trương nghệ hưng ghét nhất hai điều, một là uống rượu, hai là uống rượu với họ hàng. xét lý do chủ quan, đơn giản anh là một người uống kém, và rượu bia nhiều chẳng để lại gì cho anh ngoài những cơn đau đầu và bãi nôn xanh vàng mật. còn lý do khách quan, uống với họ hàng là uống không thể từ chối, ai mời cũng phải uống, không uống là không nể. tệ hơn nữa là rượu vào lời ra, có những lời mấy ông bác buột miệng nói vui lắm khi cứ làm anh để ý mãi, có khi từ năm này sang năm khác vẫn còn nhớ. và, tết đến xuân về, dù muốn hay không; trương nghệ hưng vẫn phải đối diện với cái điều đáng ghét ấy. bởi lẽ, vào những ngày này, con người nếu không ở nhà thì cũng chẳng còn nơi nào trên thế giới này chứa chấp họ nữa.
phụ nữ ở trong bếp vừa nói vừa cười, đàn ông ngồi trên phòng khách bàn việc năm qua. cảnh tượng quen thuộc của hầu hết các gia đình châu á điển hình vào đêm tất niên mà năm nào nghệ hưng cũng chứng kiến. thực sự rất chán, muốn phụ mẹ cũng bị đuổi lên nhà, muốn ngồi cùng bậc cha ông thì vẫn còn... quá trẻ. hai mươi mấy tuổi đầu sự nghiệp chưa vững, vợ không có để mà cưới, nhà đi thuê và đi xe hai bánh thì vẫn chưa được tính vào hàng đàn ông. không khí của các bác không phải là thứ mà anh có thể hít vào mà không cảm thấy gượng gạo. vậy nên từ chiều tới giờ, trương nghệ hưng chẳng làm được gì nhiều ngoài nhặt chút rau, pha ấm chè và quét qua nhà cửa. điện thoại không một tin nhắn thông báo, có dùng cũng chỉ lướt lên lướt xuống trong chán chường với một loạt bài đăng về tết quen thuộc. trương nghệ hưng ngồi trong một xó chờ đợi ai đó ra lệnh cho anh, nhưng chắc phải còn lâu nữa mới tới lượt anh được sai trải chiếu, sắp mâm. và nghĩ tới việc phải làm gì cho tới lúc ấy cũng khiến trương nghệ hưng phát nản.
và một suy nghĩ thoảng qua, có lẽ anh nên đi dạo.
*
việc đi dạo của trương nghệ hưng chỉ là đi ra đầu ngõ để mua thêm vài túi bánh kẹo. có lẽ anh sẽ đi xa hơn nếu mẹ không dúi vào tay anh vài đồng và dặn anh phải mua gì giúp bà ấy. hơn nữa, nhà anh sắp có khách. dĩ nhiên sẽ chẳng ai chịu trách nhiệm cho việc pha chè, bày bánh trái ngoài anh. mấy đứa em họ đều đã đi thăm tết bạn bè cả, chúng nó sẽ chỉ trở về vào đúng giờ cơm mà thôi. nhà còn nhẵn một đứa, chẳng nhẽ lại chẳng phụ giúp gì mà chạy ra ngoài ngắm phố phường đông tây. người châu á cũng lắm chuyện thật đấy, trương nghệ hưng chợt nghĩ tới câu nói của một anh bạn da trắng anh quen qua mạng. quả thực, nền văn hoá phương đông dày đặc những lễ nghi và quy tắc ứng xử mà lũ trẻ phương tây nhìn thấy đều phải chau mày. nhưng nghệ hưng cũng không kịp nghĩ thêm về những điều đó nữa, anh phải nhanh chóng sắp xếp nhà cửa lần nữa trước khi khách tới.
trương nghệ hưng đi học ở trên thành phố, một năm về nhà cũng chỉ tranh thủ được vài dịp, mấy năm nay anh cứ thế quên dần những người bạn của bố mẹ. anh chỉ nhớ được mang máng một vài vị khách quen của gia đình như bác vương bạn thân của bố thường qua uống rượu, hay cô phương làm cùng chỗ làm với mẹ thi thoảng lại đem cho gia đình anh đồ ngọt. có vài người anh nhớ tên không nhớ mặt, vài người biết tên nhưng chỉ gặp qua hai ba lần mà thôi.
cũng không biết trong lúc xa nhà, những vị khách ấy với cha mẹ mình đã xảy ra chuyện gì, có người có khi còn biến mất luôn. anh tò mò tự hỏi ai sẽ tới vào chiều tất niên bận rộn, mà có tới chắc hẳn cũng sẽ bị mời lại uống rượu tới cận đêm mới xong. mùi lẩu, mùi thức ăn, mùi rượu, sau đó là lau dọn, rửa bát. trương nghệ hưng lờ mờ tưởng tượng được không gian mà anh sắp phải đối mặt. quả thật vô cùng mệt mỏi, nhưng một năm có được mấy lần anh cảm nhận được sự mệt mỏi ấy.
cúi đầu lại nghĩ, cô độc còn đáng sợ hơn phải rửa sạch đống bát đũa đóng két dầu mỡ sau bữa cơm tất niên hằng năm. hơn nữa sau mỗi lần rửa bát đều có lì xì đỏ trao tay cùng cái xoa đầu của các bác, dù hai mấy tuổi đầu nhưng mặt của trương nghệ hưng vẫn còn tác dụng. anh bắt đầu thấy nhiều niềm vui hơn sau cái lưng đau, nhưng đau lưng thì chắc chắn là xuất hiện thường xuyên hơn niềm vui rồi.