Xem qua ở đây Tần thị là người phục sức hoa lệ, trang điểm tỉ mỉ nhất. Tần Dĩnh Yên là người trẻ nhất trong ba người, vào phủ sau hai vị Bách thị và Diêu thị nhưng nhờ vào nhan sắc và tài ăn nói mà trước khi có Vương phi, nàng được sủng ái nhất. Chỉ tiếc xuất thân của nàng ta là thứ nữ của một quan ngũ phẩm vô tình được Vương gia nhìn trúng mới được vào Vương phủ, nếu không Tần thị cũng đã sớm nghĩ cách bò lên vị trí trắc thất.
Bách thị lúc trước là thị nữ hầu hạ trong cung Hoan phi. Khi Cố Vĩnh Hy đến tuổi hiểu chuyện phong nguyệt đã được mẫu phi của mình khi ấy còn sống ban cho làm thị nữ thông phòng. Có lẽ vì còn nhỏ, trọng tình với người đầu tiên nên Cố Vĩnh Hy còn giữ nàng đến bây giờ nhưng rất ít gọi nàng thị tẩm.
Còn Diêu thị chỉ là một ca cơ biểu diễn cho các yến hội trong cung. Trong một lần xuất ra tài nghệ hơn người khiến Cố Vĩnh Hy ấn tượng không quên đã xin phụ hoàng tặng cho mình. Đương nhiên Hoàng thượng chẳng tiếc rẻ gì một ca cơ đối với Tam hoàng tử, nên đồng ý ngay.
Lúc này nhìn chằm chằm ba vị thiếp của Vương gia, lại nhớ đến người đồng sàng cộng chẩm tối qua, Từ Khiết sâu kín thở dài một hơi mới ra lệnh cho các nàng an tọa.
Là nam Vương phi, Từ Khiết chẳng có chủ đề gì chung với ba vị thị thiếp, mà y tin bọn họ cũng chẳng muốn đến đây chỉ để nhàn thoại việc nhà. Cuối cùng y chỉ đành ban thưởng mỗi người một ít trang sức vàng bạc để không bị xem thường, dặn dò các nàng an phận trong phủ một lòng hầu hạ Vương gia cho tốt.
Diêu thị và Bách thị còn tốt, do không được Vương gia coi trọng nên Vương phi nói gì cũng yên lặng lắng nghe. Tần thị lại chẳng được vậy, nhớ đến đêm đại hôn Vương gia say rượu ở phòng mình, nàng ta lại càng tin tưởng Vương gia hẳn rất chán ghét nam tử được cưới về này, vì vậy miệng cười tâm không cười hỏi một đáp mười, tự cho rằng thông minh mà muốn áp Vương phi.
"Nhọc lòng Vương phi lo lắng cho Vương phủ. Lúc trước khi không có Vương phi tỷ muội chúng thần vẫn quan tâm chiếu cố lẫn nhau, tấm lòng son sắt này được Vương gia thấu hiểu. Ta biết Vương phi là người thông tình đạt lý, rộng lượng lại kiên nhẫn, chắc chắn ngày tháng sau này của chúng ta sẽ càng tốt hơn"
Tần thị ra đòn phủ đầu, cho rằng nhắc đến Vương gia, lại kéo Bách thị và Diêu thị về phía mình sẽ khiến Vương phi càng e ngại mà dè chừng nàng.
Từ Khiết làm sao mà không biết ý hàm ẩn trong câu nói của nàng ta, thế nhưng ngày tháng sau sẽ tốt hơn hay không, còn phụ thuộc vào chính y mà không phải Vương gia. Nghĩ đến đó, Từ Khiết không so đo với các nàng, chỉ mỉm cười thần bí mà đáp lời.
"Việc này là đương nhiên"
Lúc tiễn khách, Từ Khiết chợt nhớ đến một việc quan trọng nữa.
"Ta thân là nam tử, để tránh hiềm nghi ngày sau không cần các ngươi đến thỉnh an. Khi nào cần ta sẽ cho người thông truyền"
"Thần thiếp ghi nhớ"
Lúc Vương phi bận ứng đối với nợ phong lưu của Vương gia thì ở quân doanh Vương gia nóng lòng đi xem lúc bấy giờ mình rốt cuộc nắm trong tay bao nhiêu tâm phúc. Vũ quốc vừa đại thắng quân Kim, theo như lẽ thường Bắc Đại Tướng quân cũng chính là Nam Cung Vương Cố Vĩnh Hy để lại ba ngàn quân đóng tại biên giới với Kim quốc, còn lại những người may mắn lành lặn đều theo về kinh thành, đóng quân ở ngoại thành tùy thời chờ lệnh, ai bị thương dù nhẹ hay nặng đều được cho phép trở về nhà trị thương, chi phí được triều đình chi trả.
Hai phó tướng một người là Tống tướng quân Tống Chiêu ở lại chiến trường biên giới thu dọn tàn cục, một người là Triệu tướng quân Triệu Ân theo về kinh thành, lúc này đang chịu trách nhiệm tu chỉnh binh lính ở ngoại thành.
Tống Chiêu cùng Triệu Ân đều là người đi theo Cố Vĩnh Hy từ những năm đầu ra chiến trận. Lúc Cố Vĩnh Hy chỉ mới là một lính mới che giấu thân phận để được ra chiến trường thì ba người đã chiếu cố lẫn nhau. Đến khi Cố Vĩnh Hy được phong làm Bắc Đại Tướng quân, hai người còn lại cũng đồng thời được lên làm phó tướng đi theo Tướng quân của mình nam chinh bắc chiến.
Qua những lời báo cáo của Triệu Ân, Cố Vĩnh Hy nắm rõ tình hình quân số dưới tay mình, đồng thời nhắc nhở Triệu Ân để ý nhiều hơn đến những người lập được công lớn trong trận chiến vừa rồi để có lúc dùng đến.
Cố Vĩnh Hy không dành quá nhiều thời gian ở lại, mục đích đã đạt được nên hắn nhanh chóng quay về với Vương phi ngoan ngoãn nhà mình. Giục ngựa đi trên đường, chợt nhớ phải mua điểm tâm ngọt cho Từ Khiết, Cố Vĩnh Hy rẽ vào phố Tây tấp nập khách điếm tửu lầu, chọn Chiêu Hương lâu nổi tiếng nhất kinh thành mua một vài món đầu bảng rồi tiếp tục chạy về Vương phủ.
Nghe nói Vương gia sắp về, Từ Khiết vui vẻ ra đứng chờ ở đại môn Vương phủ. Đáng tiếc người biết tin tức không phải chỉ có mỗi mình Vương phi mà còn có ba người thị thiếp khác.
Tiếng vó ngựa lộc cộc ngày càng gần, Từ Khiết chưa kịp nhìn rõ bóng dáng Vương gia dũng mãnh trên ngựa thì loáng cái đã cảm nhận được thân mình cứng rắn của Cố Vĩnh Hy áp vào ngực mình, đầu hắn vùi sâu trên cổ, hơi thở nóng rực phả vào làn da lộ ra hơi lạnh làm y không nhịn được hơi rùng mình. Ngại ở đây nhiều người đang nhìn, Từ Khiết không dám đẩy Cố Vĩnh Hy ra sợ vô lễ, nhưng cũng không thể không biết xấu hổ ôm nhau đứng giữa thanh thiên bạch nhật như vậy.
Tần thị, Bách thị cùng Diêu thị thoáng thấy Vương gia liền quỳ xuống hành lễ. Không ngờ thế mà Vương gia chẳng nhìn các nàng lấy một lần đã ôm lấy Vương phi như chốn không người, nhìn xem, còn mua điểm tâm về cho nam tử kia nữa.
Tần thị cứ mãi suy nghĩ tại sao mọi chuyện lại thành ra như vậy, dự định lên tiếng kéo về sự chú ý của Vương gia, ngẩng mặt lên thì hai người đã nắm tay đi về chính phòng. Nàng đành bực bội phiền muộn đẩy tì nữ tiến lên muốn dìu nàng, một mình về tư phòng đóng cửa không cho ai vào.
_______________
Xin lỗi mọi người vì khá lâu mới lại ra chương mới. Mình sẽ cố gắng cân bằng giữa việc viết truyện và cuộc sống. Những cmt động viên, bình luận về tình tiết truyện hoặc hối thúc mình ra chương mới đều là động lực rất lớn đối với mình, vì vậy mọi người đừng tiếc vài dòng chữ hoặc vài giây bình chọn cho mình nhé, mình cảm ơn rất nhiều UwU
BẠN ĐANG ĐỌC
[ ĐM ] Trọng Sinh Chi Duy Ái Quân
General FictionThể loại: đam mỹ, trọng sinh, cố đại, cung đình hầu tước, sinh tử, nhiều cp Văn án: Kiếp trước vì những mưu ma chước quỷ của người chốn hậu cung và người trên quan trường mà Nam Cung Vương Cố Vĩnh Hy có hiểu lầm sâu đậm không thể hóa giải với vị Vươ...