Ngay từ đầu, mị đã luôn muốn xây dựng Yên Hà theo hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam điển hình nhưng vẫn phải mang một nét gì đó riêng biệt. Tức là Yên Hà sẽ là một cô gái thuỷ chung son sắt, giàu đức hi sinh, dịu dàng với người thân và mạnh mẽ khi đứng trước quân giặc, chỉ có điều Yên Hà sẽ độc lập, cá tính và kiêu hãnh hơn những cô gái cùng thời. Ẻm trong mắt mị chính là như thế, còn không biết đối với mọi người thì thế nào?
Còn đối với Yết Kiêu, mị mất nhiều thời gian để xây dựng tính cách cho Yết Kiêu hơn Yên Hà. Yết Kiêu là một vị tướng, phải có khí chất kiên cường, mạnh mẽ, dứt khoát của “quân nhân”. Cơ mà mị khắc hoạ Yết Kiêu theo góc nhìn của Yên Hà nên nhiều khi hắn có hơi... hiền thì phải. Có lẽ hắn sẽ phải mạnh mẽ hơn để khi được đặt cạnh một cô gái trên vai gánh cả sơn hà sẽ không bị lép vế.
Có một bí mật nho nhỏ là trước đây, mị còn định để Thoát Hoan là kiếp sau của Trọng Thuỷ vì hai “thanh niên” này có khá nhiều điểm chung. Nhưng sau khi trao đổi lại với Cleric, Cleric đã nói với mị là “Loại như Trọng Thuỷ làm gì có cửa mà được đầu thai” . Ờ thì... cũng đúng thật. Nghe xong mị cãi không nổi luôn.
Giai đoạn sau của truyện, mị sẽ hướng trọng tâm về phía An Tư một chút. Vì như mị đã bật mí ở cuối chương 15, An Tư và Mị Châu (hay cũng chính là Yên Hà trong quá khứ) có chung một số phận. Vì thương tiếc cho “nhành hoa thư nạn cho nước ấy” nên mình đã viết Yên Hà cứu được An Tư để An Tư không vướng vào bi kịch thịt nát xương tan giữa vòng chuyển xoay của lịch sử. HENCTN là cuộc hành trình để Yên Hà tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn, cứu được An Tư chính là một trong những việc như vậy. Vì kết cục của An Tư trong lịch sử còn bỏ ngỏ nên mị cứ mạnh dạn viết.