TỪ QUÁN - Trích trong "Gieo trồng hạnh phúc "

26 1 0
                                    

TỪ QUÁN

Thương yêu, trước hết là chấp nhận chính mình như mình đang là. Vì vậy, trong từ quán, "hiểu mình" là yếu tố đầu tiên của sự thực tập. Hiểu được mình, chúng ta sẽ biết được những điều kiện làm nên con người mình, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận chính mình, chấp nhận những khổ đau lẫn hạnh phúc của mình.

Thực tập từ quán cũng không phải là tự kỷ ám thị. Không phải chúng ta ngồi đó mà nói rằng: "Tôi thương mình. Tôi thương tất cả mọi người mọi loài." Chúng ta phải nhìn sâu vào thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức của chúng ta.

Trong vài tuần, nguyện ước thương yêu của ta sẽ trở thành một ước muốn sâu sắc. Tình thương sẽ đi vào những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, chúng ta sẽ thấy thân tâm mình trở nên bình an, hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn. Chúng ta được an toàn, không vướng vào tai nạn, giận dữ, phiền não, sợ hãi và lo âu.

Khi thực tập, chúng ta cần quán chiếu để biết mình có được bao nhiêu bình an, hạnh phúc và nhẹ nhàng. Chúng ta có lo lắng về những tai nạn, rủi ro hay không, trong ta có bao nhiêu sự giận dữ, bực dọc, sợ hãi, băn khoăn, lo lắng? Ý thức được những cảm thọ trong ta, ta sẽ hiểu chính mình sâu hơn. Ta sẽ hiểu được rằng chính những sợ hãi, bất an góp phần vào những nỗi buồn khổ của ta. Qua đó ta sẽ thấy được giá trị của việc yêu thương chính mình và nuôi dưỡng một trái tim từ bi.

Trong từ quán, giận dữ, phiền não, sợ hãi và lo lắng thuộc tâm hành bất thiện và tiêu cực, chúng lấy đi bình an và hạnh phúc của ta. Giận dữ, sợ hãi, lo lắng, thèm khát, thù hận và vô minh là những phiền não lớn trong thời đại của chúng ta. Nhưng bằng cách sống chánh niệm, chúng ta có thể đối diện với chúng, chuyển hóa chúng để tình thương của ta trở thành hành động thiết thực.

Đây là một bài thiền tập được phỏng theo tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận của ngài Buddhaghosa, hệ thống hóa những lời dạy của Bụt vào thế kỷ thứ năm sau Thiên chúa giáng sinh.

"Mong sao cho thân tâm tôi được an lạc và nhẹ nhàng.

Mong sao cho tôi được sống an toàn, không vướng vào tai nạn.

Mong sao cho trong tâm tôi không có giận hờn, phiền não, sợ hãi và lo lắng.

Mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu.

Mong sao cho tôi nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc.

Mong sao cho tôi nhận diện và thấy được cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong tôi.

Mong sao cho tôi biết nuôi dưỡng tôi mỗi ngày bằng những niềm vui

Mong sao cho tôi được sống tươi vui, vững chãi và thảnh thơi

Mong sao cho tôi không rơi vào thái độ dửng dưng và không kẹt vào hai mặt vướng mắc và ghét bỏ."

Để thực tập từ quán, chúng ta ngồi yên cho thân tâm lắng dịu, theo dõi hơi thở và đọc thầm những lời nguyện đó. Ngồi là một tư thế thích hợp cho sự thực tập này. Khi ngồi yên, chúng ta không bị bận rộn bởi những vấn đề khác. Vì vậy, chúng ta có thể nhìn sâu vào chính mình, chấp nhận mình như mình đang là, tưới tẩm, vun trồng tình thương cho chính mình và tìm cách hay nhất để bày tỏ tình thương với mọi người mọi loài.

Chúng ta bắt đầu thực tập từ quán từ chính mình "Mong sao cho tôi..."

Không có khả năng thương mình và chăm sóc chính mình thì chúng ta không thể giúp ai được cả. Sau khi thực tập với tự thân, chúng ta mới thực tập với những người khác.

"Mong sao cho người ấy/họ được bình an, hạnh phúc và nhẹ nhàng, trong thân và trong tâm"

Trước hết, chúng ta thực tập với người mình thích, sau đó với người bình thường, rồi đến người mình thương và cuối cùng là người làm khổ mình.

[...]
Trích trong sách "Gieo trồng hạnh phúc " _ Sư Ông Làng Mai

Trích chọn lọc các tác phẩm của Thiền Sư Thích Nhất HạnhNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ