Nghệ thuật tiểu thuyết là cuốn tiểu luận thứ hai của Milan Kundera được Nhã Nam phát hành trong năm nay, sau Những di chúc bị phản bội.
Cuốn sách dày 231 trang, gồm 7 phần: Di sản bị mất của Cervantes; Trò chuyện về nghệ thuật tiểu thuyết; Ghi chép nảy sinh từ "những kẻ mộng du"; Trò chuyện về nghệ thuật kết cấu; Đâu đó ở phía sau kia; Bảy mươi hai từ và Diễn văn Jérusalem: tiểu thuyết và châu Âu.
Qua 7 chương sách với những nội dung riêng biệt được kết nối trong cùng một tiểu luận, Milan Kundera đưa ra quan niệm của cá nhân về tiểu thuyết châu Âu và lịch sử của nó.
Một số chương là cuộc trò chuyện giữa Kundera và Christian Salmon về những thói quen viết lách và các tác phẩm của nhà văn. Một số chương khác được ông dành để suy ngẫm về các tiểu thuyết gia hiện đại như Hermann Broch và Franz Kafka cùng những giá trị mà họ mang lại cho lịch sử tiểu thuyết.
Ngay từ trang đầu tiên, Milan Kundera nhấn mạnh tinh thần của cuốn sách: "Tôi không hề có tham vọng nào về lý thuyết và rằng toàn bộ cuốn sách này chỉ là tâm sự của một người thực hành?
Tác phẩm của mỗi nhà tiểu thuyết đều chứa đựng một cách nhìn ẩn ngầm về lịch sử tiểu thuyết, một ý tưởng về thế nào là tiểu thuyết; ở đây tôi muốn trình bày chính cái ý tưởng đó, gắn liền với các tiểu thuyết của tôi"
Sớm nổi tiếng với các bài thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Séc, nhưng ông đã chuyển hẳn sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1995. Ngoài 14 cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, ông còn viết kịch, phê bình và tiểu luận, với 4 tập tiểu luận về văn học viết trực tiếp bằng tiếng Pháp.
Một số tác phẩm của ông được xuất bản bằng tiếng Việt: Cuộc sống không ở đây; Những mối tình nực cười; Điệu van giã từ; Đời nhẹ khôn kham; Sự bất tử; Chậm; Căn cước; Vô tri; Lễ hội của vô nghĩa...
oOo
Sứ mệnh của tiểu thuyết
Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình "tinh thần của phức tạp", "hiền minh của hoài nghi", nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu "không phải hiện thực mà hiện sinh", nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người...
Nếu tin theo các nhà phê bình, sản phẩm nghệ thuật hiện đại được chia thành văn hoá đại chúng, những ốc đảo nhỏ của chủ nghĩa truyền thống đã già cũ không thể nào cưỡng lại được và chủ nghĩa hậu hiện đại. Đối với phần đông các tác giả, cái sau cùng là câu trả lời tương xứng cho các yêu cầu của thời gian, là sự phản ánh chính bản chất của thời đại chúng ta đang sống qua. Nếu khoảng hai mươi năm trước người ta không ngớt tranh luận về đề tài "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì", thì bây giờ trong tất cả các ấn phẩm có liên quan đến văn học, tại tất cả các hội nghị khoa học, mọi câu chuyện lại xoay quanh chủ nghĩa hậu hiện đại là gì. Trong khi đó văn học và tư tưởng mỹ học vận động lên trước không chỉ theo đường ray của những quan niệm phổ quát được thừa nhận rộng rãi (tính cho đến thời điểm này). Một trong những hiện tượng độc đáo đáng được chú ý hết sức nghiêm túc trong văn học châu Âu hiện đại, có thể nói một cách chắc chắn, đó là các tiểu thuyết và tiểu luận về tiểu thuyết của Milan Kundera.
Thực tế là tất cả những gì ông viết ra, kể từ những tập thơ đầu tiên xuất bản vào những năm 50, đều thu hút sự chú ý của độc giả và làm dấy lên những cuộc tranh cãi phê bình, mặc dù nhìn chung thơ của ông, cũng như vở kịch "Người giữ nguồn nước" (1962) từng gây tiếng vang, vẫn nằm trong khuôn khổ những quan niệm vốn có hồi ấy về văn học xã hội chủ nghĩa, còn những xung đột tình yêu từng được coi là mạnh bạo trong tập thơ "Độc thoại" (1957) đến hôm nay cảm thấy là thường. Nhưng tận trong tính cách và tài năng của Kundera ngay từ đầu đã có tính phi chuẩn mực, tính luận chiến, chúng sẽ được bộc lộ đầy đủ trong văn xuôi và các bài luận lý thuyết của ông.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Knowledge] Văn Học Phương Tây
LosoweVăn học phương Tây là văn học được viết trong bối cảnh văn hoá phương Tây trong các ngôn ngữ châu Âu, bao gồm những ngôn ngữ thuộc họ ngôn ngữ Ấn-Âu cũng như một số liên quan đến địa lý hoặc lịch sử các ngôn ngữ như Basque và Hungarian. Văn học phươ...