộc tính cơ bản, một nguyên tắc hoạt động quan trọng của Đảng, quyết định sức mạnh của Đảng. Trong Di chúc, Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu của đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”5. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin; đường lối, chủ trương của Đảng; Điều lệ Đảng. Thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong Đảng.
Việc nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên tắc trong xây dựng Đảng kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là vấn đề có tính quy luật nhằm xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đỗ Đình Cường
1. Hồ Chí Minh toàn tập, t5, NXB CTQG, H. 2009, tr.553
2. Hồ Chí Minh toàn tập, t8, NXB CTQG, H. 2009, tr.216
3. Hồ Chí Minh toàn tập, t5, NXB CTQG, H. 2009, tr.505
4. Hồ Chí Minh toàn tập, t5,NXB CTQG, H.2009, tr262
5. Hồ Chí Minh toàn tập, t12, NXB CTQG, H. 2009, tr.510