Chuyển kể rằng, vào những năm thập niên đầu thế kỷ 21, tại thủ đô Seoul hoa lệ, có một người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi, đầu đã hai thứ tóc. Sau gần bốn chục năm lăn lộn trong giới kinh doanh đất đai và đầu tư chứng khoán, ông đã tích góp cho bản thân một khối tàn sản khổng lồ cùng vài căn biệt thự xa xỉ toạ lạc khắp mọi miền tổ quốc. Người dân quanh khu vực, đặc biệt là người am hiểu về giới bất động sản, có lẽ chẳng ai còn xa lạ với cái tên Byun Chantaek.
Ông Byun cực kỳ kín đáo trước công chúng về đời tư của mình, vì vậy chẳng một ai biết mặt vợ con ông, cũng như những đứa trẻ trong gia đình Byun - mang tiếng là sinh ra đã phải lùi mãi mới trở lại vạch đích.
Tuy nhiên, sự thật liệu có như mọi người nghĩ?
Tháng 7 năm 2004, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia, ông Byun đột ngột đưa ra một thông báo khiến mọi người ai cũng bất ngờ. Thì ra trong suốt sáu mươi năm cuộc đời, ông không hề lấy vợ sinh con. Ông chọn cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp và nền kinh tế của nước nhà.
Tuy nhiên, cũng trong chương trình đó, ông Byun tuyên bố mình vừa nhận nuôi một em bé sơ sinh bị ba mẹ gửi lại ở cô nhi viện. Ngoài ra, ông cũng nói thêm rằng trong tương lai mấy năm tới sẽ nhận nuôi thêm vài đứa trẻ nữa. Chính ông sẽ đích thân đứng ra nuôi dạy chúng, sao cho khi những đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành những người có địa vị trong xã hội, xứng đáng với cái danh người thừa kế khối tài sản kếch xù của quý ngài Byun Chantaek.
Chẳng ai biết tiêu chí chọn cháu nuôi của ông Byun hay xuất xứ của những em bé may mắn được ông nhận về là gì. Chỉ biết rằng sau 7 năm, cụ thể là đến đầu năm 2011, gia đình Byun đã có thêm sáu thành viên. Căn biệt thự to lớn nhưng cô quạnh toạ lạc giữa lòng thủ đô năm nào, nay đã rộn ràng tiếng cười đùa nô nức của đám trẻ con ngây thơ.
Từ năm 2011 trở đi, ông Byun không nhận nuôi thêm bất cứ đứa trẻ nào nữa. Mãi cho đến 10 năm sau, vào tháng 1 năm 2021, ông mới bất ngờ thông báo trước công chúng về việc trao danh phận cho người cháu cuối cùng của mình - một cậu thanh niên 17 tuổi người Nhật, sau chuyến công tác vài tháng ở Fukuoka.
Như vậy, danh sách những người danh chính ngôn thuận được hưởng quyền thừa kế từ vị đại gia họ Byun gồm bảy người. Đáng chú ý, cả bảy cô cậu đều bằng tuổi nhau, đều ra đời vào cùng một năm 2004.
Mùa hè năm 2021, Byun Chantaek lần đầu xác nhận với truyền thông về tình trạng sức khoẻ của bản thân, dù cho khoảng thời gian trước đó ông đã bị cánh báo chí bắt gặp tới bệnh viện nhiều lần. Tin buồn là vị doanh nhân già đã mắc phải căn bệnh ung thư xương. Dù mới chỉ dừng lại ở giai đoạn di căn, nhưng ung thư mà, việc chữa khỏi bệnh là hoàn toàn không thể, sống thêm được bao lâu nữa chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, sau nửa năm chống chọi với cơn đau dai dẳng, căn bạo bệnh mà ông Byun đang phải chịu đựng đã chuyển biến theo chiều hướng xấu dần đều, với một tốc độ nhanh khủng khiếp mà y tế có hiện đại tới mấy cũng chẳng thể can thiệp nổi.
Sống chết cũng đã an bài, nhận thức được thể trạng tồi tệ của bản thân hiện tại và biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, Byun Chantaek đã cho ngừng điều trị.
Ông dành những ngày tháng cuối cùng của đời mình bên những đứa cháu không cùng máu mủ ruột thịt mà ông dày công nuôi dạy suốt bao nhiêu năm qua.
Chẳng một ai ngờ được, cũng trong khoảng thời gian đó, ông Byun đã bí mật gọi luật sư riêng của mình - Park Junho, 34 tuổi - một người đệ tử mà ông vô cùng tin tưởng, tới để lập di chúc trao quyền thừa kế tài sản.
Một tháng sau khi ngưng điều trị, ông Byun Chantaek đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Seoul, hưởng dương 75 tuổi. Theo nguyện vọng của ông trước lúc từ trần, đám tang được tổ chức một cách riêng tư tại căn vi-la hướng biển ở đảo Jeju, chỉ mời họ hàng thân thích và người quen, tuyệt đối không tiếp phóng viên.
Hai tuần sau ngày ông mất, bảy người cháu nuôi được luật sự Park gọi đến văn phòng để nghe anh đọc di chúc. Những tưởng khối tài sản ông tích góp sau nửa thế kỷ lăn lộn trong nghề sẽ được chia đều ra cho bảy đứa. Thế nhưng đời không như mơ, bản di chúc được Park Junho đọc lên dõng dạc từng lời, đám cháu nghe xong như sét đánh ngang tai. Trong lòng mỗi người một cảm xúc buồn vui lẫn lộn, nhưng bao trùm lên tất thảy vẫn là sự bất ngờ đến tột độ.
Trong di chúc có viết:
Tổng tải sản (2 tỉ USD) được chia cho 7 cháu nuôi phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp lớp 12 của từng cháu:
• Người có điểm cao nhất được hưởng 1 tỉ USD.
• 5 người cao từ hạng 2 đến hạng 6 cứ theo tỉ lệ điểm mà chia số tiền còn lại ra.
• Người có điểm thấp nhất không nhận được một đồng nào.
Không có ngoại lệ.Nhìn vào tình hình hiện tại, lứa học sinh ra đời năm 2004 vừa mới bước vào lớp 12 - cũng là năm cuối cấp trước khi đối diện với kì thi tốt nghiệp/thi đại học quan trọng, có thể thấy vị đại gia họ Byun đã để quyền quyết định phụ thuộc hoàn toàn vào thành tích học tập của các cháu.
"Nhưng ông có dạy tụi mình được chữ nào đâu."
"Ừ đúng, ông không dạy tao cách học bài trên lớp, nhưng ông dạy tao cách làm người."
"Gì chứ, thế thì mày là sản phẩm thất bại của ông chúng ta à?"
"Ôi cái thế giới này thật bất công mà! Có đức mà không có tài như tao phải làm sao đây?"
"Nực cười vừa, chúng mày toàn một lũ cặn bã."
...
Ồ không, thế giới này công bằng hơn mấy đứa nghĩ đấy.