Việt Nam Thư Quán - Thư Viện Online
13 Phiếu
Đã xem 17422 lần.
Cuộc Chiến VN
Cuộc chiến không ai thắng(trích)
Phần 1
Stanley Karnow là một trong số rất ít nhà báo phương Tây chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm Vietnam - A History của ông là một tài liệu tham khảo không thể thiếu cho những ai tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Cho đến nay chỉ một số người Việt đọc được tác phẩm của ông từ nguyên bản tiếng Anh. Nhân kỷ niệm 31 năm ngày kết thúc chiến tranh, talawas trân trọng giới thiệu bản dịch chương mở đầu của tác phẩm đó như là một góc nhìn về cuộc chiến cho những người chưa có điều kiện tiếp xúc với nguyên bản. Hy vọng trong một ngày gần đây chúng tôi có thể giới thiệu trọn vẹn công trình được giải thưởng Pulitzer này.
Tác giả hoàn thành chương sách này năm 1997; đến nay tình hình đã thay đổi song vẫn có nhiều vấn đề còn mang tính thời sự.
talawas
Bia tưởng niệm là một cách điệu nghệ thuật: một khối đá đen tuyền bóng láng nằm nghiêng nghiêng trên triền đồi thoai thoải. Nhưng vẻ giản dị của nó gợi lại một thực tại dữ dội. Những dòng tên của người đã khuất khắc trên đá hoa cương không chỉ ghi nhận những cuộc đời đã mất trong chiến trận mà còn biểu hiện sự hy sinh cho một cuộc chinh phục đã thất bại, cho dù động cơ của cuộc chinh phục đó là cao quý hay ảo vọng. Theo một ý nghĩa rộng hơn, chúng biểu trưng cho niềm hy vọng đã tàn phai - hoặc có lẽ là sự sinh thành một nhận thức mới. Chúng là bằng chứng cho điểm kết thúc một niềm tin tuyệt đối vào tính độc nhất về đạo đức, sự bất khả chiến bại về quân sự, và vận mệnh hiển nhiên của nước Mỹ. Chúng là cái giá phải trả, bằng máu và niềm đau khổ, cho sự thức tỉnh để trưởng thành của nước Mỹ, cho sự thừa nhận những giới hạn của nước Mỹ. Cùng với những thanh niên đã chết ở Việt Nam đã tiêu tan luôn giấc mơ về một "Thế kỷ Mỹ".
Hàng ngàn cựu chiến binh Việt Nam đổ về thủ đô Washington để dự lễ tưởng niệm trong một dịp cuối tuần lạnh và khô tháng 11 năm 1982. Họ đến cùng với gia đình họ và gia đình của những người đã khuất. Có những người bị bại liệt ngồi trên xe lăn, có những người cụt tay. Họ mặc áo quần lao động hoặc trang phục của doanh nhân, một số người còn mặc nguyên quần áo lính. Có những bài diễn văn, những cuộc hội ngộ, một cuộc diễu hành và một nghi lễ nghiêm trang tại Giáo đường Quốc gia, nơi những người tình nguyện đã tổ chức thắp nến nguyện cầu trong suốt tuần lễ, xướng tên từng người một của gần năm mươi tám ngàn người lính đã bị giết hoặc mất tích trên chiến trường. Nhìn từ xa, đám đông trông giống hệt những đoàn biểu tình phản đối chiến tranh đã tràn qua thủ đô trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Nhưng trong dịp cuối tuần này, những cuộc tranh cãi quá khứ đã không lộ rõ. Giờ đây người Mỹ có vẻ như đang thanh toán món nợ với những người đã chiến đấu và đã chết - ca ngợi sự đóng góp của họ, đền đáp nỗi đau khổ của họ. Những gương mặt, những lời xưng tụng và cả đài tưởng niệm nữa dường như cố chữa lành các vết thương. Hai cái tên ở dòng đầu trên bia tưởng niệm - Dale R. Buis và Chester M. Ovnand - làm tôi nhớ lại một sự kiện xa xôi.