Mặt Trời Nơi Biên Giới (1)

503 26 14
                                    

Rạng sáng mùa hè tháng sáu năm 1950, Quân đội Nhân dân Bắc Triều Tiên dưới sự hậu thuẫn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Soviet đã vượt qua vĩ tuyến thứ 38 và chính thức tấn công Nam Triều Tiên, sau khi cuộc đàm phán thống nhất thất bại. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án hành vi xâm lược của Bắc Triều Tiên, đã cho phép thành lập Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc, và gửi lực lượng sang Nam Triều Tiên hỗ trợ đẩy lùi đường tiến công của Bắc Triều. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng chiến tranh, Lực lượng vũ trang Hàn Quốc cùng với quân đội gấp rút từ Mỹ đang trên bờ vực bị đánh bại, và phải rút về vành đai phòng tuyến Pusan.

Ki-myung sẽ không bao giờ có thể quên được mùa hè năm ấy.

Mùa đông năm 1949, Ki-myung tròn mười tám tuổi. Nhà anh là một gia đình có truyền thống quân đội, người cha quá cố của anh cũng là một sĩ quan. Ngay từ khi còn nhỏ Ki-myung đã được định sẵn là sẽ tiếp bước cha mình, nhập ngũ và trở thành một quân nhân.

Nhưng Ki-myung lại không thích như thế.

Anh thích cầm cuốc hơn cầm súng, và cái ý tưởng phải đặt dấu chấm hết cho sinh mệnh của người khác bằng nó làm anh thấy ớn lạnh. Ki-myung không cảm thấy khoái lạc gì khi phải dấn thân vào những cuộc chiến đẫm máu và nước mắt. Anh chỉ thích một cuộc sống yên bình, không có dấu vết của chiến tranh, dù cho có phải làm nông cả đời cũng được. Và nếu như anh may mắn, có thể sẽ còn kiếm được một cô vợ, sau đó sinh hai đứa con, nuôi dạy chúng trưởng thành. Cuộc đời như thế là quá hoàn mỹ, anh không còn cầu mong gì nhiều hơn nữa.

Nhưng hiện thực như một cái tát vả thẳng vào mặt anh. Mâu thuẫn chính trị dẫn đến một cuộc chiến tranh không biết bao giờ mới kết thúc. Là con trai của một gia đình quân nhân, việc cầm súng là không thể nào tránh khỏi đối với anh. Mùa hè năm 1950, khi mâu thuẫn giữa Nam Bắc Triều lên đến đỉnh điểm, Ki-myung lên đường nhập ngũ.

Cuộc sống trong quân ngũ thời chiến khác hoàn toàn với những ngày tháng còn ở quê nhà. Ngoại trừ những thói quen sinh hoạt khác biệt - cái này thì Ki-myung có thể tập làm quen, còn có những nỗi sợ dai dẳng khác kéo theo. Một trong số chúng xuất hiện ở những đêm họ phải lội qua bùn lầy, cho đến tận bây giờ Ki-myung vẫn chưa thể nào quên được cảm giác nhớp nháp đến rợn người đó trên từng thớ da thịt. Nhưng đó vẫn chưa phải là những điều tệ nhất. Cơn ác mộng thật sự bắt đầu khi một trong số những người lính bị nhiễm bệnh. Trình độ y học thời bấy giờ vẫn còn chưa tiên tiến, ngay cả ở thời bình số người chết vì bệnh dịch đã không thể nào đếm được, đừng nói đến những ngày chiến đấu. Khi một người bị bệnh, cả tiểu đội đều nơm nớp lo sợ. Sợ rằng người tiếp theo bị lây nhiễm sẽ là mình. Biết là vậy, nhưng ngoài cắn răng và chấp nhận trò may rủi của số phận, họ còn có thể làm gì nữa đâu. Họ không có quyền lựa chọn những căn phòng được cách ly an toàn, bởi vì làm gì có thứ đó ở nơi mà họ có thể chết vì bom đạn bất cứ lúc nào chứ.

Ki-myung vẫn còn nhớ rõ một đêm tháng sáu, chỉ ba ngày sau chiến dịch Pokpung (*), lúc đó anh đóng quân ở Seoul. Để ngăn chặn quân đội Bắc Triều Tiên, lực lượng vũ trang Hàn Quốc đã phá nổ cầu Hangang bắt ngang sông Hàn, trong lúc bốn nghìn dân tị nạn đang băng qua đó, làm hơn hàng trăm người thiệt mạng. Xung quanh anh là một màu đỏ rực của biển lửa và máu tươi. Các đồng đội chiến đấu ở phía bắc cây cầu cũng bị kẹt lại. Đó có thể là những người hoàn toàn xa lạ, cũng có thể là những gương mặt anh vừa mới quen. Nhưng mặc kệ anh có quen biết những con người đó hay không, anh vẫn có thể nghe được tiếng thét gào trong tuyệt vọng khi cây cầu sụp đổ. Mãi cho đến bây giờ, gương mặt đẫm nước mắt của những người lính kẹt lại nơi phía bên kia cây cầu vẫn hiện lên rõ nét trong cuộn băng ký ức của anh. Anh không biết kết cục của họ như thế nào, anh chỉ hiểu rằng mình có thể sẽ không bao giờ gặp lại họ được nữa.

[Samuel x Jake] [SamJake] [Lookism] Mặt trời nơi biên giớiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ