mẹ
là một từ, trong rất nhiều từ con được biết, được nghe và được dạy.
Mẹ hay nhắc đi nhắc lại thế này: "Học chữ khó thế mà còn học được, thì những chuyện khác trên đời này có là gì". Lấy cương vị là một giáo viên ngữ văn, mẹ hoàn toàn có đủ tư cách để nêu lên lời khẳng định ấy.
Ngày xưa và ngày nay, con hiểu rằng học chữ chính là biết đọc biết viết. Nhưng mẹ ơi, học chữ là gì nhỉ, con nghĩ như thế, vào ngày nay. Mẹ ơi, học chữ nghĩa là gì và khi nào thì ta học được hết về những con chữ?
Giống như chữ "mẹ", chữ "mẹ" mà cả đời gắn bó với con và con, dành cả đời quyết phải gắn bó lấy nó. Con gọi "mẹ" là đang cất tiếng phát âm chữ "mẹ" ấy, hay là đang cố chạm vào mẹ, đang cố để hiểu mẹ hơn, hay là, đang nỗ lực để chìm sâu vào trong mẹ, như cái cách con đã từng là một phần trong cơ thể mẹ?
Và nếu mẹ con mình nhìn vào từng chữ một như vậy, việc biết đọc biết viết, hay đơn thuần "biết" về một thứ gì đó trên đời, chỉ như các lớp bọt sủi lên khi ta luộc thịt lần đầu cho đỡ mùi hôi, dùng muỗng cẩn thận hớt chúng đi là hết, và chỉ thế mà thôi.
Nhưng mà mẹ ơi, khi con viết về mẹ và viết cho mẹ, còn cách nào tốt hơn để viết không? Khi mà hiểu biết của con chỉ là lớp bọt sủi men thành chiếc nồi kim loại, là lớp váng dầu mỡ loang lổ nhoài trên mặt nước canh, không hơn không kém? Khi con đã dám viết về mẹ, nghĩa là con tự đặt ra cho mình một nghĩa vụ thiêng liêng, một chuỗi hành động mà, con cần phải bóc tách thật từ tốn, cẩn thận thôi.
Mình hãy bắt đầu từ việc mẹ yêu thích ngôn ngữ như thế nào, và truyền lại ngôn ngữ cho con trẻ, cho những người thuộc những thế hệ khác nhau, mà mẹ gọi thân thương là học trò của mẹ. Sau đó mới đến con, của một người mẹ yêu chữ, đã được dạy về "chữ" đầy mượt mà. Con được phá lên cười qua những câu chuyện bố kể, con được bứt rứt tò mò khi mẹ và anh trò chuyện sôi nổi về thứ gọi là "sách". Sự tò mò dẫn đường con, ngay khi con mới biết đánh vần, để con, nói theo cách lối mòn, là bắt đầu quá trình tự mò mẫm trong một vương quốc những ngôn từ. Cứ mỗi quyển sách cầm lên - một vương quốc. Vốn liếng hạn hẹp con có ép con phải lần mò như một cái cây non vươn rễ sâu hơn và xa hơn xuống đất hòng tìm dinh dưỡng. Hút thứ dinh dưỡng ấy thì sẽ nuôi được "chữ" trong mình, để "chữ" tồn tại với kích cỡ lớn hơn trong mình, và chủ thể cây non sẽ cứng cáp, mọc thêm cành, đơm thơm nhánh, nở hoa kết trái mà phát triển, mà vững vàng. Khi đã có kinh nghiệm, cái cây biết phân loại thứ chất ngon và không ngon, tiếp thu dễ dàng hơn, nhuần nhuyễn hơn.
Mặc dù ta cần dùng mắt để đọc, nhưng nếu phải so sánh, con thấy mình giống như được chạm vào chữ. Để hình dung, mẹ có thể tưởng tượng đến một cái máy chiếu phim, sự thôi thúc muốn chạm vào phần hình chiếu trên tường để rồi nhận ra ảo ảnh ấy chẳng có ở đó, chỉ có cái bóng của chúng ta in lên trên đầy phiền phức. "Chữ", phản chiếu con như bóng đổ. Và rồi con bất ngờ, và rồi con ngưỡng mộ, khi con chập chững vỡ lẽ hết lần này tới lần khác chuyện người ta có nhiều cách để sắp xếp "chữ" ra sao, khi nhận ra cấu trúc của "chữ" có nhiều hướng xoay chuyển thế nào, như một bộ đồ chơi lắp ráp, hay như khớp nối của một con búp bê.
"Chữ" và ý nghĩa của chữ thể hiện ngay từ những cái tên của mẹ con ta. Đến thời chúng con, người ta đã không còn quan niệm tên xấu thì dễ nuôi, vậy nên chúng con là những ánh sáng mặt trời và mặt trăng, là thảo mộc, là mây, là hoa,... là cái đẹp, và cái tốt.
"Chữ" trong Tiếng Việt là cái mình dùng để thương nhau, đôi khi là làm đau nhau. Và bấy nhiêu ngôn ngữ trên thế giới là bấy nhiêu tầng lớp dịu dàng cùng tổn vỡ. Mẹ nói, qua cảm nhận cá nhân, rằng tiếng Đức nghe nặng nặng cảm xúc, tiếng Pháp thì nhẹ nhẹ như làm thơ, tiếng Anh thì ngay cả khi không phải là chủ đích của người nói, vẫn có nét rành rọt rõ ràng. Và mẹ ơi, khi con ngẫm về việc mỗi vùng miền lại có ngữ âm, ngữ điệu riêng, dù cùng một thứ ngôn ngữ, lòng con gợn sóng lăn tăn. Suy rộng ra, chúng ta sẽ có hằng hà sa số "chữ". Con tin, đồng thời con cũng biết mẹ tin, là mẹ đã dạy con đủ nhiều về "chữ", không phải dùng để đánh ai đó bằng nó, mà là ve vuốt và nâng niu, và tôn vinh, đôi khi chính những con chữ, bằng "chữ".
"Chữ" mơn trớn con dịu dàng khi mẹ gọi con. Con không có tên yêu, vì ngày nhỏ con khước từ biệt danh "nhím" cả nhà đặt cho. Con không thích gai góc, con muốn làm "thỏ trắng", và mẹ đã chiều theo con. Mẹ gọi con như thế trong vài ngày, rồi hai mẹ con mình cùng quên phéng đi mất cái quy ước về tên gọi đó. "thỏ trắng" rốt cuộc bị triệt tiêu, và mẹ chỉ gọi con là "em bé", như hồi con mới còn ẵm ngửa, "em bé", hai chữ không biến mất, được phát âm tự nhiên bởi mẹ như một điều hiển nhiên. Mãi cho đến bây giờ, con vẫn là "em bé" qua môi mẹ. "em bé" trên những tấm hình mẹ đăng facebook, "em bé" khi đi ra ngoài với mẹ, "em bé" khi được mẹ ôm hôn, khi mới vài hôm trước phải nằm viện, cuộn người trong cái xoa tròn, ve vuốt đều đều từ tay mẹ, sung sướng như một con mèo lim dim mắt để tay ta cọ xát lớp lông của nó.
Từ "chữ" tủa ra thật nhiều khả năng. Vậy nên chữ "mẹ", cũng tủa ra thật nhiều, thật nhiều.
Người mớm cho con những "chữ" là mẹ, là anh, là bà, là bố, là cô dì chú bác, là gia đình, là bạn bè,... là những nguồn cảm hứng. Vậy nên con viết chữ thế này, là viết cho mẹ, cho mọi người, mọi vật, và cho con.
01:16
T2 24/04/2023ngay bây giờ con đang không ngủ, nằm gõ những chữ này trên điện thoại, và mẹ thì nhắm mắt nghỉ ngơi yên lành bên cạnh con. có một số đêm cũng hệt như hôm nay mẹ à, những đêm như vậy, con đều viết được ít nhất là cái gì đó, mẹ biết không.
BẠN ĐANG ĐỌC
những dòng viết cho mẹ
Aléatoirenếu không thể chỉnh sửa những dòng này thành một cái gì chỉn chu hơn, vậy thì cứ để nó vụn vặt như vậy, không khác gì mấy chiếc bánh quy mẹ mua cho con vào những ngày nhàn rỗi nắng lên