“Mắt Biếc” là truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dưới góc nhìn của Ngạn – chàng trai xuất thân từ ngôi làng Đo Đo nghèo khó và đem lòng yêu cô gái “Mắt Biếc” xinh đẹp của làng Đo Đo cả nửa đời người. Tiêu đề “Mắt Biếc” chỉ vẻn vẹn hai chữ nhưng đã mở ra rất nhiều cung bậc cảm xúc chỉ độc giả bởi ai cũng biết mắt biếc là một đôi mắt đẹp nhưng lại mang nét buồn. Tiêu đề ấy phần nào cũng gợi lên một cốt truyện có nội dung phảng phất nỗi buồn.“Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời
Thương thầm một nụ cười, cả một đời phiêu lãng”Câu thơ trên của nhà thơ Thục Linh có lẽ viết ra là dành cho Ngạn. Bởi vì say đắm trước vẻ đẹp của đôi mắt ấy, mà ngay từ nhỏ, Ngạn đã bất chấp mọi thứ để bảo vệ Hà Lan và làm Hà Lan vui lòng. Lớn lên, đi học, rồi ra trường trở thành thầy giáo, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, Ngạn vẫn không thể ngừng yêu đôi mắt ấy, người con gái ấy một cách đắm đuối đến nao lòng. Ngạn bộc bạch: “Đó là đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác. Và sau này cũng đôi mắt đó làm khổ tôi ghê gớm” .
Câu chuyện mở đầu với tuổi thơ của Ngạn, một cậu bé thuộc trường phái cổ điển và cô gái hơi hướng hiện đại - Hà Lan. Hai người như một đôi thanh mai trúc mã tưởng chừng rồi sẽ có kết quả tốt đẹp, ăm ắp, đủ đầy, chứa chan tình cảm. Bởi lẽ tình yêu đã nảy sinh dần dần trong Ngạn bắt nguồn từ tình bạn đẹp như mơ của Ngạn và Hà Lan. Thế nhưng không, đến khi lớn hơn một chút, cả hai cùng ra thành phố học tập, trong khi tấm lòng của Ngạn vẫn chỉ duy nhất hướng về Hà Lan, hướng về làng Đo Đo thì cô bạn lại không cưỡng lại được trước những cám dỗ của thành thị xa hoa.
Ngạn và Hà Lan bắt đầu có những đối lập trong suy nghĩ. Ở ngưỡng cửa của tuổi mới lớn, thế giới của cô bé lại là sự háo hức, tò mò về thành thị. Đôi chân của Hà Lan chạy theo những điều mới mẻ, đôi chân của Ngạn lại chậm rãi về với những điều xưa cũ. Thế giới trong Hà Lan là thành thị đầy màu sắc thì Ngạn lại là màn trời đầy sao của làng Đo Đo. Hà Lan muốn đến với sự ồn ào của thành thị, Ngạn lại bỏ quên hồn mình ở làng. Hà Lan khám phá ánh sáng của đô thị, Ngạn mơ màng ở đồi Sim. Thành phố đầy ánh điện, đầy hiện đại; làng Đo Đo nhỏ bé và yên bình. Cứ thế dần dần với những trái ngược kia, hai người cứ ngày một xa nhau, cảm giác như hai đường thẳng song song mà ngay từ điểm xuất phát đã trái ngược nhau. Có lẽ Ngạn đủ thông minh để biết con đường của Hà Lan mong muốn nhưng anh không thể khôn nguôi về những kỉ niệm ấy. Bởi lẽ khoảng thời gian gắn bó thời xưa ấy đã quá lâu để rồi hình thành một thói quen khó bỏ, Hà Lan trong Ngạn mãi là cô bé có đôi mắt đẹp thơ ngây, trong vắt như một tờ giấy đến nỗi anh quên mất rằng người anh yêu đến đau lòng đã thay đổi.
Khoảng cách địa lý đã xa, khoảng cách của tâm hồn lại càng xa hơn, khi Hà Lan phải lòng Dũng. Dũng mang hình thái phong trần, lịch lãm và mới mẻ, như một làn gió mới thổi qua đời Hà Lan. Hà Lan đã yêu Dũng bằng trái tim vô bờ của một người con gái. Dũng như đại diện cho thành thị, Ngạn đại diện cho cội nguồn quê hương. Dũng mang những bụi bặm của thành phố, của sự ồn ào nhộn nhịp, đó là những cái mà Hà Lan theo đuổi. Phải! Hà Lan đã chọn một gã thanh niên nhà giàu, sành điệu, giỏi võ nhưng lại thiếu đứng đắn, một kẻ chuộng tự do, luôn nuông chiều bản thân để gửi gắm tình cảm vào. Nhưng trái tim Ngạn vẫn không đổi thay.
Ngạn đau lòng, Ngạn xảy ra mâu thuẫn xung đột trong cảm xúc. Ngạn không muốn Hà Lan yêu Dũng, Ngạn cũng tự thú nhận với bản thân cảm thấy vui khi thấy Dũng rời bỏ Hà Lan để yêu một người con gái khác. Nhưng Ngạn lại muốn Hà Lan hạnh phúc, cả kể là hạnh phúc bên Dũng. Anh chấp nhận nghe những lời giải bày, tâm sự của người con gái anh yêu đang kể về một người đàn ông khác, anh tự nguyện là một điểm tựa để bất cứ khi nào cô tìm tới. Rồi Dũng lại quay lại với Hà Lan, trái tim Ngạn lại như có ai đó dùng dao rạch một nhát sâu, sâu tới mức không thở được. Và đỉnh điểm của nỗi đau chính là Hà Lan mang thai với Dũng, nhưng bị hắn ruồng bỏ. Cô đành gửi con về cho bà ngoại chăm sóc và đặt tên là Trà Long. Tuy hiểu rõ tình yêu của Ngạn dành cho mình, Hà Lan vẫn không đáp lại vì chỉ cô mới hiểu rõ suy nghĩ của bản thân nhất. Bản thân chúng ta cũng rất sợ khi có người đối xử quá tốt vì thực lòng mình không thể nghĩ ra được làm thế nào để trả ơn họ. Nếu Hà Lan lấy Ngạn thì sẽ càng độc ác vì vốn dĩ tình cảm của Hà Lan với Ngạn chỉ là sự cảm động, chỉ là người bạn tâm giao. Làm sao có thể chắc chắn Hà Lan lấy Ngạn về bi kịch sẽ giảm đi? Khi không hề có tình cảm lấy về chỉ làm khổ nhau mà thôi.
Dù bị Hà Lan từ chối nhưng Ngạn vẫn dành hết tình yêu của mình cho bé Trà Long. Ngạn chăm sóc và thương yêu Trà Long hết mình. Trà Long có gương mặt và đôi mắt biếc giống y hệt Hà Lan khi còn trẻ. Nhưng trái với mẹ mình, Trà Long một lòng hướng về quê nhà, tâm hồn cô sinh ra cũng dành cho làng Đo Đo, cô yêu quê, yêu những thứ giản dị, đời thường, y hệt Ngạn. Và Trà Long cũng yêu Ngạn! Còn Ngạn, Ngạn cũng có tình cảm với Trà Long.
Đọc đến đây, tôi cảm giác mình bị lạc vào chốn mê cung xa lạ nào đó của tình cảm, của yêu và thương. Rốt cuộc tôi vẫn không hiểu rõ tình cảm của Trà Long đối với Ngạn mang tên chi? Là yêu ư? Hay chính là thương, là kính trọng, quý mến? Và chính Ngạn đã xem Trà Long là gì ta cũng không rõ nữa. Là đứa cháu bé bỏng, hay là người yêu hay chỉ là người thế thân cho mối tình đầu của Ngạn mà anh mãi chẳng thể quên được? Hay chính là người sẽ tiếp tục vẽ tiếp cuộc đời dở dang của Ngạn?
Suốt bao nhiêu năm, Ngạn giận có giận, trách có trách nhưng chưa một lần nào anh hết thương Hà Lan. Cuối cùng Ngạn chọn ra đi, bỏ lại Trà Long và làng quê. Bỏ lại cả Hà Lan và đôi mắt biếc.
Một nỗi buồn chơi vơi, mơ hồ, sự thấu hiểu và cảm thông của người đọc với nỗi lòng của Ngạn. Cuộc đời của anh dành để yêu và ôm lấy nỗi đau. Đến cuối cùng cũng dốc hết lòng mà giữ trọn một nắm tình con dành cho Hà Lan, dành cho Mắt Biếc.
Ngạn chọn ra đi, có lẽ chính bởi vì sau anh đã hiểu, rốt cuộc rồi Trà Long cũng chỉ là cái bóng của Hà Lan và tình cảm của anh với Trà Long là không thể tiếp tục được. Anh quyết định giữ trọn hình ảnh Mắt Biếc đẹp nhất trong trái tim mình. Một kết thúc thật khắc khoải, đau đáu, chơi vơi và day dứt.
Đọc xong Mắt Biếc, đọng lại trong mỗi chúng ta không chỉ có nỗi buồn, sự nuối tiếc mà còn có cả những kỉ niệm ngọt ngào về những lần được người thương chăm sóc, quan tâm sau những trận đòn “vào sinh ra tử” để bảo vệ người mình yêu, những lần vào rừng Sim hái trâm, rồi cả những lần giành phần được đánh trống tan trường. Có lẽ rằng, chúng ta ít nhiều sẽ thấy mình xuất hiện trong những câu chuyện của Mắt Biếc dù chỉ qua những tình tiết rất nhỏ trong câu chuyện rất dài.
Mắt Biếc để lại quá nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho người đọc. Gập trang sách cuối cùng lại, sau cùng ta thấy Ngạn mới là người đau khổ nhất. Phải chăng đôi mắt Hà Lan buồn vì trong đó chưa hẳn là nó phản chiếu cuộc đời của cô, mà bởi nó phản chiếu cuộc đời của Ngạn. Đây thực sự là một cuốn sách rất đáng để các bạn đọc qua để biết thêm sự thật rằng cuộc sống không chỉ có màu hồng và thanh xuân là để hối tiếc.
BẠN ĐANG ĐỌC
Mắt Biếc
Ficción GeneralTác Giả: Nguyễn Nhật Ánh Nguồn: Internet Một câu chuyện kể về nhân vật Ngạn trong tác phẩm " Mắt Biếc". Ngôi làng Đo Đo là nơi mà Ngạn được sinh ra và lớn lên. Từ nhỏ Ngạn thầm yêu cô nàng cùng xóm cô tên là Hà Lan cô có đôi mắt tuyệt đẹp. Ngạn vẫn...