8. Anh (chị) hãy trình bày khái quát nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của vùng du lịch Tây Nguyên?
Tây Nguyên là nơi tập trung sinh sống của 45 dân tộc với bản sắc văn hóa đa dạng, các di tích lịch sử nghệ thuật có giá trị, các phong tục tập quán đặc sắc. Vùng đất này còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc, các lễ hội đậm chất dân gian. Đời sống, nét văn hóa độc đáo cùng những cảnh vật ở các buôn làng Tây Nguyên luôn luôn có sức hấp dẫn đối với khách phương xa.
Vùng còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá tinh thần như:
Cồng Chiêng Tây Nguyên
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên...), v.v.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứa đựng những giá trị nổi bật ngang tầm kiệt tác sáng tạo của nhân loại.
Sử thi Tây Nguyên
Sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư
Đây là một kho tàng văn hoá dân gian khổng lồ, một kho lịch sử- văn hoá vô giá, đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc ở một vùng đất huyền thoại và nhiều tiềm năng.
Kiến trúc
Nhà Rông
Một trong những nét đặc trưng của văn hóa vật thể Tây Nguyên là kiến trúc nhà ở. Nhà rông của các dân tộc Bana và Sêđăng được coi là biểu tượng đặc trưng của Tây Nguyên. Hình ảnh thường thấy là những mái nhà hình lưỡi rìu hoặc mái tròn cao hàng vài chục mét, chỉ hoàn toàn làm bằng tre nứa và lạt buộc. Các tấm liếp, vách, đầu hồi bằng tre nứa… được các nghệ nhân tạo nên những đường nét hoa văn trang trí dày đặc rất độc đáo.
Nhà mồ
Ngoài kiến trúc nhà rông độc đáo, người Tây Nguyên còn có kiểu kiến trúc tiêu biểu nữa, đó là nhà mồ. Những ngôi nhà mồ Tây Nguyên chính là những công trình nhỏ mà dáng vẻ lại hoành tráng đồ sộ, mang tầm khái quát cao..
Mảnh đất Tây Nguyên miền Trung Tổ quốc là mảnh đất văn hóa độc đáo. Những nét đẹp văn hóa dân gian Tây Nguyên trong đó có nét đẹp của lễ hội bỏ mả và kiến trúc nhà mồ cần được quan tâm chăm sóc và bảo tồn.
Lễ hội
Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên
Lễ hội cồng chiêng là một lễ hội được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hoá cồng chiêng tại Tây Nguyên. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Đó không những là một sự kiện quan trọng của người dân tây nguyên mà còn cả với đất nước Việt Nam. Trong lễ hội nghệ nhân của các tỉnh sẽ trình bày, biểu diễn không gian văn hoá của dân tộc và của tỉnh mình.