Đã là lần thứ 2 tôi đọc lại tác phẩm Lolita của nhà văn Vladimir Nabokov, trước khi nói về cốt truyện thì tôi thấy văn phong của Nabokov thật sự quá đỉnh, cách ông chau chuốt từng câu từng chữ thật sự rất hoàn hảo. Nabokov là một trong những nhà văn mà tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tôi đã hâm mộ ông từ tác phẩm “Lửa Nhạt” rồi và khi đến với “Lolita” tôi thật sự cảm giác nó thật điên rồ.
Nó nói về một vấn đề vô cùng nhạy cảm nhưng cách ông hành văn lại khiến nó trở nên đôi khi thật lãng mạn, nó khiến cho tam quan tôi trở nên đảo lộn. Nhiều lúc tôi đã phải dừng đọc và nghiêm túc suy nghĩ về chuyện tình lệch lạc trong Lolita.
Chẳng có cách nào miêu tả cảm xúc tôi lúc mới đọc Lolita cả, nhiều từ ngữ tưởng chừng như đồi bại khi qua bàn tay của Nabokov lại trở nên hoa mỹ đến lạ.
Lần đầu và lần thứ 2 tôi đọc về Lolita thì đều có cái nhìn khác nhau, có lẽ tam quan của tôi đã thay đổi theo thời gian. Cả hai lần tôi đọc thì tôi đều thấy nó hay.
Đối với tôi Lolita như một lời thú tội, một lời khẩn cầu từ một kẻ tâm thần bị ám ảnh bóng hình người mình yêu từ quá khứ. Hắn cứ tìm kiếm mãi bóng hình của người con gái hắn yêu, hắn che giấu con người thật để chứng minh mình là một con người văn minh theo khung khổ của xã hội.
Đến cuối cùng tôi nghĩ thứ mà hắn yêu không phải là Lolita mà là cái đẹp và sự thanh thuần từ các “tiểu nữ thần” mà hắn luôn tìm kiếm. Liệu khi Lo đã lớn và không sự được cái nét “tiểu nữ thần” ấy hắn còn yêu em như cái cách hắn đã từng say mê trong quá khứ. Nhưng có một điều tôi chắc chắn Humbert vẫn có thứ tình cảm gì đó cho Lolita, không hẳn là tình yêu nhưng chắc chắn không tầm thường, nó giống như một loại chấp niệm hơn.
Dù sao đây cũng chỉ là theo cách nhìn của tôi, với một tác phẩm như thế này thì chín người mười ý là điều dễ hiểu, đến chính bản thân tôi còn nghi ngờ về tam quan của tôi nữa là.
26/8/2023