Nếu các bạn thực tình muốn nghe câu chuyện tôi sắp kể, chắc hẳn các bạn muốn biết trước nhất tôi sinh ra ở đâu, tuổi nhỏ ngốc nghếch của tôi diễn ra thế nào, cha mẹ tôi trước ngày tôi sinh trưởng làm những gì - tóm lại, là toàn bộ cái mớ lai lịch vớ vẩn kiểu như của David Coperfield, đúng thế không? Nhưng nói thực, tôi chẳng thích bới những thứ ấy ra. Trước hết, không gì chán bằng phải kể lại những điều ngốc nghếch kia. Sau nữa, các bậc cha chú trong họ nhà tôi chắc sẽ bị đứng tim mỗi người ít nhất hai bận liền nếu tôi đem kể hết những chuyện bí mật đó với các bạn. Ai chứ họ, họ không thể nào xực nổi món ấy, nhất là bố tôi. Nói chung, họ đều tử tế cả, và tôi chẳng có gì đáng phải phàn nàn, nhưng ai cũng đều dễ bị chạm nọc kinh người. Vả lại, tôi cũng chẳng định thuật lại lai lịch chính mình, hoặc bất cứ thứ gì vớ vẩn tương tự, tôi chỉ muốn kể cái trò rồ dại mới xảy ra hồi Giáng Sinh vừa rồi. Sau vụ đó, tôi suýt quỵ hẳn, nên cả nhà đã phải tức tốc đưa tôi tới đây để chạy chữa và tĩnh dưỡng chút đỉnh. Hơn nữa, chuyện này tôi mới chỉ kể lại với một mình anh D. B, vì dẫu sao anh ấy cũng là anh ruột tôi. Anh ấy hiện đang ở trên Hollywood. Cách cái nhà an dưỡng chết rấp này chẳng mấy đường đất, và anh ấy vẫn ghé tới đây luôn, gần như hằng tuần. Mai mốt, không khéo chính anh ấy lại đưa tôi về, chắc chỉ vào đầu tháng sau thôi. Anh ấy vừa tậu được một chiếc Jaguar rất oách, mác Anh tử tế; bỏ rẻ cũng phóng được 200 dặm mỗi giờ. Suýt soát bốn ngàn bạc, chứ có phải ít ỏi gì đâu. Hồi này, anh ấy rủng rỉnh tợn. Chứ chẳng như độ nọ. Độ nọ, hồi còn ở nhà, anh ấy chỉ ngồi viết văn. Nghe đồn, anh ấy có viết được một tập truyện mỏng tầm cỡ quốc tế hẳn hoi, đó là Chú cá vàng ẩn danh. Cái truyện tuyệt nhất cũng mang cùng tựa đề đó - Chú cá vàng ẩn danh, - truyện kể về một cậu bé, không cho ai ngắm con cá vàng của mình hết, chỉ vì chính cậu ta đã xuất tiền túi ra mua con cá đó, cái truyện ấy tuyệt đấy chứ ! Thế nhưng hồi này anh ấy bỏ sang hẳn bên Hollywood, bán đứng tài nghệ cho đám làm phim. Nếu tôi ghét gì nhất trên đời thì đó chính là xi nê. Gì chứ món đó tôi không tài nào xực nổi.
Tốt nhất có lẽ tôi cứ mở đầu câu chuyện từ việc tôi từ giã Pencey. Pencey là
cái trường trung học nội trú ở Agerstown, bên tiểu bang Pennsylvania. Trường đó, chắc các bạn đều nghe tiếng. Không chừng các bạn còn được nhìn thấy cả ảnh chụp trên các mẫu quảng cáo. Vẫn đăng trên trên cả ngàn tờ tạp chí, chụp một thằng đại láu cá, mặt mày vênh váo, cưỡi trên lưng một con tuấn mã đang tung vó, chực vượt một chướng ngại vật rất cao. Cứ như là ở Pencey, học sinh chẳng còn biết làm gì hơn ngoài việc chơi polo! Kỳ thực, trên ấy mắt tôi cóc trông thấy một con ngựa còm nào. Rồi ngay bên dưới thằng nỡm láu cá nọ, họ còn trưng thêm cả cái câu này nữa: "Kể từ năm 1888, trường chúng tôi đã đào tạo được bao chàng trai can đảm và cao thượng!". Láo toét! Trường ấy chưa bao giờ đào tạo được đứa nào ra hồn. Mà cả các trường khác nữa cũng thế. Tôi chưa từng gặp một thằng nào "cao thượng và can đảm". À, mà cũng có một vài thằng đấy, tôi suýt quên. Nhưng kỳ thực, mấy đứa ấy vốn đã thế. Từ trước khi chưa vào học kia. Chứ tại trường đó thì cóc có đứa nào tử tế.
Tóm lại, câu chuyện bắt đầu xảy ra vào hôm thứ bảy, khi đang diễn ra trận đấu với đội Saxon Hall. Phần đông đều coi đó là trận cầu hệ trọng hơn hết thảy mọi thứ trên đời đối với đội Pencey. Bởi đó là trận chung kết, và nếu trường tôi mà thua bọn ấy, thì toàn trường khéo đến phải treo cổ lẫn nhau vì nhục nhã. Tôi nhớ là ngày hôm đó, lúc gần ba giờ rưỡi, tôi đang đứng, họa có trời biết là ở xó xỉnh nào trên chính ngọn đồi Thompson trong khuôn viên nhà trường, kế bên khẩu thần công ngu ngốc, có nhẽ vẫn nằm tênh hênh trên ấy từ thời chiến tranh vì Độc Lập đến giờ. Từ chỗ tôi đứng có thể nhìn rõ toàn bộ sân bóng và cảnh hai đội quần nhau, từ đầu bên nọ đến đầu bên kia. Riêng mặt mũi khán giả thì tôi không tài nào nhìn ra, mà chỉ nghe thấy tiếng hò hét vọng tới. Tiếng hò hét cổ vũ cho đội nhà thiếu nước muốn nổ trời vì cả trường, trừ tôi, đều kéo ra xem đông đủ. Còn phía bọn Saxon Hall thì năm khi mười họa mới có một đứa la hét: đội khách xưa nay
