CHƯƠNG 3. Cuộc đụng độ ở Cajamarca

19 0 0
                                    


Những sự hoán đổi dân số lớn nhất trong thời cận đại là việc người châu Âu di cư sang Tân Thế giới, và kết quả của nó là hầu hết các nhóm người châu Mỹ bản địa (người Anh-điêng châu Mỹ) bị chinh phục, suy giảm dân số hoặc biến mất hoàn toàn. Như tôi đã giải thích ở Chương 1, Tân Thế giới có người đến định cư đầu tiên vào khoảng 11.000 năm tr.CN hoặc trước đó theo ngả Alaska, eo Bering và Siberia. Các xã hội phức tạp làm nghề nông đã dần dần nảy sinh ở châu Mỹ xa dần xuống phía Nam dọc theo con đường xâm nhập đó, phát triển trong sự cách ly hoàn toàn với các xã hội phức tạp đang nảy sinh ở Cựu Thế giới. Sau khi con người từ châu Á di cư sang châu Mỹ lần đầu tiên, những tiếp xúc duy nhất có thể chứng minh được giữa Tân Thế giới và châu Á chỉ diễn ra giữa những người săn bắt hái lượm sống hai bên bờ eo Bering, cộng với một chuyến du hành xuyên đại dương mang khoai tây từ Nam Mỹ đến Polynesia mà ta có thể luận ra.

Về những tiếp xúc giữa các dân tộc của Tân Thế giới với châu Âu, những tiếp xúc sớm duy nhất là của người Na Uy khi họ chiếm cứ Greenland với số lượng rất nhỏ từ năm 986 đến khoảng năm 1.500. Song những cuộc viếng thăm của người Na Uy không có tác động thấy rõ nào đến các xã hội châu Mỹ bản địa. Thay vào đó, vì những mục đích thực dụng, cuộc đụng độ giữa các xã hội tiên tiến của Cựu Thế giới với các xã hội Tân Thế giới diễn ra đột ngột vào năm 1492 khi Christopher Columbus "phát hiện" ra các đảo Caribê nơi có đông người châu Mỹ bản địa sinh sống.

Khoảnh khắc kịch tính nhất trong quan hệ giữa người châu Âu và người châu Mỹ bản địa từ đó về sau là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hoàng đế Atahualpa của đế quốc Inca với nhà chinh phục Francisco Pizarro người Tây Ban Nha trên thành phố cao nguyên Cajamarca ở Peru vào ngày 16 tháng Mười hai năm 1532. Atahualpa là vị chúa tể tuyệt đối của nhà nước lớn nhất và tiên tiến nhất ở Tân Thế giới, trong khi Pizarro là đại diện cho hoàng đế Charles V của đế quốc La Mã Thần thánh (còn được gọi là Vua Charles Đệ nhất của Tây Ban Nha), chúa tể của nhà nước hùng mạnh nhất ở châu Âu. Pizarro, dẫn đầu một toán quân ô hợp gồm 168 binh sĩ Tây Ban Nha, đang ở trên một vùng đất xa lạ, hoàn toàn chẳng biết gì về cư dân bản địa, hoàn toàn không thể liên lạc với những người Tây Ban Nha gần nhất (cách 1.600 km ở phía Bắc Panama) và quá xa đến nỗi khó lòng được kịp thời tiếp viện. Atahualpa đang ở giữa đế quốc của chính mình với hàng triệu thần dân, vây quanh sát nách là đạo quân gồm 80.000 chiến binh vừa ca khúc khải hoàn sau một cuộc chiến với những người Anh-điêng khác. Thế nhưng Pizarro đã bắt sống Atahualpa trong vòng vài phút sau khi hai người nhìn thấy nhau lần đầu tiên. Pizarro tiếp tục giam giữ tù nhân trong tám tháng, đòi một khoản tiền chuộc lớn nhất trong lịch sử để đổi lấy lời hứa trả tự do cho nhà vua. Sau khi nhận được tiền chuộc - một số vàng đủ để chất đầy một căn phòng dài 22 bộ (gần 7 m), rộng 17 bộ (hơn 5 m) và cao trên 8 bộ (khoảng 2,5 m), Pizarro nuốt lời hứa và hành quyết Atahualpa.

Sự kiện bắt sống Atahualpa có ý nghĩa quyết định với việc người châu Âu chinh phục toàn bộ Đế quốc Inca. Mặc dù vũ khí ưu việt của Tây Ban Nha hẳn cũng có thể bảo đảm cho người Tây Ban Nha sớm muộn gì cũng thắng, song việc bắt sống nhà vua khiến cho cuộc chinh phục diễn ra nhanh chóng hơn và hết sức dễ dàng. Atahualpa được người Inca sùng bái như thần mặt trời và có uy quyền tuyệt đối với thần dân, họ tuân theo mệnh lệnh của nhà vua ngay cả khi ngài đang bị giam cầm. Mấy tháng trước khi nhà vua chết là đủ để Pizarro cử những nhóm thám hiểm đến những vùng khác của Đế quốc Inca mà không ai dám cản cũng như cử người đến Panama xin tiếp viện. Đến khi giao tranh giữa người Tây Ban Nha với người Inca rốt cuộc cũng xảy ra sau khi Atahualpa bị hành quyết thì lực lượng của người Tây Ban Nha đã đáng sợ hơn nhiều.

You've reached the end of published parts.

⏰ Last updated: Jul 08, 2019 ⏰

Add this story to your Library to get notified about new parts!

Súng, vi trùng và thépWhere stories live. Discover now