Tay cầm làn, tay cắp thúng, thị mải lo ngẫm nghĩ, chẳng rỗi để quệt mồ hôi trên trán. Năm trước vừa lũ năm nay đã hạn nặng do nắng to, bảo sao ruộng đồng xác xơ hết cả. Phận làm thuê làm mướn như thị, ruộng người mất thì việc mình mất, ngồi nhàn mãi cũng không xong. Gã chồng thị không biết lo, thị mà không lo nốt thì năm miệng ăn chỉ còn lăn ra chết. Chết đói, chết rét, chết xó, chết chẳng có tấc đất vùi thây.
Tưởng đến cảnh ấy mà lòng thị quặn thắt. Thị năm nay ba mươi đã nhẵn, ít nhiều cũng sống nửa đời người, giàu nghèo gì chưa từng nếm qua. Ông chồng thị thì thôi, sớm vứt từ tám đời tiên sư cố tổ. Tội là tội ba đứa con của thị. Cái lũ, toàn vịt giời, thầy u chết hết chỉ còn biết cạp đất mà ăn, không thì cũng bị bán đi, chịu cảnh hành hạ đọa đày.
Giống thị khi xưa vậy.
Thị thất thần, bước chân đi cũng chậm lại. Hai bên đê, một bên là sông mùa khô cạn, nước rút xuống để trơ bờ bãi đầy rong; một bên là những khóm tre cong nối nhau nên thành nên lũy. Nhớ chuyện cũ, định bụng buông một tiếng thở dài cảm thán thì tai thị bắt được tiếng động từ lùm bụi. Tiếng sột soạt đầy mờ ám cũng lắm hiểm nguy như thế, thị nghe mãi thành quen, chỉ còn biết ra sức đề phòng, dáo dác ngó quanh, chân cuống lên như bị ma đuổi.
Một mạch về đến nhà, mồ hồi trên lưng áo đã ướt đẫm. Chồng thị ngoài sân, cạnh bên là đứa con nhỏ nhất. Con bé để tóc chỏm, lỗ tai cũng chẳng xỏ, ăn mặc y hệt mấy thằng cu. Cả vẻ ngoài lẫn cái tên Trai của con bé đều từ nỗi khao khát quý tử quá độ của chồng thị mà ra. Suốt ngày, nó không nghịch đất cát cùng đám trẻ trong làng thì cũng bám theo thầy nó vui đùa, mặc cho việc thỉnh thoảng hắn lại nổi cơn tam bành, lôi cả mẹ lẫn con ra đánh một trận. Cơn qua, chuyện lại đâu vào đấy. Ba đứa trẻ vẫn bám thầy bám u, mà thầy chúng cũng không như lúc giận dữ, chỉ âu yếm xoa đầu vuốt tóc, dạy đọc, dạy viết.
Bấy giờ lúc thị về, hắn hãy còn lè nhè chè rượu, huyên thuyên nói chuyện với cái Trai bên cạnh. Con bé nghe chữ được chữ không, cũng chẳng biết hiểu bao nhiêu thứ mà gật đầu như gà mổ thóc. Thấy thị về nó chạy ù ra, la toáng lên rồi ôm ghì lấy chân thì. Hắn nghển cổ, lừ mắt, gầm gừ hỏi vặn:
- Đi đâu như ma đuổi đấy?
Thị cộc:
- Bọn thằng Lý nhà cụ bá bám theo đòi nợ chứ ma nào đuổi. Lần trước trên đê bị chúng hù một vố, xô xuống sông. Giờ không chạy, ở lại để ăn rong ăn tép nữa à.
Hắn khép hờ mắt, im ỉm không buồn mở miệng, tay giơ bình lên nốc rượu. Rượu tràn ra ướt cả manh áo mỏng tang, rách bợt rồi cạn hẳn. Trút trút mấy lần chẳng nhễu nổi một giọt, hắn thở hắt quăng cái bình đi. Tiếng lảng rảng vang lên rồi tắt ngúm. Thứ thanh âm đinh tai nhức óc, thân quen như tiếng gà tiếng dế này chẳng mảy may làm lũ trẻ hay thị sợ hãi. Thậm chí, chẳng ai ngó ngàng người chồng, người cha đang nằm trên chõng. Mắt hắn dõi lên cao xanh chói nắng, dại ra dần, miệng chóp chép đều đều không rõ vì cơn đói men cay hay vì lẽ sinh nhai lóe lên mỗi khi tay nhẹ tênh, thiếu vắng bầu rượu.
Thị tặc lưỡi thở dài. Cái Trai vẫn ghì lấy thị, đeo theo u như cái túi lủng lẳng bên chân, nghe u tặc lưỡi cũng bắt chước lắc đầu nguầy nguậy. Thị buông làn bỏ thúng, cúi người bế con bé vào bếp giúp hai chị nó thổi cơm. Con bé kéo nhẹ cổ thị, kề sát bên tai thủ thỉ:
BẠN ĐANG ĐỌC
[Làng quê Việt Nam] KÊ ĐỜI
Short Story"Yêu mình từ cái chi chi, Yêu sao yêu cả đường đi lối về. Ngại gì làng xóm cười chê, Dầu trăm chỗ lệch quyết kê cho bằng." Thể loại: làng quê, nhẹ nhàng, tình cảm, OE. Note: Truyện nghe tên rất giống "Kệ Đời" (hay Keme Đời) nhưng thiệt sự là tr...