Chủ đề: Lời Than Thân Của Người Phụ Nữ

29 2 18
                                    

              Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Bài làm:
Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, thân phận của người phụ nữ được đề cao, có vai vế ngang hàng với những người đàn ông, số phận đã không còn lênh đênh, mỏng manh như ngày xưa nữa. Để có được ngày hôm nay, sự công bằng và quyền lợi của người phụ nữ, họ đã trải qua biết bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu tuổi nhục, nước mắt thậm chí là rất nhiều người phụ nữ đã chịu sự đau đớn về thể xác và tinh thần đến tột cùng, thậm chí là đánh đổi cả mạng sống nhưng chẳng thể thay đổi được gì, do xã hội phong kiến mang lại. Ở thời đó, người phụ nữ giống như một món hàng, không biết mai này bản thân sẽ rơi vào tay ai, là người tốt hay người xấu, họ giống như một tấm gỗ mỏng manh trôi giữa dòng biển, không biết đi đâu về đâu, hay là chẳng trôi dạt được bao lâu thì đã bị đánh chìm mất rồi. Điều đó được nói qua hai câu thơ sau của bài ca dao:
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai."
Ca dao là tiếng hát, là lời ca, là những dòng thơ nói lên những cung bậc cảm xúc của con người. Ca dao diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người trong các quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước. Ca dao có rất nhiều thể loại, đặc biệt là ca dao trữ tình nói lên những xót xa, cay đắng nhưng đầm thắm ân tình của người bình dân Việt Nam sau luỹ tre làng, bên giếng nước, gốc đa, sân đình,...hay tinh thần lạc quan của người lao động. Và bài ca dao ở đây là tiếng hát than thân nói lên số phận long đong, trôi dạt, không biết đi đâu về đâu, không biết số phận như thế nào của người phụ nữ.
Qua câu thơ đầu tiên, ta đã thấy được sự mỏng manh, nhỏ bé của người phụ nữ thời phong kiến. Hai từ "Thân em" nói lên đây là lời than thân của người phụ nữ thời phong kiến. Cách nói nghẹn ngào, đau đớn của người phụ nữ trước số phận của mình, khiến cho lời than thân càng ngậm ngùi, xót xa mà sâu sắc, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Ở đây, hình ảnh "Tấm lụa đào" không chỉ nói lên vẻ đẹp trẻ trung, xinh đẹp mà sâu xa đó còn là số phận mỏng manh, nhỏ bé, dễ dàng bị tước đoạt của người phụ nữ. Không chỉ vậy, còn so sánh người phụ nữ như một món hàng, có thể dùng tiền bạc mua được, có thể lấy vật nào đó để trao đổi, một món hàng không có giá trị, không ai quý trọng, sớm muộn cũng bị vứt bỏ.
Tới câu thơ thứ hai, nghe lại càng não nề hơn "Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai", hình ảnh ẩn dụ gợi lên nỗi buồn sâu sắc người phụ nữ, họ không thể làm chủ được cuộc sống của bản thân, sống dựa dẫm vào người khác và giá trị của họ không được ai biết đến, chẳng biết mình sẽ đi về đâu, rơi vào tay ai, tương lai như thế nào, còn hay là mất,...họ không biết. Người phụ nữ ý thức được sắc đẹp, tuổi xuân như "tấm lụa đào" của mình và giá trị thực thụ nhưng lại không thể nào thay đổi được quy tắc của thời ấy. Nỗi đau xót nhất của người con gái trong bài thơ than thân là khi họ bước vào tuổi thanh xuân đẹp nhất cũng là lúc cuộc sống đầy đau khổ đang chờ ở phía trước, sẵn sàng chèn ép họ đến cùng. Bài ca dao đã cho ta hiểu sâu sắc phần nào về nỗi đớn đau của người phụ nữ phong kiến.
Bài ca dao như một tiếng hát than thân, tiếng oán than cho số phận của người phụ nữ, điều đó gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Hình ảnh ẩn dụ và so sánh "Tấm lụa đào - phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?", "thân em" ví von với "tấm lụa đào" nhằm nói lên vẻ đẹp thục nữ, yểu điệu của người con gái nhưng số phận mỏng manh "phất phơ giữa chợ", chẳng biết rơi "vào tay ai", dễ dàng bị huỷ hoại như "tấm lụa đào", ai cũng có thể nhào nát. Bài thơ "Kiều ở lầu Ngưng Bích" cũng nói đến số phận hẩm hiu, bất hạnh của một người con gái tên là Thuý Kiều, tuy nhiên, bài thơ "Kiều ở lầu Ngưng Bích" lại miêu tả cuộc sống bất hạnh của người phụ nữ cụ thể hơn, nàng bị giam cầm trong lầu Ngưng Bích chờ đến ngày bị bán đi, nàng nhớ cha mẹ, nhớ người yêu, nhớ em gái, xót thương cho số phận của mình. Hay ba câu đầu của bài thơ "Bánh trôi nước":
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn."
Gợi lên vẻ đẹp của người phụ nữ "thân em vừa trắng lại vừa tròn" nhưng cũng nói đến cuộc đời lận đận, chông gai, phiêu dạt, lúc chìm lúc nổi "Bảy nổi ba chìm với nước non". Và họ không thể làm chủ được cuộc đời, số phận do người khác định đoạt "rắn nát mặc dầu tay kẻ nặng". Xót thương thay cho số phận người phụ nữ phong kiến, không thể làm chủ cuộc sống của bản thân, chỉ có thể vâng vâng dạ dạ, cầu mong sống được một ngày bình yên. Chúng ta được sống trong thế giới hoà bình, bình đẳng là may mắn gấp nhiều lần so với người con gái sống ở thời phong kiến, ta có thể làm chủ cuộc sống của bản thân mình, không dựa dẫm vào đàn ông, có thể tự bước đi trên con đường phía trước, sống một cuộc sống tự lập, hạnh phúc của riêng mình.
Qua đó, bài ca dao đã nói lên nỗi lòng của biết bao nhiêu người phụ nữ thời phong kiến, oán than cho sự bất công nhưng họ không thể thay đổi được gì. Người phụ nữ cũng khẳng định về vẻ đẹp và giá trị thực thụ của mình và đau đớn trước số phận cay đắng, phũ phàng, bị vùi dập, chà đạp, phải sống phụ thuộc vào người khác.

Bài Tập & Xàm XíNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ