Oneshot

19 3 0
                                    

Cha tôi, ông thích trồng lan.

Nhà có bao nhiêu là giò lan quý, tôi chẳng thuộc hết tên. Vậy mà cha tôi vẫn phải có thêm - mỗi năm ông lại ngược xuôi bao nhiêu tỉnh miền để xem hoa. Ông lãnh đạm với con người, kể cả em tôi luôn được ông cưng nựng bế bồng có lẽ cũng không được lòng ông bằng mấy cây lan. Chúng tôi, những đứa con ông, đều hiểu cho cái sự say mê và lánh đời kì lạ ấy của cha. Có lẽ bởi vì chính chúng tôi cũng mang họ Sakusa. Em gái tôi chỉ thích chơi đàn và đọc sách, còn tôi ngoài tham gia thể thao thời đi học cũng không thiết tha gì các việc giao tiếp xã hội. Mẹ chúng tôi mất khi cha mới chỉ ngoài ba mươi. Tình yêu con người với ông chấm dứt kể từ ngày đó.

Sau đó, chỉ còn những cây lan ở lại.

Cha tôi, ông thích trồng lan. Nhất là địa lan. Thanh ngọc, bạch ngọc thì vô vàn, trên sân thượng nhà chúng tôi không bao giờ thiếu. Thanh ngọc cánh hoa thuôn nhọn như những lưỡi kiếm, lá xanh mỡ màng. Bạch ngọc thì mềm mại, yểu điệu, cánh hoa cúp vào. Nhưng nói đến lan thì phải là cái mùi hương của nó. Lan của cha tôi thơm đến ngất ngây. Mỗi dịp đầu năm chúng tôi đến thăm ông, từ cửa ngõ đã thấy mùi thơm vấn vít ở trong khói sớm.

Trong các loại địa lan, cha tôi yêu nhất phải là lan đại mặc. Hiếm hơn, vì quý, nhưng ông cũng có mấy giò lan vua. Chúng đẹp thật oai nghiêm, huyền bí, những cánh hoa đen nhiễm sắc đỏ, phần nhuỵ vươn ra khiêu khích. Về mùi hương thì không bằng cây ngọc lan, nhưng dáng cây thẳng thớm thật tuyệt vời. Em tôi từng chun mũi nói rằng nó không thơm, và cha tôi chỉ mỉm cười. Ôi cái lũ trẻ dại chúng tôi. Có biết đâu người ta yêu lan đại mặc vì mùi thơm không nồng nặc mà lan tỏa trong gió, thứ hương kiêu sa, ý vị...

Cha tôi còn tỉ mẩn đến độ là lấy nước trà lau lá cho cây. Gần hai mươi giò lan, cứ độ đầu tháng cha tôi lại ngồi lau từng cái lá lan xanh. Tôi nhớ mãi cái kí ức hồi tôi mới chỉ bảy tuổi, hỏi ông sao không uống trà mà lại đổ vào lan như thế, thật phí phạm.

"Cha mời lan thưởng trà." Ông hôn lên tóc tôi và nói. Cha vẫn thường hôn chúng tôi như thế. Đó là một cử chỉ không thường thấy mà một người cha Á Đông dành cho đứa con trai, nhưng sự dịu dàng ấy được khơi gợi trong cha tôi một cách rất tự nhiên. Cha mẹ ông, tức là ông bà nội tôi, đều đã ngoại ngũ tuần khi ông ra đời. Với họ ông giống như là cháu hơn là con. Ông chuyển lại cái sự nuông chiều ấy cho chúng tôi. Với con, ông cũng đã cố gắng hết sức. Dẫu nhiều lúc tôi cũng phải tủi thân, hậm hực vì ông đi họp phụ huynh một mình, nhưng sau cùng, tôi hiểu cho ông. Và khi chúng tôi lớn lên, ra đi, có những đứa con riêng, cha tự tìm thú vui mới như vậy.

"Cha, cha cứ sống thui thủi hoài vậy không buồn hay sao?" Cô út ôm cổ ông, nũng nịu như khi còn mới lớn. "Giờ tụi con lớn cả rồi, cha cũng nên có người bầu bạn."

Nhưng cha tôi đâu có phải người dễ tính. Có lẽ mẹ tôi cũng phải vất vả lắm mới chiều được theo ông. Dịu dàng đấy, yêu chiều đấy, nhưng cũng kĩ lưỡng vô cùng. Nhà là phải sạch như li như lau; cái gì không đúng ý, ông nói ngay. Nói mà còn khó chịu ra mặt. Giờ đây, đã lớn tuổi rồi, khó ai theo kịp. Cô út tôi biết thế nhưng cứ trêu cha.

"Cha có bạn mà." Cha tôi nói ơ hờ, gạt thuốc vào cái gạt tàn. "Đã tuổi này, cha không muốn phiền đến ai." Hai nốt ruồi song song trên trán, sống mũi cao thẳng, ông có cái vẻ thanh sạch không sao chép được. Khuôn mặt người, dẫu đã mang vết chân chim, vẫn còn phảng phất vẻ đẹp thuở thiếu thời.

You've reached the end of published parts.

⏰ Last updated: May 05 ⏰

Add this story to your Library to get notified about new parts!

[SakuAtsu] Sống với nhớ thươngWhere stories live. Discover now