*Đây là cái warning to đùng ngã ngửa về việc nhân vật trong truyện phạm pháp và chống đối chính quyền*
河 (hà): dòng sông, nhưng mà là dòng sông nhỏ hơn 江 (giang), nghĩa là sông cả. Ở đây mình xin phép gọi con sông nhỏ bằng một từ khác mặc dù không đúng nghĩa, là dòng suối.
Đi về hướng cực tây của đất nước, chào đón ta là những dãy núi trùng điệp chạy dọc hướng tây bắc- đông nam. Tọa lạc trên dãy núi ấy, là huyện xa nhất của tỉnh nọ. Nhưng từ phố huyện, ta còn phải đi thêm gần trăm cây số nữa mới đến xã vùng ven biên giới. Cả xã là một bản người thuộc dân tộc thiểu số biên giới phía bắc, hẻo lánh và thiếu thốn đủ điều. Mỗi nhà tách biệt nhau trên những sườn dốc thấp thoai thoải, có nhà thì ở riêng nguyên một quả đồi. Vì vậy, tuy địa bàn rộng nhưng tính theo hộ gia đình thì nơi đây chẳng nổi hai chục mái nhà. Tú sống ở đó cùng mẹ. Nó tập đi giữa vách núi đá vun vút cheo leo, chơi trong khu rừng nguyên sinh lắm nơi chưa có nổi vết chân người, lớn lên nhờ đồng lúa, đồng ngô vàng rực và uống nước của con sông nhỏ len lỏi qua những ngọn đồi. Mà ở đây có ai không lớn lên nhờ nguồn nước ấy.
Dòng suối nhỏ bắt nguồn từ ngọn núi cao nhất. Nó uốn lượn mềm mại qua khe đá, qua những nương sắn, nương ngô. Nước đi qua đá tạo nên những tiếng rì rầm như muốn chào tạm biệt núi rừng, trước khi hoàn thành hành trình dài của nó xuống đồng bằng và hòa vào sông cả. Suy cho cùng, cũng chỉ mình suối mới có khả năng di chuyển khỏi khu rừng. Cô giáo dạy Tú rằng, những dòng suối nhỏ sẽ đổ vào con sông lớn, những con sông lớn sẽ đổ ra biển. Và chúng sẽ tự do dạo chơi khắp thế giới. Trong cả cuộc đời Tú và có thể là tất cả những đứa trẻ ở đây, quãng đường xa nhất mà chúng đi trong đời là đường đi học. Nó chỉ biết về thế giới sau những ngọn núi cao cao kia qua lời kể của cô giáo.
Cô giáo người Kinh như một vị thần trong mắt lũ trẻ. Cô có thể trả lời tất cả câu hỏi mà bố mẹ của chúng không biết. Cô có nhiều đồ rất đẹp mà lũ trẻ chưa được nhìn thấy bao giờ. Và đặc biệt khi đến trường với các cô, Tú chưa bao giờ đói. Các cô thường bảo phải học giỏi để có thể như dòng nước nhỏ phiêu lưu khắp thế giới. Mà muốn học giỏi thì phải lớn nhanh, để lớn nhanh thì phải no bụng. Khi những đứa trẻ đến trường, người ở nhà lại bớt được mấy miệng ăn trưa nên hầu như trẻ con đến tuổi đều theo chân anh chị đến trường. Hầu như là vậy.
Trong bản, đứa trẻ duy nhất không đến trường là anh Hàn. Anh hơn Tú ba tuổi nhưng lại không biết đọc biết viết. Nhà anh Hàn là nhà gần với Tú nhất, thành ra anh cũng là người thân với nó nhất. Và cũng là người con trai đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời nó. Từ lúc có nhận thức, nó đã biết cả nhà nó và anh Hàn đều thiếu một người, chẳng giống như bạn bè xung quanh. Vì không có người đàn ông trong nhà nên việc đồng áng cũng kém hơn những nhà cùng bản. Có người bảo bố Tú và bố Hàn bỏ đi sang biên giới, có người bảo cả hai bị người Kinh bắt đi rồi. Tú chẳng quan tâm lắm vì dù sao nó vẫn còn có mẹ. Nhưng anh Hàn lại không may mắn như vậy. Mẹ anh Hàn ốm yếu quanh năm, kể cả có tiền lấy thuốc cũng chẳng khiến bà bật ra khỏi giường trèo nương lội suối được. Vì vậy, thu nhập và lương thực của cả nhà dần nhờ hết cả vào anh Hàn. Đường đến trường của Tú xa lắm, sáng nào cũng phải dậy từ lúc gà chưa gáy mà anh Hàn lên nương còn phải đi sớm hơn cả nó. Nhưng bọn trẻ đến trường ngưỡng mộ anh Hàn lắm, vì những hôm chợ phiên anh có thể theo đàn ông trong bản xuống huyện buôn bán, được nhìn thấy cuộc sống đằng sau dãy núi chót vót- thứ mà lũ trẻ ai cũng chỉ được nghe kể.
BẠN ĐANG ĐỌC
/yoonhong/ gió cuốn theo chiều xuống
ФанфикKhi dòng suối nhỏ ngưng chảy. Khi gió ngưng thổi, khi đất thôi rầm rì. Khi khu rừng không còn giấu nổi em và người nữa