Đèn pha bật sáng như ngày mai lên".
Ngay ở câu thơ đầu tiên mở đầu đoạn thơ, tác giả đã nêu lên cái nhìn khái quát chung cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đây là một cuộc chiến tranh sáng ngời chính nghĩa hợp với ý trời lòng dân. Cho nên lực lượng của ta ngày càng trưởng thành lớn mạnh không ngừng. Từ một đội quân chỉ có ba mươi tư người xuất phát từ cây đa Tân Trào hôm nào, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, hôm nay chúng ta đã có một đội quân hùng mạnh liên tiếp gặt hái được những chiến công chói lọi: Thu Đông, Sông Lô, Biên Giới... Giờ đây, chúng ta đang chuẩn bị tổng phản công bằng một chiến dịch lịch sử. Chúng ta hoàn toàn làm chủ chiến trường Việt Bắc cả về thế và lực. Cho nên đoàn quân ra trận hôm nay xuất phát từ mọi ngả đường Việt Bắc như những gọng kìm nhằm bao vây quân giặc đang co cụm ở những cứ điểm cuối cùng:
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung"
"Những đường" chứ không phải "một đường" và Việt Bắc là "của ta". Câu thơ bình dị mà chất chứa biết bao niềm tự hào về quang cảnh ra trận và khí thế của ta trên chiến trường.
Câu thơ thứ hai mở ra một bối cảnh khác, đó là ngày kháng chiến chống Pháp, máy bay địch chủ yếu hoạt động ban ngày. Do đó ta phải hành quân đêm "xưa là rừng núi là đêm" (Tố Hữu). Trên các nẻo đường Việt Bắc đêm nối đêm cứ "rầm rập" tiến quân ra trận. Từ láy "rầm rập" là một từ tượng thanh rất gợi cảm. Nó diễn tả bước chân đi đầy khí thế hăng say và sức mạnh áp đảo của một tập thể người đông đúc có đội ngũ chỉnh tề. Với từ "rầm rập" đặc sắc ấy, cuộc ra trận của quân ta bỗng trở thành một cuộc duyệt binh, diễu binh hùng tráng:
"Xuân hãy xem! Cuộc diễn binh hùng vĩ
Ba mươi mốt triệu nhân dân
Tất cả hành quân
Tất cả thành chiến sĩ".
Vì thế mà bước chân của đoàn quân ấy đêm đêm như làm rung chuyển cả mặt đất. Hình ảnh thơ mang đậm màu sắc thần thoại.
Từ cái nhìn chung ở câu một và hai đến đây, tác giả đi vào cái nhìn cụ thể. Nếu câu trên, tác giả tả khí thế ra trận của quân ta qua ấn tượng thính giác, thì các câu sau, tác giả tả bằng thị giác: "Quân đi điệp điệp trùng trùng". Từ láy từ "điệp điệp trùng trùng" thật giàu ý nghĩa diễn tả. Nó gợi lên trong ta những đoàn quân ra trận nối dài vô tận và rất hùng vĩ như những dãy núi kế tiếp nhau vậy. Sau này nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đã viết:
"Từ nơi em gửi tới nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận"
Ở đây ta lại bắt gặp một hình ảnh thơ được viết với bút pháp cường điệu mang đậm màu sắc anh hùng ca. Vì vậy sức mạnh khí thế của đoàn quân ra trận đã được nâng ngang tầm với sức mạnh của thiên nhiên sông núi.
"Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan". Câu thơ vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa khái quát tượng trưng sâu xa. Trước hết nó diễn tả đoàn quân đi trong đêm, đầu súng lấp lánh ánh sao trời. Nhưng đó cũng là lấp lánh ánh sao lí tưởng: