CHAP 31

26 2 0
                                    


- Chà, thuốc với men! - mãi hồi lâu, châm thuốc hút và thở ra một làn khói, Porfiri mới lên tiếng, - Chỉ tổ hại, nhưng tôi không bỏ được. Sinh ho, sinh suyễn ra,:ổ thì rất như cào. Tôi nhát gan lắm anh ạ, hôm qua tôi có đến bác sĩ B, mỗi bệnh nhân lão ta khám đến nữa tiếng là tối thiểu; lão vừa nhìn tôi vừa cười nữa kia, lão gõ gõ, nghe nghe, rồi nói: "Anh đừng hút thuốc nữa thì hơn; phổi anh rạc ra rồi". Ấy, tôi làm thế nào bỏ thuốc được? Tôi biết lấy gì mà thay vào đấy? Tôi không uống rượu, thế mới khổ, hê - hê - hê, tôi không uống rượu mới chết chứ! Vì tất cả đều là tương đối Rodion Romanovich ạ, cái gì cũng tương đối thôi!

"Sao thế nhỉ, hắn lại quay ra dùng cái phương sách cũ hay sao?" - Raxkonikov kinh tởm nghĩ thầm. Đột nhiên chàng sực nhớ lại cả buổi nói chuyện cuối cùng, cách đấy không lâu, giữa hai người, và cái cảm giác hôm ấy lại tràn vào lòng chàng như một đợt sóng.

- Tối hôm kia tôi có ghé anh đấy. Anh không biết à? - Porfiri Petrovich nói tiếp: mắt đảo quanh phòng - Ghé vào phòng nầy đấy, chính gian phòng nầy. Hôm ấy tôi cũng có việc đi qua đây. Tôi tự nhủ:; nào, ta vào thăm anh ấy một chút. Tôi ghé vào thì thấy phòng mở cửa toang hoang; tôi dòm vào phòng, đợi một lát, rồi đi ra, cũng không báo cho người ở của anh biết nữa. Thường anh không đóng cửa à?

Mặt Raxkonikov mỗi lúc một sa sầm xuống. Porfiri như thể đã đoán được ý nghĩ của chàng.

- Tôi đến để giãi bày với anh, anh Rodion Romanovich thân mến ạ, để giãi bày đấy! Tôi cần và có nhiệm vụ phải giãi bày với anh, - Ông ta nói tiếp, miệng mỉm cười, thậm chí còn giơ tay vô khe lên đầu gối Raxkonikov, nhưng hầu như ngay lúc ấy gương mặt ông ta bỗng đâm ra có vẻ nghiêm nghị và ưu tư, thậm chí còn đượm buồn nữa, khiến Raxkonikov rất ngạc nhiên. Chàng chưa bao giờ thấy và cũng không hề ngờ Porfiri có được một vẻ mặt như vậy. - Lần trước giữa anh với tôi đã diễn ra một cuộc nói chuyện thật kỳ lạ. Rodion Rômnovich ạ. Mà có lẽ ngay cuộc gặp mặt đầu tiên giữa chúng ta cũng đã khác thường, nhưng hồi ấy... Thôi, bây giờ thì chuyện ấy đã qua, không nhắc làm gì nữa! Thế nầy đãy: có lẽ tôi rất có lỗi đối với anh; tôi cũng càm thấy thế. Anh còn nhớ chúng ta chia tay nhau thế nào không? Lúc ấy bao nhiêu giây thần kinh của anh đều rung điên lên như dây đàn, gối thì run bần bật, mà tôi cũng thế. Anh ạ, thậm chí còn có thể nói rằng hồi ấy ta cư xử với nhau chẳng ổn tí nào, thật chẳng ra người quân tử. Thế nhưng dù sao chúng ta vẫn là những người quân tử, hay nói cho đúng hơn, dù sao chúng ta chủ yếu vẫn là những người quân tử, cái đó phải hiểu mới được. Anh cũng nhớ đấy, sự thể đi đến nông nỗi thậm chí không còn ra cái thể thống gì nữa là khác.

"Sao hắn lại nói thế nhi, hắn cho mình là người thế nào?" - Raxkonikov kinh ngạc tự hỏi, ngẩng đầu lên và giương to mắt nhìn Porfiri.

- Tôi đã nghĩ lại và thấy rằng bây giờ chúng ta thẳng thắn với nhau thì hơn, - Porfiri Petrovich nói tiếp đầu hơi ngả về phía sau, mắt nhìn xuống, như thể không muốn cho nạn nhân cứ phải bối rối vì cái nhìn của mình, và từ bỏ những thủ đoạn, mưu mẹo đã dùng trước kia - Vâng, những mối ngờ vực và những cuộc tiếp xúc như thế không thể kéo dài mãi được. May mà lần ấy có Mikonka nó giải quyết hộ, chứ không thì tôi cũng không biết sự thể giữa chúng ta còn đi đến đâu. Hôm ấy cái thằng tiểu thủ công chết tiệt ấy ngồi trong phòng tôi, sau bức vách ấy: anh có hình dung được không? Tất nhiên bây giờ anh biết chuyện ấy rồi; vả lại chính tôi cũng biết là về sau hắn có đến anh; nhưng hôm ấy anh có phỏng đoán một điều không đúng tôi không hề cho người đi gọi ai cả và cũng chưa hề ra lệnh gì cả. Chắc anh sẽ hỏi: tại sao tôi lại chưa ra lệnh? Biết nói thế nào với anh đây: chính tôi đầu óc dường như cũng đã rối tinh lên với tất cả những chuyện đó. Chẳng qua tôi chỉ cho gọi mấy người gác cổng lại, thế thôi (chắc khi đi ngang anh cũng có trông thấy mấy người gác cổng), hồi ấy có một ý nghĩ vụt qua óc tôi nhanh như một tia chớp; anh thấy không, hồi ấy tôi đã tin chắc rồi đấy, Rodion Romanovich ạ. Tôi nghĩ: thôi thế cũng được, tuy tạm thời tôi để sống mất cái nầy, nhưng rồi tốt sẽ vớ được cái khác, nhưng ít nhất cái gì đã nắm được rồi thì tôi không để sống đâu. Tính anh dễ khích động lắm Rodion Romanovich ạ, bản chất anh nó thế. Dễ khích động quá mức nữa là khác, đó là một trong những nét căn bản trong tính cách của ạnh, mà tôi có thể hy vọng là đã hiểu thấu được phần nào. Ấy lẽ dĩ nhiên ngay như hồi ấy tôi cũng đã có thể đủ óc suy xét để thấy rằng không phải bao giờ cũng tìm được một người tự đến thổ lộ hết tâm can ra với mình. Tuy đôi khi cũng có người như thế, và nhất là khi đã làm cho người ấy sốt ruột đến mất cả tự chủ, nhưng dù sao cũng hiếm. Không, chính dạo ấy tôi cũng biết thế. Tôi nghĩ: miễn sao có được một bằng chứng nhỏ, rất nhỏ cũng được, một thôi, nhưng phải là một cái gì có thể nắm được trong tay, phải là một bằng chứng cụ thể chứ không phải chỉ có mỗi cái thứ tâm lý học ấy.

Bởi vì, tôi nghĩ, nếu một người đã phạm tội thì dĩ nhiên dù sao cũng có thể chờ đợi ở người đó một cái gì cụ thể; còn có thể trông mong một kết quả hết sức bất ngờ nữa là khác. Hôm ấy tôi trông mong ở tính khí của anh đấy Rodion Romanovich ạ, tôi trông mong ở tính khí của anh nhiều hơn cả! Hôm ấy tôi rất hy vọng ở anh.

Nhưng ông, nhưng sao bây giờ ông cứ nói như thế mãi, - hồi lâu Raxkonikov mới nói lắp bắp, thậm chí cũng không cân nhắc câu hỏi của mình cho lắm.

"Hắn nói cái gì thế, - Chàng bàng hoàng tự hỏi, - Chả nhẽ hắn cho mình là vô tội thật hay sao?".

- Sao tôi lại nói như thế! Tôi đến đây là để phân trần với anh, có thể nói tôi xem đó là một bổn phận thiêng liêng của tôi. Tôi muốn trình bày cho anh rõ hết tất cả những việc đã qua, kể hết ngọn ngành câu chuyện "hiểu lầm" giữa chúng ta. Tôi đã làm cho anh khổ sở rất nhiều, anh Rodion Romanovich ạ. Tôi không phải là một con quái vật. Vì tôi cũng hiểu một người nghèo khổ, nhưng kiêu hãnh, có bản lĩnh và nóng nảy - nhất là nóng nảy - như anh, có thể đau khổ đến nhường nào khi phải chịu đựng tất cả những cái đó? Dù sao tôi cũng coi anh là một người hết sức cao thượng, hơn nữa còn có những nét đại lượng nữa là khác, tuy tôi không phải đã đồng ý với tất cả các quan niệm của anh: điều đó tôi tự thấy có bổn phận nói thẳng từ trước, một cách hoàn toàn thành thực, vì trước hết tôi không muốn lừa dối. Khi mới được biết anh, tôi đã thấy có cảm tình với anh. Tôi nói thế chắc anh nghĩ mà buồn cười lắm nhỉ? Anh có quyền cười. Tôi biết rằng ngay khi nhác trông thấy tôi, anh đã không ưa gì tôi, vì thật ra cũng chẳng có gì đáng ưa cả. Nhưng anh muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, chứ về phần tôi thì bây giờ tôi muốn dùng đủ mọi cách để xoá bỏ ấn tượng cũ và chứng tỏ rằng tôi là người có tình cảm và có lương tâm. Tôi xin thành thật mà nói như vậy.

Porfiri Petrovich ngừng lại một lát, vẻ trang trọng. Raxkonikov chợt thấy một nỗi kinh hãi mới mẻ tràn vào lòng. Nghĩ rằng Porfiri coi mình là người vô tội, chàng bỗng bắt đầu thấy sợ.

- Tuần tự kế hết cho anh rõ những việc đó đột nhiên khởi đầu ra sao thì chắc không cần - Porfiri Petrovich nói tiếp, - thậm chí tôi thiết tưởng làm như vậy là thừa nữa. Mà tôi cũng khó lòng kể hết được. Bởi vì biết làm thế nào trình bày cho cặn kẽ được? Thoạt tiên có những tiếng đồn. Những tiếng đồn ấy ra sao, do ai đưa đến tai tôi và vào lúc nào... và vì đâu mà chính anh lại đây vào đây - những cái đó tôi nghĩ cùng thừa nốt. Riêng về phần tôi thì sự việc bắt đầu từ một chuyện tình cờ, chỉ từ một chuyện tình cờ hoàn toàn, chuyện nầy rất có thể xảy ra mà cũng rất có thể không xảy ra, chuyện gì thế? Hừm, tôi nghĩ cũng chẳng có gì cân phải nói. Dạo ấy trong đầu óc tôi tất cả những thứ đó, những tiếng đồn và những chuyện ngẫu nhiên ấy, khớp lại thành một ý nghĩ duy nhất. Tôi cũng xin thành thực thú nhận, vì đã thú nhận thì phải thú nhận cho hết, dạo ấy chính tôi tấn công anh trước đấy. Những chữ của mụ già ghi trên các đồ cầm chẳng hạn, và vân vân, vân vân, đều là những chuyện vặt. Những cái như thế thì có thể kế hàng trăm. Dạo ấy tôi cũng có dịp biết được chuyện xảy ra ở vẫn phòng quận cảnh sát, cũng là một cách tình cờ, không phải vì vô tình nghe ai nói, mà do một nhân vật đặc biệt, một nhân vật trọng yếu, kể lại. Người ấy đã thấm nhuần việc nầy một cách sâu sắc lạ lùng mà tự mình lại không biết. Tất cả những chuyện đó đều làm thành một cái vòng lẩn quấn, một vòng lẩn quần, anh Rodion Romanovich thân mến ạ! Và ở đây làm sao cho khỏi quay đầu về một hướng nhất định? Một trăm con thỏ không bao giờ thành một con ngựa, một trăm mối ngờ vực không bao giờ thành một bằng chứng. Ấy có một câu tục ngữ Anh nói như thế đấy, và nói như thế là khôn ngoan không gì bằng, nhưng hãy cứ thử kiềm chế dục vọng mà xem, dục vọng ấy; vì làm dự thẩm thì cũng vẫn là một con người. Đến đây tôi lại nhớ tới cái bài báo nhỏ của anh, đăng trong tờ tạp chí ấy, anh nhớ chứ, ngay hôm đầu tiên anh đến gặp tôi, chúng ta đã bàn khá kỹ đấy. Lần ấy tôi có trêu tức anh, nhưng là để gợi cho anh đi xa hơn nữa. Xin nhắc lại, anh nóng nảy và ốm yếu lắm, Rodion Romanovich ạ. Anh lại táo bạo, kiêu hãnh, thâm trầm và đã xúc cảm, xúc cảm rất nhiều: những cái đó thì tôi đã biết từ lâu. Tất cả những cảm giác ấy tôi đều có biết, và khi đọc bài báo của anh, tôi cảm thấy như đọc một cái gì quen thuộc. Nó đã hình thành trong những đêm không ngủ, khi tim anh trỗi dậy đập thình thình trong một tâm trạng say sưa cuồng nhiệt, mà anh phải cố trấn áp. Ở những người trẻ tuổi, lòng cuồng nhiệt đầy kiêu hãnh bị trấn áp như vậy rất nguy hiểm. Dạo ấy tôi trêu anh, còn bây giờ thì tôi xin nói rằng nhìn chung tôi rất thích bài báo ấy, nghĩa là thích trên quan điểm tài tử; đó là lần thử bút đầu tiên của một người trẻ tuổi, nhiệt thành. Khói ảo, sương mù, một sợi tơ đồng rung lên lanh lảnh trong sương khói. Bài báo của anh kỳ quặc và vô lý, nhưng trong đó cũng thoáng thấy lòng chân thành, một niềm kiêu hãnh trẻ trung, bất khuất, một sự táo bạo của kẻ cùng đường; bài ấy mù mờ lắm, và như thế là tốt. Tôi đã đọc qua bài của anh, nhưng tôi đã gác nó lại. "Ấy, một con người như thế nầy không thể chỉ dừng lại ở đây!" Đấy, bây giờ anh thử nói tôi nghe, sau những việc như thế thì làm sao cho khỏi bị lôi cuốn vào những việc kế theo? Ồ, trời ơi? Thì tôi có dám nói gì đâu? Bây giờ đây tôi có khẳng định gì đâu? Lúc ấy tôi chỉ nhận xét. Tôi nghĩ: cái gì thế nầy nhỉ? Chẳng có gì hết, đúng là chẳng có gì, và có lẽ tuyệt nhiên không có gì hết. Cho nên tôi bị lôi cuốn vào đấy kể cũng thật ngang chướng: tôi đã có sẵn Mikonka trong tay, mà lại có sự kiện hẳn hỏi nữa, muốn nói gì thì nói, chứ đó vẫn là những sự kiện! Và hắn cũng có những điểm đáng chú ý về tâm lý, cần phải quan tâm đến hắn; vì vấn đề ở đây là vấn đề sống chết. Bây giờ tôi phân trần những việc ấy với anh để làm gì? Để cho anh biết và để khối óc cũng như con tim của anh đừng buộc tội tôi là dạo ấy đã hành động một cách tàn ác. Không tàn ác đâu, tôi xin thành thật nói như vậy, hê - hê! Anh tưởng sao: dạo ấy tôi không soát nhà anh phỏng? Có chứ, có đấy anh ạ, hê - hê, có soát đấy trong khi anh đang ốm nằm liệt giường. Không phải soát chính thức, và không phải tôi thân hành đến soát nhưng có soát đấy. Chúng tôi đã xem xét phòng anh đến tận chân tơ kẽ tóc, ngay từ khi mới chớm có ý nghi ngờ; nhưng - umsonst (1)! Tôi nghĩ: bây giờ con người ấy sẽ đến, sẽ tự đến, chỉ nay mai thôi; nếu là thủ phạm thì thế nào cũng sẽ đến. Và anh có nhớ ông Razumikhin đã ba hoa với anh những gì không? Đó là do chúng tôi bố trí để làm cho anh khích động, chúng tôi cố ý phao tin ra để cho Razumikhin nói lại với anh: mà cậu ấy thì lại là người không thể kiềm chế được lòng căm phẫn. Thoạt tiên cơn phẫn nộ và sự táo bạo ngang nhiên của anh đập ngay vào mắt ông Zamiotov: ấy, tự dưng đang ngồi trong quán rượu lại quát tướng lên: "Chính tôi giết!" Quá táo bạo đấy, quá xấc xược: tôi mới nghĩ: nếu chính anh là thủ phạm, thì anh quả là một đối thủ đáng sợ! Dạo ấy tôi nghĩ như thế đấy. Tôi bèn chờ đợi. Tôi ra sức chờ đợi anh, còn Zamiotov thì lúc ấy đã bị anh áp đảo, và... chính vấn đề là ở cái tâm lý hai mặt ấy cả đấy! Ấy, thế là tôi đợi anh, và quả nhiên Chúa đã tựa tôi: anh đến! Trống ngực tôi cứ đánh thình thình. Chà! Dạo ấy sao anh lại đến làm gì? Tiếng cười ấy, tiếng cười của anh khi bước vào nhà, anh còn nhớ chứ, lúc ấy tôi đã đoán được hết như nhìn qua một lớp kính trong suốt, và ví thử tôi không chờ anh một cách đặc biệt như vậy thì tôi đã chẳng nhận thấy gì trong tiếng cười của anh đâu. Tinh thần đã được chuẩn bị sẵn là như thế đấy. Và hôm ấy cái ông Razumikhin à? Còn tảng đá kia nữa, anh có nhớ không, táng đá mà ở phía dưới anh giấu các thứ ấy mà? Ấy, tôi cứ có cảm giác như thể đang trông thấy trước mắt, trong một vườn rau nào đấy - vì anh có nói với Zamiotov, rồi lần thứ hai lại nói ở nhà tôi, là anh giấu trong một mảnh vườn rau phải không? Ấy thế là chúng tôi đâm đầu vào phân tích bài báo của anh, rồi đến khi anh trình bày, mỗi tiếng anh nói ra nghe cứ như có hai nghĩa, tưởng chừng như có một ý gì nấp ở bên dưới! Thế đấy, anh Rodion Romanovich, tôi cứ thế đi mãi đến những cột trụ cuối cùng, rồi cụng trán vào đấy và sực tỉnh. Tôi tự nhủ: mình làm gì thế nầy! Vì nếu muốn thì tất cả những thứ đó, tôi bảo thế, cho chỉ những nét nhỏ nhặt nhất, đều có thể cắt nghĩa theo hướng khác, mà như thế lại có vẻ tự nhiên hơn nữa. Thật là một cực hình! "Không, tôi nghĩ bụng, giá có được một bằng chứng nhỏ thì hơn! "Rồi đến khi nghe nói chuyện anh đến giật chuông, tôi cứ lặng người đi, thậm chí còn run bắn lên nữa. "À, tôi nghĩ bụng, cái bằng chứng nhỏ ấy đây rồi! Chính nó đây?" Vả chăng lúc ấy tôi cũng không suy xét gì nữa, tôi không muốn, chỉ có thể thôi. Giây phút ấy tôi sẵn sàng vung ra một nghìn rúp tiền riêng nếu có thể được tận mắt nhìn anh khi anh đi sóng đôi với cái lão tiểu thủ công ấy hàng trăm bước, sau khi lão nói thẳng vào mặt anh: "quân giết người!", đi suốt một trăm bước như thế mà không dám hỏi lại... Thế còn cái cảm giác lạnh buốt trong tuỷ xương sống nữa. Chuyện cái chuông ấy, trong khi đang ốm, nửa mê nữa tỉnh? Ấy thế, Rodion Romanovich ạ, thế thì những trò đùa của tôi dạo ấy có gì đáng cho anh lấy làm lạ? Mà tại sao anh lại đến đúng vào lúc ấy? Dường như cũng có ai xui khiến anh ấy, thật đấy, và ví thử lúc ấy không có Mikonka xen vào thì... thế anh còn nhớ Mikonka hôm ấy chứ? Anh nhớ rõ chứ? Thật là một tiếng sét ngang tai! Chính là một lưỡi tầm sét từ trên trời giáng xuống! Thế rồi tôi đón tiếng sét ấy ra sao? Tôi không tin lấy một mảy may, chính anh cũng thấy đấy! Biết thế nào được. Sau đấy, anh đi rồi, hắn trả lời nhiều điểm rất có lý, đến nỗi tôi cũng phải lấy làm lạ, thế nhưng tôi cũng không hề tin lấy một chữ! Có một định kiến vững như bàn thạch là thế đấy? Tôi nghĩ bụng: không phải đâu, xin lỗi! Mikonka thì có dính dáng gì vào đấy?

- Vừa rồi Razumikhin có nói với tôi rằng đến bây giờ ông cũng vẫn buộc tội cho Mikonka và chính ông đã quả quyết với Razumikhin như thế...

Chàng thấy nghẹt thở, không nói được hết câu. Nãy giờ, lòng hồi hộp không sao tả xiết, chàng lắng nghe người đã soi thấu vào ruột gan chàng nay đang từ bỏ những ý nghĩ của chính bản thân. Chàng không dám tin, và không tin. Trong những lời lẽ hãy còn lập lờ của Porfiri, chàng háo hức tìm kiếm để bắt cho được một cái gì chính xác hơn, dứt khoát hơn.

- Cái ông Razumikhin ấy nữa! - Porfiri Petrovich reo lên, như thể vui mừng vì câu hỏi của Raxkonikov nãy giờ vẫn im lặng, - Hê - hê - hê... Cái ông Razumikhin ấy thì phải gạt ra xa: hai người là đủ, người thứ ba đừng có xen vào! Razumikhin thì khác hẳn, đó lại là một người ngoài cuộc, cậu ta chạy đến tìm tôi, mặt tái mét... Thôi, kệ cậu ta, đừng lôi vào đấy làm gì! Còn về Mikonka thì anh có muốn biết bản chất nó thế nào không, nghĩa là theo như tôi quan niệm ấy? Trước hết hắn còn là một đứa trẻ vị thành niên, không hắn là một thằng nhát, chỉ thế thôi, như kiểu một nghệ sĩ nào đấy. Thật đấy, tôi nói về hắn như vậy anh đừng cười. Hắn là người có tâm hồn, có một trí tưởng tượng rốt phóng túng. Hắn biết hát, biết nhảy, biết kể chuyện, nghe nói hắn kể chuyện hay đến nỗi người ở nơi khác cũng kéo đến nghe. Hắn có đi học, tính hắn hay cười: động một tí hắn đã cười ngặt nghẽo: hắn uống rượu cho kỳ say mê man, không phải vì trác táng, chẳng qua nhân dịp có ai phục rượu cho hắn, uống như trẻ con ấy. Dạo ấy hắn ăn cắp mà cũng không biết là mình ăn cắp; vì "nhặt dưới đất thì sao lại bảo là ăn cắp?" Thế anh có biết hắn thuộc một dòng biệt giáo không? Cũng không hẳn là biệt giáo, mà chỉ là một giáo phái thôi; trong họ hắn đã có những người đi hành hương, và cách đây ít lâu khi còn ở trong làng hắn đã được một vị thánh lão(2) chỉ giáo cho trong hai năm liền. Tôi biết được những điều đó là do Mikonka và những người đồng hương của hắn ở Zaraixk cho biết. Lại thế nầy nữa chứ hắn muốn trốn vào sa mạc ở! Hắn mộ đạo lắm, đêm đêm vẫn cầu nguyện chúa, thường đọc các sách cổ, sách "chân chính", đọc đến mụ người ra. Petersbung đã có tác dụng rất mạnh đối với hắn, nhất là nữ giới, rồi thì rượu chè nữa. Hắn rất dễ chịu ảnh hưởng, thế là hắn quên mất vị thánh lão, quên hết. Tôi được biết là có một hoạ sĩ ở đây rất mến hắn, ít lâu nay đã bắt đầu lui tới nhà hắn, nhưng bỗng lại xảy ra vụ nầy? Ấy thế là hắn đâm cuống, toan treo cổ tự tử! Đi trốn! Trong dân gian họ quan niệm về pháp lý của ta như thế thì biết làm thế nào? Có người nghe nói hai tiếng "xử án" là đã sợ hết vía rồi. Lỗi tại ai? Đó là một vấn đề mà các toà án mới phải giải đáp. Ồ? Chỉ cần Chúa ban cho họ cái khả năng ấy? Thế rồi đến khi vào tù, hình như hắn nhớ lại vị thánh lão đức độ kia, nhớ lại Kinh thánh.

Anh Rodion Romanovich ạ, anh có biết trong bọn hắn có những kẻ quan niệm mấy chữ "đau khổ" như thế nào không" "đau khổ" đây không phải là để hy sinh cho anh, mà chỉ vì "cần phải đau khổ" thôi; thế nghĩa là phải nhận lấy đau khổ, và nếu nhận từ tay nhà chức trách, thì lại càng phải cam tâm. Dạo trước tôi có biết một tù nhân rất hiền lành suốt năm ngồi trong ngục đọc Kinh thánh bên ánh lửa lò sưởi, đọc mãi đâm ra loạn cả óc anh ạ. Thế rồi một hôm hắn bỗng dưng cạy một viên gạch ném vào viên cai ngục, tuy viên cai ngục chẳng hề xúc phạm đến hắn. Nhưng thế nầy mới lạ: hắn cố ý ném chệch đi vài tấc để đừng trúng phải viên cái ngục! Ấy, anh cũng thừa biết một tù nhân dùng khí giới đánh lại nhà chức trách thì sẽ kết liễu như thế nào: hắn "chịu đau khổ" đấy. Thế cho nên bây giờ tôi cũng nghi là Mikonka muốn "chịu đau khổ" hay một cái gì tương tự như thế. Cái đó tôi biết chắc, còn có cả bằng chứng hẳn hỏi nữa. Chỉ có điều hắn không biết là tôi biết. Sao, anh không tin là trong đám người ấy có thể có những kẻ điên rồ như thế à? Thường vẫn có luôn ấy. Bây giờ ông thánh lão lại bắt đầu có tác dụng, nhất là sau khi thắt cô lại càng nhớ. Vả chăng, hắn sẽ tự đến kể hết cho tôi nghe thôi. Anh tưởng hắn chịu đựng được à? Rồi mà xem, hắn sẽ lại phản cũng thôi. Hàng giờ một tôi đợi hắn đến cái chính những lời cũng khai trước đây. Tôi đã đem lòng yêu mến cái thằng Mikonka ấy, và tôi đang khảo sát hắn rất kỹ. Không biết ý anh thế nào nhỉ? Hê - hê... Có những điểm hắn trả lời tôi rất rành mạch, chắc hắn đã biết thêm được những tài liệu cần thiết. Hắn chuẩn bị rất khéo; nhưng có những điểm khác thì thật như sa xuống bùn, hắn không biết lấy một tí gì, không biết gì hết, mà cũng không ngờ là mình không biết nữa? Không đâu, anh Rodion Romanovich ạ, ở đây không phải Mikonka! Đây là một cái gì huyền hoặc, đen tối, một cái gì hiện đại, một trường hợp của thời đại ta, thời đại mà lòng người đã bị vẩn đục, thời đại mà người ta thường nhắc đến câu "máu làm cho người ta mát dạ", thời đại mà tiện nghi được coi như cứu cánh duy nhất của cả cuộc đời. Ở đây có những mơ ước sách vở, ở đây có một quả tim đã bị lý thuyết kích thích; ở đây có thể thấy một quyết tâm bước cái bước đầu tiên, nhưng là một loại quyết tâm đặc biệt, - người đó quyết định hành động, nhưng lại cứ như thể đâm đầu từ trên núi xuống hay gieo mình từ trên một tháp chuông, đi làm tội ác mà chân cứ như thể không phải chân mình nữa. Vào nhà thì quên đóng cửa lại, giết người, giết hai người một lúc, theo lý thuyết Giết người, nhưng rồi cũng không biết cách lấy tiền, vớ được cái gì thì lại đem giấu dưới một tảng đá. Người ấy khổ sở ghê gớm biết chừng nào khi đứng sau cánh cửa trong khi người ta đang đập cửa và giật chuông, rồi về sau, khi căn nhà đã bỏ trống, trong khi đang dở mê dở tỉnh, người ấy lại đến để nhớ lại tiếng chuông, đến vì lại thấy cần cái cảm giác lạnh buốt sau sống lưng... Thì cứ cho rằng người đó đang ốm, thế nhưng lại thế nầy nữa: giết người, nhưng lại coi mình là người lương thiện, coi khinh thiên hạ, làm ra vẻ một vị thiên thần sầu muộn. Không. Mikonka không dính dáng đến vụ nầy, anh Rodion Romanovich thân mến ạ, không phải Mikonka!

Sau tất cả những điều đã nói, nghe giống như những lời đính chính, mấy câu sau cùng nầy thật quá đột ngột. Toàn thân Raxkonikov run bắn lên như bị đâm xuyên qua người.

- Thế thì... ai... ai giết? - Chàng buột mồm hỏi, giọng ngắc ngứ. Porfiri Petrovich vụt ngả người vào lưng tửa ghế đi-văng, như thế quá kinh ngạc vì câu hỏi bất ngờ đó

- Ai giết ư? - Ông ta nhắc lại, như thể không dám tin ở tai mình nữa, - Thì anh giết chứ ai, Rodion Romanovich? Chính anh giết đấy... - Ông ta thì thào nói thêm, giọng hoàn toàn quả quyết.

Raxkonikov chồm dậy, đứng yên một vài giây rồi lại ngồi xuống, không nói một lời. Những thớ thịt trên khắp mặt chàng cứ giật lên từng đợt nhỏ lăn tăn.

- Môi lại run lên như lần trước rồi đấy, - Porfiri Petrovich lẩm bẩm, giọng nghe như có vẻ thương xót. Y im lặng một lát rồi nói tiếp: - Anh Rodion Romanovich ạ hình như anh hiểu chưa đúng ý tôi, cho nên anh mới ngạc nhiên như thế. Tôi đến đây chính là để nói cho hết và thanh toán việc nầy một cách thẳng thắn.

- Không phải tôi giết, - Raxkonikov nói khẽ, như những đứa trẻ nhỏ khi bị bắt quả tang.

- Không, chính anh giết đấy, Rodion Romanovich ạ, chính anh chứ không còn ai vào đây nữa hết, - Porfiri thì thầm, vẻ nghiêm khắc và quả quyết.

Hai người im lặng đến mươi phút, một khoảng im lặng kéo dài đến mức kỳ dị. Raxkonikov chống khuỷu tay lên bàn và lặng lẽ đưa mấy ngón tay lên vò tóc.

Porfiri diềm tĩnh ngồi yên, chờ đợi. Bỗng Raxkonikov đưa mắt khinh bỉ nhìn Porfiri.

- Ông lại giở cái lối cũ ra rồi, ông Porfiri Petrovich ạ! Lại những thủ đoạn ấy, sao mãi ông không biết chán?

- Chà thôi, bây giờ tôi còn thiết gì đến thủ đoạn. Ví thử ở đây có những nhân chứng thì lại là chuyện khác đằng nầy chỉ có anh với tôi rỉ tai cho nhau nghe. Chính anh cũng thấy đấy, tôi đến anh không phải để lùng bắt anh như lùng bắt một con thỏ. Anh có nhận hay không thì giờ phút nầy đối với tôi cũng thế thôi. Chỉ riêng một mình tôi với thâm tâm tôi, không cần đến anh, tôi cũng đã biết chắc.

- Nếu thế thì anh đến đây làm gì? - Raxkonikov bực dọc hỏi. - Tôi xin hỏi lại một câu đã cũ: nếu ông cho tôi là thủ phạm, tại sao ông không tống giam tôi đi?

- Câu hỏi đến là ngộ! Xin trả lời từng điểm một: thứ nhất, trực tiếp hạ lệnh bắt anh, tôi chẳng có lợi gì hết.

- Không có lợi! Ông đã tin chắc như thế, thì tất phải...

- Chà, tôi tin chắc thì đã sao? Tất cả những cái đó tạm thời vẫn chỉ là những ý nghĩ riêng của tôi thôi. Mà việc gì tôi lại đưa anh vào yên nghỉ trong ấy? Chính anh cũng biết thế, cho nên anh mới yêu cầu. Nói giả dụ tôi đưa anh ra đối chứng với lão tiểu thủ công kia, và anh nói với lão: "Bác say sao? Có ai trông thấy tôi đi với bác? Lúc ấy chẳng qua tôi cho bác 1à một gã say rượu, mà quả tình bác cũng say rượu thật", - Ấy nếu thế thì tôi biết nói gì với anh, hơn nữa là lời của anh có vẻ có lý hơn lời của lão ấy, vì trong những điều lão khai chỉ có mặt tâm lý mà thôi, - mặt mũi như thế mà lại đi nói chuyện tâm lý thì thật khó nghe - Còn anh thì anh đánh trúng ngay vào điểm nút: vì cái lão khốn kiếp ấy vốn rượu chè be bét, ai cũng biết. Mà bản thân tôi cũng đã mấy lần thú thật với anh rằng cái tâm lý học ấy có hai mặt, và mặt thứ hai là có phần có lý hơn, còn như ngoài cái đó ra thì tôi chưa có gì để buộc tội anh cả. Và nếu mặc dầu như vậy tôi vẫn cứ cho bắt anh và tôi đến đây (trái với thủ tục thường lệ) để báo cho anh biết trước, thì tôi vẫn xin nói thẳng với anh (cũng trái với thủ tục) rằng làm như vậy không có lợi cho tôi. Ấy đấy còn điểm thứ hai là tôi đến anh vì...

- Sao, thứ hai là... - Raxkonikov vẫn còn thở hổn hển.

- Là vì, như lúc nãy tôi đã nói, tôi tự thấy có bổn phận phân trần với anh. Tôi không muốn anh cho tôi là đồ quái vật hơn nữa là vì tôi thành thật có thiện cảm với anh, anh có tin hay không thì tuỳ. Thứ ba, là do đó, tôi đến anh để trực tiếp và thẳng thắn đề nghị với anh ra tự thú. Như vậy sẽ có lợi cho anh hơn không biết bao nhiêu mà kể, mà cũng có lợi cho tôi hơn, vì tôi sẽ trút được một gánh nặng. Sao, anh thấy tôi làm như vậy có thẳng thắn hay không?

Raxkonikov ngẫm nghĩ một lát:

- Ông Porfiri Petrovich ạ, chính ông cũng nói, chỉ có những tài liệu tâm lý học thôi, nhưng ông lại đi vào toán học. Thế nếu ngay bây giờ đây ông cũng nhầm thì sao?

- Không Rodion Romanovich ạ, tôi không nhầm. Tôi có một bằng chứng. Dạo ấy tôi đã tìm được bằng chứng đó: nhờ Trời gửi cho.

- Bằng chứng gì?

- Tôi sẽ không nói cho anh biết đâu: anh Rodion Romanovich ạ. Mà dù sao bây giờ tôi cũng không có quyền trì hoàn nữa; tôi sẽ cho bắt anh. Thế thì anh suy xét đi; bây giờ đối với tôi đằng nào cũng thế thôi, cho nên tôi nói là nói cho anh. Thật đấy, Rodion Romanovich ạ, như thế tốt hơn.

Raxkonikov cười gằn, vẻ hằn học:

- Thế thì không những buồn cười, mà lại còn trơ trẽn nữa. Ấy, cho dù tôi có là thủ phạm chăng nữa (điều nầy tôi không hề thừa nhận) thì việc gì tôi lại đến tự thú với các ông, trong khi chính ông cũng nói rằng vào đấy tôi sẽ được yên nghỉ?

- Chao ôi, anh Rodion Romanovich ạ, anh đừng hiểu sát từng chữ quá: có thể chẳng yên nghỉ chút nào đâu! Vì đây chỉ là một lý thuyết, mà lại là một lý thuyết riêng của tôi, thứ hỏi tôi thì có uy quyền gì đối với anh? Có lẽ ngay bây giờ đây tôi cũng đang giấu giếm anh một điều gì đấy. Vì chả nhẽ tôi lại cứ mang ra phô bày hết với anh, hê - hê! Vấn đề thứ hai: có lợi gì? Thế anh có biết làm như vậy anh sẽ được giảm tội như thế nào không? Nếu anh ra đầu thú đúng vào lúc nầy? Chỉ xin anh suy nghĩ một chút mà xem Đúng vào lúc một kẻ khác đã đứng ra nhận tội và làm rối tung cả lên. Còn về phần tôi, tôi xin lấy danh Chúa mà thề rằng tôi sẽ thu xếp, xoay xớ "ở đằng ấy" thế nào cho việc anh ra thú có vẻ như hoàn toàn bất ngờ. Chúng ta sẽ thủ tiêu hết cái "tâm lý học" kia đi, tôi sẽ biến tất cả những mối ngờ vực đối với anh thành con số không, thành thử tội ác của anh sẽ được xem như do một trạng thái mê muội của trí tuệ mà ra, vì thật tình mà nói, nó chính là do trạng thái mê muội mà ra đấy. Tôi là một người trung thực, Rodion Romanovich ạ, và tôi sẽ giữ lời hứa!

Raxkonikov buồn rầu lặng thinh và cúi đầu; chàng suy nghĩ hồi lâu, rồi cuối cùng lại mỉm cười, nhưng nụ cười của chàng bây giờ đã dịu dàng và buồn bã:

- Chà thôi, không cần! - Chàng thốt lên, như thể không muốn giấu giếm gì Porfiri nữa. - Không việc gì phải thế! Tôi không cần các anh giảm tội chút nào!

- Ấy chính đó là điều tôi vẫn sợ! - Porfiri nói tiếp giọng sôi nổi và như thể bất giác buột mồm. - Chính là tôi vẫn sợ anh không cần đến sự khoan nhượng của chúng tôi!

Raxkonikov buồn rầu và nghiêm nghị nhìn Porfiri.

- Đừng anh ạ, anh chớ khinh rẻ cuộc sống! - Porfiri nói tiếp - nó hãy còn dài lắm. Sao lại không cần giảm tội, sao lại không cần! Anh thật nóng nảy!

- Cái gì hãy còn dài?

- Cuộc sống! Anh là cái thứ tiên tri gì, phỏng anh biết được bao nhiêu? Anh hãy tìm, rồi anh sẽ thấy. Có lẽ Thượng đế đã đợi anh ở bước ngoặt nầy. Vả lại cũng không phải xiềng xích suốt đời kia mà...

- Sẽ giảm tội... - Raxkonikov bật cười.

- Thế sao, hay là anh bị một cảm giác xấu hổ của hạng trưởng giả giữ lại? Có lẽ anh thấy xấu hổ như thế thật mà không biết, vì anh còn trẻ lắm? Thế nhưng người như anh lẽ ra không nên sợ sệt hay xấu hổ khi ra tự thú mới phải?

- Chà - à! Tôi nhổ toẹt vào! - Raxkonikov thều thào, vẻ khinh bỉ và ghê tởm, như thể không buồn nói nữa. Chàng lại nhổm dậy như muốn đi đâu, nhưng rồi lại ngồi xuống, vẻ tuyệt vọng rõ rệt.

- Anh nhổ toẹt vào à! Anh đã mất tin tưởng và tưởng đâu tôi phỉnh phờ anh một cách thô lậu; nhưng anh đã sống được bao lâu? Phỏng anh hiểu được bao lắm? Anh nghĩ ra một học thuyết, rồi thấy nó tan vỡ anh đâm xấu hổ vì rốt cục thật chẳng độc đáo chút nào! Rốt cục chỉ thành một việc hèn hạ, quả có thế, nhưng anh vẫn chưa phải là một kẻ hèn hạ đến thế! Ít nhất, anh cũng không bới óc suy nghĩ gì lâu, anh lập tức đi đến những hành động cực đoan. Anh biết tôi coi anh là người như thế nào không? Tôi cho rằng anh là một trong những kẻ mà dù người ta có moi từng khúc ruột ra vẫn mỉm cười đứng nhìn bọn đao phủ, miễn là tìm được một niềm tin hay một thượng đế. Ấy, rồi anh sẽ tìm thấy, và anh sẽ sống. Trước hết, đã từ lâu anh cần phải thay đổi không khí. Kể ra đau khổ cũng là một điều tốt Anh hãy đau khổ đi một chút. Có lẽ Mikonka cũng có lý khi hắn muốn đi tìm đau khổ. Tôi biết anh không có đức tin, nhưng anh cũng đừng triết lý nhiều quả làm gì; anh hãy tự phó thác hẳn cho cuộc sống, không suy xét; anh đừng lo, nó sẽ đưa anh dạt vào bờ và sẽ nâng anh đứng dậy. Vào bờ nào? Sao tôi lại biết? Tôi chỉ tin rằng anh còn có thể sống được. Tôi biết rằng bây giờ anh nghe tôi nói như nghe một bài thuyết giáo đọc thuộc lòng; nhưng có thể sau nầy anh sẽ nhớ lại, và có lúc nó sẽ có ích cho anh; chính vì thế tôi mới nói. Anh chỉ giết một mụ già, như thế còn may đấy. Chứ nếu anh nghĩ ra một thuyết nào khác nữa thì có lẽ còn làm một việc quái gở gấp trăm triệu lần! Có lẽ cũng nên tạ ơn Thượng đế; anh biết thế nào được: có lẽ Thượng đế còn che chở cho anh để sau nầy anh làm một việc gì đấy. Anh phải có một tâm hồn rộng lớn và phải bớt sợ sệt đi. Phải chăng anh thấy khiếp hãi khi đứng trước việc lớn phải làm? Không, ở đây mà khiếp sợ thì xấu hổ lắm. Anh đã đi một bước như vậy thì phải vững tâm lên. Đây là vấn đề công bằng. Anh hãy làm đúng những điều mà lẽ công bằng đòi hỏi. Tôi biết rằng anh không tin, nhưng tôi cam đoan là cuộc sống sẽ chiếm phần thắng. Sau nầy rồi anh sẽ yêu mến nó. Bây giờ thì anh chỉ cần không khí, không khí, không khí!

Raxkonikov giật mình.

- Nhưng ông là ai thế hở - Chàng quát lên, - Ông là cái thứ tiên tri gì? Ông đứng trên những đỉnh cao thâm nghiêm, tĩnh mịch nào để ban bố cho tôi những lời sấm truyền như vậy?

- Tôi là ai ư? Tôi là một người bỏ đi, không hơn không kém. Có lẽ cũng là một người biết cảm xúc, biết thương xót, có lẽ cũng hiểu biết ít nhiều, nhưng vẫn là người hoàn toàn bỏ đi. Còn anh thì khác: Thượng đế đã chuẩn bị cho anh một cuộc sống (và biết đâu đấy, tất cả những chuyện đó sẽ tiêu tan như mây khói trong lòng anh, không còn để lại một chút gì). Ấy, bây giờ anh chuyển thành một loại người khác, thì đã sao? Với một tâm hồn như anh, chả nhẽ anh lại đi tiếc rẻ cuộc sống tiện nghi? Cho là anh sẽ cách biết mọi người một thời gian dài đi nữa, không ai trông thấy, thì anh có cần gì? Vấn đề không phải là thời gian, vấn đề là chính bản thân anh. Anh hãy trở thành một mặt trời, rồi mọi người sẽ trông thấy anh. Muốn làm mặt trời thì trước hết phải là mặt trời. Sao anh lại mỉm cười: chắc anh buồn cười vì thấy một người như tôi mà lại lên cái giọng Schiller chứ gì? Tôi xin đánh cuộc là anh cho rằng bây giờ tôi vẫn tìm cách phỉnh anh! Ấy, có lẽ tôi phỉnh anh thật cũng nên, hê - hê - hê? Rodion Romanovich ạ có lẽ anh đừng quá tin vào những lời tôi nói, thậm chí cũng đừng bao giờ tin lấy một chữ nào, bản chất tôi nó như thế, tôi xin thừa nhận; chỉ xin nói thêm điều nầy: tôi là người gian giảo hay là người trung thực thì có lẽ bản thân anh có thể phân định lấy.

- Bao giờ ông định bắt tôi?

- Tôi có thể để cho anh đi dạo chơi một ngày rưỡi hoặc hai ngày nữa. Anh suy nghĩ đi một chút, anh bạn ạ, anh cầu nguyện Chúa đi một chút. Như thế sẽ có lợi hơn, thật đấy, có lợi hơn.

- Thế nếu tôi trốn thì sao? - Raxkonikov hỏi, môi mỉm một nụ cười kỳ dị.

- Không, anh không trốn đâu. Một gã mu-gích có thể trốn, một gã theo một giáo phái thời thượng có thể trốn; đó là một kẻ đi nhai lại ý nghĩ của người ta, chỉ cần giơ ngón tay ra cho hắn xem, là suốt đời hắn sẽ tin bắt cứ điều gì anh muốn! Còn như anh thì anh không còn tin vào cái thuyết của mình nữa rồi, thế thì anh trốn đi với cái gì. Trốn tránh như thế thì được cái gì? Sống trốn tránh rất khó khăn và cực nhục, mà anh thì trước hết cần có cuộc sống và một vị trí nhất định, một bầu không khi của mình mà trong cuộc sống ấy thì làm sao có được một bầu không khi của anh? Anh có trốn đi rồi cũng sẽ quay trở lại thôi. Anh không thể thiếu chúng tôi được. Còn nếu tôi giam anh vào ngục thì chỉ một tháng, hai tháng, cho là ba tháng đi, anh sẽ sực nhớ đến những lời tôi nói, rồi anh sẽ tự mình ra thú nhận mà có lẽ chính anh cũng không ngờ nữa. Trước đấy một giờ anh cũng chưa biết là mình sẽ ra thú. Tôi lại còn tin chắc rằng anh sẽ nghĩ đến chuyện "chịu đau khổ"; bây giờ thì anh không tin lời tôi, nhưng rồi anh sẽ đi đến chỗ đó. Vì đau khổ là một việc lớn lao, anh Rodion Romanovich ạ; anh đừng thấy tôi béo ra vì cuộc sống sung túc mà cười, tôi biết lắm, trong đau khổ có cả một lý tưởng. Mikonka nghĩ đúng. Không, anh không trốn đấu, Rodion Romanovich ạ.

Raxkonikov đứng dậy cầm lấy mũ. Porfiri Petrovich cũng đứng dậy.

- Anh sắp đi chơi à? Tối nay trời tốt đấy, miễn là đừng có giông. Vả chẳng có giông mà lại hơn, cho nó mát trời ra. - Porfiri cũng cầm lấy mũ.

- Ông Porfiri Petrovich ạ, - Raxkonikov dằn mạnh từng tiếng, vẻ nghiêm nghị, - Ông đừng có tưởng là vừa rồi tốt đã thú nhận với ông. Ông là một người kỳ quặc, và tôi có nghe ông nói cũng chỉ vì hiếu kỳ mà thôi. Còn thì tôi chưa hề thú nhận với ông điều gì cả... Ông nhớ lấy.

- Được thì tôi xin nhớ, xem kìa: lại còn run nữa. Anh cứ yên chí, anh bạn ạ; tôi sẽ chiều theo ý anh. Anh đi dạo đi một lát; nhưng cũng không nên đi chơi nhiều quá. Tôi còn có một điều muốn yêu cầu anh, phòng khi có xảy chuyện gì bất trắc, - Ông ta hạ giọng nói thêm, - đây là một điều tế nhị, mà rất quan trọng: nếu, nhỡ may (cái nầy thì tôi cũng không tin và tôi nghĩ anh không thể làm như vậy được), nếu nhỡ ra trong khoảng bốn năm mươi tiếng đồng hồ sắp tới anh có nảy ra cái ý kết liễu vụ nầy một cách khác, một cách quái gở nào đấy, như tự sát chẳng hạn (một giả định rất vô lý, xin anh bỏ qua cho) thì xin anh để lại một mảnh giấy viết vắn tắt nhưng rõ ràng. Đấy, hai giòng chữ, chỉ hai giòng ngắn ngủi thôi, anh nên nhắc luôn cả tảng đá kia nữa: như thế cao thượng hơn. Thôi chào anh... Chúc anh có những ý tưởng tốt lành, khởi đầu may mắn!

Porfiri đi ra, người hơi lom khom và dường như tránh nhìn Raxkonikov. Raxkonikov ra cửa sổ, sốt ruột và bực bội chờ cho Porfiri có đủ thì giờ ra phố và đi được một quãng xa xa. Đoạn chàng cũng hấp tấp ra khỏi phòng.

(1) Vô hiệu (tiếng Đức)
(2) Xtarext một bô lão được xem là bậc thánh hiền

Tội ác và sự trừng phạt (Crime and Punishment) - Fyodor Mikhailovich DostoevskyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ