Đình Bắc đến với cuộc đời tôi vào năm tôi mười bốn tuổi, tựa như cơn gió mùa hè miên man, vấn vít mùi hương hoa cỏ. Một buổi trưa nắng cháy da thịt, ngồi dưới gốc cây bàng nhấm nháp cây kem trái cây mát lạnh sẽ khiến tôi nhớ về Bắc hơn bao giờ hết.
Bắc thường đứng đợi tôi ở gốc cây bàng ấy, cách trường tôi hơn trăm mét, cùng với một thứ quà vặt trên tay. Khi thì xoài, khi thì cóc, khi thì kem... Cho đến một lần tôi nói rằng kem trái cây là ngon nhất, từ đó về sau Bắc luôn mang thứ ấy bên mình để đón tôi tan học về.
Bắc bé hơn tuổi một tuổi, nhưng không được đi học. Hoàn cảnh gia đình của Bắc khá phức tạp, và không đủ điều kiện để Bắc được học hành tử tế. Để trang trải cuộc sống, Bắc làm thợ đụng.
"Thợ đụng là gì?"
"Là đụng gì làm đó."
Tôi nhớ mãi nụ cười tinh nghịch của Bắc lúc ấy, khi giải thích cho tôi nghe về cái nghề đã nuôi sống Bắc từng ấy năm.
Bắc nói nhờ duyên số mà nó mới có thể gặp được tôi, có tôi làm bạn. Gia đình tôi cũng khá giả, các anh chị của tôi đều học cao, đến lượt tôi cũng vậy. Mỗi ngày, tôi chỉ phải lo việc học, học làm sao để được trở thành tài. Thật ra tôi không thích học cho lắm, tôi thích vẽ tranh hơn. Nhưng nếu không học thì tôi chẳng thể làm gì khác, vì bố mẹ chưa bao giờ ủng hộ tôi theo nghề vẽ.
Một lần nọ, tôi đi học về thì gặp đám trẻ con chơi bóng, tôi cảm thấy rất thích nên xin vào chơi cùng. Chẳng may, tôi hăng quá đẩy ngã một đứa trong đội. Nếu không nhờ Bắc đứng ra thì có lẽ tôi đã bị đánh bầm dập. Chúng tôi quen biết nhau từ dạo đó. Đôi khi tôi thấy Bắc ngoài chợ, đôi khi lại thấy nó tha thẩn trên đồng. Đôi khi nó ở xưởng mộc, đôi khi ở mấy công trình xây dựng. Bất cứ việc gì người ta cần thuê mà Bắc có thể làm, Bắc chưa bao giờ từ chối.
Mười ba tuổi nhưng Bắc trải đời hơn tôi. Bắc rất hoạt bát nhưng không quá nghịch ngợm, bởi vì theo lời nó nói, trẻ con mà nghịch quá thì người lớn sẽ không thương, người lớn không thương thì không có cơm ăn. Với tôi, Bắc là một đứa trẻ mạnh mẽ và tràn đầy nhựa sống. Tuy rằng hiểu chuyện, nhưng Bắc vẫn luôn giữ được sự hồn nhiên đúng lứa tuổi. Bắc thường lang thang ngoài ruộng bắt ốc, dạo chơi bên bờ sông câu cá. Bắc trèo cây rất giỏi, mà chạy cũng rất nhanh. Bắc chỉ tôi chơi hết trò này đến trò khác, miễn là không ảnh hưởng đến mọi người, còn những trò nghịch ngây dại của trẻ con, Bắc đều dẫn tôi theo chơi cùng. Ở bên cạnh Bắc, tôi nhìn thấy một khía cạnh khác của mình, tôi được làm những điều mà trước đây tôi chưa từng thử. Bắc cũng ủng hộ tôi theo đuổi sở thích của mình. Nó biết tôi thích vẽ tranh, thường ngày vẫn hay lượm nhặt cái này cái kia về cho tôi làm mẫu vẽ.
Ngày sinh nhật tôi, bố mẹ mời rất nhiều bạn bè, tôi háo hức rủ Bắc, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy nó đâu. Sau buổi tất bật tiếp khách trong nhà, tôi mới được phép ra ngoài khi mọi người đã về hết. Tiệc tàn, nhưng đối với tôi khi ấy, Bắc không đến nghĩa là chẳng có buổi tiệc nào diễn ra. Ngày hôm sau Bắc vẫn đợi tôi trên đường đi học về. Tôi giận lắm, đi một mạch không thèm ngoái lại nhìn. Khi về đến nhà, tôi vô tình xem được đoạn video trích xuất từ camera vào buổi tối hôm sinh nhật tôi. Bắc đứng ở cổng, trên tay cầm một bó hoa sen được gói vụng về. Nó đứng suốt hai tiếng đồng hồ nhưng không có ai ra mở cửa cho nó cả. Thì ra là như vậy.
Bố mẹ tôi cứ luôn nói về việc không muốn tôi chơi cùng Bắc, một đứa trẻ có gia cảnh lộn xộn, không được đi học và đã từng suýt bị bắt vào trại giáo dưỡng. Đã vậy, còn thêm chuyện bố mẹ phát hiện tôi trốn học để đi tập vẽ, họ nghĩ rằng do Bắc đã xúi tôi làm trái ý bố mẹ. Tôi phản kháng rất quyết liệt. Bố mẹ tôi giận tím người, suốt mười mấy năm cuộc đời, đây lần đầu tiên tôi dám chống đối bố mẹ.
"Bắc có giận không?"
"Bắc chưa bao giờ giận Khang."
Chúng tôi ngồi cạnh nhau vào buổi trưa hè, sau khi tôi cãi nhau với bố mẹ và chạy ra khỏi nhà. Bắc vẫn khuyên tôi quay về xin lỗi bố mẹ, Bắc nói rằng nó vẫn luôn ở đây, chẳng đi đâu cả, và nó cũng có thể trèo tường để gặp tôi nếu cần có mẫu vẽ.
Mùa hè lại đến, suốt ba tháng tôi không cần đến trường, bố mẹ mời giáo viên đến dạy kèm, không cho tôi ra khỏi nhà. Quả thật là Bắc đã phải trèo tường để đem cho tôi mấy que kem trái cây và một số họa cụ mà tôi cần. Cứ mỗi buổi trưa, tôi sẽ nghe thấy tiếng huýt sáo líu lo và đôi tai vểnh vểnh của Bắc lấp ló sau hàng rào hoa giấy.
Năm tôi mười tám tuổi, sắp sửa thi đại học, Bắc vẫn ở bên cạnh động viên tinh thần tôi. Lúc này Bắc đã có công việc ổn định ở xưởng mộc, ông chủ cũng là thầy nó. Vì ông chủ không có con cái nên coi Bắc như con trai, vừa dạy dỗ vừa yêu thương hết mực. Bắc thương ông chủ lắm, nó vừa tâm sự với tôi mà vừa lau nước mắt. Bắc nói có lẽ ông trời đã nghe thấy nó cầu xin mới ban cho nó một người cha nuôi như vậy.
"Bắc thấy vui lắm, ít ra mình cũng có gia đình. Đợi thêm ít nữa, Bắc để dành kha khá, rồi chờ Khang học xong, mình sẽ mở một phòng tranh cho Khang..."
Bắc chỉ nói lấp lửng như vậy, ánh mắt hướng về phía hàng rào hoa giấy nhà tôi.
Khi tôi nhận giấy báo trúng tuyển của trường đại học cũng là lúc bão táp một lần nữa ập đến cuộc đời Bắc. Ông chủ xưởng mộc bạo bệnh qua đời, mấy người họ hàng của ông nói Bắc hại ông để lấy xưởng, làm khó dễ đủ điều khiến nó uất ức quá mà bỏ xứ đi biền biệt. Ngày cuối cùng bên cạnh tôi, Bắc chỉ lặp đi lặp lại một câu duy nhất.
"Bắc thương Khang, nhưng chắc là chưa đủ, Bắc có thể cùng với Khang làm những điều Khang chưa từng làm, nhưng không phải là người dám cùng Khang đi tiếp."
Dù tôi nghĩ đủ mọi cách để thuyết phục Bắc cùng tôi lên thành phố lập nghiệp, nhưng Bắc vẫn thẫn thờ ngồi đó. Ánh mắt nó vô hồn, không còn bừng sáng như những năm tháng ngày xưa. Giây phút ấy, tôi biết bản thân sắp phải trải qua thứ cảm xúc đau khổ gọi là chia ly.
Bắc đi không trở lại, mang theo cả những tâm tình tuổi thiếu niên của tôi và biến mất cùng với mùa hè bất tận.