3. [NLVH] Phân tích đoạn thơ thứ 3 tác phẩm Vội vàng (2/2)

2 0 0
                                    

Nhưng Xuân Diệu không như thế. Nhà thơ muốn ôm hết tất cả xuân sắc vào lòng, muốn đóng băng thời gian để giành giật từng sức trẻ.

"Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,"

Xuân Diệu oán hận sự hữu hạn của cái đẹp đương thì trước sự vô hạn của thời gian trường tồn. Dòng chảy vô tình của nó đã đem đi thời trẻ của vạn vật trên đời. Khi mà tâm hồn vẫn muốn hòa ca cùng tuổi trẻ nhưng tháng năm ấy cứ vơi dần theo thời gian chật chội. Để rồi nhiệt huyết sôi trào cũng đành bất lực trước quy luật của nhân gian.

"Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!"

Nhưng, đông qua xuân đến vốn là quy luật tuần hoàn của bốn mùa trong năm. Mùa xuân vẫn sẽ trở lại vào một thời gian khác. Tuy nhiên, nó vốn không còn là mùa xuân năm cũ. Hoa nở rồi hoa tàn, hoa tàn rồi lại nở. Nhưng, đóa hoa ấy không còn là đóa hoa rực rỡ lúc ban đầu. Mùa xuân cũng thế, tình yêu cũng thế và tuổi trẻ cũng như thế. Và vì thế, tuổi trẻ đang rạo rực trong tâm hồn nhà thơ sẽ chẳng bao giờ "thắm lại" lần hai. Xuân Diệu dùng cụm từ "nói làm chi", một cụm từ khiến tâm hồn ta thổn thức vì sự mất mát ấy.

"Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;"

Như hai câu thơ trên đã đề cập đến, "tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại" vì thế nên "còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi". Thời gian là vô hạn, nó vẫn tiếp tục trôi qua theo quy luật bất biến vĩnh hằng. Và vì thế, người thi sĩ "bâng khuâng" thương tiếc cho tất cả vẻ đẹp hiện tại.

"Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt..."

Đứng trước mùa xuân tràn ngập sức sống ấy, Xuân Diệu căng lồng ngực mình ra, hít trọn hơi thở nàng xuân, nếm thử cái mùi đang "rớm vị chia phôi" mà ông hằng tiếc nuối và trân trọng. Trong cùng một câu thơ nhưng Xuân Diệu đã vận dụng cả ba giác quan của mình là khứu giác (mùi), thị giác (rớm) và vị giác (vị chia phôi). Điều đó cho thấy tình yêu dạt dào của nhà thơ đối với thiên nhiên. Ông trân trọng từng khoảnh khắc tươi đẹp ấy, cảm nhận nó bằng cả thân thể mình như muốn hòa nhập bản thân vào đất trời.

"Con gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa..."

-

*Truy cập link để đọc FULL TẤT CẢ bài viết phân tích của Thích Vị: https://joyme.io/@thichvinhimgai/nhim-van-chuong-14006

Tất cả bài viết đều thuộc bản quyền của Thích Vị, được chia sẻ với các bạn yêu văn và dùng để tham khảo học văn.

‼ Vui lòng không reup với bất kỳ mục đích thương mại nào.

-

Và cùng với tâm trạng của nhà thơ, cảnh sắc thiên nhiên dường như cũng đang cảm nhận được thời gian dần trôi. "Con gió xinh" như một nàng thiếu nữ duyên dáng yêu kiều khẽ "thì thào trong lá biếc". Chẳng ai biết nàng đang nói gì, là một câu chào hay một lời từ giã hoặc có lẽ là cả hai? Nhà thơ Xuân Diệu sử dụng nghệ thuật nhân hóa thiên nhiên như chính tiếng lòng của ông. Vạn vật như "gió", "chim' đều vì sự phai tàn phía trước mà dần trở nên buồn bã, "đứt tiếng reo thi". Đó chính là những điều mãi khắc khoải trong tâm hồn người thi sĩ. Hai câu hỏi tu từ "Phải chăng...?" trong bài thơ càng thể hiện nỗi hoang mang vô tận. Và rồi, đoạn thơ kết thúc bằng một câu thơ đầy ngập ngừng "Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...". Câu thơ cuối được ngắt đoạn bằng dấu chấm than, có thêm từ cảm thán như "ôi", "nữa" và kết bằng một dấu ba chấm bỏ lửng. Đó là sự bất lực của con người, lời thảng thốt làm cho người ta xuýt xoa tiếc hận bởi thời gian, mùa xuân và tuổi trẻ sẽ "chẳng bao giờ" đẹp như bây giờ.

Cả đoạn thơ thể hiện rõ về quan niệm sống và yêu của Xuân Diệu. Đó là phong cách cá nhân của ông, là cách mà ông trân trọng thiên nhiên và tuổi trẻ, thể hiện rõ một tình yêu đầy khát khao và mãnh liệt. Đối với Xuân Diệu, những khoảnh khắc đẹp nhất đều là lời dự báo cho một tương lai sớm nở tối tàn. Ông yêu nó, yêu thiên nhiên, yêu tuổi trẻ của mình trong điên cuồng và tiếc hận. Dường như "yêu" và "tiếc" luôn là hai trạng thái tồn tại song song và cũng đầy mâu thuẫn trong lòng ông. Để rồi, nhà thơ dựa vào thi ca, vào thế giới tươi đẹp ảo mộng do mình xây dựng nên để gìn giữ vẻ đẹp ấy, trở thành một hình ảnh của sự duy mỹ đương thời.

Ở phần lời tựa của tập "Thơ thơ", Thế Lữ từng viết: "Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian." Trong những nhà thơ mới lãng mạn đương thời, nếu Thế Lữ muốn hóa thành con hổ (Con hổ trong vườn bách thú), Tản Đà muốn lên tiên (Hầu trời) thì Xuân Diệu chỉ muốn làm một con người luân lạc giữa trần ai. Thơ ông mang đậm hơi thở của trần thế, tràn ngập tình yêu, khát vọng mãnh liệt đối với cuộc đời. Từ đó làm nên một Xuân Diệu đầy tài hoa như thế.

Viết bởi Thích Vị - Nhím Văn Chương

-

*Truy cập link để đọc FULL TẤT CẢ bài viết phân tích của Thích Vị: https://joyme.io/@thichvinhimgai/nhim-van-chuong-14006

Tất cả bài viết đều thuộc bản quyền của Thích Vị, được chia sẻ với các bạn yêu văn và dùng để tham khảo học văn.

‼ Vui lòng không reup với bất kỳ mục đích thương mại nào.

Nhím Văn Chương: Tổng Hợp Bài Viết Phân Tích Văn Học - Viết bởi: Thích VịNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ