DỊCH THUẬT KHÔNG PHẢI CỨ BIẾT CHÚT TIẾNG NƯỚC NGOÀI LÀ DỊCH ĐƯỢC
1. Dịch giả Trương Chính nói: “Muốn dịch cho hay thì phải hình dung được trong tình huống như thế, người Việt nói thế nào.”
2. - Có người hỏi Vũ Công Hoan: “Trong quá trình dịch, điều gì thường gây khó khăn, trở ngại cho ông?”
- Vũ Công Hoan trả lời: “Ngôn từ của cả hai nước. Tôi không được vượt khỏi phạm vi nội dung tác phẩm, nhưng tôi được quyền sáng tạo trong ngôn từ. Không thông thạo tiếng mẹ đẻ là trở ngại lớn nhất với người dịch. Người dịch văn học phải thông thạo tiếng mẹ đẻ, phải luôn có quyển từ điển tiếng Việt bên cạnh, phải chăm đọc sách báo, nghe đài, nghe mọi người nói chuyện... để tìm những câu chữ hay, lối nói thích hợp ghi vào đầu, chép vào sổ để mà "múa", mà sáng tạo trong ngôn từ.
Ngôn từ đối với người dịch y như tướng có nhiều thứ quân. Ngôn từ hay chẳng khác nào quân thiện chiến trong tay tướng giỏi! Ngôn từ nước bạn cũng là trở ngại lớn trong khi dịch. Biển từ không bờ bến. Nhiều khi câu chữ, lối nói... của các nhà văn khiến tôi phải mất hàng tiếng, hàng buổi đến vài hôm để tra tìm, cầu cứu bạn bè trong và ngoài nước; thậm chí phải tạm gác, hay bỏ dở, cũng có khi... đầu hàng!”