Cốt tủy của đạo Bụt trong vài trang giấy
(Thích Nhất Hạnh)
Đạo Phật bắt đầu từ một cái thấy của một con người tên là Siddharta Sakya Gotama.
- Cái thấy này là một cái thấy trực tiếp không đi ngang tư duy và lý luận, nó là một loại trực giác.
- Trực giác này có thể đạt được do công phu quán chiếu, nghĩa là nhìn sâu vào lòng thực tại.
- Năng lượng sử dụng để quán chiếu là niệm và định, hai khả năng của tâm. Niệm là để tâm vào và định là chuyên chú nhìn sâu. Niệm và định đưa tới tuệ.
- Tuệ tức là cái thấy ấy. Cái thấy này có khả năng chuyển hóa và giải phóng người thấy ra khỏi những tâm hành như lo lắng, sợ hãi, bạo động, hận thù, tuyệt vọng và đam mê.
Niệm, định và tuệ cũng là những tâm hành, nhưng đó là những tâm hành tốt đẹp.- Cái thấy ấy được gọi là cái thấy đúng (chánh kiến). Khi cái thấy đã đúng thì tư tưởng, lời nói và hành động cũng sẽ đúng và sẽ không tạo tác ra khổ đau cho mình và cho hoàn cảnh.
- Có một lối sống có thể đưa ta đến cái thấy này: lối sống ấy được gọi là một con đường, con đường của tám sinh hoạt đúng gọi là Bát Chánh Đạo. Ngoài chánh niệm, chánh định, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, còn có hai sinh hoạt khác: đó là phương tiện sinh sống chân chánh (chánh mạng) và công phu hành trì chân chánh (chánh tinh tấn).
Đạo Phật chính là con đường ấy. Nó là một lối sống, một cách sống, chứ không phải là một lý thuyết về thực tại.- Nhưng chánh kiến (tuệ) lại là cái thấy về thực tại. Đây là một cái thấy vượt thoát mọi ý niệm như có/không, sinh/diệt, một/nhiều, tới/đi, trước/sau, chủ thể/đối tượng. Cái thấy này có khi được gọi là cái thấy bất nhị hoặc trung đạo.
Có những phương pháp vận dụng các năng lượng niệm và định để đạt tới cái thấy ấy. Đó là các phương pháp quán chiếu như quán vô thường, vô ngã, duyên khởi, vô sinh, không, vô tướng và vô tác.
Những phương pháp này do những người đã đạt cái thấy truyền lại cho những người chưa đạt được. Sử dụng những phương pháp này cũng như đào giếng để có nước.
Niệm và định là công phu đào giếng, tuệ là mạch nước tìm được.- Tuệ giác vô thường không phải chỉ có Phật mới có. Nhiều người xưa như Heraclite và Khổng Phu Tử cũng đã chứng ngộ được điều ấy.
+ Tuệ giác vô thường được duy trì như một định lực sẽ mang tới tuệ giác duyên sinh và tuệ giác vô ngã.
+ Duyên sinh có nghĩa là nương vào nhau mà phát sinh, mà biểu hiện. Điều này được Phật diễn tả bằng câu: Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không. Sự vật hổ tương làm nhân quả cho nhau, không hẳn nhân phải có trước quả, nhân quả có thể đồng thời, và nhân đồng thời cũng là quả.
Ví dụ cái trong có vì cái ngoài có, cái không có vì cái có có, cái trái có vì cái phải có, cái sinh có vì cái diệt có. Không có cái trái thì không có cái phải, không có cái có thì không có cái không.
Nhìn sâu vào một đám mây hay một ngọn lửa ta thấy cả đám mây và ngọn lửa đều biến chuyển vô thường trong từng khoảnh khắc, đều không có thực thể chắc thật, đều không phải từ không mà trở thành có và từ có sẽ trở thành không. Tất cả mọi hiện tượng đều như thế, kể cả tâm thức con người.- Trong đạo Phật, ta thấy có hai loại sự thật: sự thật tương đối, gọi là thế tục đế (loka samvrti) và sự thật tuyệt đối, gọi là chân đế (paramartha).
* Sự thật tương đối là những gì có tính cách ước lệ: có sinh, có diệt, có có, có không, có trước, có sau, có ta, có người...
* Sự thật tuyệt đối vượt thoát mọi phạm trù ấy của tâm thức.
Phật nói: "Có cái không sinh, không diệt, không tạo tác, không hình thành. Nếu không có cái không sinh, không diệt, không tạo tác, không hình thành ấy thì thế giới của những cái có sinh có diệt, có tạo tác và có hình thành sẽ không có nẻo thoát".
Cái không sinh, không diệt, không tạo tác và không hình thành ấy chính là niết bàn, nền tảng cho những cái có sinh diệt, tạo tác và hình thành. Cái vô vi làm nền tảng cho cái hữu vi.
BẠN ĐANG ĐỌC
Trích chọn lọc các tác phẩm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
SpiritualĐây là tập hợp trích đoạn của nhiều Sách của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Tôi đã chọn lọc lại các chương, các đoạn ngắn mà riêng cá nhân tôi tâm đắc nhất để cần ghi nhớ học tập và thực hành cho bản thân tôi. Đây là do cá nhân tôi tự sưu tầm chọn lọc, t...